Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànChuyên đề sự kiệnThành tâm làm thiện, hóa giải nạn ách

    Thành tâm làm thiện, hóa giải nạn ách

    Theo giáo lý nhà Phật thì không có sao xấu, sao tốt; ngày xấu, ngày đẹp nào có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người.

    Người ta tin rằng, cuộc đời của con người phải trải qua các sao như: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, các sao Thái Dương, Thái Âm là những sao tốt. Còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu và cho rằng các sao hạn này sẽ nguy hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh của mình.

    Tam giáo đồng nguyên

    Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng, cúng sao giải hạn là một tập tục từ thời xa xưa, khi con người cảm thấy mình quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Họ sợ sệt trước các vị thần mà họ có thể tưởng tượng ra được như thần sấm, thần sét, thần cây đa, cây đề, thần hổ, thần rắn, thần núi, thần sông (hà bá)…

    - Advertisement -

    Cũng vì lẽ đó, từ xa xưa con người cúng bái để giúp họ vượt qua những xui xẻo do các thế lực siêu nhiên mang lại. Đặc biệt, việc cúng vào đầu năm được cho là tốt nhất vì đây là thời điểm giao thời, sẽ tích được nhiều phúc lộc cho cả năm.

    Theo giáo lý nhà Phật thì không có sao xấu, sao tốt; ngày xấu, ngày đẹp nào có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Giáo lý nhà Phật cũng không hề nói đến cúng sao giải hạn. Việc người dân sắm lễ rình rang, tốn kém để cúng sao là điều không cần thiết và đi ngược lại lời dạy của nhà Phật.

    Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, trong Công văn số 033/CV-HĐTS gửi các ban trị trị giáo hội của cả nước, nêu rõ, nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Theo đó, Phật giáo Việt Nam với vị trí là tôn giáo có lịch sử lâu đời đã hòa quyện tinh thần của đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho.

    Trong Phật giáo, không có nghi thức dâng sao giải hạn hay còn gọi là nhương tinh giải hạn. Đó là do thói quen của nhân dân gọi mà thôi. Còn trong Phật giáo, có khóa lễ cầu an để giải bạt nghiệp chướng cho mọi người. Hai cái đó có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Từ lâu đời, nhân dân ta có thói quen đến đền chùa, đến phủ… làm lễ cầu an mà nhân dân quen gọi là dâng sao giải hạn. Thực chất, tại các chùa, nội hàm của khóa lễ ấy là khóa lễ cầu an. Các nhà sư lên khóa lễ đó hoàn toàn theo nghi thức của đạo Phật chứ không hành khoa giáo nhương tinh giải hạn theo như đạo sỹ của đạo lão trước đây.

    “Chưa kể, nhiều chùa hiện có ban thờ Mẫu, thờ Tam phủ (bao gồm: Địa phủ, Nhạc phủ, Thủy phủ), và các ban: Ngũ hổ, Sơn trang, Nam Tào, Bắc Đẩu. Đây là tín ngưỡng dân gian từ ngàn đời nay mà người dân đã thờ cúng. Bởi, với một đất nước phát triển nông nghiệp lúa nước, họ cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, an cư lạc nghiệp, cuộc sống ấm no. Mà, đã là tín ngưỡng dân gian, thì cúng lễ cũng phải đúng nghi thức. Theo đó, Phật giáo Việt Nam đã hòa quyện các tín ngưỡng dân gian, các tôn giáo khác, trong đó có đạo Lão, Nho giáo và các tín ngưỡng dân tộc”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nhấn mạnh.

    Đại đức Thích Khai Từ, trụ trì chùa Long Tiên, Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, trong Phật giáo, các vị tổ sư trước đây đã kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần của đạo Lão trong khóa lễ của đạo Phật. Trong khóa cúng Phật cũng có khóa thỉnh, nói lên việc ấy. Ví dụ như: Nhị thập bát tú (thỉnh 28 vì sao); Thập nhất liệt vị tinh quân (đây là 11 vì sao tinh tú nhất). Rồi, thỉnh Bản thổ châu huyện Thành Hoàng tôn thần..

    Khóa lễ cầu an của Phật giáo trước tiên là cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa. Thứ nữa, là cầu cho sức khỏe, cho bình an, phần nào cầu cho tai qua nạn khỏi, nghiệp chướng tiêu trừ. Nghiệp chướng theo quan điểm của đạo Phật, không chỉ kiếp này mà còn muôn vạn kiếp trước nữa, Phật giáo có tự độ và độ tha, có tự lực và cả tha lực nữa. Vì vậy, khóa lễ cầu an của Phật giáo, nói cho cùng, là ước nguyện, mong cầu an lạc, hạnh phúc. Đó là cái nhân bản ngàn đời nay mà con người hướng tới.

    Nhìn nhận một cách thấu đáo

    Nhiều chức sắc Giáo hội cho rằng, cần nhìn nhận việc cầu an, cầu phúc lộc trong người dân là nhu cầu chính đáng. Nếu nhà chùa không thực hiện thì người dân vẫn có thể tìm đến các thầy mo, thầy cúng để làm, như vậy lại càng dễ gây ra mê tín dị đoan hơn. Trong những dịp này, nhà chùa sẽ truyền đạt cho người dân hiểu rõ về triết lý nhà Phật, biết cách tu tập để giúp đời, giúp người, hướng người dân dần bỏ đi các ý niệm sai lệch về cúng bái nhiều tiền của để giải nạn mà nên làm thiện để tạo phúc báo.

    Tuy nhiên, nhà chùa hướng dẫn Phật tử không được mua sắm rình rang, tốn kém, không được đốt vàng mã, bày biện mâm lễ đắt tiền, lãng phí.

    Theo đó, vào ngày rằm tháng Giêng, theo Phật giáo, tại các chùa tổ chức lễ thiên quan tưới phước mang ý nghĩa “trời ban lộc cho chúng sinh”. Người dân có thể đến chùa vào dịp này để cầu nguyện cho bản thân và gia đình với lễ vật đơn giản là hương nến và hoa quả tươi.

    Trong dịp đầu năm, thành tâm cúng dàng để các chùa sắp lễ, góp phần tổ chức pháp hội Dược sư, cầu quốc thái, dân an với nghi thức trang trọng thành kinh, nhưng tiết kiệm và có ý nghĩa.

    Dư luận đặt câu hỏi: Nhà chùa thu tiền cầu an để làm gì? Tại sao không làm phước?

    Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói: “Thực chất đó là tiền mà Phật tử nhờ nhà chùa mua hương hoa, sắp lễ 12 tháng quanh năm. Kinh phí thu được không là bao, được dùng vào việc trước tiên là để sắm lễ quanh năm suốt tháng, cầu nguyện cho nhân dân. Nếu có thừa một chút, thì để trùng tu xây dựng theo đúng quy định của Giáo hội. Nhưng chúng tôi cũng chưa dùng vào việc ấy mà chủ yếu là dùng để hương hoa cho nhân dân, thậm chí nếu hương hoa nhà chùa có rồi thì thôi, mấy năm nay, tôi dùng tiền ấy tôi cúng lên cho các vị tăng ni sinh học tại Học viện Phật giáo Việt Nam trên cả nước và cùng các chùa quyên góp để làm tốt công tác thiện nguyện giúp đỡ các gia đình nghèo khó, có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở”.

    Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tuy cúng giải sao hạn không phải là tín ngưỡng trong Phật giáo nhưng nhiều người lại đặt niềm tin rất mạnh mẽ vào việc này. Bởi vậy, nhà chùa vẫn để người dân tìm đến cúng giải sao hạn trong các dịp đầu năm như một nơi để họ gửi gắm niềm tin đúng chỗ. Nhà chùa mong mỏi người dân thành tâm làm thiện, đó mới thật sự là việc hóa giải các nạn tai và tạo phúc lộc cho mình.

    Khi những hạt mưa Xuân lất phất bay báo hiệu một năm mới đến, lòng người ai cũng xốn xang rạo rực để cùng những người thân yêu đón một cái Tết đủ đầy, sung túc. Tiếng chuông chùa vang ngân, giúp con người trở về tỉnh thức, để tìm lại chính mình. Trong khói hương trầm mặc, ngước nhìn lên Tam bảo, ai cũng thành kính cầu mong đức Phật gia hộ cho mình và gia đình, đất nước một năm mưa  thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là ước nguyện chính đáng từ bao đời của con dân đất Việt. Đừng để những nhận thức lệch lạc, đừng mê lầm tà tín, mà phải hiểu đúng chính pháp, hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới tránh được bất an trong đời sống của mình.

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều