Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuSức sống thiền của các vua Trần

    Sức sống thiền của các vua Trần

    Kinh nghiệm thiền của ba vị Vua Trần được các Ngài ứng dụng thành sức sống chân thật, chứ không phải chỉ nói suông trên ngôn ngữ.

    Điển hình là:

    1. Vua Trần Thái Tông

    Vua Trần Thái Tông

    Vua Trần Thái Tông

    Lúc bệnh sắp qua đời, Quốc sư Đại Đăng vào thăm hỏi:

    - Advertisement -

    – Bệ hạ bệnh chăng?

    Vua đáp:

    – Tứ đại bệnh, cái xưa nay sanh tử còn không can hệ mà dính kẹt trong bệnh hoạn?

    Lúc bệnh mà vẫn còn tỉnh táo, thấy bệnh là bệnh, không dính dáng gì đến “cái ấy”, thì chính mình có bệnh gì đâu? Người tu bình thường chưa có đạo lực, e tới lúc đó tinh thần hoảng hốt, sợ hãi, thì dễ sánh được chăng?

    “Rồi khoảng mấy ngày sau, Thái Tông lặng thinh không nói, đuổi hết kẻ hầu hạ, đem việc nước dặn dò Thánh Tông. Thánh Tông muốn nhờ hai Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên) và Đại Đăng nói pháp xuất thế cho Thái Tông nghe. Thái tông gằn giọng bảo: “Đến trong đây, bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thành thương tích, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật, bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ thối thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu, điều là lời thừa, có ích gì đối với cái này?” Nói cong Vua lặng lẽ tịch.”

    Một ông Vua, sống giữa cảnh vàng son, cung phi mỹ nữ, việc nước rộn ràng, mà đến lúc bệnh sắp mất vẫn sáng suốt vững vàng như vậy, nếu hằng ngày không có sức sống chân thật, thì làm gì trong phút chốc vô thường đó, lại làm chủ được?

    2. Vua Trần Thánh Tông

    Vua Trần Thánh Tông

    Vua Trần Thánh Tông

    Đến lúc bệnh nặng gần qua đời, cũng sống rất có đạo lý giống như một thiền sư:

    Vua bệnh, Thượng Sĩ Tuệ Trung gởi thư đến thăm, Vua viết vào cuối trang đáp lại:

    Hơi nóng hừng hực mồ hôm đẫm,

    Chiếc khố mẹ sanh vẫn ráo khô.

    (Viêm viêm thử khí hãn thông thân,

    Hà tằng hoán đắc nương sanh khố?)

    Đến lúc bệnh nặng, Vua thường lấy ngón tay gõ vào chiếc gối như có sở đắc điều gì. Chốc lát, Vua đòi bút viết bài kệ:

    Sanh như mặc áo,

    Chết tựa cởi trần.

    Từ xưa đến nay,

    Không đường nào khác.

    (Sanh như trước sam,

    Tử như thoát khố.

    Tự cổ cập kim,

    Cánh vô dị lộ).

    Liền hét, nói: – Chữ bát mở toang đà trao phó, còn đâu việc nữa đáng trình anh.

    Rồi đuổi hết kẻ hầu hạ, chỉ còn một mình Nhân Tông đứng hầu một bên thưa: – Bệ hạ còn nhớ lời của Ngài Vĩnh Gia chăng:

    Rành rành thấy, không một vật,

    Cũng không người chừ cũng không Phật.

    Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,

    Tất cả thánh hiền như điện chớp.

    Dẫu cho vành sắt trên đầu chuyển,

    Định tuệ sáng tròn vẫn không mất.

    Vua nghe xong, bất chợt cười lên rồi gõ chiếc gối tụng:

    Rành rành thấy, không một vật,

    Cũng không người chừ cũng không Phật.

    Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,

    Tất cả thánh hiền như điện chớp.

    Xong, chiều hôm đó Vua băng.

    Vua bệnh sắp mất, nhưng vẫn thấy không dính dáng gì. Hơi nói hừng hực, mồ hôi ướt đẫm là nói lên sức bệnh hoạn đang phủ trùm lên tấm thân vô thường này, nhưng vẫn không dính dáng gì đến thân chân thật ấy. Nghĩa là, Vua vẫn có chỗ sống của mình, bệnh hoạn không làm gì đến đó được.

    Vua xem sanh tử như mặc áo, cởi áo vậy thôi, không có gì quan trọng, không bận tâm lo sợ, không vật vã khổ sở, mà còn hét lên một tiếng hét sư tử rống đối với vấn đề sanh tử.

    “Chữ bát mở toang đà trao phó,

    Còn đâu việc nữa đáng trình anh.”

    Cuối cùng Vua ra đi như một thiền sư trong hình thức cư sĩ. Quả thực, ngay trong cung Vua, vẫn sáng ngời ánh sáng thiền, dù người có muốn bắt chước cũng không thể nào bắt chước được. Vì thiền không phải việc có thể bắt chước. Với sức sống đó, ai dám đương đầu?

    3. Vua Trần Nhân Tông

    Vua Trần Nhân Tông,

    Vua Trần Nhân Tông,

    Ngài còn vượt xa hơn hai Vua trước một bước, sau khi hai lần chiến thắng quân Nguyên, vinh quang lên tột đỉnh thì sau đó Ngài lại xả bỏ tất cả để đi xuất gia, sống đời khổ hạnh đầu đà, đem ánh dáng chân thật soi rọi cho mọi người. Có cái gì đặc biệt mà Ngài dám bỏ tất cả như thế? Hẳn phải là có một sức sống tuyệt diệu, vượt ngoài cả đời sống vàng son cao cả của thế gian, mới khiến Ngài trân quí mà sẵn sàng đổi lấy. Sức sống đó là làm chủ được sanh tử, một điều mà người thường bó tay thúc thủ. Điều này hiện rõ lúc Ngài sắp rời bỏ thân xác này:

    “Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi Bảo Sát:

    – Hiện giờ là giờ gì?

    Bảo sát thưa:

    – Giờ Tý.

    Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra nói:

    – Chính là giờ ta đi!

    Bảo sát hỏi:

    – Tôn đức đi đâu?

    Điều Ngự đáp:

    Tất cả pháp chẳng sanh,

    Tất cả pháp chẳng diệt.

    Nếu hay hiểu như thế,

    Chư Phật thường hiện tiền.

    Nào có đến đi gì?

    Bảo sát thưa:

    – Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt thì thế nào?

    Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sát bảo:

    – Chớ nói mớ!

    Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử, lặng lẽ mà tịch.

    Ngài ra đi một cách tự tại. Đi mà cũng không thấy có đi đâu, vì chưa từng có đến. Nhưng cái gì là cái không đến đi? Việc đó người ngoài cuộc làm sao biết được? Sức sống này quả không thể lý luận bằng lời. Nếu không phải người đã hằng sống trong đó, đừng mong gì mộng thấy. Song muốn có được sức sống như thế, hẳn nhiên các Ngài phải có một trí tuệ Thiền không phải tầm thường.

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều