Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoThơ- vănTruyện cổ tích Tấm Cám qua cái nhìn người học Phật.

    Truyện cổ tích Tấm Cám qua cái nhìn người học Phật.

    Những câu chuyện cổ tích luôn là đề tài hấp dẫn đối với thế giới tuổi thơ. Không chỉ mang lại giá trị trong kho tàng văn học dân gian mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc đối với xã hội. Đã có rất nhiều nghiên cứu về thể loại truyện này. Nay xin mạo muội đặt câu chuyện Tấm Cám dưới cái nhìn của người học Phật. Để chúng ta hiểu thêm về triết lý Phật giáo trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng, được nhiều người biết đến, truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác.


    1. Tấm – Cám dưới cái nhìn nhân quả

    Tấm – Cám là câu chuyện cổ tích thần kì mang nét đặc trưng của truyện cổ tích. Qua đó chúng ta thấy rõ sự hiện hữu của triết lý nhân quả Phật giáo “làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ”. Từ đầu câu chuyện chúng ta gặp một típ truyện quen thuộc mà ngày nay cũng không hề khó tìm. Đâu đó người ta vẫn nhắc:

    “ Mấy đời bánh đúc có sương

    Mấy đời gì ghẻ có thương con chồng”

    - Advertisement -

    Câu chuyện muốn nói đến ở đây đã không còn ở trong một gia đình mà đã trở thành câu chuyện của xã hội. Một hành động cần được lên án mạnh mẽ.

    Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm ở với dì ghẻ, bị mẹ con Cám bắt làm lụng suốt ngày. Một lần, để giành lấy yếm đỏ, Cám lừa đổ hết tép trong giỏ của Tấm, chỉ còn sót lại con bống. Tấm khóc, Bụt hiện lên dặn Tấm về nuôi cá bống. Mẹ con Cám lại lừa Tấm đi chăn trâu xa, ở nhà giết bống. Mất bống, Tấm khóc. Bụt hiện lên và dặn cô nhặt x­ương bống chôn vào bốn chân giường. Vua mở hội. Bụt bày cách cho Tấm nhặt thóc gạo nhanh và có quần áo, khăn, giày đẹp để đi hội. Vua nhặt đ­ược chiếc giày Tấm đánh rơi bèn truyền lệnh ướm giày kén vợ và Tấm trở thành hoàng hậu.Ngày về nhà giỗ cha, Tấm bị mẹ con dì ghẻ bày m­ưu giết chết để Cám đư­ợc thế chân. Tấm biến thành chim vàng anh bay vào cung. Nhiều lần bị Cám hãm hại, Tấm phải hoá thân thành cây xoan đào, khung cửi rồi quả thị. Về ở với bà cụ bán n­ước, Tấm đảm đang, khéo léo. Vua ghé vào quán nư­ớc thấy miếng trầu giống trầu Tấm têm ngày xư­a bèn hỏi thăm, nhận ra vợ mình và đón nàng về cung. Cám càng sinh lòng ghen ghét, ao ư­ớc đ­ược xinh đẹp như­ chị. Tấm bày cách xui Cám ngồi dưưới hố thật sâu rồi sai ngư­ời dội nư­ớc sôi xuống. Cám chết, nghe tin dữ, mụ dì ghẻ uất lên ngã vật xuống đất chết theo.

    Nhân quả báo ứng trải dài trong dòng thời gian vô thủy vô chung, mỗi chúng ta không có khả năng nhận biết hết được, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra trước mắt, mà không thể nhìn thấy những gì xảy ra trong quá khứ mờ mịt xa xôi. Chính vì vậy nhiều kẻ lớn tiếng phủ nhận nhân quả, bất chấp đạo lý, rốt cuộc phải chuốc lấy nghiệp quả nặng nề, đau khổ. Đó chính là chân lý mà cha ông ta đã đúc kết: “ gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành”.

    Tấm Cám là câu chuyện mang đặc trưng của thi pháp truyện cổ tích thần kì với kết cấu 3 phần rõ ràng:

    Phần mở đầu: nhân vật chính xuất hiện với mô típ người con riêng bất hạnh

    Phần giữa: cuộc phưu lưu của nhân vật chính trong thế giới cổ tích với mô típ bước vào tình huống hoàn cảnh bất thường, gặp thử thách và lực lượng thù địch, chiến thắng thử thách, lực lượng thù địch với mô típ nhờ trợ thủ thần kì

    Phần kết: sự thay đổi số phận trong thế giới cổ tích với mô típ thưởng phạt, nhân vật chính được đền bù, giải thoát khỏi sự bất hạnh.

    Lý nhân quả của Phật giáo đã được áp dụng ở câu chuyện này song khác với câu chuyện ở điểm Nhân Quả thì không có sự can thiệp của các thế lực thần kỳ. Đức Phật dạy rằng:

    “ Dù trải trăm nghìn kiếp

    Nghiệp đã tạo không mất

    Khi nhân duyên đầy đủ

    Phải tự chịu quả báo”

    (Qui nguyên trực chỉ- quyển hạ, tr 941)

     

    “Muốn biết nhân đời trước

    Xem sự hưởng đời nay

    Muốn biết quả kiếp sau

    Xem việc làm kiếp này”.

    ( kinh nhân quả ba đời)

    Hay : ác giả ác báo, thiện giả thiện lai.

    Tấm – Cám hai cái tên khá quen thuộc, mà phải nói là thuộc lòng từ khi lên năm lên bảy. Ngày còn bé hẳn ai cũng từng được cha mẹ thầy cô kể cho nghe câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Đến giờ nhiều Cụ già vẫn thuộc lòng câu chuyện “ ngày xửa ngày xưa” ấy. Tại sao những câu chuyện cổ tích lại ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta như vậy? Phải chăng nó phản ánh tâm tư nguyện vọng, tình cảm của con người, phản ánh lý nhân quả duyên sinh tuần hoàn tương tục và lối sống hiền lành chất phát của dân ta từ xưa tới nay?

    Vậy thì khi Tấm trả thù coi như Tấm cũng đang tạo nghiệp và tương lai thì sẽ như thế nào đây? Tuy nhiên cái kết Tấm trả thù mẹ con Cám thì lại được hầu hết người đọc chấp nhận. Dù dưới hình thức nào thì kết thúc câu chuyện chính là tiếng nói của thực tại, bởi thực tại quá khổ đau, thực tại đã dồn ép những con người lương thiện khốn cùng vào chân tường để rồi khi đã đấu tranh dành lại được quyền sống, quyền khát khao, quyền làm người thì họ sẽ thực hiện điều mà có thể trước đó họ chưa bao giờ từng nghĩ đến.Vì thế hành động của

    Tấm phù hợp với quy luật chung của thể loại truyện cổ tích và với tư tưởng của nhân dân ở thời đại mà câu chuyện ra đời. Bởi thế mà câu cửa miệng “hiền như cô Tấm” vẫn tồn tại như một sự khẳng định phẩm chất, con người cô cũng như sự lưu truyền qua thời gian của câu chuyện. Trong bài viết Văn hóa dân gian thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc đăng trên tạp chí văn hóa dân gian, số 2 năm 1998, Nguyễn Xuân Kính cho rằng: “việc Tấm phải trả thù và tiêu diệt mẹ con Cám là tất yếu”. Ông còn cho rằng hành động đó “không có gì xa lạ với cách nghĩ và tâm lý dân tộc” song ông cũng nói rằng: “ ở thời điểm hiện tại, có thể chúng ta chưa tán thành cách thức trả thù của Tấm nhưng việc Tấm trả thù là cần thiết và chính đáng” ( Nguyễn Xuân Kính, 1998, tr5.6)

    Nhưng theo quan điểm Phật giáo:

    “Chư ác mạc tác

    Chúng thiện phụng hành

    Tự tịnh kỳ ý

    Thị chư Phật giáo”

    Hay :

    “Hận thù diệt hận thù

    Đời này không thể có

    Từ bi diệt hận thù

    Là định luật ngàn thu”

    Vậy thì cho dù Tấm có trả thù hay không trả thì thì ý nghĩa câu chuyện, kết thúc câu chuyện không còn quan trọng nữa. Bởi vì nhân quả là cán cân công bằng nhất, lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát, con người dù làm thiện hay làm ác cũng không thể thoát khỏi tấm gương nhân quả. Câu chuyện một lần nữa khẳng định quan điểm “thiện thắng ác; ác giả ác báo thiện giả thiện lai; ở hiền gặp lành,ở ác gặp ác”

    1. Tấm – Cám dưới góc nhìn luân hồi tái sinh

    Câu chuyện luân hồi tái sinh dù trải qua thời gian lâu dài nhưng vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. Khoa học và Tâm linh đều mới chỉ dừng lại phần nào ở vấn đề này. Nhưng từ rất lâu người ta vẫn tin rằng, có kiếp này và kiếp sau. Con người sống tốt trong hiện tại thì tương lai sẽ được hưởng những điều tốt đẹp. Một lần nữa câu chuyện Tấm – Cám lại khẳng định phần tâm linh là có thật.

    Theo thuyết luân hồi của Phật giáo thì có mười nghiệp lành đối lại với mười nghiệp ác. Nếu khi sống tạo nghiệp ác thì khi chết phải chịu luân hồi tái sinh vào thân phận kẻ chịu khổ đau vì phải trả cái nghiệp xấu ấy. Nếu khi sống tạo nghiệp lành thì khi chết sẽ luân hồi đầu thai vào thân xác mới có đời sống tốt lành hơn. Nói tóm lại tất cả những gì mà bản thân đang phải trải qua ở hiện tại chính là kết quả của nghiệp mà kiếp trước bản thân đã làm. Và tất cả những gì mà hiện tại bản thân đang làm thì sẽ là kết quả của tương lai, tức là nhân quả báo ứng. Trong câu chuyện này cô Tấm đã trải qua nhiều lần luân hồi tái sinh, trải qua biết bao sóng gió nhưng cuối cùng thì quả lành cũng đã được đền đáp xứng đáng.

    Lần thứ nhất: Tấm chết hóa thành con chim vàng anh với tiếng hót trong trẻo, thánh thót, đem lại niềm vui  cho Đức vua, không còn yếu đuối bị động như trước nữa.

    Lần thứ hai tấm hóa thành cây xoan đào, xanh tươi che mát cho nhà Vua, lòng cây xoan màu hồng như tấm lòng son sắt của cô Tấm đối với tấm chân tình của nhà Vua. Hình ảnh Tấm trong khung cửi tiếp tục mạnh mẽ hơn, tuyên chiến với cái ác

    Lần thứ ba Tấm hóa thành cây thị, hình ảnh Tấm trong quả thị là một con người nết na hiền dịu, công dung ngôn hạnh, chủ động với cuộc sống của mình.

    Mỗi lần Tấm hóa thân đều trong hình ảnh đẹp, đều mang một sự thống nhất thể hiện linh hồn lương thiện trong sáng, thủy chung không chịu khất phục khi ý thức được nỗi oan của mình.

    Theo giáo lý Phật giáo thì chúng sinh không phải đoạn diệt cũng không phải thường còn mà quay lộn trong sinh tử luân hồi. Hiểu đơn giản luân là bánh xe, hồi là trở lại. Hình ảnh này để chỉ cho sự trôi lăn trong sáu cõi ba đường, tử sinh, sinh tử tiếp nối không ngừng như bánh xe quay lăn. Khi đã công nhận thuyết nhân quả, thì chúng ta không thể phủ nhận sự luân hồi, vì chẳng qua luân hồi chỉ là nhân quả liên tục, trong vòng tròn ấy không có khởi đầu, không có kết thúc. Chỉ đến khi người tu tập đạt đến sự giải thoát tối thượng thì không còn luân hồi nữa, tuy nhiên nhân quả thì vẫn phải chịu.

    Như vậy dù xét câu chuyện này trên góc nhìn nhân quả hay luân hồi thì cái kết của câu chuyện vẫn nên tồn tại. Nhưng nó nên tồn tại ở góc độ nào cho phù hợp mà thôi.

    Con người nên tin nhân quả

    Nó chỉ đến sớm hay đến muộn mà thôi!

    Nghiêm Yến

     

    THƯ MỤC THAM KHẢO

    Vũ Anh Tuấn ( chủ biên), Phạm Thu Yến, Nguyễn Việt Hùng, Phạm Đặng Xuân Hương,Giáo trình Văn học dân gian, NXB Giáo dục Việt Nam.

    Bùi Văn Tiếng(1996), Bàn về cách ứng xử nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám, tạp chí văn hóa dân gian, số 4

    Đinh Gia Khánh(1999), Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, NXB Hội nhà văn

    Phạm Xuân Nguyên(1994), Đôi điều suy nghĩ về truyện Tấm Cám, tạp chí văn hóa dân gian, số 2

    Nguyễn Xuân Kính(1998), Văn hóa dân gian thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, tạp chí văn hóa dân gian, số 2

    Hoàng Tiến Tựu(1993), Bình giảng truyện dân gian, NXB Giáo dục Việt Nam.

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều