Thứ Năm, Tháng Mười Hai 5, 2024
Khác
    HomeTin TứcTổng hợp: Bốn ngày Pháp hội Dược Sư tại Chùa Bằng –...

    Tổng hợp: Bốn ngày Pháp hội Dược Sư tại Chùa Bằng – Hà Nội

    Như tin đã đưa, sáng ngày 29/11/2020 vừa qua, nhằm ngày 15/10/Canh Tý, tại chùa Bằng – Linh Tiên Tự (số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã trang nghiêm khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày lần thứ XV diễn ra từ ngày 29/11 – 5/12/2020 (nhằm ngày 15 – 21/10/Canh Tý).


    Trong bốn ngày diễn ra Pháp hội (từ ngày 29/11 đến ngày 2/12/2020), các Phật tử đã vân tập về đàn tràng trang nghiêm nơi chùa Bằng, tinh tấn tu tập theo chương trình của Pháp hội với 3 thời khóa tụng kinh hàng ngày do Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng bản tự làm chủ lễ, và lắng nghe một thời pháp thoại vào các buổi sáng do chư Tôn đức Tăng Ni giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc thuyết giảng.

    - Advertisement -

    Trong chương trình tu học trong Pháp hội, sáng ngày 30/11/2020, Sư cô Thích Diệu Dẫn đã thuyết giảng cho các Phật tử về tham dự Pháp hội với chủ đề “Hiểu và Thương” để đại chúng thấy được giá trị thiết thực của Hiểu và Thương trong cuộc sống.

    Sư cô chia sẻ: Hiểu có nghĩa là chúng ta hiểu biết mình, hiểu biết người một cách tường tận. Có hiểu biết thì ta mới thương người được. Thương chính là thương yêu, quý mến. Hiểu và Thương là thương yêu một cách tường tận và sâu sắc, biết chia sẻ, cảm thông với người khác. Theo quan điểm Phật giáo, “Hiểu” là trí tuệ, “Thương” là từ bi, cũng chính là hạnh nguyện của mười phương chư Phật và chư Bồ Tát. Hiểu và thương chính là chất liệu trong cuộc sống, là tinh thần Bồ tát đạo.
    Qua bài giảng, sư cô đã nêu ra những ví dụ thiết thực, để sách tấn hàng Phật tử hiểu được rằng “đến chùa tu tập và được quý Thầy trau dồi kiến thức Phật học cũng như kinh nghiệm tu tập, chính là để mỗi người phát triển tình thương yêu rộng lớn hơn với gia đình, xã hội và với muôn loài chúng sinh. Nếu có hiểu biết mà không có thương yêu là chúng ta khô cằn, nhưng ngược lại nếu có thương yêu mà không có hiểu biết thì chúng ta trở nên oán hận. Vì vậy cho nên cần hiểu và thương để chúng ta lắng nghe, trong đạo Phật gọi đó là chính kiến, phải giúp đỡ thương yêu những người còn mê muội để cùng nhau đi đến bến bờ hạnh phúc và giải thoát”.

    Sáng ngày 01/12/2020 – cũng là ngày tu tập thứ ba của Pháp hội Dược Sư tại chùa Bằng, Đại Đức Thích Hạnh Viên đã có bài pháp thoại chia sẻ với đại chúng với chủ đề “Công hạnh Lục Độ Ba La Mật của hàng Bồ Tát”.
    Trong suốt chiều dài hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã có rất nhiều bậc Tổ sư, tiền bối đã tu hành đắc đạo làm lợi ích cho xã hội, cho chúng sinh. Trong những trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam có thể thấy rất nhiều các bậc Thiền sư danh Tăng nổi tiếng từ thời Lý, Trần cho đến thời cận đại ngày nay như: thời Lý có Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Minh Không, thời Trần có Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông…đặc biệt, trong năm 1963 có Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu, dùng chính thân mình làm ngọn lửa trí tuệ để soi chiếu những u minh đen tối nơi con người, đấu tranh để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, lấy lại sự bình đẳng tôn giáo.
    Qua đó, Đại đức cũng đã khái quát cho hàng Phật tử hiểu về ý nghĩa công hạnh, công đức và hạnh tu của các vị Bồ Tát, đồng thời giảng về Lục Độ Ba La Mật – sáu phép tu giúp cho hàng Phật tử thoát khỏi u mê tăm tối, vượt qua biển khổ để đến bến bờ giải thoát an vui. Ba La Mật tiếng Phạn là Pāramitā, theo Trung Hoa gọi là Ba La Mật Đa, dịch là Đáo bỉ ngạn hay là sự cứu kính. Bồ tát theo tiếng Phạn là Bodhi – sattva, Trung Hoa dịch là Bồ đề – tát đỏa, dịch nghĩa là “Giác – hữu tình”, là bậc tự giác ngộ. Bồ Tát có hạnh nguyện là tự giác và giác tha, trong bản đồ pháp giới có các đức hạnh của Bồ Tát nghĩa là phát tâm Bồ đề hóa độ chúng sinh.
    Lục Độ Ba La Mật gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ. Sau khi giải thích và giảng giải kĩ lưỡng về sáu pháp tu trên, Đại đức cũng chia sẻ về lộ trình tu tập của hàng Bồ tát là trải qua ba A Tăng Kỳ Kiếp mới trở thành Phật. Theo kinh Hoa Nghiêm, lộ trình tu tập 52 quả vị Bồ tát phải trải qua 3 A Tăng Kỳ Kiếp. Sau đó, Đại đức nhấn mạnh về những hạnh tu và phát nguyện đặc trưng của các vị Bồ Tát. Điển hình như:
    – Bồ Tát Văn Thù là biểu trưng cho sự “Trí tuệ, chứng” – là nắm giữ trí tuệ và chứng đức của chư Phật.
    – Bồ Tát Phổ Hiền là biểu trưng cho “Lý, định, hạnh” – tức là nắm giữ lý đức, định đức và hạnh đức của chư Phật và tu tập Thập hạnh mật.
    – Bồ Tát Quán Âm: là biểu trưng cho tinh thần cứu khổ cứu nạn với pháp tu nhĩ căn viên thông. Theo kinh Pháp Hoa, Bồ tát Quán Thế Âm có thể hiện thành Phật, thân Bích Chi Phật,…cho đến thân Dạ Xoa, La Sát, Phi Nhân,…để tùy duyên ứng hiện hóa độ thuyết pháp.
    – Bồ Tát Đại Thế Chí: theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì Đại Thế Chí ý nghĩa là ánh sáng trí tuệ soi khắp mười phương, khiến chúng sinh trong ba đường ác được giải thoát và được năng lượng vô thượng.
    – Bồ Tát Địa Tạng: có hạnh nguyện là đời đời kiếp kiếp dùng mọi phương pháp khuyên bảo chúng sinh trong sáu đường khổ, khiến họ được giải thoát hết rồi tự thân con mới chứng quả Phật.
    Khép lại bài giảng, Đại đức mong rằng các Phật tử sẽ tinh tiến tu tập, học hạnh “Lục Độ Ba La Mật” để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong đời.
    Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức, chư Tăng Ni giảng sinh lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc cũng đã giải đáp những thắc mắc về việc tu tập của các Phật tử trong đạo tràng.

    Sáng ngày 02 tháng 12 năm 2020 – bước sang ngày tu tập thứ tư của Pháp hội, Sư cô Thích Viên An đã có bài pháp thoại với chủ đề “Bốn Pháp đưa đến hạnh phúc của Phật Tử”.
    Mở đầu pháp thoại, Sư cô đã khái quát về hai từ “Hạnh Phúc”: Hạnh có ý nghĩa là mang đến sự may mắn, mong cầu, mong muốn, còn Phúc là điều tốt lành và điều thiện lành. Hạnh phúc là mong muốn những gì tốt đẹp, điều thiện lành trong cuộc sống đầy đủ qua 3 yếu tố: vật chất, tinh thần và sức khỏe.
    Theo sư cô, hạnh phúc theo thế gian là đầy đủ vật chất bên ngoài gồm: của cải, địa vị trong xã hội và có một gia đình đầy đủ người thân 3 thế hệ như: ông bà, cha mẹ, con cái. Theo nhiều khái niệm khác cho rằng, hạnh phúc là tâm lý có cảm giác, suy nghĩ, tư duy, tâm hồn biết thỏa mãn với những gì mình đang có. Còn theo quan điểm của Phật giáo, hạnh phúc là từ bỏ tam độc Tham – Sân – Si trong con người mình. Trong đó, Tham là sự tham lam mong muốn đạt được những nhu cầu cho bản thân như: tiền của, sắc đẹp, địa vị, thức ăn và ngủ nghỉ. Còn Sân là sự nóng nảy, giận giữ, tỏ những thái độ không vừa lòng đối với mọi thứ xung quanh. Còn Si là si mê, không hiểu biết, không sáng suốt nhận diện những bản chất của cuộc sống. Trong đạo Phật, người Phật tử nên buông bỏ Tam độc để có Tâm luôn bình an, tỉnh thức và thật thanh tịnh.
    Trong kinh Tăng Chi Bộ III, chương VIII, Phẩm Gotami có ghi rằng: một cư sĩ đã hỏi Đức Phật “có những pháp nào giúp cho hàng cư sĩ như chúng con có đời sống an lạc và hạnh phúc”. Theo đức Phật, nếu muốn đời sống an lạc và hạnh phúc thì có 4 pháp là: đầy đủ sự tháo vát, đầy đủ sự phòng hộ, làm bạn với người thiện và sống thăng bằng điều hòa.
    Sau khi giảng giải về bốn pháp mà Đức Phật chỉ dạy, sư cô khuyến tấn đại chúng “nên giữ những nguyên tắc đạo đức để xây dựng một cuộc sống lành mạnh, trau dồi kiến thức Phật pháp, sống đúng với chính pháp của Đức Phật đã dạy, làm những việc làm thiết thực để tạo nên phúc cho đời này và đời sau. Chúng ta nên giữ tinh thần sống lục hòa, cùng hòa ái với nhau từ tinh thần đến với vật chất, biết chia sẻ thương yêu, cảm thông, luôn trải tâm thiện lành vô lượng đến tất cả mọi người và chúng sinh. Giúp đỡ những người khốn khó để họ luôn có những niềm vui tích cực, tránh xa những ưu tư buồn khổ và thực hành những điều lành. Khi tránh xa những xấu ác, biết làm những việc thiện lành, chúng ta sẽ đến với giá trị Chân – Thiện – Mỹ, con đường của niềm an vui và hạnh phúc“.

    Buổi chiều ngày thứ tư của Pháp hội, đại chúng đã được lắng nghe Đại đức Thích Giác Lương chia sẻ bài pháp thoại với chủ đề “Kiếp Sống Vô Thường”.
    Trong bài pháp thoại, Đại đức đã chia sẻ cho Phật tử về ý nghĩa 2 từ vô thường: Vô là không, cũng có nghĩa là không thật. Còn Thường là thường còn, ý nghĩa khác là bền vững. Vô Thường có nghĩa là không chắc chắn, thay đổi và không trường tồn.
     Vô thường gồm 3 phần đó là: thân vô thường, tâm vô thường và vạn vật vô thường.
    – Thân vô thường: ý nghĩa biến đổi không ngừng từ lúc chúng ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già và cuối cùng trở về với cát bụi, nếu tu tập đúng chính pháp của Đức Phật thì chúng ta sẽ trở về cảnh giới Niết bàn sau khi chết đi. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu “Quán Tự Tại Bồ Tát Hành Thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” nghĩa là Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm sâu trí tuệ Bát Nhã và thấy 5 uẩn đều không. Ngũ uẩn là 5 nhóm hình thành nên cơ thể con người gồm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Cũng như một kiếp sống nhân sinh: Sinh, Già, Bệnh, Chết. Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài đã giảng dạy về giáo lý Vô Thường cho các Tỳ Khiêu, và Ngài đã hỏi các Tỳ Khiêu rằng “mệnh con người sống được bao lâu”. Có đệ tử nói “mệnh con người sống được 100 năm“, Đức Phật trả lời “ông chưa hiểu về ý nghĩa giáo lý Vô thường“. Cũng có vị thưa “cuộc sống con người sống được nhờ một bữa ăn“, Đức Phật đáp lại “ông cũng chưa hiểu về ý nghĩa giáo lý Vô thường“. Lại có vị trả lời “cuộc sống con người mong manh lắm, chỉ trong một hơi thở“. Đức Phật đáp “ông nói đúng, cuộc sống con người chỉ sống trong một hơi thở“. Vì vậy nên chúng ta cần cố gắng tu tập để sau này về được cõi an lạc của Đức Phật A Di Đà.
    – Tâm vô thường: chúng ta cũng thay đổi liên tục sinh sinh, diệt diệt, tâm vô hình vô tướng, thay đổi từng sát na.
    – Vạn vật vô thường: vật chất của chúng ta vô thường, luôn biến đổi theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt như thành, trụ, hoại, không. Như trong Kinh Kim Cương, Đức Phật dạy: “phàm sở hữu tướng giai thị hư không” nghĩa là tất cả những gì có hình tướng trên thế gian này đều không thật.
    Qua đó, Đại đức giảng sư mong rằng “chúng ta cần quan sát vô thường, hiểu rõ vô thường để vượt lên khỏi vô thường và làm chủ vô thường. Chúng ta hãy noi theo gương Đức Phật, cố gắng tu tập để thoát khỏi sinh tử luân hồi, hãy nhất tâm tu hành, buông xả những khổ đau để sống cuộc đời thanh tịnh, bình an, hạnh phúc ở hiện tại“.

    Diệu Tường – Minh Lực

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều