Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànDiễn đàn- thảo luậnRanh giới giữa răn dạy & bạo hành

    Ranh giới giữa răn dạy & bạo hành

    Vừa rồi, vụ việc cũ đã xảy ra hơn hai năm trước, được báo chí xới lên tạo nên một làn sóng dư luận lên án gay gắt, qua những tít tin bài “Bé trai mồ côi thường xuyên bị sư trụ trì đánh đập”, “Bé trai mồ côi bị đánh bầm tím khắp cơ thể”, “Không chấp nhận việc nhà sư dùng đòn roi bạo hành trẻ mồ côi”, “Sư thầy trú trì bạo hành trẻ mồ côi ở chùa”… 


    Dam Thao.JPGTình thương phải được biểu hiện bằng từ bi và trí tuệ – Ảnh: Zing
    Nay cháu bé đã bình thường, vẫn đi học và sống ở chùa, nhưng những hình ảnh dù đã hai năm rồi nay được báo chí dẫn lại với các vết bầm tím ở lưng, cả vết thương trên đầu đã đập ngay vào mắt, làm đau nhói những ai khi nhìn thấy. Vụ việc được cho là xảy ra ở chùa Long Yên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trụ trì là sư cô (ở các tỉnh phía Bắc thường gọi là sư thầy) Thích Đàm Trang.
    Hàng loạt tờ báo đưa tin, theo lời tố giác của một giáo viên chủ nhiệm của cháu bé tại trường tiểu học địa phương, chia sẻ trên mạng xã hội cùng với đó là các bình luận, chủ yếu bày tỏ thái độ tiêu cực đối với Phật giáo, và gián tiếp là tình trạng xuống cấp của đạo đức, có thể hiểu là sự cộng hưởng từ vụ việc những cái tát học trò bị đưa ra công luận gần đây.
    Dù bất cứ lý do gì, với lương tri của con người, chắc chắn không ai trong chúng ta có thể chấp nhận việc đánh đập (dù nhằm răn dạy), để lại những chấn thương trên cơ thể của một đứa trẻ như thế. Huống hồ sự vụ đó lại cho liên quan tới nhà chùa.
    Trong trách nhiệm của mình, chắc chắn Sư cô Thích Đàm Trang, vị trú trì chùa Long Yên, nơi cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, được gửi nhờ nuôi dưỡng, cả cô giáo, vị hiệu trưởng – theo lời cô giáo Nh. cũng đã biết khi cô phát hiện những vết bầm tím trên lưng cháu bé từ năm 2016, Giáo hội địa phương… phải có sự liên đới.
    Hiện nay cháu vẫn được đi học, tinh thần bình thường. Chính biến cố thông tin này, cùng với các lời gay gắt, kiểu như “dập cho nó chết”, khiến chúng ta phân vân, một lần nữa, vô hình trung dư luận đang đẩy cháu bé trở thành nạn nhân của một cuộc bạo hành khác, về tinh thần – sau những nỗi đau về thể xác vết thương đã lành trên cơ thể.
    Trở lại chuyện dạy dỗ cổ truyền, kiểu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, chính trong câu tục ngữ này ẩn chứa một tình thương ẩn dưới biểu hiện nghiêm khắc của các bậc phụ huynh, cả thầy cô giáo. Lối giáo dục nghiêm khắc đó, vốn phổ biến ở các nước Á Đông, khác với ứng xử ảnh hưởng phương Tây, vẫn được duy trì, đã gây nên những tranh cãi, điển hình qua tác phẩm “Mẹ hổ” (Tiger Mother) mấy năm trước đây.
    Amy Chua tự xưng là “Mẹ hổ”, một bà mẹ sinh năm 1962 sống ở Mỹ chủ trương dạy con như một hổ mẹ – nghiêm khắc đến tàn nhẫn, để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt không có chỗ cho kẻ yếu hèn. Cách dạy con ấy đã được một số người ủng hộ, nhưng đa số sửng sốt, kinh hãi và lên án. Vấn đề cuối cùng là những đứa con tài năng, khiến cho xã hội ngưỡng mộ.
    Việc “cho roi cho vọt” trong ý nghĩa thực sự luôn có tình thương và trí tuệ làm dây cương, để những roi vọt ấy không bị cơn sân hận dẫn dắt tới sự bạo hành – ranh giới hết sức mong manh. Nhất là trong nhà chùa, như Đức Phật dạy, không ai thích đòn roi, ai cũng sợ sự đau đớn, ý thức vậy để đừng gây sự đau đớn cho người khác, cho cả chúng sinh.
    Diệu Nghiêm
    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều