Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác

    Vắng Bóng Một Thời

    Thoạt đầu, tôi cũng cảm thấy bức xúc vì ông Dương Ngọc Dũng nói Tăng Ni quá nặng, sai sự thật, nhưng sau khi bình tâm lại, tôi cảm thấy thương ông Dũng nhiều.

    Vắng Bóng Một Thời
    (Gửi Giáo sư Tiến sỹ Dương Ngọc Dũng)

    Tản Mạn Bên Tách TràSau khi rời khỏi chốn phồn hoa đô thị, tôi chọn ở một vùng quê yên bình để sớm hôm vui thú điền viên, cùng với bà con miền quê thật thà chất phát, thi thoảng thì hành thiền để quán chiếu nhìn lại bản thân; rảnh rỗi thì đọc dăm ba trang sách của thánh hiền. Tôi hiếm khi đọc các bản tin mang tính “giật gân” để câu “view”của thời đạicông nghệ số. Nhưng vừa qua, thế giới mạng xôn xao nhiều vụ xì-căng- đan liên quan đến tôn giáo, và một sự kiện nóng hổi đó là bóp méo sự thật và xuyên tạc Phật giáo với bài báo “Đi tu mà có 300 tỷ là trái luật Phật giáo, không biện luận được” của nhà báo Hoài Thanh đăng lúc 7 giờ 8 phút ngày 12/10/2019 trên trang news.zing.vn đã khiến bao người bức xúc, khó chịu, xen lẫn thương cảm cho nhân vật bên trong bài viết. Nội dung bài báo xoay quanh cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Hoài Thanh và tiến sỹ tôn giáo học Dương Ngọc Dũng (DND) về thầy Thích Thanh Toàn và thầy Thích Trúc Thái Minh;Tuy nhiên, trong nội dung trả lời phỏng vấn ông DND lại xuyên tạc, nói xấu đạo Phật nhiều hơn. Thoạt đầu, tôi cũng cảm thấy bức xúc vì ông DND nói Tăng Ni quá nặng, sai sự thật, nhưng sau khi bình tâm lại, tôi cảm thấy thương ông Dũng nhiều, bởi những lí do sau:

    1. Ông DND là một tiến sĩ tôn giáo học, phát ngôn về Phật giáo mà không hiểu gì về Phật giáo.
    2. Ngôn ngữ và giọng điệu trong bài phỏng vấn mang nặng tính hận thù, thái độ “mục hạ vô nhơn”.Người có học thức nhưng không phân biệt sự thật đúng sai mà vơ đũa cả nắm.
    3. Ông có mở lời “không nên bôi bác họ khi chưa có bằng chứng” nhưng kì thực ông không làm được điều đó.

    Vì ba lí do trên nên tôi phải gác lại thời gian cuốc đất trồng rau để xin được mạn đàm với tiến sĩ DND.

    Tại Sao lại: “Vắng Bóng Một Thời”

    Trước khi đi vào phần chính, tôi cũng xin giải thích thêm tại sao tôi lấy tựa đề là “Vắng Bóng Một Thời”. Nghe qua hơi na ná giống tập truyện ngắn “Vang Bóng Một Thời” của nhà văn Nguyễn Tuân, xuất bản năm 1940, nhưng ở đây hoàn toàn không liên quan.

    - Advertisement -

    Sở dĩ có tên gọi đó, vì ông Dương Ngọc Dũng đã một thời tham gia viết bài chỉ trích Phật giáo. Vào năm 1994, cuốn sách “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng” (Crossing The Threshold of Hope) của Giáo Hoàng John Paul II, được xuất bản. Nội dung cuốn sách này đã xuyên tạc Phật giáo, bóp méo sự thật. Ngay sau đó, tạp chí Giao Điểm đã gửi mời 50 học giả, nhà nghiên cứu viết bài thì có 20 tác giả gửi đến Giao Điểm và Tạp chí này đã chọn 18 bài để xuất bản tập sách “Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan-Phao-Lồ II”, xuất bản ngày 31/5/1995. Điểm đặc biệt của cuốn sách dày 305 trang này là sự kết tập của 18 tác giả sống nhiều nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Việt Nam, Đan Mạch, và Úc, thậm chí họ không quen biết nhau, nhưng tất cả cùng chung một lí tưởng là bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lí mà bao thế hệ tiền bối cha ông để lại. Toàn bộ tập sách đã phân tích, chỉ ra những nhận định sai lệch của tác giả đối với Phật giáo. Mãi gần 2 năm sau, có ba tác giả đó là: cựu Giáo sư Nguyễn Văn Trung với bài viết “Có thể Cùng Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng Không” đăng trong tạp chí Triết số 2, xuất bản tại San Jose, California, tháng 6 năm 1996. Bài thứ hai là của cựu luật sư Nguyễn Văn Chúc, đăng trong tập san “Thế Giới Ngày nay”, số 139, Xuân Đinh Sửu, 1997. Bài thứ ba có tựa đề “Phê Bình Cuốn Đối Thoại Với Giáo Hoàng” bản photocopy của giáo sư Dương Ngọc Dũng in dạng sách dày 102 trang, năm 1996.

    Qua ba bài viết, các học giả lúc bấy giờ chú ý nhiều nhất là bài của ông DND. Những bài viết góp ý, đối thoại về những sai lầm của ông DND với Phật giáo, của các học giả mà tạp chí Giao Điểm lại cho ra đời thêm cuốn “Về Ông Dương Ngọc Dũng Và Bài Phê Bình Cuốn Đối Thoại Với Giáo Hoàng”, xuất bản năm 1997, dày 277 trang. Từ đó đến nay đã hơn 22 năm trôi qua, những bài viết xuyên tạc, miệt thị Phật giáo của ông DND không còn xuất hiện nữa. Tôi cứ nghĩ ông đã hồi tâm chuyển ý, thấy được cái sai của mình để sửa, thật không ngờ nay ông xuất hiện lại nên tôi lấy tựa đề là “Vắng Bóng Một Thời”.

    Mạn Đàm Với Ông Dương Ngọc Dũng

    Trước khi mạn đàm với tiến sỹ DND, tôi xin cám ơn nhà báo Hoài Thanh rất nhiều vì có bài phỏng vấn ông tiến sỹ Dũng và đăng trên trang news.zing.vn để công bố cho quần chúng biết rõ trình độ Phật học của một tiến sỹ tôn giáo học DND như thế nào??? ,

    Trở lại phần mạn đàm thông qua bài báo của Hoài Thanh, tôi xin nêu ra ba vấn đề như sau:

    Trong phần trả lời câu hỏi đầu tiên của ông DND nói: “Phật giáo Việt Nam chủ yếu theo truyền thống Tứ Phần Luật như Trung Quốc. Trong đó quy định việc nhà sư có quyền có tài sản cá nhân, tư trang nho nhỏ như quần áo, dụng cụ cá nhân; nếu mà hiện đại sẽ có thêm máy tính, tivi.”

    Trước hết, Phật giáo Việt Nam không phải chủ yếu theo truyền thống Tứ Phần Luật như Trung Quốc. Phật giáo Việt Nam là một sự tổng hòa kết tinh từ nhiều bộ phái, lấy kinh, luật và luận làm phương tiện tu hành. Trong khi đó, Tứ Phần luật thuộc hệ Đàm-vô-đức (Dharmagupta, Pháp mật bộ) là một trong Tứ Luật mà thôi. Tứ Luật bao gồm

    1. Thập Tụng Luật, thuộc Tát-bà-đa (Sarvàstivàda, Hữu Bộ),

    2. Tứ Phần Luật, thuộc hệ Đàm-vô-đức (Dharmagupta, Pháp mật bộ),

    3. Tăng kỳ Luật, thuộc hệ Ma-ha-tăng-kỳ (Mahasanghika, Đại chúng bộ),

    4. Ngũ phần luật, thuộc hệ Di-sa-tắc (mahisàsaka, hóa địa bộ).

    Câu tiếp theo, xin hỏi ông Dũng trong Tứ Phần Luận “quy định nhà sư có quyền có tài sản cá nhân, tư trang nho nhỏ như quần áo, dụng cụ cá nhân; nếu mà hiện đại sẽ có thêm máy tính, tivi.” là Tứ Phần Luật nào vậy? Tôi ở nông thôn nên không có điều kiện đọc được nhiều bộ, mà chỉ đọc được bộ Tứ Phần Luật của ngài Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm dịch chữ Hán; Hòa Thượng Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng dịch sang tiếng Việt. Bộ này gồm 5 quyển, quyển 5 có 207 trang giới thiệu tổng mục lục, lịch sử truyền dịch, đối chiếu các bộ luật, thư mục, từ vựng và sách dẫn. Nội dung chính gồm 4 quyển chia thành 4 phần gồm 2225 trang mà sao tôi tìm mãi không thấy những điều như ông Dũng nói? Nếu có thì xin hỏi ông Dũng nó ở trang nào? Phần nào? Nếu không có, thì người xưa có bảo “biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết thì bất nghĩa, không biết, không có mà nói là hàm hồ, xuyên tạc, hoặc vu khống” điều này ông học cao hiểu rộng chắc ông biết chứ!

    Thứ hai, ông DND so sánh các quy tắc quản lý thu chi ở các chùa Trung Quốc chặt chẻ còn ở Việt Nam thi xuề xòa. Và“người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng. Mới hôm qua người ta gọi mình bằng “thằng”, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng “thầy””. Đoạn này ẩn chứa nhiều hận thù, và miệt thị người khác, với thái độ “mục hạ vô nhơn”. Với một học vị tiến sỹ tôn giáo học, lẽ ra trước khi phát ngôn ông nên cân nhắc lời nói của mình chứ. Việc quản lý không chặt chẻ, xuề xòa ở các ngôi chùa Việt Nam, ông đã đến hết chưa. Hay chỉ lướt qua một vài nơi nào đó rồi kết luận chung chung như thế?
    Chuyện nhà chùa cưu mang các trẻ cơ nhở, mồ côi hoặc nghèo khó là do tấm lòng Từ Bi cứu giúp cộng đồng của Tăng – Ni Phật tử. Họ mở viện dưỡng lão, cô nhi viện để tạo điều kiện cho người ta có cơ hội được học tập, được tiến thân, được nuôi dưỡng. Khi các cháu lớn lên, tùy theo nhân duyên của mỗi người, tiếp tục ở chùa xuất gia và học lên nữa. Còn không ở chùa nữa, thì họ trở về kiếm việc làm, lập gia đình như bao người khác. Truyền thống tốt đẹp, đầy tính nhân văn này đã có từ lâu đời. Chắc ông cũng biết cuộc đời và sự nghiệp của Lý Công Uẩn chứ!
    Riêng lý tưởng xuất gia của tu sỹ Phật giáo hoàn toàn không giống như ông nghĩ. Với ý chí “phát túc siêu phương”, “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Nên việc đi tu không phải là cái nghề kiếm sống. Đương nhiên trong tổ chức nào cũng có vài thành viên xấu, chúng ta không thể thấy vài cá nhân xấu mà kết luận rằng tổ chức đó xấu một cách vô căn cứ. Điều này trong kinh đức Phật có chỉ rõ có 4 hạng người: “1. Thân xuất gia nhưng tâm chẳng xuất gia: xuất gia mà còn luyến tục. 2. Thân và tâm đều xuất gia: Người xuất gia chân chính; 3. Thân không xuất gia nhưng tâm xuất gia: còn ở nhà nhưng vẫn tu học tiến bộ, không đắm say thú vui thế tục. 4.Thân và tâm không xuất gia: chỉ cho hạng người suốt đời bận rộn công việc thế tục và không nghĩ chuyện xuất gia.”
    Thứ ba, trong bài báo ông có nói “không nên bôi bác họ khi chưa có bằng chứng” nhưng kì thực ông không làm điều đó. Điển hình ông nói“Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống”, “Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu” và “người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa”. Xin hỏi ông DND “rất nhiều người” là bao nhiêu? Đã có con số thống kê chính xác chưa hay chỉ là suy diễn? Kế đến ông DND chứng kiến một vài sự việc mang tính cá nhân rồi quy kết rằng: “nền tảng của đạo Phật lung lay từ lâu.” Lung lay như thế nào? Từ lâu là bao giờ thưa ông DND. Với trình độ tiến sy như ông thì quá thừa biết câu tục ngữ “con sâu làm rầu nồi canh”chứ!
    Tóm lại, để kết thúc bài viết, tôi xin mượn bài thơ của Lê Hoàng làm kết luận. MIỆNG ĐỜI
    Thơ: Lê Hoàng
    Một câu chuyện bình thường thôi nhé !
    Người qua người …. lý lẽ bành ra
    Câu thêm chữ bớt mượt mà
    Lớn lên thành phẩm quả là đáng kinh .
    Chú gà trống làm tình con mái !
    Chuyện ba giây kinh hãi tới chừ
    Một tuần trôi cứ giống như
    Ta gây chuyện xấu, phải từ lấy ta .
    Cõi ta bà làm sao để tránh !
    Chuyện con người đâu rảnh dèm pha
    Để hồn thanh thản bao la
    Thong dong cuộc sống mới là đạo nhân .
    Ôi thơ phú ! Tâm thần loạn cả
    Cứ vô tư , ha hả cười đùa
    Đừng làm cớ việc phân bua
    Tự lòng ác thiện , gió lùa qua tai
    Hãy cư xử cho hài một chút
    Gặp nhau cười những phút an yên
    Chôn đi mọi chuyện ưu phiền
    Miệng đời cứ mặc, lòng nên vững lòng .

    Quảng Đạt

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều