Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànChuyên đề sự kiệnTự cho mình chân tu bác việc xây chùa là chấp lý...

    Tự cho mình chân tu bác việc xây chùa là chấp lý bỏ sự *

    Sáng, lên facebook thấy Phật tử chia sẻ bài của vị sư giảng Phật giáo cần nội dung, không cần hình thức, cũng bác việc xây dựng chùa to Phật lớn, nhưng được biết ngài cũng đang xây dựng trường thiền lớn tại nước ngoài.

    chua_dat_phat_vang.jpg

    Không dám nói gì, nhưng cái bệnh chấp lý bỏ sự nơi chúng sanh nhiều quá. Trong khi sự làm không tới. Ai cũng nói tu Phật tại tâm. Nhưng bỏ ra vài đồng cúng Phật đã thấy tiếc. Sự tu hành tuỳ theo căn cơ mỗi người, có người chuyên tu phước, có người thích tu tuệ, có vị phước tuệ song tu. Nhưng thiết nghĩ miễn có tu, có buông xả là được. Đâu nhất định phải bắt ép chúng sanh giác ngộ giải thoát liền trong khi tam quy chưa làm được.

    Chùa lớn, chùa nhỏ là do nhu cầu của địa phương. Kinh tế Phật giáo luôn bị động, vì phải nhờ vào sự tuỳ hỷ phát tâm của mười phương tín thí. Nếu có ai đó, đứng ra xây chùa, thì chúng ta nên tuỳ hỷ, tại sao lại công kích. Hoà Thượng Liêm Chính từng dạy: “ Hễ nơi nào có thờ Phật, dù tăng sĩ có phá giới phạm trai, thì ngôi chùa đó cũng không có lỗi gì mà đập bỏ”. Vì còn chùa là còn nơi để cho lòng người hướng thiện. Nhờ phát triển được thế gian trụ trì tam bảo, mới duy trì được xuất thế gian trụ trì tam bảo.

    Tư tưởng tịnh độ là tư tưởng thích ứng với mọi thời đại, nhập thế để xây dựng xã hội chứ không phải đắm mình nơi cõi Cực Lạc lánh xa thế tục. Nhà Phật tuy có hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, nhưng để phát triển Phật giáo, không phải nhất định ra gốc cây ngồi hết.

    Nếu vậy, tại sao trưởng giả Cấp Cô Độc rải vàng mua khu vườn của thái tử Kỳ Đà để xây Tịnh Xá Kỳ Viên. Sự bảo hộ của giới thương gia, quý tộc đối với Đức Phật, để phát triển Phật giáo về mặt ngoại hộ luôn là điều cần thiết. Nếu Phật giáo Việt Nam không cần giao lưu với Phật giáo quốc tế thì đâu cần những cơ sở tầm vóc vĩ đại.

    - Advertisement -

    Chùa lớn hay nhỏ, đều do nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng. Xây một ngôi chùa, tức là đã xoá được mười cái trại giam. Thay vì xây nhà tù, chúng ta đi xây chùa, há chẳng lẽ không tốt hơn ư? Ai muốn tu giải thoát thì cứ lo chuyên tu, đừng đả phá tư tưởng quần chúng, để tạo thêm cớ cho truyền thông bẩn đánh phá Phật giáo.

    Đến khi dân mất tín tâm, không còn thích xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, cúng dường nữa thì ác nghiệp lan tràn, thì còn ai trợ duyên cho quý vị tu hành. Ngày trước Hòa thượng Thích Không Trú dạy: “ Hành chánh cũng là một pháp tu. Ai cũng lo lên núi tu hành thì việc giáo hội ai lo”. Nhờ có quý thầy độ đám, lo hành chánh, quý thầy mới ngồi yên tu được. Nên trong chúng tăng, mỗi người một hạnh, đừng vì kiến giải riêng mà bài bác lẫn nhau.

    nha_su.jpg

    Lời “tố cáo” Phật tử của một vị sư đăng trên facebook

    Huỷ hoại hạt giống lành của hàng Phật tử sơ cơ. Chỉ có tăng khen tăng là chánh pháp hưng thịnh. Bằng ngôi chùa đó kinh doanh, trục lợi, mê tín, thì đâu nhất thiết phải bôi nhọ. Cứ lo giảng đúng kinh Phật, tự khắc bóng tối sẽ nhường chỗ cho ánh sáng.

    Không chỉ truyền thông bẩn, ngoại đạo, mà đôi khi chính quý thầy, quý Phật tử tự cho mình chân tu, đã vô tình bóp méo đi hình ảnh đạo Phật. Đừng luôn miệng nói đến giải thoát, trong khi chẳng có phương hướng nào giữ được số lượng tín đồ ngày càng giảm, do bị cải đạo. Đó là trách nhiệm của ai? Nên những phương tiện nào chư tổ dùng để độ sanh thì nói rõ cho Phật tử hiểu, chứ đừng đạp đổ công sức của tiền nhân.

    Bản chất Phật giáo không có giáo hội, là tự thân tu chứng. Nhưng nếu ngày nay không duy trì tổ chức, tập họp quần chúng thì làm sao phát triển. Thí như pháp nạn 1963, nếu ai cũng lên núi mà tu, không dám liều mình xả thân vì đạo như Bồ tát Quảng Đức và các thánh tử đạo, thì liệu giờ này còn chùa đâu cho quý vị ngồi giảng kinh và còn ai nghe nữa? Vì đó là sách lược đàn áp Phật giáo, để cải đạo.

    Chùa to, Phật lớn không có lỗi. Chấp lý bỏ sự là sai lầm. Tổ Quy Sơn dạy: “ Thực tế lý địa, bất thọ nhất trần; vạn hạnh môn trung, bất xả nhất pháp”. Còn thiên chấp một bên lý hoặc sự đều là thiên kiến. Còn chùa, còn tượng, còn kinh điển là còn người tu. Trong trăm vạn người tu họa may mới có một người chứng.

    Như Đức Phật phải trải qua ba a tăng kỳ, đâu phải mỗi đời này mới sáng đạo. Do đó, kính xin quý vị lão túc, tuyên dương giáo nghĩa. Còn việc vụn vặt như xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, để huynh đệ làm thay cho quý ngài. Đó là muốn có kiếm bén, không chỉ có thợ rèn giỏi, mà cũng cần đến cái lò rèn.

    Tu đạo cũng vậy, cũng buông từ việc nhỏ nhặt tầm thường nhất. Như ăn cơm chánh niệm, chỉnh đôi dép cho ngay, mặc cái áo tươm tất, rồi đến bố thí, cúng dường, nghiên cứu kinh điển, chuyên tu chỉ quán. Chứ không thể bỏ hết, ba bữa thành Phật liền. Nên thuyết pháp đừng để cho những căn cơ tầm thường nhất lung lạc.

    Cái đúng của người này, chưa chắc đúng với người kia. Xin quý Phật tử đừng chủ quan mà vô tình phá đạo. Hãy tinh tấn, đúng như lộ trình của mình để giải thoát.

    Chùa đất Phật vàng tuy quý hơn chùa vàng không có Phật. Nhưng Phật ấy, cũng tại tâm mình.

    Lỗi đâu phải tại chùa.

    *Tựa đề do BBT đặt lại.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều