Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024
Khác
    HomeTin TứcTháng Chạp của đồng bào Châu Ro

    Tháng Chạp của đồng bào Châu Ro

     Ngày 14 tháng Chạp, những người đồng bào khiếm thị và khuyết tật ở làng Châu Ro lại dắt díu nhau về tịnh thất Bảo Liên Hoa – làng dân tộc Châu Ro, ấp Bình Hòa, Xuân Phú, Xuân Lộc, Đồng Nai tu học, nghe pháp, niệm Phật và đón nhận sự ấm áp của không khí Tết với nguồn năng lượng lành cùng bạn đồng tu.
    “Biết niệm Phật, tui mừng lắm”
    Mọi người đến tịnh thất Bảo Liên Hoa với niềm vui đặc biệt hiện rõ trên gương mặt. Sau 6 kỳ tu học ở đây, ai cũng tìm thấy cho mình niềm vui, hạnh phúc và nỗi đau được xoa dịu bớt phần nào từ lời kinh, tiếng kệ, câu niệm Phật.
    6g sáng, con đường dẫn vào tịnh thất Bảo Liên Hoa bắt đầu nhộn nhịp. Từng nhóm người khiếm thị dắt díu nhau, người đi sau níu áo, nắm tay người đi trước dẫn đường. Người khuyết tật đi xe lắc, người lớn tuổi được con cháu chở về tịnh thất tu học. Gương mặt của họ sáng bừng sự hạnh phúc, niềm vui…
    Sư cô Huệ Trung, trụ trì tịnh thất Bảo Liên Hoa chăm lo Tết cho đồng bào Châu Ro
    Không chồng, không con, bà Nguyễn Thị Yến, 67 tuổi cho biết, hàng ngày ở nhà làm hạt điều nhưng đến 14 ÂL hàng tháng là về đây tu. Bà kể, đi tu như vầy bà nhớ được 5 điều, giữ gìn năm giới và thấy cuộc đời có ý nghĩa. Bà gặp bạn đạo đến chùa tu học hay gặp bất cứ ai đến chùa lễ Phật cũng chắp tay chào như gặp người thân.
    Bà cho hay: “Không chồng con, từ ngày đi chùa tu thấy thư giãn lắm. Đến chùa tu học, niệm Phật, tui không còn thấy mình cô đơn, vì đã có Phật rồi. Vui buồn gì cũng niệm Phật”.
    Bà không đi tu một mình, mà rủ người cùng làng mình đi chung. Bà Yến trải lòng rằng: “Mình rủ mấy anh em đi vì người đồng cảnh ngộ mới hiểu được nhau. Đâu dễ mà có cơ hội quý thế này. Anh em tụi tui đến với khóa tu là để học Phật, đây là con đường chúng tôi tìm thấy ánh sáng”.
    Khi đi tu thấy người vui vẻ lắm, nhất là lúc niệm Phật và những bài pháp mà được nghe quý Sư giảng, thấy ý nghĩa nhất mà chúng tôi rút ra cho mình, nếu mà mình không chọn được nơi sinh ra, lỡ sinh ra đời bị khuyết tật hay kém may mắn, không nhìn thấy ánh sáng thì mình phải chọn cho mình cách sống.
    Tu cùng với nhau, chúng tôi sáng lên nhiều, bừng tỉnh từ khóa tu này. Nên, chúng tôi đùm bọc nhau, để cùng nhau tu học, cho cuộc sống của mỗi người được tươi sáng hơn”.
    Bà Lê Thị Tâm, trong lúc chờ người quen cho quá giang về nhà, nói: “Tui nói thiệt là nhờ đến chùa tui mới thấy vui, ngày vui thêm một chút, đỡ buồn đi một chút. Như bế tắc của mình được tháo dần qua giáo lý nhà Phật. Bây giờ, tui nghe theo lời Phật dạy, thực hành lời Phật dạy là nguồn sống an vui của tui.
    Ngày trước, không tiền, phải ăn cơm với nước tương, rau cháo qua ngày thấy khổ. Nhưng giờ đến chùa, dùng cơm chay, biết ý nghĩa của ăn chay, về nhà có ăn cơm với nước tương, rau luộc tui cũng thấy vui, vì mình biết rồi, biết nghĩ rồi”.
    Bà tâm sự: “Biết niệm Phật, tui mừng lắm. Bây giờ uống nước tui cũng niệm Phật, trước khi ăn cũng niệm Phật. 70 tuổi tui mới biết đạo là nhờ đến chùa tu khóa tu ngày 14 ÂL như vầy, tôi sung sướng, vì biết đường về của mình không có tối tăm. Tui tin tưởng tuyệt đối, đi theo Phật sẽ có ánh sáng cho mình, ánh sáng đó giúp tụi tui thoát khổ”.
     
    Đến khóa tu để tìm… ánh sáng
    Bà Yến là một trong những người đến khá sớm, trước giờ tu khoảng 1 tiếng đồng hồ. Bà muốn đến sớm để lạy Phật và để nhìn thấy hình ảnh các cô, các chú – những bạn đồng tu dắt díu, đoàn kết nhau về với khóa tu.
    Khóa tu được tổ chức 6 kỳ, bà tham gia đầy đủ. Và lần nào cũng đếm số lượng, như một niềm vui. Đông thêm một người, bà thêm hoan hỷ, vì được Sư cô tổ chức khóa tu hướng dẫn rằng: khi vui với niềm vui của bạn đồng tu, mình cũng sẽ có thêm hạnh phúc.
    Niềm vui với món quà Tết
    Đi tu, rồi được nghe giảng, ông Thổ Cầu cũng chiêm nghiệm được rằng, cuộc sống luôn luôn có khổ đau, ai cũng có khổ đau, mình nghĩ mình khổ nhất, nhưng chẳng qua là mình không biết có nhiều hoàn cảnh còn đau khổ hơn mình nữa.
    Ông nói: “Đi tu, được nghe pháp, tui hiểu được rằng, người khiếm thị như tui sợ nhất không phải là không thấy đường đi, sợ nhất là mù kiến thức, không thấy lối ra cho cuộc đời.
    Đi tu, tui hiểu vì sao mắt tui không thấy, từ đó tui tinh tấn niệm Phật, lòng phấn chấn hơn. Mình đau mình biết chấp nhận cái nghiệp của mình và chuyển hóa để sống hạnh phúc với hoàn cảnh. Đi tu là có thêm động lực, thêm tin yêu cuộc sống”.
    Hỏi ông, may mắn nhất đời ông là gì? Ông bảo: “May nhất là đi tu, gặp giáo lý của Đức Phật, như con rùa mù vớ được cái bộng cây. May mắn khi có Sư cô tổ chức khóa tu, dẫn đường nên tui không còn sợ hãi mình sẽ chìm mãi trong tăm tối…”.
    Niềm vui của những người đến khóa tu trong ngày tổng kết này được nhân lên thêm gấp bội. Ngoài niềm vui được nạp năng lượng, tìm an vui trong Phật pháp, thì mọi người còn nhận được quà Tết.
    “Đi tu, về lại có quà Sư cô cho nữa, quý vô cùng luôn, giống như trong lúc đau khổ, đang ở dưới hố sâu mà có người quăng cọng dây kéo mình lên, tui thấy những người mù tụi tui may mắn”, ông Thổ Cầu vui mừng cho biết.
     
    Dắt con đi tu, để con nên người
    Chị Thạch Thị Nga, 30 tuổi. Nhà cách tịnh thất 8km, nhưng từ ngày biết tịnh thất Bảo Liên Hoa tổ chức khóa tu vào ngày 14 ÂL hàng tháng, chị dắt hai đứa con đi cùng. Chị bảo: “Mình cho con mình gieo duyên với Phật, với Sư cô, để con mình sau này thuộc câu niệm Phật, để đời nó có nhiều hạnh phúc hơn mình. Mình đến vì thấy vui, niệm Phật thấy vui, bớt khổ hơn hồi đó”.
    Chị cũng thiệt thà cho hay, nhiều người thấy chị cứ ngày rằm là dắt con lên chùa tu, có người trêu là lên chùa lấy quà. “Nhưng mà người ta không hiểu. Mình đến chùa không phải để kiếm quà từ thiện đâu.
    Mình thường lui cui dưới bếp phụ dọn dẹp, chùi xoong nồi, để tích phước cho con mình. Mình muốn con mình được nương nhờ cửa Phật, để con nên người, mong đời nó tươi sáng hơn mình”, chị Nga trải lòng.

    Nhìn nụ cười hoan hỷ, vui mừng của người đến tham gia khóa tu, mới hiểu câu nói của Sư cô Huệ Trung, trụ trì tịnh thất Bảo Liên Hoa: “Mỗi con người là mỗi câu chuyện. Họ đang đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã nên phải tìm cách giúp họ, không thể lướt qua”.

    10 năm về vùng đất này hoằng pháp, hiểu được bà con, Sư cô cố gắng gói ghém tổ chức khóa tu, dù cơ sở tự viện còn nhiều ngổn ngang. 6 kỳ tổ chức, lần nào số người tham dự cũng hơn 120 người.

     Bài, ảnh: Khánh Vi

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều