Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànChuyên đề sự kiệnTT.Thích Thanh Phong nói về vấn đề từ thiện Phật giáo

    TT.Thích Thanh Phong nói về vấn đề từ thiện Phật giáo

    Tết Nguyên đán đang đến gần, lãnh đạo Phật giáo TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động Phật sự cuối năm và đầu xuân Kỷ Hợi, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo “Tết ấm” cho những gia đình khó khăn.


    Dịp này, PV Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với TT.Thích Thanh Phong, UVTT HĐTS, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội (TTXH) GHPGVN TP.HCM, về những chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình hỗ trợ cho bà con trong giai đoạn giáp Tết. Nói về hoạt động ý nghĩa này, Thượng tọa cho biết:
    TT.Thích Thanh Phong – Ảnh: Bảo Toàn
    – Được sự chỉ dạy của Hòa thượng Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM – Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Ban TTXH Phật giáo TP.HCM, tổ đình Vĩnh Nghiêm và các tự viện thành phố tiếp nối truyền thống mang từ bi đến những người kém may mắn. Tết năm nào cũng vậy, Tăng Ni, Phật tử TP đem tấm lòng từ bi, chia sẻ hướng đến, chăm lo đời sống của những gia đình còn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, giúp họ được ấm lòng với món quà xuân từ chương trình “Tết yêu thương”.
    Năm nay, từ ngày 21-1, Ban TTXH Phật giáo TP bắt đầu hành trình “Tết yêu thương”, đến thăm, tặng quà cho đồng bào ở tỉnh Hưng Yên (1.000 phần quà), Hà Nam (500 phần). Sáng ngày 22-1, Ban TTXH lại có mặt tại tỉnh Hòa Bình (tặng 500 phần), chiều cùng ngày đến tỉnh Sơn La (tặng 500 phần), trung bình trong một ngày, Ban TTXH sẽ đi đến hai tỉnh vùng Tây Bắc. Trong chuyến chăm lo Tết ở vùng Tây Bắc, Ban TTXH sẽ tặng 2.000 phần quà ở vùng sâu, vùng xa.
    Đặc biệt, vừa qua Ban TTXH được sự hỗ trợ của các ngân hàng, nhóm từ thiện của bà Mai Thị Hạnh, phu nhân của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng đã đi thăm, tặng quà đến đồng bào dân tộc các miền cao tỉnh Hà Giang, đã trao 80 căn nhà tình thương đến những gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ trên chiến trường Tây Bắc, trao hơn 1.000 phần quà cho đồng bào các dân tộc địa phương huyện Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang); được sự hỗ trợ của các đơn vị tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp Xuân Trường, đã hỗ trợ đời sống, chăm lo cho học sinh các trường dân tộc nội trú ở vùng Tây Bắc.
    Ngoài ra, “Tết yêu thương” còn có các hoạt động từ thiện của các tổ chức xã hội khác đóng góp cùng với Ban TTXH GHPGVN TP chăm lo khoảng 20.000 phần quà đến với 20.000 gia đình, hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa hưởng được Tết cổ truyền ấm áp.
    Hành trình của Ban TTXH Phật giáo TP mang “Tết yêu thương” đến với đồng nghèo bắt đầu từ các tỉnh Tây Bắc – vào TP.HCM – các tỉnh miền Trung và cuối cùng là các tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ.
    Vừa qua, Ban TTXH GHPGVN TP đã tổng kết công tác hoạt động từ thiện nhân đạo trong năm 2018, Thượng tọa có thể cho biết hoạt động từ thiện có ý nghĩa nhất trong năm qua? 
    – Ban TTXH đã thực hiện nhiều chuyến từ thiện xã hội đến với đồng bào khó khăn tại các tỉnh, thành. Đặc biệt, thời điểm đồng bào ở vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc bị thiên tai lũ lụt, sạt lở núi… thiệt hại nặng nề về người và của thì đích thân Hòa thượng Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP đã đến thăm, chia sẻ kịp thời với những món quà ý nghĩa. Hòa thượng đã trực tiếp thăm và động viên kịp thời các gia đình có người thương vong nặng nề do thiên tai, bão lũ ở vùng Tây Bắc. Đây là hoạt động có ý nghĩa, thiết thực có ý nghĩa rất lớn với những người làm từ thiện xã hội.
    Các hoạt động từ thiện, nhân đạo của Ban TTXH GHPGVN TP trong năm 2018 thực hiện được với tổng trị giá 125 tỷ đồng, và toàn thể Tăng Ni, Phật tử TP, tổng cộng là 350 tỷ đồng. Đó là những con số thật, các đơn vị Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử đến thực hiện các công trình công cộng như: xây đường, cầu bê-tông nông thôn, trao quà trực tiếp ở địa phương và được cấp giấy chứng nhận đầy đủ.
    Là người trực tiếp trong những chuyến từ thiện đến thăm đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Thượng tọa có cảm nhận như thế nào về đời sống của người dân những nơi ấy? 
    – Trong những chuyến từ thiện ở các tỉnh, thành, tôi đặc biệt chú tâm đến hoàn cảnh của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Đời sống của họ khó khăn về mọi mặt, dù được sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, tuy nhiên sự chăm lo này cũng có hạn, do đó họ vẫn rất thiệt thòi so với những nơi khác. Tôi rất mong sự quan tâm, tấm lòng hảo tâm của tất cả Tăng Ni, Phật tử, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp… đến đời sống đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vì ở đó họ thật sự cần chúng ta giúp đỡ. Thật sự thì đồng bào dân tộc vùng cao Hà Giang, có những gia đình còn đứt bữa, còn bữa đói bữa no, lương thực của bà con chỉ có ngô, khoai sắn nên thiếu gạo rất nhiều. Trẻ em thì đói ăn và thất học, chưa được chăm lo như những đứa trẻ cùng trang lứa.
     
    DSC00705.JPG
    HT.Thích Trí Quảng trao quà đến các hộ bị tổn thất nặng nề do lũ cuốn ở Hà Giang – Ảnh: H.Độ
    Thưa Thượng tọa, trong năm 2019, hoạt động của Ban TTXH GHPGVN TP trọng tâm thực hiện là gì? 
    – Chương trình hoạt động Ban TTXH GHPGVN TP đã thống nhất đề ra một số hoạt động trọng tâm trong năm 2019 như chăm lo đời sống cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; Hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở; Xây đường, cầu bê-tông nông thôn; Vận động Tăng Ni, Phật tử hiến máu nhân đạo cứu người, phát triển chương trình “Bếp cơm tình thương” cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, chăm sóc người già neo đơn, trẻ mồ côi, tặng học bổng cho các cháu học sinh; tặng xe lăn, xe lắc cho thương bệnh binh, người khuyết tật nghèo.
    Đối với TP.HCM, chủ yếu tập trung kết hợp với các bệnh viện TP.HCM phẫu thuật mắt, ghép thủy tinh thể nhân tạo cho các bệnh nhân nghèo, người già khó khăn; chăm lo một số hộ gia đình diện chính sách, quan tâm đến vận động Tăng Ni, Phật tử hiến máu nhân đạo cứu người…
     
    Để hoạt động từ thiện đi vào thực tế và hiệu quả thiết thực, Thượng tọa có những đề xuất nào cho công tác TTXH, trong bối cảnh có nhiều hoạt động tự phát?
    – Tôi mong rằng Tăng Ni, Phật tử cũng như các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân chúng ta nên có sự chia sẻ cùng với Giáo hội và đem tình thương, lòng từ bi của Phật giáo đến những hoàn cảnh kém may mắn. Chúng ta cần phải đến tận nơi và trao tận tay người cần hỗ trợ. Trong những chuyến từ thiện, chúng tôi đi đến đâu cũng được sự giúp đỡ của MTTQVN, Hội Chữ thập đỏ ở địa phương, trao quà đến tận tay các gia đình với niềm hoan hỷ. Chẳng hạn, Ban TTXH lên vùng cao Hà Giang tặng 500 phần quà thì địa phương đã tập trung đủ 500 hộ luôn, để trao tận tay chứ không gián tiếp trao. Do đó, chúng ta đi từ thiện thì phải có tổ chức.
    Hiện nay, có nhiều cá nhân có tấm lòng mang quà, tiền đến để tặng cho đồng bào nhưng thiếu sự tổ chức, lên đến nơi thì gặp khó khăn phát sinh, do các gia đình từ bản này sang bản khác thường ở rất xa, có khi cả vài chục km, đoàn không thể trao trực tiếp hết quà đến tận tay họ. Tăng Ni, Phật tử đã có nguồn tài chính, vật phẩm, định hướng nơi đến… nếu cần sự hỗ trợ của Ban TTXH GHPGVN TP thì Ban sẵn sàng hỗ trợ tất cả các vấn đề của khâu tổ chức cho đoàn, để đoàn tặng quà trực tiếp đến đồng bào, không thiếu một người nào. Hiện nay, có một số vị phát tâm mạnh nhưng còn lúng túng trong khâu tổ chức, Ban TTXH GHPGVN TP sẵn sàng làm cầu nối cho các vị để hoạt động từ thiện được trọn vẹn, đỡ mất thời gian và công sức.
     
    Có người cho rằng, làm từ thiện thì “nên trao cần câu chứ không nên trao con cá”, Thượng tọa có suy nghĩ gì về quan điểm này? 
    – Hiện nay, công tác chăm lo cho người nghèo, người khó khăn vẫn được Nhà nước, các tổ chức xã hội quan tâm bằng những chương trình cụ thể, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, chế độ an sinh xã hội, tặng “cần câu” như: Trao tặng bò, heo giống, làm đường, xây cầu bê-tông, vay vốn làm ăn, đó là đề án được triển khai thiết thực và hiệu quả.
    Ai cũng nói rằng làm từ thiện “nên trao cần câu không nên trao con cá” nhưng mà cần câu đó thì phải có mồi, thì cá mới ăn, nên chỉ có cần câu không thì cũng không được. Vì vậy, chúng ta làm từ thiện là cứu đói, cứu ngặt để động viên người nghèo vượt qua khó khăn trong một thời điểm nhất định. Về định hướng lâu dài, Giáo hội nói chung, Ban TTXH cũng “lực bất tòng tâm”, chúng ta chỉ làm được những việc trong khả năng của mình. Ban TTXH nói riêng chỉ đóng góp một phần trong số các chương trình an sinh xã hội cùng với Nhà nước.
    Cảm ơn Thượng tọa về cuộc trò chuyện này. 
     
    Huỳnh Diệu thực hiện/ GNO
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều