Trong Pháp hội Dược Sư truyền thống lần thứ XV tại chùa Bằng diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 5/12/2020, các Phật tử đã vân tập về đàn tràng trang nghiêm nơi chùa Bằng, tinh tấn tu tập theo chương trình của Pháp hội với 3 thời khóa tụng kinh hàng ngày do Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng bản tự làm chủ lễ, và lắng nghe một thời pháp thoại vào các buổi sáng do chư Tôn đức Tăng Ni giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc thuyết giảng.
Sáng ngày 3/12/2020 – cũng là ngày tu tập thứ năm của Pháp hội, đại chúng về tham dự Pháp hội đã được lắng nghe Đại đức Thích Tục Kha chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề “ Hạnh Bố Thí Ba La Mật”.
Mở đầu bài giảng, Đại đức đã giải thích cho đại chúng hiểu rõ: Bố thí theo tiếng Phạn là Dana có nghĩa là cho, tặng, biếu, cúng dàng…nghĩa là giúp đỡ những người khác để mang lại sự an vui. Ba La Mật tiếng Phạn là Pàramità theo Trung Hoa gọi “Ba La Mật Đa”, tiếng việt dịch là “Đáo bỉ ngạn” hay là sự cứu kính, có nghĩa đến bờ kia là bến bờ giải thoát an vui. Bố thí Ba La Mật mang ý nghĩa giúp người cho và người nhận bố thí được đến bến bờ an vui, hạnh phúc và giải thoát. Cũng là một trong sáu pháp Ba La Mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.
Bố thí Ba La Mật được chia thành 2 phần gồm: phẩm vật bố thí và đối tượng bố thí. Trong đó, phẩm vật bố thí được chia thành 3 loại: tài thí, pháp thí, vô úy thí.
Đặc biệt, Đại đức giảng sư chia sẻ: Trong kinh Ưu Bà Tắc giới có đề cập đến bát phúc điền – có nghĩa là ruộng phúc, chia thành ba loại gồm: Kính điền, ân điền và bi điền. Trong Kinh Phạm Võng cũng có đề cập đến 8 ruộng phúc: làm đường, đào giếng, bắc cầu, cúng dàng cha và mẹ, cúng dàng Phật – Pháp – Tăng, bố thí người bệnh, giúp đỡ người nghèo và khó khăn, vô già là giúp đỡ không quan trọng người giàu hay nghèo và cúng cho chúng sinh cô hồn được thoát khỏi ngã ác sinh về cõi thiện.
Vậy bố thí làm sao thì mới đúng chính pháp? Đại đức giảng sư nhấn mạnh rằng “Bố thí theo tinh thần thông thường là khi chúng ta cho đi, sẽ bớt đi sự tham ái và ích kỉ trong tâm hồn, từ đó có thể tránh được những quả xấu và được phúc ở đời sau. Theo tinh thần Bồ tát, bố thí là từ bi, trí tuệ và tam luân không tịch. Bố thí theo tinh thần Từ bi là dùng chất liệu tình thương để không rơi vào danh vọng. Bố thí theo tinh thần Trí tuệ gồm khế lý và khế cơ. Khế lý chính là chúng ta đem những vật phẩm mang lại hạnh phúc và an lạc cho chúng sinh trong hiện tại và tương lai, không nên bố thí những vật phẩm mang lại khổ đau cho chúng sinh ở hiện tại và tương lai. Còn khế cơ là chúng ta giúp đỡ những gì mà người khác đang cần. Điều cuối cùng, bố thí theo tinh thần tam luân không tịch là chúng ta không chấp vào mình là người ban ơn, không chấp vào vật bố thí và không chấp vào vật được bố thí.
Bố thí Ba La Mật theo Kinh Tăng Chi sẽ giúp con người được 5 lợi ích: nhiều người ái mộ, ưa thích, bậc thiện nhân thân cận, tiếng đồn tốt đẹp, không có sai lệch pháp của người gia chủ và được sau khi thân hoại mạng chung sinh về cõi lành.
Qua đó, Đại đức khẳng định lợi ích của hạnh Bố Thí Ba La Mật là không thể nghĩ bàn, vì vậy Đại đức mong rằng quý Phật tử hãy tinh tiến tu học, luôn biết sống chan hòa từ ái, yêu thương giúp đỡ những người xung quanh, áp dụng giáo lý Phật đà vào cuộc sống để chuyển hóa Ta Bà khổ đau thành cõi Tịnh an lành.
Bước sang ngày tu tập thứ 6 của Pháp Hội, đại chúng đã được lắng nghe Đại đức Thích Huệ Lương chia sẻ pháp thoại với chủ đề “Khác biệt giữa Phúc và Đức, vai trò của Phúc và Đức trong đời sống của người Phật tử”.
Mở đầu thời pháp thoại, Đại đức đã chia sẻ: Phúc là kết quả mình làm việc giúp đỡ cho người khác. Đức là kết quả của việc sửa đổi tâm xấu, vun bồi tâm tốt. Phúc Đức là việc tu tập trong chính bản thân mình và làm những việc có lợi ích cho mình và xã hội. Người có Đức là người thích làm Phúc, tức là người có đạo đức hiền lành, biết yêu thương và luôn thích giúp đỡ mọi người, nhờ vậy mà phúc ngày càng tăng trưởng. Vì lẽ đó cho nên những người Phật tử tu tập theo giáo lý của Đức Phật luôn thích làm những công tác thiện nguyện và từ thiện. Người có Phúc thì luôn thích tu Đức, những người có Phúc lớn luôn thường thích tu trau dồi đạo đức, vì vậy cho nên họ thường thích đi chùa tụng kinh, ngồi thiền, học hỏi giáo lý của Phật pháp. Ngược lại, có những người có Phúc rất nhiều mà không có Đức, bởi họ là những người cậy quyền thế hay thường xuyên ức hiếp những người không bằng mình. Lại có những người có Đức rất nhiều nhưng lại thiếu Phúc, vì vậy họ là những người có hiền lành nhưng lại một cuộc sống khó khăn.
Với những mối quan hệ trên, Đại đức cũng đã giảng giải cho quý Phật tử hiểu về ý nghĩa Phúc Đức đối với đời sống tại gia. Trong đó Đại đức nêu rõ Đức Phật đã chia thành 7 loại phúc để đem đến cho chúng sinh có một cuộc sống bình an, hạnh phúc, thành đạt gồm: phúc tuổi thọ, phúc sức khỏe, phúc nhan sắc, phúc tài sản, phúc uy quyền, phúc cao quý và phúc trí tuệ.
Qua đó, Đại đức cũng chia sẻ cách vun bồi những loại Phúc trong cuộc sống, đó là:
– Phóng sinh, không sát sinh: là những người luôn có tâm lành sẽ có được Phúc tuổi thọ.
– Không não hại chúng sinh: là người không làm khổ chúng sinh bằng cả thân, khẩu, ý. Đó là người được hưởng Phúc sức khỏe.
– Không sân hận: là người luôn bao dung và không nổi lên tâm sân hận về những người khác thì người đó được hưởng Phúc sắc đẹp.
– Bố thí, cúng dàng: là những người có tâm lành luôn giúp đỡ mọi người khó khăn, hoạn nạn, thiếu thốn là người luôn được hưởng Phúc tài sản.
– Không ganh tỵ, hơn thua: là người luôn có lòng bao dung, độ lượng thì người đó được hưởng Phúc uy quyền.
– Kính bậc đáng kính: là người luôn tôn kính Tam bảo, các bậc thánh và những người thiện tri thức hơn mình thì người đó được hưởng phúc cao quý.
– Thân cận học hỏi thiện tri thức: là người luôn tìm tòi học các bậc thiện tri thức và sẵn sàng tiếp thu những điều hay, cái tốt để hoàn thiện bản thân và giúp đỡ mọi người, là người được hưởng Phúc trí tuệ.
Trong bài giảng, Đại đức cũng chia sẻ những điều mỗi người cần phải tích Phúc và kiệm Phúc như:
– Không gây tội với những người khác để tránh được mọi tai họa của cuộc đời, từ đó sẽ có cuộc sống bình an hạnh phúc.
– Hưởng thụ vừa phải (tri túc, biết đủ) để kiệm Phúc. Người làm Phúc không nên dùng quá cái Phúc mình đang có.
– Tránh lãng phí: là nên tiết kiệm những gì không cần thiết nhưng cũng không nên hà tiện.
– Không bỏ việc Phúc nhỏ: là những việc Phúc nhỏ cần nên tích lũy để có được Phúc lớn.
– Tùy hỉ công đức: là nên giúp đỡ những người xung quanh đang gặp khó khăn thiếu thốn, để mọi người luôn vui vẻ, cũng như để bản thân thấy hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác.
Cuối cùng, Đại đức giảng sư mong rằng “Mỗi Phật tử nên tạo thói quen tu dưỡng đạo đức để chúng ta được Phúc lẫn Đức, cần tránh những việc làm cho người khác khổ, tập bỏ đi Tam độc Tham – Sân – Si, luôn giúp đỡ mọi người, học theo giáo lý của Đức Phật là Từ Bi Hỷ Xả để chúng ta có một cuộc sống luôn được Phúc và Đức, bình an và hạnh phúc”.
Sáng ngày 5/12/2020, nhằm ngày 21/10/Canh Tý, đại chúng thành tâm cung thỉnh Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng Pháp TƯ, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN thành phố Hà Nội quang lâm chia sẻ pháp thoại cho đại chúng về niềm tin vững chắc của người Phật tử trong thời hiện đại ngày nay. Đồng thời trong bài giảng, Thượng tọa giảng sư cũng đã chia sẻ cho đại chúng về 13 tôn giáo và 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, nghĩa là có pháp nhân pháp lý, được phép hành đạo và hóa đạo. Để từ đó, Thượng tọa sách tấn hàng Phật tử phải có chính kiến và trí tuệ sáng suốt, sống đúng với pháp luật của Nhà nước, không đi theo tà đạo, giữ bồ đề tâm kiên cố, đừng để bị dụ dỗ theo những tín ngưỡng không được nhà nước công nhận, tránh những mê lầm trong nếp sống tu học, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và an ninh xã hội.
Sáng ngày 06/12/2020, nhằm ngày 22/10 năm Canh Tý, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tăng bản tự đã niêm hương bạch Phật, yết Tổ làm lễ tạ đàn, chính thức khép lại bảy ngày Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng diễn ra từ ngày 29/11 đến 6/12/2020.
Sau đó, Hòa thượng trụ trì đã có thời pháp thoại tới toàn thể đại chúng về ý nghĩa 12 lời nguyện của Phật Dược Sư cũng như phương pháp tu tập theo Kinh Dược Sư. Hòa thượng cho biết: Bảy ngày Pháp hội nhằm chuyển tải nội dung ý kinh, bản kinh Dược Sư được Đức Phật đề cập tới như là một vị thuốc để chữa lành bệnh thân và tâm cho chúng sinh. Học theo hạnh nguyện của Phật Dược Sư sẽ giúp cho bản thân giác ngộ những điều giáo lý của Đức Phật và chuyển tải những điều tốt đẹp đó đến với cộng đồng, giúp tất cả mọi người bỏ ác làm lành, sống chan hòa từ ái yêu thương muôn loài muôn vật.
Qua đây, Hòa thượng cũng chia sẻ “Đây là Pháp hội Dược Sư 7 ngày theo truyền thống hàng năm tại chùa Bằng. Suốt 14 năm qua, Pháp hội Dược Sư là nét đẹp truyền thống trong sự tu học của đạo tràng Pháp Hoa, và Ban tổ chức luôn duy trì việc trong đàn tràng có giảng pháp. Năm nay cũng vậy, tiếp nối truyền thống của những Pháp hội trước, mỗi ngày sẽ có chư Tôn đức giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc quang lâm thuyết giảng vào các buổi sáng trước khi bước vào ngày trì tụng kinh, bởi lẽ nghe pháp hiểu đạo thì tụng kinh mới hiểu được ý Phật. Gần 100 Tăng Ni giảng sinh đều là những vị Tăng Ni trẻ, đây cũng chính là môi trường tốt để các vị giảng sinh thực tập được những kiến thức hoằng pháp đã học“.
Hòa thượng nhấn mạnh: “Nhận thấy nhu cầu hoằng Pháp của các đạo tràng phía Bắc rất lớn nên Ban Hoằng Pháp TƯ đã thành lập Lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc để xây dựng đội ngũ giảng sư nòng cốt cho miền Bắc, đáp ứng nhu cầu tu học cho các Phật tử hôm nay và tương lai. Đã ba năm đào tạo trôi qua, và đây chính là kết quả của quá trình đào tạo đó.”
Sau đó, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức Tăng, đại chúng tiếp tục trì tụng kinh Dược Sư cầu nguyện Phật pháp trường tồn, dịch bệnh tiêu tan, thế giới hòa bình, nhân dân ấm no hạnh phúc.