Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Khác

    Tháng Tỵ nói về rắn

    Chúng ta đã trải qua những giờ phút cuối cùng của ba tháng đầu tiên năm Canh Tý- 2020 theo lịch mặt trăng với nhiều cung bậc xúc hiếm gặp trong lịch sử và ký ức của một đời người.
    Hôm qua, Tiến sỹ Vật lý Vũ Văn Nhơn cảm thán trên dòng trạng thái Fb của mình về tiên tri của tiền nhân:
    “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nổi tiếng về tài danh, đức độ và tiên tri. Đến ngày nay “Sấm Trạng Trình” vẫn lan truyền trong dân gian và được kiểm chứng là khá chính xác. Tôi được biết trong “Sấm”có 2 câu thơ:
    “Bao giờ ba tháng đủ liền
    Thiên tai, đại dịch nhãn tiền nguy to”.
    Năm Canh Tý 2020 này, theo Âm lịch Việt Nam, các tháng Giêng, Hai, Ba, đều đủ 30 ngày, liền nhau (tháng Tư nhuận chỉ có 29 ngày). Có lẽ ứng với “Sấm Trạng Trình”, đại dịch Covid-19 đã xẩy ra và lan tràn toàn cầu, gây nhiều tổn thất cho nhân loại. Riêng ở Việt Nam ta, nhờ toàn dân đoàn kết, kỷ luật, nghiêm chỉnh và tích cực phòng chống dịch nên đang thắng và sẽ chiến thắng hoàn toàn đại dịch này”.
    Nhưng câu sấm nổi tiếng nhất của Trạng Trình căn dặn hậu duệ mà bất kỳ ai là người Việt cũng cần phải nhập tâm. Đó là:
    ”Biển Đông vạn dặm, dang tay giữ
    Đất Việt muôn năm, vững trị bình”(!)
    Tháng tư âm lịch, người Việt cổ gọi là tháng Tỵ (tháng con rắn). Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới cũng như Việt Nam, rắn là con vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người. Rắn là hình tượng khá quen thuộc trong đời sống văn hóa, rắn là một hình tượng phổ biến và có sức ám ảnh mạnh mẽ, phổ biến nhất của người Việt ở đồng bằng sông Hồng. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thuỷ của người Việt cổ với hai ý nghĩa chính là tục thờ thủy thần. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp.
    Trong văn hoá dân gian Việt Nam, rắn không được xem là biểu tượng gắn với tôn giáo, trừ trường hợp Phật giáo của người Khmer sống ở Nam Bộ và người Champa cổ. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, hình tượng rắn đã được đồng hóa với sông nước thủy thần, đi vào tâm thức dân gian Việt Nam từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên. Tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ. Trong quá trình phát triển của lịch sử, tín ngưỡng thờ Rắn đã được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng điều kiện mới. Trong văn hóa Việt, rắn không chỉ là loài động vật bình thường mà còn trở thành một biểu tượng tâm linh.
    Hình ảnh của rắn thực sự mang màu sắc phong kiến, đồng nhất với hình ảnh của vương quyền khi nó gắn liền với hình ảnh của rồng. Rắn là con vật có thật trong tự nhiên song nó là hình mẫu khởi thủy của rồng (vì rồng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng), có mối liên hệ đặc biệt này giữa rắn và rồng. Ở lĩnh vực mỹ thuật, tạo hình, rồng bắt nguồn từ rắn, trong đó Rồng thời Lý Trần là một con rắn dài, quấn làm nhiều khúc, đầu không sừng, không râu. Rồng Thăng Long Ðại Việt là loại Rồng lai Rắn, mình tròn trịa và thanh tú, với nhiều khúc uốn lượn nhịp nhàng, là loài có vẩy, ở nước và cũng tượng trưng cho nước, cho mây mưa, vốn là cái nhân tố bận tâm hàng đầu của người dân trồng lúa nước.
    Do mê tín dị đoan nên người dân Việt Nam cũng tôn Rắn thần xuất hiện ở nhiều nơi. Khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam như Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, An Giang đều xuất hiện “rắn thần” hay “linh xà”, thần rắn, thần xà. Người dân thấy một con rắn lạ ở đâu là tôn ngay thành thần thánh rồi mang lễ vật tới cúng bái. Khó thống kê hết những địa phương có “rắn thần” xuất hiện. Với mỗi người Việt thì con rắn có mào, như mào gà trên đầu, rất ấn tượng, đi vào tâm trí. Ở đền nọ, miếu kia có con Rắn Thần có mào canh giữ, dù không cắn người, nhưng ai cũng khiếp sợ, coi là thần thánh, nhưng chứng cứ rõ ràng nào về loài rắn có mào đỏ chót như mào gà trên đầu ngoài những lời kể kiểu dọa nạt con nít.
    Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, người Việt nhìn chung thì rắn không có được hình ảnh tốt trong tiềm thức. Trong quan niệm dân gian, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái và có phần gian xảo. Rắn không có được hình ảnh tốt trong tâm thức của người Việt, cứ nhắc tới rắn, bao giờ người ta cũng kèm theo những điều xấu. Người Việt có câu chuyện truyền thuyết về loài rắn như câu chuyện Thạch Sanh, Lý Thông, một huyền thoại khác là rắn báo oán mà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Trong hầu hết các câu chuyện ở Việt Nam, rắn thường gắn với cái ác vì thế, người Việt quan niệm rắn là loài đáng sợ nên không nhiều người thích chúng, vì nọc độc của một số loài rắn có thể giết người ngay tức khắc.
    Đối với rất nhiều người Việt Nam nói chung, rắn không phải là loài vật thân thiện với con người và thường ghê sợ, ám ảnh. Nhắc tới rắn, người ta muốn chỉ tính cách, hành động của con người, tục ngữ Việt còn có câu nói lên tính xấu của con người với hình ảnh con rắn như: “Khẩu Phật tâm xà” hay “Khẩu xà tâm Phật”, hay câu mắng mỏ: “đồ rắn độc”, rồi thì: “Đánh rắn là phải đánh dập đầu”, “Cõng rắn cắn gà nhà”, “ngóc đầu dậy”, “đánh rắn động cỏ”, “Đả thảo kinh xà”, rồi xếp chúng vào nhóm “rắn rết” là những con vật có hại, ghê tởm, người ta cũng hay đập chết những con rắn đi lạc, những người tính cách không tốt, thường được ví như người ác, gian manh hay thích nhục dục, lươn lẹo, xảo trá hiểm độc…
    Tuy nhiên:”Nói đi thì cũng phải nói lại”.
    Người Việt có câu thành ngữ nổi tiếng ”Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về”. Nghĩa là, lúc khởi sự đi đâu, làm gì mang tính chất đại sự, nếu gặp rắn thì đó là điều may mắn (nên đi). Còn nếu gặp Quy (Rùa) thì đó là điều xui xẻo, kém hanh thông (chậm chạp, ì ạch)…
    “Vào tháng 4 năm Nhâm Dần (1782), vua Gia Long (Nguyễn Ánh) vào Hà Tiên, đi thuyền nhỏ ra giữa biển tối đen như mực; bỗng có vật gì như đội dưới đáy, dẫn thuyền đi, mờ sáng mới hay là một bầy rắn. Bầy tôi ai cũng sợ, Nguyễn Ánh giục thuyền chèo mau, một lúc sau bầy rắn đi hết, thuyền ra được đảo Phú Quốc. Cái tích “gặp rắn thì đi, gặp quy thì về” xuất hiện từ đó.
    (Theo “Kể chuyện các đời vua chúa nhà Nguyễn”- Trần Quỳnh Cư & Trần Việt Quỳnh- NXB Thuận Hóa 2002).
    Gần đây, cuốn sách ”Rắn và Bồ câu” của Thượng toạ Thích Chân Quang được độc giả hoan hỷ đón nhận bởi thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận của tác giả rất nhân văn và sáng tạo. Đó là kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông- tây và hài hoà Tôn giáo một cách nhân văn bằng việc mở đầu cuốn sách, tác giả trích dẫn kinh thánh: ”…Hãy khôn ngoan như rắn và hiền lành như chim bồ câu”./.
    22/4/2020, Luật gia Trần Thúc Hoàng
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều