Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiPakistan: Khám Phá Ở Bhamala Mở Ra Chương Mới Trong Lịch Sử

    Pakistan: Khám Phá Ở Bhamala Mở Ra Chương Mới Trong Lịch Sử

    Khu tổ hợp khảo cổ Phật giáo Bhamala nằm gần Đập Khanpur ở đầu Thung lũng Haro nổi tiếng với các triền sông, đồi núi rải rác các hang động thời tiền sử.

    Feb-19-B05-H01

    Bảng chỉ dẫn thông tin về stupa và tự viện Bhamala bằng tiếng Anh và tiếng Urdu.

    Các stupa và tự viện ở đây có niên đại từ thế kỉ thứ hai sau công nguyên. Chúng có ý nghĩa đặc biệt trong nền văn minh Gandhara – minh chứng lớn nhất hiện còn của một stupa giống hình thập tự đặc biệt tương tự với các kim tự tháp của người Aztec. Gần đây, người ta đã phát hiện ra bức tượng “Maha Pari Nirvana” cổ nhất thế giới mô tả Đức Phật nhập Niết Bàn.

    Bức tượng nói trên được phát hiện vào năm 2016 với 1.700 năm tuổi, dài khoảng 14.6 m. Bức tượng được tìm thấy cùng với một bức tượng Phật có hai vầng hào quang trên đầu – bức tượng loại này lần đầu tiên được tìm thấy trong lịch sử của nền văn minh Phật giáo ở Pakistan.

    - Advertisement -

    Được chú ý bởi phong cách kiến trúc độc đáo, tổ hợp Phật giáo Bhamala được cho là thuộc về thế kỉ thứ 2 – thế kỉ 5 sau công nguyên.

    Theo các nhà khảo cổ, các stupa được dựng ở các địa điểm tâm linh thường lưu giữ các di vật Phật giáo.

    “Stupa chính của Bhamala rất độc đáo với phần nền hình chữ thập gồm một đế vuông cao chống mái vòm phía trên bù vào các hình chiếu của các bậc thềm có thể nhìn thấy ở cả bốn mặt”, ông Abdul Nasir Khan – người phụ trách Bảo tàng Taxila chỉ cách Bhamala khoảng 25 km – giải thích.

    Ông Khan nói rằng stupa này tương tự với các kim tự tháp của người Aztec và loại công trình này trước đây chỉ từng được tìm thấy ở Kashmir. Ngoài stupa chính còn có khoảng 19 stupa nhỏ nằm trong sân bao quanh.

    Feb-19-B05-H02

    Một mặt nhìn của stupa giống hình chữ thập Bhamala.

    Phật giáo đã từng phồn thịnh ở nơi mà ngày nay là Pakistan cách đây khoảng 2.300 năm sau khi tôn giáo này theo chân hoàng đế Ashoka (A Dục Vương) ở Takashila (ngày nay là Taxila).

    Khu vực này đã từng là một trung tâm lớn của nền văn minh Phật giáo và để lại một di sản khảo cổ phong phú về nghệ thuật và kiến trúc, giáo sư, tiến sĩ Mohammad Ashraf Khan thuộc Viện Văn minh Châu Á, Đại học Quaid-i-Azam, giải thích.

    Nghệ thuật Gandhara được ghi nhận với việc tạo ra những hình ảnh chạm khác đầu tiên về Đức Phật dưới hình dạng con người, hầu hết vẫn còn nguyên vẹn tại các tự viện và stupa như ở Bhamala, ông Abdul Ghafour Lone – cựu phụ trách Bảo tàng Taxila – cho biết.

    Feb-19-B05-H03

    Một bức tượng Phật ngồi ở khu tổ hợp Bhamala.

    Ông Lone cho biết việc phát hiện bức tượng Đức Phật nhập Niết Bàn niên đại thế kỉ thứ ba cho thấy rất nhiều tổ hợp đền chùa đã được phát hiện bởi cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ dưới thời thực dân Anh đã không thể hiện được một bức tranh hoàn chỉnh về nghệ thuật Phật giáo và tiến trình của nó.

    Những bức màn bí mật đã được đưa ra ánh sáng bởi Cục khảo cổ và Bảo tàng Khyber Pakhtunkhwa – cơ quan đã xác nhận nhiều mối liên hệ bí ẩn trong tiến trình phát triển của nghệ thuật Phật giáo ở Taxila, Gandhara và Swat.

    Cục trưởng của cục này, tiến sĩ Abdul Samad, đã dẫn đầu một nhóm khai quật bức tượng Phật nói trên. Abdul Samad cho hay, tổ hợp Bhamala đã tiết lộ rất nhiều lịch sử và báu vật. Đồng thời, những phát hiện gần đây đã mở ra một chương mới trong lịch sử của nền văn minh Thung lũng Taxila cổ đại.

    Feb-19-B05-H04

    Một stupa nhỏ mới được khai quật với nhiều bức tượng Phật thiền định trong tư thế ngồi còn khá nguyên vẹn.

    Đây là một trong số ít các di tích trên khắp thế giới sở hữu một stupa có dạng hình chữ thập được dành riêng cho chính Đức Phật, tiến sĩ Samad cho biết. Bức tượng Maha Pari Nirvana cao 14.6 m khiến nó trở thành bức tượng lớn nhất loại này từng được tìm thấy trong lịch sử khảo cổ của nền văn minh Gandhara.

    Một con dấu có vẻ mô tả hình ảnh của Gaja Lakshmi – một trong những hình thức của nữ thần Hindu Ashta Lakshmi, một bức tượng Phật hai quầng hào quang, hơn 500 hiện vật liên quan đến Phật giáo cùng nhiều mảnh gạch đất nung và tượng Phật bằng vữa, 14 đồng xu thuộc niên đại Kidara-Kushan, nhiều hiện vật bằng sắt như đinh, móc, phụ kiện cửa, kẹp tóc và đồ tạo tác bằng đồng cũng được tìm thấy đã chứng tỏ rằng di tích này không bị cô lập khỏi thung lũng Taxila chính.

     

    Dân Nguyễn (Dịch từ Dawn)

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều