Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 27, 2024
Khác
    HomeTin TứcĐồng Tháp: Lễ Phụng tống kim quan cố Hòa thượng Thích Thiện...

    Đồng Tháp: Lễ Phụng tống kim quan cố Hòa thượng Thích Thiện Mỹ

    Ngày 29/9/2021 (nhằm ngày 23/8 Tân Sửu) theo chương trình Tang lễ Hòa thượng Thích Thiện Mỹ- Chứng minh BTS GHPGVN huyện Tháp Mười- Viện chủ chùa Thiền Kim (ấp Mỹ Phú C, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), TT.Thích Minh Sơn, Trưởng BTS PG huyện Tháp Mười, Trưởng Ban Tổ chức Tang lễ và môn đồ Pháp quyến đã thành kính cử hành Lễ Tưởng niệm và phụng tống kim quan cố Hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuôn viên chùa.

     

    Trong không khi trang nghiêm của buổi lễ, TT.Thích Nhuận Long- Pháp đệ cố Hòa Thượng, đã tuyên đọc Tiểu sử:

    - Advertisement -
    • Cố Hòa thượng thế danh: Đỗ Quốc Đinh.Sinh năm 1941, người làng Hội Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang)
    • Pháp hiệu: Pháp Thành, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43.
    • Nguyên Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Tháp Mười nhiệm kỳ II
    • Chứng minh BTS PG huyện qua nhiều nhiệm kỳ
    • Trụ thế 80 năm, trải qua 50 mùa an cư

    Tiếp đến, ĐĐ.Thích Thiện Nguyện- trụ trì chùa Thiền Kim, thay mặt môn đồ Pháp quyến dâng lời tưởng niệm Ân Sư:

    …Thiền Kim từ nay khuất bóng Thầy

    Cơm Thiền sữa Pháp mãi còn đây

    Chúng con xin nguyện tu tinh tấn

    Tiếp bước Ân Sư độ xa gần…

    TT.Thích Minh Sơn, Trưởng BTS PG huyện Tháp Mười đã ban Đạo từ: mong môn đồ Pháp quyến tinh tấn tu tập, tiếp nối hạnh nguyện của cố Hòa thượng trong việc hoằng pháp lợi sanh, đó là cách thiết thực để báo ân đúng theo tinh thần tôn Sư trọng Đạo.

    Sau khi đại diện môn đồ Pháp quyến dâng lời cảm tạ; TT.Thích Nhuận Long- Sám chủ, đã cử hành lễ di quan.

    Trong tiếng Bát nhã trầm hùng, toàn thể tứ chúng nhất tâm đồng niệm Phật, cung thỉnh nhục thân cố Hòa thượng an nghỉ ngàn thu nơi bảo tháp trong khuôn viên chùa.

    Được biết, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện chỉ thị 15 về phòng dịch, nên Tang lễ được tổ chức trong phạm vi nội bộ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngành y tế huyện Tháp Mười đã đặt tổ xét nghiệm nhanh tại chùa để xét nghiệm tất cả mọi người tham dự.

    Bên cạnh đó, trong tình Linh Sơn Pháp lữ Đại thừa Ban Tổ chức cũng nhận nhiều lẵng hoa, điện thư chia buồn… của chư Tôn đức các tỉnh thành, các Tăng Ni, quý Phật tử xa gần… gởi về kính viếng Giác linh cố Hòa thượng và chia buồn cùng môn đồ Pháp quyến.

     

      

       

    Minh Nguyên- Cát Tường

    —o0o—

    SƠ NÉT TIỂU SỬ

    TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN MỸ

     

    • Nguyên Phó ban Đại diện Phật  giáo huyện Tháp Mười nhiệm kỳ  II
    • Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Tháp Mười nhiệm kỳ III, IV, V, VI, VIII
    • Nguyên Ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc VN xã Mỹ An.
    • Viện chủ chùa Thiền Kim huyện Tháp Mười

    I. THÂN THẾ

    Hòa Thượng thế danh : Đỗ Quốc Đinh, Pháp danh: Thích Thiện Mỹ; pháp hiệu: Pháp Thành, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43; sinh năm: 1941, người làng Hội Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho ( nay là Tiền Giang)

    Hòa thượng xuất thân trong gia đình trung nông, có 10 người anh em, 6 trai 4 gái. Hòa thượng là người con thứ 4 trong gia đình.

    Thân phụ là cụ ông Đỗ Đức Tựu, pháp danh Thiện Tín. Thân mẫu là cụ Bà Ngô Thị Báu, sau xuất gia tu học nơi chùa Thiền Kim là cố Sa Di Ni Thích Nữ Diệu Hạnh.

    II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO

    Năm 1958, khi tròn 17 tuổi xanh, lúc đang học ở Sài Gòn, Hòa thượng đã phát chí xuất trần thượng sĩ, đến xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Quảng Tấn, được ban pháp danh là Thích Nhuận Nguyên.

    Sau đó, Hòa thượng về chùa Thiên Phước, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) tu học được 2 năm. Trong thời gian này, Hòa Thượng Thích Đức Long ở chùa Long Hoa Cổ tự (Nhà Bè) trong chuyến về thăm gia đình ở Bà Lát, thấy oai nghi cốt cách của chú Nhuận Nguyên trang nghiêm nên xin Thầy Quảng Tấn cho chú về chùa Long Hoa cổ tự tu học với pháp danh là Thích Thiện Mỹ.

    Sau đó cố Hòa thượng được gởi vào Tổ đình Giác Nguyên (Sài Gòn) để học đạo với Hòa Thượng Thích Hành Trụ.

    Năm 1964, Cố Hòa thượng được thọ giới Sa Di.

    Hai năm sau, năm 1966, nhận thấy Sư phụ mình là Hòa thượng Thích Trí Độ sức khỏe có phần suy yếu, lại ở một mình không người phụ giúp, nên Hòa thượng Thích Đức Long đã cử Ngài về chùa Thiền Kim để chăm sóc phụng dưỡng Hòa thượng Thích Trí Độ.

    Năm 1970, Hòa Thượng được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Giới Đàn chùa Linh Sơn (Cô Giang, Sài Gòn).

    Ngài đã làm mọi công việc trong chùa và phụng dưỡng Hòa Thượng Thích Trí Độ cho đến khi Hòa thượng viên tịch vào Rằm tháng Giêng năm 1975.

    III.THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

    Năm 1979, Ngài về chăm lo ngôi Tam Bảo Long Hoa cổ tự và phụng dưỡng Hòa Thượng Thích Đức Long.

    Tháng 8 năm 1981, một lần nữa vô thường đến, Hòa Thượng Thích Đức Long trả thân tứ đại, trở về cõi Phật.

    Nhận thấy cõi đời đều sẽ hư huyễn, chỉ có chuyên tu mới đạt được tâm thong dong Ngài đã giao lại Long Hoa cổ tự cho Hòa thượng Thích Viên Giác – Trưởng ban Đại diện Phật giáo quận 7. Riêng mình trở về chùa Thiền Kim xứ Tháp Mười tiếp tục sứ mệnh “Kiến khởi Pháp tràng, Khai ư tuệ nghiệp, ….”

    1982 Hòa thượng cùng với Tăng Ni Phật Tử trùng tu, nâng cấp  lại ngôi đại già lam Thiền Kim

    Trong thời gian này Hòa Thượng tham gia Phật sự giáo hội nhiệm Kỳ II và được công cử làm Phó Ban Đại diện. Sau đó liên tục các nhiệm kỳ III, IV, V, VI, VIII Hòa thượng được Tăng Ni cung thỉnh vào Ban Chứng minh Phật giáo huyện cho đến ngày viên tịch.

    Suốt 63 năm hành đạo, Ngài đã tiếp nhận hóa độ Tăng Ni xuất gia tu học trên 100 vị đang hành đạo trong và ngoài nước; hàng ngàn cư sĩ nương theo Ngài thọ tam quy ngũ giới.

    Để có ngôi Thiền Kim trang nghiêm thanh tịnh, là điểm đến tâm linh của người dân đất Sen Hồng, Hòa thượng đã nâng cấp nhà Tổ, Chánh Điện  và tạo nhiều cảnh tịnh vườn thiền: Vườn Lâm Tỳ Ni; tiểu cảnh Thái Tử Tất Đạt Đa vượt dòng sông Ni Liên Thiền xuất gia học đạo; tiểu cảnh Đức Phật Thành Đạo; đặc biệt là tượng Phật nhập niết bàn có chiều dài trên 30 m, là một trong những tượng Phật lớn của miền Tây Nam bộ; núi Ngũ Hành Sơn, đài Quan Âm Nam Hải, tượng Bồ Tát Di Lặc dưới hồ Sen, thuyền Bát Nhã…

    Sau mấy mươi năm hoằng truyền chánh pháp, biết thân huyễn mộng sắp đến ngày mãn duyên… cuối năm 2019 Hòa thượng đã cử Đại đức Thích Thiện Nguyện, vị đệ tử tâm đắc của mình làm trụ trì chăm lo ngôi Tam Bảo Thiền Kim.

    IV- THỜI KỲ VIÊN TỊCH

    Theo thời gian sanh diệt, năm 2020 thân tứ đại của Hòa thượng có phần suy yếu nhiều.

    Đến những ngày cuối tháng 9 năm 2021, sau khi thị hiện bệnh duyên, tứ chúng đệ tử cùng y bác sĩ bệnh viện Cao Lãnh tận tình chăm sóc, nhưng nhân duyên đã mãn Hòa thượng an nhiên thị tịch lúc 2 giờ ngày 27/9/2021 (nhằm ngày 22/8 Tân Sửu). Trụ thế 80 năm, trải qua 50 mùa an cư tinh tấn, để lại cho tứ chúng muôn vàn niềm kính thương.

    Nam Mô Thiền Kim Đường thượng từ Lâm Tế Chánh Tông tứ thập tam thế, cố đại lão Hòa thượng Ân sư thùy từ minh chứng.

    Môn đồ phụng soạn

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều