Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếChuyện đó đâyShucho Takaoka – Nhà Sư Của Những Người Tị Nạn

    Shucho Takaoka – Nhà Sư Của Những Người Tị Nạn

    Một ngày tháng giêng, trong một ngôi chùa Thiền tông yên tĩnh trên một ngọn núi thuộc Phường Tenpaku, Nagoya, Nhật Bản, một nhà sư đưa cho một vị khách người Nigeria những chiếc bánh gạo.

    “Anh ăn được chứ?”, vị trụ trì của Chùa Tokurinji hỏi anh ta bằng tiếng Anh.

    Vị khách ngoại quốc đến Nhật Bản để xin tị nạn là một trong số nhiều người – thường là sinh viên hoặc người tị nạn – mà Shucho Takaoka, 75 tuổi, đã tiếp đón ở ngôi chùa của mình trong suốt ba thập kỷ qua.

    “Một số người gọi ngôi chùa của chúng tôi là kakekomidera”, trụ trì Takaoka chia sẻ, sử dụng một thuật ngữ kết hợp được dùng để miêu tả những ngôi chùa ở thời Edo (1603-1868) dùng làm nơi trú ẩn dành cho những phụ nữ chạy trốn khỏi những người chồng của họ.

    - Advertisement -

    Mặc dù là con trai cả của một nhà tu hành Phật giáo nhưng Takaoka không theo cuộc sống tu hành cho đến khi ông bước vào tuổi 37. Sau khi vào Đại học Nagoya, chàng trai Takaoka đã nhìn thấy những người bạn cùng lớp tham gia biểu tình được trang bị gậy gỗ và sự hoài nghi với xã hội của người thanh niên ấy ngày càng tăng lên.

    Khi 26 tuổi, Takaoka đã nói với cha mình rằng mình sẽ không làm được gì nếu ở chùa và ông đã đến Nepal. Sau khi đến nơi, ông bị sốt cao và tiêu chảy. Một người Hoa kiều địa phương đã giúp ông thuê một căn phòng mà không phải trả tiền.

    Trong thời gian ở Nepal, Takaoka đã tham gia vào nhiều hoạt động để bảo tồn kinh điển Phật giáo viết bằng chữ Sanskrit. Một thập kỷ sau đó, ông cảm thấy đã đến lúc trở về nhà, tức ngôi chùa ở Nhật Bản.

    Năm 1985, Takaoka kế vị cha mình tại Chùa Tokurinji và xây dựng một căn phòng có tên là Shantikuti, có nghĩa là “căn nhà an nhiên” trong tiếng Sanskrti, nằm phía sau lưng chánh điện của ngôi chùa để làm chỗ ở miễn phí cho những người nước ngoài mong muốn có chỗ lưu trú như người Hoa kiều khi xưa đã giúp ông ở Nepal.

    Năm 2011, một người quen đang giúp đỡ những người Châu Phi nói với nhà tu hành này rằng nhiều người có khả năng đến Nhật Bản để tìm chỗ trú chân. Sau đó, với sự giúp đỡ của tín chúng và một người thợ mộc, sư Takaoka đã dựng hai ngôi nhà hai tầng bằng gỗ trong khuôn viên chùa để làm nhà khách.

    Kể từ đó, ông đã cung cấp chỗ lưu trú tạm thời cho những người có nhu cầu theo đề nghị của một nhóm những người hỗ trợ người tị nạn. “Tôi chỉ muốn giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn”, sư Takaoka chia sẻ.

    Khi một người đàn ông Nepal qua đời vào tháng ba năm 2017 sau khi bị giam giữ tại đồn cảnh sát Shinjuku ở Tokyo, sư Takaoka đã đến đó để nhận thi thể và thu xếp việc hỏa táng. Ngoài ra, ông còn chịu hầu hết các chi phí, khoản tiền lên đến 600.000 yên (khoảng 126 triệu VNĐ).

    Trụ trì Takaoka cho biết, hầu hết các hoạt động giúp đỡ người nước ngoài của ông đều được bảo trợ bởi sự quyên góp của các danka (những người ủng hộ ngôi chùa của ông). Thông thường, những khoản ủng hộ như vậy thường được dùng để điều hành và cải tạo chùa, nhưng Takaoka cho biết ông cố gắng tiết kiệm các khoản chi như vậy.

    “Tôi đã tự mình làm lại mái chùa để tiết kiệm tiền, vì vậy tôi hy vọng họ (tức những người ủng hộ tiền – ND) sẽ tha thứ cho tôi”, nhà tu hành Takaoka tâm sự.

    Khi ông kế vị cha mình, ngôi chùa chỉ có 16 danka và ông không thể trả khoản phí 5 triệu yên (khoảng hơn 1 tỉ VNĐ) theo yêu cầu của phái Soto – phái Phật giáo mà Chùa Tokurinji thuộc về. Dù vậy, nhà sư này vẫn tiếp tục giúp đỡ những người khó khăn và vì vậy số người ủng hộ tài chính cho chùa lại càng tăng lên. Số lượng danka của ông hiện nay đã vượt qua con số 200.

    Mới đây, một số người cao tuổi trong khu phố đã bắt đầu trồng rau trên một mảnh đất nhỏ dọc theo nhà khách của chùa. Mảnh đất này trước đây được một nhà sư Phật giáo người Mỹ trồng tỉa. Nhà tu hành ấy đã lưu trú ở Chùa Tokurinji cách đây 27 năm.

    Dù có dự định trao ngôi chùa cho con trai mình vào một lúc nào đó trong tương lai nhưng có vẻ sư Takaoka vẫn sẵn lòng tiếp tục công việc của mình cho đến hiện tại.

    “Tôi thấy mình dường như mới chỉ bốn mươi tuổi”, nhà tu hành chia sẻ.

    Dân Nguyễn

    (Dịch từ The Japan Times)

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều