Thời gian gần đây, hình tượng đầu Phật đã bị lạm dụng nghiêm trọng khi liên tục được sử dụng trong trang trí nội ngoại thất của nhiều công trình lẫn bị đem ra… trồng cây rao bán trên các trang thương mại điện tử.
Đầu tượng Phật biến tấu thành chậu trồng cây
“Giáo hội không có quyền hạn xử lý, chỉ phản ánh”
Ở loạt bài đăng tải từ cuối năm 2018 đầu năm 2019, Giác Ngộ đã có những dẫn chứng nêu rõ thực trạng hình ảnh và tôn tượng Phật giáo bị lạm dụng làm vật trang trí một cách thiếu trang nghiêm, thậm chí còn bị đặt cả vào phòng vệ sinh, cơ sở dịch vụ làm đẹp, nhà hàng, quán bar…
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM phải có công văn gửi đến các cơ quan chức năng thành phố và chính quyền đã vào cuộc can thiệp, bắt buộc thay đổi, như đối với “Buddha bar” ở quận 2; hoặc có nơi tự nguyện điều chỉnh sau khi nhận thức được vấn đề như “Bar Buddha” ở Đà Nẵng… Tuy nhiên, sự việc lại không dừng ở đó. Thời gian gần đây, đã xuất hiện tình trạng đầu tượng Đức Phật bị “biến tấu” thành… chậu trồng cây. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản, chúng ta có thể tìm được rất nhiều trang bán hàng điện tử rao bán vật phẩm này. Đáng nói hơn khi việc lạm dụng này được một số người tán đồng, truyền bá trên tài khoản mạng xã hội với thông điệp cho rằng “Đức Phật ngự ở đâu, nơi ấy sẽ vui lâu…”.
Báo Giác Ngộ từng trình bày vấn đề và ghi nhận ý kiến của chư vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, tuy nhiên nói như TT.Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư khi phóng viên trao đổi về vấn đề liên quan tới tình trạng lạm dụng tượng Phật làm trang trí: “Hiện Trung ương Giáo hội không có quyền hạn xử lý vấn đề này, chúng ta chỉ có thể lên tiếng phản ánh”.
Phản ứng về vấn nạn trên, một số diễn đàn, tài khoản mạng xã hội đã bày tỏ thái độ, bức xúc, mong mỏi Giáo hội quan tâm, có động thái để ngăn tình trạng nêu trên tiếp diễn, xúc phạm đến hình ảnh tôn nghiêm của Đức Phật. “Thiết nghĩ, Giáo hội cần có sự quan tâm, tìm hiểu thực tế để tránh các trường hợp tạo tin giả, kích động những người có tình cảm tôn giáo, có lời giải thích chính thức trên các phương tiện thông tin chính thống của Giáo hội hiện rất đa dạng như hiện nay. Mặt khác, gặp gỡ, đối thoại, giải thích và tuyên truyền để số đông có cách nhìn nhận phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc trước khi kiến nghị chính thức với các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương”, độc giả Nguyên Đạo chia sẻ trong một email gửi đến tòa soạn.
Chủ nhà hàng chay Ưu Đàm tiếp nhận phản ánh và sẽ thay đổi thiết kế cổng vào
Trong các phản ánh gửi về tòa soạn Báo Giác Ngộ, cũng từ cuối năm 2018, tại Hà Nội, có một số hiện tượng lạm dụng tên gọi “Phật” (Buddha) “Phật hoan hỷ” (Funky Buddha) để đặt tên cho cơ sở làm đẹp, quán bar, một loại thức uống có cồn… Trong các phản ánh đó có việc nhà hàng “Ưu Đàm chay” sử dụng đầu tượng Phật để trang trí cổng.
Nhiều người cho rằng, việc “Ưu Đàm chay” sử dụng đầu tượng Phật để làm vật trang trí là sự xúc phạm đến Phật giáo. Một số ý kiến khác nhận xét nếu đứng về góc độ nghệ thuật, việc sử dụng đầu tượng Phật để trang trí như quán chay này thực hiện là hoàn toàn phi nghệ thuật, tạo nên cảm giác ghê sợ cho người nhìn.
Cổng ra vào quán “Ưu Đàm chay” tại Hà Nội với các phần đầu tượng Phật nối dài xuống sát đất, tạo cảm giác ghê sợ, chủ cơ sở này cho PV biết điều chỉnh sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh – Nguồn ảnh: Hội Kiến trúc sư VN
Cuối năm 2018, TT.Thích Thọ Lạc, lúc bấy giờ là Quyền Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, trong cuộc trao đổi với Giác Ngộ đã thông tin: “Trong thời gian sớm nhất tới đây, sẽ có những trao đổi trên tinh thần thiện chí, để họ (chủ Ưu Đàm chay – PV) tháo dỡ hoặc có những cách khắc phục tốt hơn, tránh gây phản cảm như báo chí thông tin”. Tuy nhiên, gần đây tòa soạn lại tiếp tục nhận được phản ánh chưa hề có sự thay đổi nào ở “Ưu Đàm chay”. Ngay sau đó, phóng viên Giác Ngộ đã tiến hành kiểm chứng tính xác thực của thông tin này và đặt lại vấn đề với TT.Thích Thọ Lạc về lý do tại sao sau gần 2 năm, tình trạng lạm dụng tượng Phật trong việc trang trí tại cơ sở kinh doanh này vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm.
“Theo tôi, Ban Trị sự Phật giáo Hà Nội nên là nơi trực tiếp phản ánh, giải trình lên chính quyền địa phương, may ra cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quan tâm, từ đó vào cuộc và có hướng xử lý tốt hơn”, TT.Thích Thọ Lạc nói.
Thượng tọa một lần nữa khẳng định tượng Phật cần được tôn trí ở những vị trí và môi trường trang nghiêm để phục vụ việc thờ cúng; nếu không nhằm mục đích thờ tự, mà mang tính nghệ thuật thì cũng cần phải đặt ở chỗ mang tính chất chiêm ngưỡng, chiêm bái, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố môi trường trang nghiêm. “Hiện có nhiều nơi sử dụng tranh tượng Đức Phật để trang trí, họ không hiểu hay cố tình làm như vậy, vấn đề này thuộc về quản lý của chính quyền địa phương. Cơ quan chủ quản Phật giáo sở tại chỉ có thể lên tiếng phản ánh, chứ không thể can thiệp”, TT.Thích Thọ Lạc thông tin thêm.
Cũng trong một cuộc trao đổi ngắn với Giác Ngộ liên quan đến sự việc này, TT.Thích Minh Hiền, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng ban Văn hóa T.Ư, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.Hà Nội, cho biết Thượng tọa đã tiếp nhận thông tin báo chí nêu ra và đã trao đổi với chủ đầu tư nhà hàng này. Thượng tọa cũng từng phân tích, đề xuất và hướng dẫn cách điều chỉnh trong thiết kế, trang trí, sao cho phù hợp với không gian nhà hàng chay, nhưng vẫn đảm bảo tính chất tôn giáo, tránh gây nên dư luận trái chiều. Theo TT.Thích Minh Hiền, qua bước đầu trao đổi, phân tích, chủ đầu tư nhà hàng này cũng đã thể hiện thái độ thiện chí, sẵn sàng tiếp thu ý kiến từ phía lãnh đạo GHPGVN nói chung và Ban Trị sự Phật giáo Hà Nội nói riêng, trong việc thay đổi, sửa chữa cổng nhà hàng.
Liên hệ với chủ đầu tư nhà hàng “Ưu Đàm chay” (Hà Nội) về vấn đề dùng đầu tượng Phật để trang trí trên cổng ra vào, bà H., đại diện cơ sở kinh doanh “Ưu Đàm chay” khẳng định với phóng viên, nhà hàng sẽ có những thay đổi phù hợp hơn trong thời gian tới.
“Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp từ báo đài, đặc biệt là từ chư tôn đức GHPGVN, trực tiếp từ TT.Thích Minh Hiền, chúng tôi cũng đã tiếp thu và lên kế hoạch thay đổi, sửa chữa không chỉ phần cổng mà toàn bộ kết cấu của nhà hàng, nhằm mang lại một không gian mới mẻ và phù hợp hơn với văn hóa Phật giáo nước mình”, bà H. thông tin.
Đại diện “Ưu Đàm chay” cũng cho biết thêm, sở dĩ cho đến nay “cánh cổng” này vẫn còn giữ nguyên thiết kế phản cảm nói trên, không phải vì đơn vị kinh doanh này không lắng nghe, tiếp thu những phản ánh, bức xúc từ dư luận cũng như không chịu thay đổi mà là đang từng bước thực hiện theo kế hoạch mà Ban điều hành đã đề ra. “Dư luận có thể cho rằng chúng tôi làm lâu, nhưng thực tế chúng tôi cần thời gian để tìm hiểu thiết kế lại công trình của mình, tìm kiếm nhà thiết kế phù hợp và các đơn vị phục vụ khác. Không thể muốn là dỡ bỏ ngay lập tức được”, bà H. khẳng định.
Nêu lên quan điểm về việc sử dụng đầu tượng Phật trang trí cổng, được cho là phản cảm, bà H. chia sẻ: “Có lẽ do sự khác nhau trong cách nhìn nhận nghệ thuật, tạo nên những ý kiến trái chiều này. Vì cơ bản, chúng tôi chưa từng có ý nghĩ phỉ báng hay không tôn trọng hình tượng Đức Phật. Chúng tôi quan niệm Đức Phật từ bi, gần gũi, hòa nhập và hiện hữu ở mọi phương diện, nên đối với chúng tôi, đây là một tác phẩm nghệ thuật (cổng – PV), nhưng có lẽ chưa phù hợp với quan điểm nghệ thuật của số đông. Chúng tôi lắng nghe với tinh thần thiện chí và sẽ sửa chữa trong thời gian tới”.
Giao Hảo / Báo Giác Ngộ
- Advertisement -