Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiTại sao Việt Nam giờ mới có công trình tâm linh chùa...

    Tại sao Việt Nam giờ mới có công trình tâm linh chùa lớn?

    Trả lời cho câu hỏi Tại sao Việt Nam giờ mới có công trình tâm linh chùa lớn, Đại Đức Thích Đức Trí cho rằng: Mỗi công trình tâm linh vĩ đại đều có giá trị riêng vì không có việc gì tồn tại không có ý nghĩa ở trên thế giới này. Các tôn giáo bạn có những công trình kiến trúc vĩ đại- đại diện cho tôn giáo thì tại sao Phật giáo lại không thể xây dựng những ngôi chùa lớn, phục vụ các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa?

    tai sao viet nam gio moi co cong trinh tam linh chua lon
    “Đại Đức Thích Đức Trí- Phó Trụ Trì chùa Hoà Lạc Kobe Nhật Bản”

    Cũng như việc lựa chọn đến ngôi chùa truyền thống và ngôi chùa có thu phí là do nhu cầu tin ngưỡng, tham quan và sự tự nguyện lựa chọn của mỗi người, không ai ép buộc được.

    Vào những ngày cuối năm, nhân dịp được chiêm ngưỡng và tìm hiểu những công trình Phật giáo nổi tiếng nhất đất nước mặt trời mọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có cuộc trò chuyện với Đại Đức Thích Đức Trí, phó trụ trì chùa Hoà Lạc tại tỉnh Kobe, Nhật Bản về nhân duyên của Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản, cũng như quan điểm xã hội về những Tự Viện Phật Giáo tại Nhật Bản và Việt Nam

    PV: Các công trình phật giáo tâm linh của Nhật Bản vốn đã nổi tiếng trên thế giới và có vai trò quan trọng với đời sống kinh tế – xã hội của người dân. Cách Nhật Bản quản lý các công trình này như thế nào?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Phật giáo du nhập vào Nhật Bản muộn hơn du nhập vào Việt Nam rất nhiều và qua sự phát triển, phật giáo Nhật Bản khác với Việt Nam rất nhiều. Phật giáo Việt Nam có đại diện thống nhất đứng đầu lãnh đạo phật giáo đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Bên cạnh đó cũng còn một vài giáo hội nữa như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Nam Truyền. Nhưng về đại diện phát ngôn chính thức thì đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Còn Nhật Bản thì ngược lại, Nhật Bản không có một đại diện thống nhất để quản lý tất cả các ngôi chùa của Nhật. Phật giáo Nhật Bản là phật giáo về tông phái và được chia ra làm 13 tông phái như Niệm Phật Tông, Tịnh Độ Chân Tông, Lâm Tế Tông… Cho nên tất cả những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tín đồ thì đều phải thông qua sự quản lý và định hướng của đại diện từng tông phái.

    - Advertisement -

    Kyoto và Nara được gọi là Cố Đô. Cả về giá trị lịch sự chính trị cúng như Phật giáo, có ý nghĩa giống như Cố Đô Huế và Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình của Việt Nam, hai vị trí đó là có đặc điểm vị trí lịch sử và tôn giáo khá sâu dày và tồn tại được bảo tồn và lưu giữ cho đến bây giờ. Chính vì việc quản lý của tông phái nên mọi tư cách hoạt động phương pháp đều hoạt động theo tôn chỉ của tông phái. Đơn cử như tông phái Dung Thông Niệm Phật Tông đề cao phương pháp niệm Phật, lấy đức Phật A Di Đà làm Bổn Sư.

    PV: Đi thăm các ngôi chùa tại Nhật Bản thấy rất rộng lớn, cảnh quan đẹp vô cùng nhưng tĩnh lặng và vắng vẻ, ít người qua lại? Nhu cầu về xây dựng các ngôi chùa tại Nhật Bản hiện nay như thế nào?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Ở Nhật Bản là phật giáo tông phái gần giống với Trung Quốc. Cho đến bây giờ có một điều đáng buồn đối với Nhật Bản là gần như phật giáo Nhật bản chỉ dành cho người đã mất, kể cả đến quý tu sĩ và người Nhật họ vẫn thường nói là phật giáo Nhật Bản chủ yếu dành cho người đã khuất.

    Không có hoạt động dành cho các tín đồ nhiều, các Tông phái có những ngành kinh doanh đưa lại lợi nhuận và cùng với cúng dường của các công ty, tập đoàn.. Thứ hai là tất cả các chùa đều có những dịch vụ làm về đám tang đám ma với chi phí rất đắt đỏ.

    Vì đời sống vật chất quá là đầy đủ nên không ai muôn đi theo con đường tôn giáo nữa, không ai muốn xuất gia trở thành tu sỹ nữa mặc dù ở Nhật Bản có nhiều điều kiện thuận lợi hơn Việt Nam khá nhiều. Tu sỹ không nhất thiết cần phải ăn chay, rồi có nhiều giới luật không nhất thiết phải giữ, trái lại với Việt Nam. Tuy nhiên, với điều kiện rộng mở như vậy nhưng ở Nhật số lượng tu sỹ ít đi trong khi số lượng chùa rất là nhiều, ví dụ ở tỉnh Kyoto có hơn 3.000 ngôi chùa, chính vì điều đó làm nhiều ngôi chùa không có trụ trì, không có hoạt động, nên người ta không cần thiết phải xây dựng một ngôi chùa mới trừ khi ngôi chùa đó mang một ý nghĩa cực ký lớn. Thứ nhất là một gia đình gìn giữ ngôi chùa đó mà ngôi chùa đó đã xuống cấp quá người ta sẽ dựng ngôi chùa mới. Hoặc với một giá trị mới mà người ta muốn hướng tới. Ví dụ Vương Đường Phật Giáo được xây dựng với mục đích đó là quay trở về nguyên điểm của Phật giáo, bảo tồn giá trị văn hóa kiến trúc và mỹ thuật của Phật giáo. Hiện tại có rất nhiều chùa không có người quản lý nên họ không cần thiết xây dựng quá nhiều các ngôi tự viện mới

    tai sao viet nam gio moi co cong trinh tam linh chua lon
    Vương đường phật giáo – Ngôi chùa có nhiều kỷ lục thế giới nối tiếng của Nhật Bản.

    PV: Xin Đại Đức chia sẻ về pháp nhân xây chùa dành cho Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay ra sao? Có những khó khăn gì trong quá trình xây dựng và làm công tác Phật sự hay không?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Về vấn đề cộng đồng và tôn giáo pháp nhân, hiện tại người Việt ở Nhật có đến 350.000 người, trong số đó có khoảng 80.000 người là thế hệ đã sang đây khá lâu về trước

    Nhật bản là một đất nước ko phải như các nước tư bản khác(Mỹ, Úc, Canada), Xét về mặt địa lý Nhật Bản là một quần đảo đảo độc lập trên biển, không có biên giới với bất cứ một đất nước nào hết cho nên bảo tồn được những giá trị văn hóa cổ xưa, tuy nhiên việc ít giao thương vào nước ngoài trong lịch sử phát triển làm hình thành nên tính bảo thủ rất cao, vì vậy người nước ngoài khó có thể xâm nhập vào đời sống của người dân Nhật Bản. Cản trở thứ nhất là tiếng Nhật, cản trở thứ hai là tư tưởng bảo thủ của 1 quốc gia biệt lập. Chính hai điều đó làm cản trở cho những người Việt Nam sang đây từ sớm. Cũng thời kỳ đó những người rời Việt Nam từ sớm lựa chọn Âu, Mỹ, Úc sẵn sàng đi học lại tiếp (tiếng Anh, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) rồi sau đó họ mới ra đi làm, còn ở Nhật thì số lượng người như vậy rất là ít, vì có học ra họ cũng khó được xã hội chấp nhận mặc dù họ có đầy đủ năng lực và khả năng chuyên môn. Người Việt chủ yếu đi làm ở nhà máy, công xưởng, một số với đầu óc kinh doanh thì buôn bán đồ cũ, còn lại chủ yếu đi làm công ăn lương.

    Chính việc các chính sách của xã hội Nhật Bản cùng với một vài lý do khác ví dụ như Cộng đồng người Việt bên Nhật không đông bằng các cộng đồng bên các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, chính điều đó làm gián tiếp những ngôi chùa ở đây khá là khiêm tốn.

    PV: Nhân duyên của Thầy với chùa Hoà Lạc là như thế nào?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Cách đây hơn 10 năm, người thành lập nên ngôi chùa này là thầy Thích Nhuận Phổ, thầy có nhân duyên để sang Nhật Bản học. Thầy Nhuận Phổ rất giỏi nên được phép lựa chọn Mỹ hoặc Nhật để đi học. Sau khi nghiên cứu thì cái nôi của Phật giáo vẫn phải ở châu Á, muốn tìm hiểu về Phật giáo cũng chỉ có thể nghiên cứu tại Châu Á, trong đó Nhật Bản là đất nước có nền học thuật về Phật giáo rất phát triển, họ có đầy đủ các loại tư liệu, khảo cứu và những luận văn chất lượng, được sự công nhận và đánh giá cao của giới học thuật thế giới.

    Mười ba tông phái Phật giáo, họ đóng góp vai trò rất lớn trong xã hội thông qua việc học thuật, họ lập ra những trường đại học, công ty rất là lớn, những viện nghiên cứu rất lớn để không chỉ về nghiên cứu phật giáo nói riêng mà còn nghiên cứu về tất cả các vấn đề khác như văn hóa, lịch sử, khoa học kỹ thuật.

    tai sao viet nam gio moi co cong trinh tam linh chua lon
    Chùa Việt Nam là nơi sinh hoạt chung của động đồng người Việt trên đất nước Nhật Bản.

    Khá lâu trước đây cũng đã từng có các vị Tu sỹ hiện là những bậc tôn túc của Phật giáo Việt Nam sang du học tại Nhật Bản (Hòa thượng Thích Trí Quảng, hòa thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền…) Sau đó các vị trở về Việt Nam hoặc sang cách nước khác để làm Phật sự. Cách đây tầm 10 năm có những tầng lớp tu sỹ trẻ hơn có nhu cầu về nghiên cứu nên đã tới Nhật để du học. Có thể kể đến cô Như Tâm, thầy Tịnh Ân, thầy Hải Nguyện, thầy Phước Điền ở Nagoya, cô Tâm Trí ở Tokyo, thầy Nhuận Phổ ở vùng Kansai rồi một vài vị nữa, sau quá trình học tập nghiên cứu sẽ về Việt Nam làm công tác phật sự. Tuy nhiên còn 1 vài vị vì nhân duyên với phật tử ở nơi đây (cô Tâm Trí, cô Như Tâm, thầy Thuận Phổ) thì họ được sự thỉnh cầu của phật tử để họ bắt đầu làm đạo, xây dựng ngôi nhà tâm linh cho cộng đồng Phật tử nói riêng và cộng đồng Việt Nam nói chung tại Nhật Bản

    Ngoài ý nghĩa xây dựng một ngôi nhà tâm linh thì quý thầy cô cũng tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng. Đầu tiên mới khởi điểm cũng chỉ có vài chục Phật tử ví dụ ở Kobe có vài chục gia đình định cư lâu dài. Họ gặp quý mến thầy rồi họ thể hiện mong ước, sống theo tinh thần Phật giáo, tu tâm tích đức, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, khó khăn vấp ngã, họ nhận ra rằng Phật giáo là chất liệu để họ có thể xây dựng một đời sống hạnh phúc.

    PV: Thưa thầy, nguồn tài chính để xây chùa là từ cộng đồng người dân Việt Nam hay có sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí nào khác?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Những gia đình Phật tử định cư lâu dài bắt đầu có nhu cầu về phật giáo, họ tự nguyện cùng quý thầy kiến lập những ngôi chùa giống ở Việt Nam. 100% các ngôi chùa lập lên ở đây phần lớn bằng tiền của người Việt sinh sống lâu tại Nhật, có nơi khoảng 5 tỷ đồng tại Việt Nam (cũng là một con số rất lớn với cộng động bên này). Có ngôi tự viện xây dựng được một thời gian khá dài mới thanh toán được chi phí xây dựng và duy trì.

    Khoảng 5 năm trở lại đây, cộng đồng người Việt bên này tăng lên 1 cách đột biến do quan hệ ngoại giao hai nước ngày càng tốt, tình hình sản xuất của Nhật Bản gặp vấn đề do thiếu hụt lao động trầm trọng nên có những cơ chế kích cầu cho người nước ngoài đến và làm việc. Việt Nam là nước cung cấp lao động cho Nhật khá nhiều. Thứ 2 là nền giáo dục Nhật Bản ngày càng không có học sinh do tỷ lệ kết hôn thấp, tỷ lệ sinh con thấp. Bằng các nào đó, chính phủ phải cứu sống nền giáo dục, tìm kiếm người nước ngoài đến học tập, xong đi làm việc cho họ quay trở lại duy trì, hỗ trợ phát triển Nhật Bản. Đó là lý do người trẻ ở các nước như Việt nam sang Nhật rất là nhiều.

    PV: Để quy tập được cộng đồng tham gia sinh hoạt phật giáo thì các ngôi chùa đã có những hoạt động cụ thể thường xuyên và có đóng góp quan trọng nhất định với đời sống tinh thần người Việt tại Nhật Bản. Xin thầy chia sẻ sâu hơn những hoạt động đó ạ!

    Đại Đức Thích Đức Trí: Với ý nghĩa là ngôi nhà tâm linh nên các ngôi tự viện đều đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về tôn giáo, tâm linh của quý Phật tử, thường xuyên tổ chức các lễ hội Phật giáo, Văn hóa, và các khóa tu cho cộng đồng cùng tham dự.

    Bên cạnh đó khi cộng đồng càng lớn thì càng có nhiều vấn đề xảy ra, chủ yếu các bạn sang đây để đi học và đi làm, cố gắng để tích lũy để quay về Việt Nam. Ví dụ các bạn du học sinh ngoài áp lực về học hành họ còn có những áp lực lớn về tài chính để duy trì việc học và sinh hoạt. Chính vì những áp lực đó đã xảy ra trộm cắp, lửa đảo, bị ức hiếp, tai nạn lao động không ai giúp đỡ, cùng nhiều tồn tại khác. Quý thầy, quý cô bên này luôn cố gắng hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho các bạn và giúp đỡ trong quá trình giải quyết những khó khăn đó. Có nhiều bạn vừa mới sang, chưa trả hết nợ ở Việt Nam. Có những hoàn cảnh ốm đau, tại nạn, bảo hiểm cũng chi trả 1 phần, phần còn lại cũng là gánh nặng cho cá nhân và gia đình, được sự giúp đỡ của cộng đồng bên này, các chùa cũng đứng ra quyên góp, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Những ngôi tự viện ở đây ngoài giá trị tâm linh còn là nơi hỗ trợ các bạn, các em lúc gặp khó khăn.

    PV: Thầy có thể cho biết thêm về Tư cách Tôn Giáo Pháp nhân của chùa Việt Nam tại Nhật Bản?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Hiện tại ở Nhật có 11 ngôi chùa Việt Nam thì trong đó có 3 ngôi chùa đã có tôn giáo pháp nhân. (Tôn giáo pháp nhân là tư cách hoạt động tôn giáo ở Nhật Bản do phía Chính phủ Nhật Bản cấp)

    Vì sao như thế? Vì ở Nhật, chùa cứ xây dựng đi, bắt đầu sinh hoạt xong mới nộp hồ sơ, trong quá trình sinh hoạt mới xét xem có được cấp hay không, thời gian ngắn nhất xin được là 3 năm. Ngoài ra lý do nữa là cách đây 20 năm về trước thời kỳ đó cũng nhiều người đứng ra lập tôn giáo pháp nhân, rồi lợi dụng những thủ đoạn không tốt để lôi kéo tín đồ, hoặc lợi dụng việc kinh doanh cũng không phải đóng thuế, chính vì những ưu đãi đó họ lập thì nhiều người làm và lợi dụng kẽ hở đó ảnh hưởng đến nền kinh tế chính trị. Chính vì thế Chính phủ Nhật Bản có sự xét duyệt kỹ càng đối với tôn giáo mới, cơ sở tôn giáo mới.

    PV: Chùa Hoà Lạc có những hoạt động truyền thống như ở Việt Nam không thưa Đại Đức?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Những ngày lễ quan trọng của Phật giáo thì chùa Hoà Lạc đều có tổ chức và song song với đó là sứ mạng gìn giữ văn hóa Việt Nam trên xứ bạn. Những ngày lễ dân tộc vẫn giữ như Tết truyền thống, Tết âm lịch, trung thu, ngày rằm… Hằng năm vào dịp tết, chùa vẫn tổ chức gói bánh chưng, cầu an đầu năm, hội xuân, múa lân, trò chơi văn hóa dân gian… Những dịp này chùa đón hằng trăm, hàng ngàn lượt viếng thăm của đồng hương, Phật tử để cầu an, cầu gia đạo bình an, may mắn, tìm về gốc rễ cội nguồn của quê hương. Ngôi chùa như 1 mái nhà lớn của mọi người chứ không phải chỉ đến để lễ bái.

    PV: Ở Việt Nam, thời điểm này có rất ngôi chùa rất lớn như Tam Chúc, Bái Đính Tràng An, Ba Vàng… Đây là những ngôi chùa mới hình thành thời kỳ hiện đại. Chính những ngôi chùa này đã nâng giá trị phật giáo thông qua các sự kiện tôn giáo thế giới và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặt 1 số học viện các công trình này. Một số Đại biểu Quốc Hội đã chất vấn liên quan đến xây chùa như lợi ích nhóm, kinh doanh tâm linh… Theo Đại Đức, những lời nói, quan điểm như vậy đã chuẩn mực chưa. Công trình kiến trúc chùa cần sự quan tâm của mọi thành phần trong xã hội, nói đầu tư xây chùa để kinh doanh, liên hệ câu chuyện đó với Nhật Bản, Đại Đức ph��n tích ở góc nhìn của mình như thế nào?

    Đại Đức Thích Đức Trí: Có thể nói về chuyện này như thế này. Mỗi công trình tâm linh vĩ đại đều có giá trị riêng vì không có việc gì tồn tại không có ý nghĩa ở trên thế giới này. Các tôn giáo bạn có những công trình kiến trúc vĩ đại- đại diện cho tôn giáo thì tại sao Phật giáo lại không thể xây dựng những ngôi chùa lớn, phục vụ các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa? Bản thân ở Việt Nam thì việc chùa thu phí tham quan còn là khái niệm rất lạ lẫm do xưa giờ người Việt mình có thói quen đến chùa bằng cái tâm của mình, ai muốn cúng dường bao nhiêu thì tùy hỷ. Nhưng ở Nhật nó rõ ràng lắm, quý vị đi 10 ngôi chùa thì đều thu vé 10 ngôi chùa, thứ nhất thu phí để hạn chế lưu lượng khách, để lấy tiền duy trì bảo tồn và bảo trì.

    Mọi sự tồn tại đều có ý nghĩa riêng? Nếu ai có nhu cầu đến chùa để tụng kinh niệm Phật, trao đổi với những người tu sỹ về đời sống, hướng dẫn tu tập cũng như việc ma chay đám hỏi hãy đến những ngôi chùa có sự xuất hiện của quý thầy, thường xuyên hành trì kinh điển. Còn quý vị nào có nhu cầu tham quan du lịch,kết hợp lễ bái, thích nhìn thấy cái to lớn, cái đẹp, chúng ta có thể đến những chùa như Bái Đính, Tam Chúc… Vì ở đó khách du lịch đến nhiều hơn là khách hành hương. Lúc đó giá trị quý vị lựa chọn đến 1 điểm du lịch thì quý vị phải bỏ tiền là bình thường, còn khi quý vị lựa chọn giá trị tâm linh thì quý vị sẽ đến nơi mà quý vị cảm nhận làm cho trái tim mình bình an nhất. Đó là quyền lựa chọn của quý vị, không ai ép buộc. Đây là bài toán lựa chọn bình thường, chúng ta đánh đổi một vài thứ để nhận lấy giá trị mình mong muốn. Đừng nhìn vào lợi ích kinh tế, mà hãy điều hóa những điều bạn mong muốn.

    Thứ 2 là chúng ta phân tích về 1 kinh nghiệm thực tế, tại sao Việt Nam cho đến bây giờ mới có chùa lớn? Vì ngày xưa mô hình kiến trúc Việt Nam không đủ điều kiện xây dựng những ngôi chùa lớn, với điều kiện nhiệt đới chất lượng gỗ không tốt, kết hợp thời tiết ẩm ướt nên dễ bị mục nát. Trong lịch sử phát triển, Việt Nam cũng có những ngôi tự viện lớn nhưng do điều kiện chính trị, xã hội nên đến bây giờ không còn tồn tại hoặc bị thu hẹp, khó phát triển. Trong khi Phật giáo là tôn giáo của số đông người Việt, nó còn là văn hóa dân tộc, vì vậy thì cần phải có những công trình để đại diện cho Phật giáo để thế giới có thể nhìn nhận.

    Đó chính là những giá trị tồn tại của những ngôi chùa lớn hiện nay. Nếu không có những nơi như Tam Chúc, Bái Đính lấy đâu ra chỗ tổ chức Hội nghị Phật giáo Liên hợp quốc Vesak 2019, nơi tổ chức lễ vu lan lễ hội báo hiếu của dẫn tộc với hàng trăm ngàn người tham dự? Với tinh thần từ bi, lối sống trí tuệ của Phật giáo, chúng ta nên thấy được những mặt tốt đẹp của nó, không quá so đo giá trị kinh tế trong đó. Đạo phật là có tính tùy duyên bất biến,vào mỗi thời kỳ chúng ta phải có những nhìn nhận đúng đắn chứ không phải chấp vào những giá trị quan xưa cũ không còn phù hợp trong hiện tại.

    PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại Đức!

    Ninh Nhi (Thực hiện)

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều