Chưa có thông tin tác giả

 
 
  • Hội quán thư pháp Thạch Thiện
 
 

“Bạn Có Sao Không?” – Một Câu Nói Đơn Giản Lại Ẩn Chứa Đức Hạnh Làm Người…

 

Trong đối nhân xử thế, chỉ cần một câu nói có thể khiến người nghe cảm thấy ấm áp thoải mái, ngược lại thì có thể khiến một người ôm hận cả đời…

phap-bao-ban-co-sao-khong-mot-cau-noi-don-gian-lai-an-chua-duc-hanh-lam-nguoi

Tôi là một giáo viên, thân làm nhiệm vụ giáo dục, nên cũng thường xuyên khuyên nhủ phụ huynh của các học sinh rằng, nếu như đứa trẻ vô tình làm vỡ chén bát, hay hư hỏng đồ đạc, thì làm cha mẹ, câu đầu tiên nên nói với chúng là: “Con có bị sao không?”

Quan tâm, yêu thương con trẻ nhất định phải vượt trên sự quan tâm đối với những đồ vật kia. Dù sao, chén vỡ có thể mua lại, còn nếu như cứ trách mắng, đánh chửi con cái thì sẽ làm tổn hại đến tình cảm, giống như thủy tinh bị vỡ, bất kể dính lại như thế nào, chỗ bị vỡ vĩnh viễn không bao giờ liền được.

Trong chương trình giáo dục của Đài Loan trước năm 1990 đều có những bài học về tu thân, rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo đức. Thời ấy, sách giáo khoa thường sử dụng những câu chuyện của vị quan Thái thú thời Đông Hán tên Lưu Khoan để làm tài liệu giảng dạy.

Có một chuyện kể rằng, một lần Lưu Khoan mặc quần áo chỉnh tề, chuẩn bị lên chầu triều, thì có một nô tài bưng đến một chén canh, nhưng lại vô ý làm đổ và làm bẩn hết bộ đồ lên triều của Lưu Khoan.

Tuy nhiên, trái ngược hẳn với suy nghĩ của người nô tài rằng sẽ bị trách phạt, Lưu Khoan thần sắc không đổi, ân cần hỏi han: “Bát canh này có làm ngươi bị bỏng không vậy?”.

Lưu Khoan chính là một tấm gương về lòng khoan dung độ lượng. Có thể nói, quan tâm người khác vĩnh viễn sẽ là bài học làm người đầu tiên.

Một lần khác, Lưu Khoan đánh xe trâu ra ngoài thì có một người đang bị mất trâu, cứ khăng khăng chỉ vào con trâu của Lưu Khoan nói rằng đó là con trâu của mình. Lưu Khoan không nói một lời, lập tức xuống xe, giao trâu cho người kia rồi đi bộ về nhà.

Không lâu sau, người mất trâu kia đã tìm được con trâu của mình, vội vàng tới phủ trả lại trâu cho Lưu Khoan và dập đầu tạ tội. Lưu Khoan lập tức đỡ ông ta dậy và nói:

“Tướng mạo con trâu nói chung đều không khác biệt lắm, nhận nhầm là chuyện khó tránh, huống chi anh không sợ phiền toái mà đem trâu trả lại cho ta, đây là chuyện tốt, đâu cần phải tạ tội chứ?”.

Lưu Khoan đích thực là một điển hình về đức hạnh, thực sự khiến người ta phải kính nể.

Tôi còn nhớ rõ đầu năm 1980, lúc đó là lần đầu tôi dạy học, trong một khóa dạy đánh bóng bàn, tôi phụ trách cản bóng, đám học sinh thay phiên nhau tấn công. Đến phiên cậu học sinh họ Kha, cậu ta vung tay đập bóng, nhưng vì tay không có nắm chặt, nên cả cây vợt bay tới đập vào giữa trán của tôi, khiến chiếc kính của tôi rơi xuống đất vỡ nát.

Lúc này, tôi thấy cậu học trò mặt mày trắng bệch, đứng sững lại không nhúc nhích. Tôi lập tức đi đến cạnh chỗ cậu ta, vỗ vai và nói: “Không sao đâu em, không có gì phải sợ”.

Tôi cúi xuống nhặt chiếc kính đã gãy đôi, thấu kính đã vỡ, rồi nói với đám học trò rằng: “Tiếp tục luyện bóng nào!”.

Nói thật, sau đó tôi cũng không thể hiểu được tại sao mình lại có thể xử sự một cách bình tĩnh và độ lượng như thế, tôi tự nghĩ: “Mình đâu phải là người như vậy!”. Không thể phủ nhận, những câu chuyện lịch sử của vị thầy Lưu Khoan đã thực sự cải biến tôi.

Làm một người thầy, nói ra đạo lý cho học trò nghe, thì đạo lý kia cũng sẽ tự động in dấu ấn thật sâu trong tâm người thầy, từ đó có thể khiến người thầy tự kiềm chế cái tâm của mình, đây thực sự là một điều rất tốt.

Bằng hữu ở cùng với nhau, nhất thiết cần quan tâm người hơn quan tâm tiền bạc; làm cha mẹ, thương yêu con cái nhất định phải thương yêu hơn những đồ vật bị hư hại kia, đây là tinh thần của chủ nghĩa nhân văn, là kim chỉ nam định hướng làm người.

Tuệ Tâm

Biên dịch

 
Ý kiến bạn đọc