Chưa có thông tin tác giả

 
 
  • Hội quán thư pháp Thạch Thiện
 
 

Trà Thơm Phải Hãm Nước Sôi, Người Muốn Vang Danh Phải Qua Tôi Luyện

 

Con người đứng trước nghịch cảnh thường cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi hoặc tìm cách trốn tránh. Nhưng suy cho cùng, một cá nhân muốn trưởng thành, thì không thể không kinh qua những thử thách.

Nếu như đem sinh mệnh con người so sánh với mùi hương thơm ngát trong lá trà, thì sự tu hành tựa như một ấm nước sôi nóng bỏng. Lá trà chỉ khi chìm nổi trong nước sôi, trải qua quá trình thẩm ngấm, mới có thể phóng xuất ra mùi hương thơm ngát.

Con người cũng vậy, chỉ có tu luyện, tích đức hành thiện, mới có khả năng đề cao cảnh giới tư tưởng của mình, đồng thời lưu lại tiếng thơm cho đời.

Tục ngữ có câu: “Bảo kiếm được rèn từ lửa đỏ, hương mai được dưỡng từ tuyết sương”. Mùa đông tới, trăm hoa tàn héo, chỉ có hoa mai giữa trời băng tuyết mà khai nở. Cũng trong cái gió lạnh sương tuyết ấy, mùi hương của hoa mai mới được thai nghén xuất lai.

Người bình thường thưởng thức một cành mai đẹp, đều hết mực tán thán, nhưng đâu thể cảm nhận được mùi hương ấy đến từ bao cay đắng cùng gian khổ. Mùi thơm ấy, là từ vô số lần đón gió đạp tuyết, trải qua rét lạnh mới phóng xuất ra.

Trước đây có một chàng trai trẻ, bởi cuộc sống gặp nhiều trắc trở, nên luôn cảm thấy buồn chán và thất vọng. Một hôm, anh ta tìm đến ngôi chùa thỉnh giáo cao tăng Thích Viên.

Anh ta uể oải nói với vị cao tăng: “Một kẻ vô tích sự giống như tôi, sống trên đời liệu có thể làm được việc gì chứ?”.

Hòa thượng Thích Viên nghe xong, sắc mặt không hề thay đổi, bình thản lấy ra một nắm trà, rồi căn dặn tiểu hòa thượng trong chùa: “Vị thí chủ đây từ xa đến, con hãy đi mang một bình nước ấm tới đây”.

Chỉ trong chốc lát, tiểu hòa thượng đã mang đến một bình nước ấm. Thích Viên lấy một nhúm trà bỏ vào trong chén, sau đó lấy nước ấm đổ vào trong chén trà đặt trước mặt vị khách trẻ và nói: “Thí chủ, mời dùng trà”.

Sau khi chàng trai trẻ tuổi uống được hai ngụm thì lắc đầu nói: “Đây là trà gì vậy? Một chút hương vị trà cũng không có”.

Thích Viên cười nói: “Đây là trà Thiết Quan Âm, sao lại không có hương vị gì được”. Rồi vị cao tăng lại căn dặn tiểu hòa thượng: “Con hãy đi đun một ấm nước sôi mang tới đây”.

pha-tra-phap-bao

Sau khi nước sôi đưa đến, Thích Viên hòa thượng lại lấy ra một cái chén khác, bỏ một nhúm trà vào trong, rồi rót một ít nước sôi vào trong chén. Chàng trai nhìn những lá trà chìm nổi bên trong chén, rồi bỗng cảm nhận thấy một mùi hương thơm ngát nhẹ nhàng bốc ra. Anh ta nhịn không được, định uống một ngụm, thì Thích Viên hòa thượng ngăn lại: “Thí chủ chờ một chút”.

Nói xong, hòa thượng lại đổ thêm một ít nước sôi vào trong chén, cùng theo đó, mùi hương trà nhẹ nhàng tràn ngập căn phòng làm say lòng người. Cứ như vậy, Thích Viên rót vào trong chén trà 5 lần nước sôi nữa, chỉ một chén trà mà khiến cả căn phòng tràn ngập mùi hương thơm ngát.

Thích Viên hòa thượng cười hỏi: “Thí chủ có biết vì sao cùng một loại trà mà hương vị lại không giống nhau như vậy không?”.

Chàng trai suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Là do một chén dùng nước ấm để hãm, còn chén kia dùng nước sôi”.

Thích Viên cười cười nói: “Dùng nước khác nhau, thì hương vị cũng khác nhau. Dùng nước ấm pha trà, thì những lá trà sẽ nổi lên phía trên, như thế làm sao có thể tạo ra được hương trà đây? Nhưng dùng nước sôi để ngâm lá trà, đổ vào từng chút từng chút một, mới kích phát được mùi hương trong lá trà, tựa như mưa xuân thanh tĩnh, nắng hạ rừng rực, gió thu nồng nàn, cùng đông sương mát lạnh”.

Một người không hiểu được tu hành, cũng giống như nước ấm không thấm được lá trà vậy, sẽ không bao giờ có thể giải phóng được mùi hương thấm đượm lòng người. Không có ý chí kiên nhẫn và sự tôi luyện nội tâm, thì cũng không cách nào phóng xuất ra ánh quang rực rỡ trong sinh mệnh con người.

Tuệ Tâm

(Biên dịch)

 
Ý kiến bạn đọc