Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànBạn đọc- Góc nhìnTrách nhiệm của người Thích Tử

    Trách nhiệm của người Thích Tử

    Đã là Sa Môn Thích Tử ắt phải lấy sự nghiệp lợi sanh làm trọng, xem sự tồn vong của Chánh Pháp là huyết mạch, lấy Chánh Kiến làm sự nghiệp. Đã vậy, thì không để danh lợi xen vào, tình phàm vấy bẩn, huống chi manh tâm cong vạy, gây chia rẽ, phân hoá Phật giáo, lại còn phá kiến tín chúng, lân la cùng ngoại đạo, làm tổn thương Chánh Pháp. Những hạng người như thế, chỉ là Ố Đạo Sa Môn, không xứng đáng dự vào hàng Chúng Trung Tôn, vì giả danh Thích tử.

    Chưa bao giờ trong Phật giáo lại có hiện tượng “Thiền Sư Ngộ Đạo” nổi lên như nấm mọc sau mưa, cuồng ngôn vọng ngữ tự xưng chứng Thánh mà đối với việc sanh tử thì mịt mờ, lời Phật không tỏ, ý Tổ chưa thông, rốt cuộc chỉ là kẻ giải ngộ thường tình, lấy tri giải cổ nhân lấp liếm, uốn lưỡi sáo diều, lập phái, lập tông, lụy hàng hậu học rơi vào tà kiến. Chẳng qua mượn lớp vỏ Phật Pháp đổi lấy chút tiếng tăm, đắm mình trên danh văn lợi dưỡng mà cho đó là hành đạo thì chỉ dối mình, gạt người, không chút hổ thẹn.

    Lại còn hạng học đòi Tổ vị làm chuyện khác người, bốn trọng giới chẳng tịnh, giáo nghĩa không tường. Tự mình còn đắm mê bản ngã, cầu người cung kính cúng dường, huênh hoang khoác lác, bỏ truyền thống bao đời, bày trò dị hoặc, y áo khác người, chỉ muốn phô trương thanh thế, tạo lập tông phong, hoặc dựa vào thế quyền, hay cậy vào Tăng chức, làm bậy nói quàng, bài xích kinh điển, chẳng sợ nhân quả, khác nào người mù dắt kẻ đui, làm manh mún Phật Pháp.

    Sáu căn không giữ, ba nghiệp chẳng gìn, thuyết pháp cho người thì vì quyền lợi, danh dự cung kính, thu nhiếp tín chúng, để gây thanh thế cho riêng mình, chẳng nghĩ đến tương lai đạo Pháp, sẵn sàng dạy họ, vạch lỗi chư Tăng. Tệ hơn bọn ngoại đạo chen lộn trong Tăng đoàn để tìm phương phá hoại. Vì đó là hạng Bà La Môn phá kiến, sẵn sàng bác Phật, mắng Tăng, chê bai kinh điển, chỉ tin vào tà thuyết của riêng mình. Dẫn chúng sanh đi vào địa ngục.

    - Advertisement -

    Tệ hơn nữa là những kẻ tu học chẳng tới đâu, tự cho mình thanh cao vô chấp, chỉ giỏi khóc mướn cho người dưng, tự mình không chân chính, lại cổ vũ lễ hội của ngoại đạo. Chưa từng nghĩ đến quả Dự Lưu, bỏ qua Giới Cấm Thủ, đem cả Lễ Noel tổ chức ngay trong chùa, khiến tín đồ trái hẳn Tam Quy, bỏ qua Tam Kiết, đó là bọn ngụy biện hoà đồng mà chẳng biết giữ mình, chạy theo thanh sắc. Ngày lễ Phật Đản chẳng lo, còn lanh quanh tụng đám, ngày Giáng Sanh lại đem y áo qua nhà thờ tán tụng, hát mừng Chúa Giáng Sanh. Dù chẳng nhiệm vụ gì trong giáo hội. Mặc dù, đạo chẳng phân chia. Nhưng chánh tà dị biệt. Huống chi, đánh mất lòng tự trọng của mình.

    Trước họa cải biến văn hoá, đối với sự thịnh suy của Phật giáo và Dân tộc, trách nhiệm Tăng sĩ ở đâu? Chẳng lẽ lại đan tâm làm ngơ, cố thủ bản vị, hoặc hùa theo ngoại đạo, chẳng nghĩ đến bản hoài Kế Vãng Khai Lai của hàng Thích tử? Vậy có biết mình ăn cơm, mặc áo của ai mà lại phụ ơn tín thí? Hoằng pháp lợi sanh chi khi thấy những Phật tử dại khờ chạy theo trào lưu Tây hoá chẳng biết chọn lọc mà không chút xót xa? Tự hào với trang sử vàng son của Phật giáo và Dân tộc mà ngủ quên trên chiến thắng? Nếu không giữ vững và phát triển được số lượng tín đồ Phật giáo, thì nói chi đạo giác ngộ giải thoát xa vời. Muốn vãng sanh Tịnh Độ, thì phải lấy nhân gian làm Tịnh Độ. Từ chủ trương của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đến nay hơn 700 năm, lý tưởng ấy cho đến nay vẫn còn bỏ ngõ!

    Truyền thống văn hoá Dân tộc đâu khi lễ Khánh Đản Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông hàng năm thì mãi im lìm. Trong khi ngài có công lãnh đạo Dân tộc ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Còn lễ Noel là dấu giày của thực dân Pháp đưa các giáo sĩ Công Giáo vào truyền giáo tại nước ta để mở đường cho quân xâm lược lại được truyền thông tôn vinh, cho đến mọi người nhiệt liệt chào mừng tưởng chừng như là Quốc lễ.

    Mục đích của ngoại đạo là đập tan Phật giáo bằng rất nhiều hình thái khác nhau. Về mặt các tổ chức xã hội, chúng lợi dụng nhân quyền, lôi kéo một số Tăng Ni vào việc chống đối nhà nước, để Phật giáo trở thành cái gai trong mắt chính quyền. Chia rẽ thực tại Phật giáo và Dân tộc, để dễ bề len lỏi. Mặt khác, không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu kinh điển, kiến trúc, văn hoá Phật giáo để thực hiện mục tiêu xâm thực văn hoá. Về mặt truyền thông, họ đẩy mạnh tiến trình xuyên tạc Phật giáo, mang tính chiến lược, từ báo chí chính thống cho đến mạng xã hội, mục đích là đánh sập niềm tin quần chúng đối với Phật giáo. Lôi kéo tuyên truyền xằng bậy như hiện tượng Linh Mục Trần Đình Long, khuếch trương ảnh hưởng giới trẻ bằng lễ hội văn hoá phương Tây như Noel, Haloowen, từ nhà trường đến nhà thờ nhằm tiện bề cải đạo. Bên cạnh đó, còn dùng các phần tử tri thức vô liêm sĩ như Huỳnh Thế Du, Dương Ngọc Dũng, Nguyễn Xuân Diện … nhằm tấn công Phật giáo trên mọi lĩnh vực. Nhất là mạng xã hội, có rất nhiều trang, nhóm giả danh Phật giáo như nhóm Chùa Việt, có hơn 20.000 Tăng Ni và Phật tử tham gia, nhóm này do các phần tử ngoại đạo lập ra, nhằm xuyên tạc và định hướng dư luận. Bên cạnh đó, chúng còn cho người giả danh Tăng Ni, làm điều bất chánh đưa lên mạng xã hội, hoặc có thể gia nhập Tăng đoàn, làm Trùng trên thân Sư tử.

    Cho nên, trách nhiệm Hoằng Pháp lợi sanh của Tăng Ni trong bối cảnh Tây hoá đương thời là điều tối quan trọng, để miễn dịch các trào lưu độc hại ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, tương lai đất nước và vận mệnh của cả Dân tộc. Làm sao Phật giáo có thể trường tồn trước tệ phá kiến tràn lan ngay trong nội bộ Tăng đoàn, cũng như âm mưu thâm độc của ngoại đạo.

    Hoà đồng tôn giáo để thể hiện đức Từ Bi của Phật giáo là điều cần thiết vì đạo Phật là đạo của hoà bình, nhưng hoà tan với ngoại đạo là một ý nghĩ sai lầm, không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với tương lai của đạo Pháp mà còn hệ lụy đến sự tồn vong của cả Dân tộc. Vì mất văn hoá là mất nước, một Dân tộc không thể tồn tại phát triển mà thiếu bản sắc riêng, cũng như không thể độc lập vì bị đồng hoá.

    Cho nên, giữ gìn mạng mạch của Phật Pháp và phát huy vai trò của đạo Pháp trong thời buổi hiện đại là điều cần thiết, cần phải có chiến lược cụ thể, lâu dài để thực hiện tinh thần nhập thế. Phật giáo cần khôi phục và phát triển lại hệ thống trường Bồ Đề, cần phải có môi trường từ thiện xã hội mang tính chuyên nghiệp, có hệ thống nâng cao chất lượng đời sống, như tập trung vào y tế, giải quyết công ăn việc làm cho quần chúng, có môi trường cho Tăng Ni dấn thân vào các hoạt động an sinh xã hội. Song song với việc phát triển các thánh tích Phật giáo Việt Nam xứng tầm, cũng như có những trung tâm tu học đủ tầm vóc để đào tạo Tăng Ni thực tu và thực học. Chúng ta không thể tiếp tục trách quần chúng “có đó bỏ đăng, có trăng quên đèn”, trong khi tự mình chưa thể thích ứng với thời đại mới. Một thời đại đầy thực dụng của tuổi trẻ, cái gì không thích nghi sẽ bị đào thải. Đó là một tổ chức Phật giáo dấn thân phụng sự nhân sinh.

    Lý Diện Bích

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều