Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Khác

    Thưa mẹ, con đi tu

    Kính lạy mẹ, cũng đã được hơn bốn tháng con xa nhà. Con thấy thật nhanh! Nhưng con đâu biết rằng đó lại là những tháng ngày dài nhất trong cuộc đời của mẹ, từng ngày trông ngóng con, vì con là đứa con trai duy nhất – nơi chia sẻ những buồn tủi và lo toan của mẹ. Sao không mong cho được khi từ bé đến giờ con luôn được bao bọc trong vòng tay của ba và mẹ…

    Con chọn đường vui – Ảnh minh họa

    Đứng nhìn lại, vậy là con cũng đã đi được một chặng đường khá dài, 18 năm với những thành công ngoài sự mong đợi. Con đường đó bằng phẳng và yên bình lắm. Giờ đây con muốn nói lời cảm ơn mẹ – vì đã cho con được có mặt trên cuộc đời này dù rằng mẹ phải trải qua biết bao đớn đau và thách thức. Cảm ơn mẹ đã trao cho con hình hài, là máu thịt, là hơi thở, là nụ cười…; đã chở che bằng tình thương, sự hi sinh và vất vả, và vì mẹ đã là mẹ của con!

    Mẹ gánh tương lai đến chợ đời

    - Advertisement -

    Con đường sỏi đá dấu chân phơi

    Gian nan mỗi bước chân rong ruổi

    Trĩu nặng oằn vai chẳng nửa lời.

    Mẹ lấy chồng sớm, đâu ai biết rằng mẹ đã cam chịu nhiều thứ, nhẫn nhịn để có ngày hôm nay. Khi con còn là một đứa trẻ chỉ biết nằm nôi và quấy khóc, mẹ đã đưa con đến với những giá trị chân thiện mà suốt đời này con không thể quên. Con có được lòng từ bi bởi vì chính mẹ trao cho con trái tim biết rung động và biết yêu thương ấy. Giờ thì, con đã biết chỉ có mẹ thương con vô điều kiện, vì tình mẹ là “cho đi không nhận lại bao giờ”.

    Con còn nhớ hồi nhỏ, lớp 4 lớp 5, có những ngày trời rét, khi mà gió mùa về,thêm cả những cơn mưa lạnh buốt của mùa đông miền Bắc, ba và mẹ vẫn dậy từ sớm để đi xúc ốc, đánh cá bán lấy tiền. Rồi, những ngày trời mưa tầm tã, khi đó ai cũng muốn ở nhà trong chăn ấm nệm êm vậy mẹ vẫn phải trèo núi bắt ốc về bán để nuôi con, chạy vạy từng ngày để kiếm tiền trả nợ. Những khi trời trở bão giông, ba mẹ sợ nhà sập, bảo em và con đi ngủ nhờ còn ba mẹ thì ở nhà lo chuyển đồ và sắp xếp mọi thứ, không lo cho bản thân ba mẹ chỉ sợ chúng con nguy hiểm.

    Mẹ không giỏi, mẹ không tài năng nhưng đối với con mẹ là người tài giỏi nhất. Suốt cuộc đời mẹ chưa một lần trang điểm hay mua những quần áo đắt tiền, và con biết lý do tại sao mẹ làm như thế!

    Có lần con bị ong đốt khắp người, rồi một lần điện giật, một lần bỏng nước… mẹ trông con ở ngoài bệnh viện, hai mẹ con chỉ có một suất cơm 3 nghìn đồng – mẹ nhường lại cho con. Hồi đó nhà mình đâu có xe máy, bố đã đạp xe từ nhà đến bệnh viện thăm con và mẹ rồi lại về lo kiếm tiền trả viện phí cho con…

    Năm 18 tuổi con đứng trước ngã rẽ của cuộc đời, mọi việc về tương lai ba mẹ đều cho con quyết định. Con muốn thi đại học bởi vì lời hứa sẽ vào Thầy khi con đỗ. Con đã làm được điều đó, con đã đỗ đại học và được vào thăm chùa, thăm Thầy theo đúng tâm nguyện của con. Đó là hạnh phúc của con và cũng là hạnh phúc của ba và mẹ. Lần đầu tiên con đi xa đến thế, mẹ chỉ biết dặn con mang đầy đủ đồ cần dùng, thuốc thang và tàu xe cẩn thận. Trên suốt quãng đường, mẹ luôn lo con sẽ đi lạc hay bị bắt cóc.

    “Nếu có đi vòng quả đất tròn/ Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ” (Thanh Nguyên). Mẹ không dám gọi điện hỏi thăm vì sợ con không có thời gian dành cho mẹ. Biết con đã có tiền nhưng mẹ vẫn để dành tiền cho con đi đừơng sợ con thiếu. Vậy mà đi chơi về con không mua được một món quà tặng mẹ, chỉ biết vui với niềm vui riêng của mình.

    18 năm ở bên cha mẹ con chưa từng nói một lời cảm ơn hay xin lỗi chân thành đến hai người.

    Hồi bé, con cứ tự hỏi tại sao bố mẹ có thể dậy sớm như vậy, thì đến bây giờ ra đời con mới hiểu, cái đánh thức bố mẹ không phải là đồng hồ báo thức mà nó là tình yêu thương và trách nhiệm của bố mẹ vì con, lo cho con tất cả. Làm gì có năm tháng tĩnh lặng mà chỉ có ba mẹ gánh những gánh nặng cho con.

    Con có duyên biết đến Phật pháp từ khá sớm vì hằng ngày vẫn theo bà nội đi chùa. Và có duyên được thân cận với những người Thầy đáng kính – người cha và mẹ thứ hai trong cuộc đời của con. Dần dần, con đi chùa nhiều hơn, con thân cận với các Thầy nhiều hơn, tìm hiểu, học hỏi giáo lý và bắt đầu con có ý định bước đi trên con đường ấy… Con đường của người xuất gia.

    Khi biết con có tâm nguyện đó, mẹ buồn lo nhiều lắm… Mẹ sợ mất con, vì con là con trai duy nhất, mẹ sợ con không thể sống cuộc sống của một người tu sĩ, sợ họ hàng, làng xóm trách móc, sợ con khổ, sợ con một mình đối mặt với bệnh tật và thử thách chông gai mà không có mẹ bên cạnh…

    Nhưng mẹ ơi, con đã quyết rồi, con phải đi. Cuộc sống này nhiều khổ đau lắm mẹ à, mẹ cũng thấy mẹ khổ mà đúng không mẹ? Con không muốn đi đường mẹ đã đi, con muốn đi ngược dòng đời. Con muốn giải thoát, con muốn tất cả mọi người đều được giác ngộ và giải thoát.

    Khi con chọn con đường ấy là con đã sẵn sàng chiến đấu với những gian nan, thử thách, vượt qua những khó khăn, vất vả… Con không sợ khó, con không sợ khổ…

    Dù con có xuất gia, thay tên đổi họ, mang dáng hình khác thì con cũng vẫn là con mẹ. Càng thương cha mẹ, con càng quyết chí bước chân đi, bởi đó mới là cách báo hiếu trọn vẹn nhất.

    Con thầm cảm ơn mẹ đã cho con được nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời. Làm sao có thể quên được, trước ngày con đi, mẹ đã ôm con và khóc.

    “Con cho mẹ xin lỗi nếu từ trước đến giờ mẹ có làm con buồn hay làm sai điều gì với con” – câu nói đó phải là con nói mới đúng mẹ ạ. Con đã khóc rất nhiều, con lấy nước mắt để làm vơi bớt nỗi ân hận trong con. Suốt bao năm qua con chỉ là một đứa con hư chưa từng làm gì cho ba mẹ. Mẹ không đưa con ra chùa bởi mẹ sợ mẹ không cầm được lòng mình, sợ con buồn và quyến luyến. Mẹ đứng đó nhìn theo từng bước chân con.

    Những bước đường con đi sẽ chẳng đưa con đến với thành công hay ánh vinh quang nhưng con tin con sẽ tìm thấy được niềm vui trên mỗi chặng đường. Thương bố, thương mẹ, con xin dùng đạo hạnh của người tu để cảm hóa cha mẹ, để hướng cha mẹ quy kính Tam bảo, hướng vào con đường tu thiện và giải thoát.

    Từ mai con đã là con của Phật, con của Thầy, nhưng bố mẹ vẫn mãi là bố mẹ của con.

    Như Đạo

     

     

    - Advertisement -
    SourceTheo GNO
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều