Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomeTuổi Trẻ- Khoá tuTuổi trẻ đồng hànhNơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu...

    Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình thương

    Bạn có biết nơi ấm áp nhất là đâu không? Chính là trái tim của chúng ta. Và nơi ấy cũng chính là nơi lạnh nhất. Nghe có vẻ đối nghịch và bất hợp lý nhỉ? Nhưng chúng ta thử dừng lại và ngẫm nghĩ về câu nói ấy, sẽ nhìn ra được ý nghĩa sâu xa của nó.

    Sống ở một xã hội như hiện nay, tất cả dường như rất vội vã và vô tâm. Họ vô tâm với chính những gì xảy ra xung quanh mình. Họ chỉ nghĩ cho riêng mình, mọi sự vật xung quanh dường như vô nghĩa. Trong họ, dường như dần mất đi ý niệm chia sẻ.

    Mấy ai biết được sự sẻ chia trong cuộc sống xô bồ này, nó quan trọng và ý nghĩa đến dường nào? Bởi chia sẻ chính là sợi dây kết nối giữa người với người, giữa vật thể này với vật thể khác. Nó là một dạng tình cảm xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm và tình yêu thương. Nó được biểu hiện ra khi ta biết quan tâm, lo lắng cho mọi thứ xung quanh.

    Trong thực tế thì chúng ta cũng có thể bắt gặp những hình ảnh sẻ chia này. Ví như những tình nguyện viên mang trên mình màu áo xanh tình nguyện, những nhà hảo tâm không quản đường xa khó khăn, đến những vùng sâu vùng xa gặp bão lũ hỗ trợ ít nhiều, hay đơn giản là hình ảnh một cậu bé, cô bé dành chút tiền vặt ăn sáng mà bố mẹ cho để tặng người hành khất… Những hình ảnh đó như những bông hoa rực rỡ giữa một rừng cây bạt ngàn. Ví von như vậy vì chúng ta còn bắt gặp bên cạnh đó là những người sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình. Họ có thể lướt qua một cách vô tình trước những hoàn cảnh đáng thương. Như một tai nạn trên đường họ lướt qua, lướt qua vì rất nhiều lý do, vì sợ mất thời gian, sợ phiền phức, họ nghĩ sẽ rước họa vào thân… Chính những suy nghĩ ấy đã làm cho con người ngày càng vô tâm với nhau, mất đi ý niệm sẻ chia cùng nhau.

    - Advertisement -

    Một vị thầy khả kính đã dạy rằng:

    “Cho là còn có mất đâu

    Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”.

    Ta hãy thử suy ngẫm câu ấy qua câu chuyện sau:

    Một người đàn ông nọ đi lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát.

    Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông thấy một căn lều cũ, rách nát, không cửa sổ.

    Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở một góc tối, có cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Tất cả trở nên lu mờ đi trước cái máy bơm nước. Người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có giọt nước nào chảy ra cả.

    Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy một cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nước trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào cái bình này”.

    Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào một tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái máy bơm cũ kỹ kia, có thể nó sẽ bơm được rất nhiều nước trong lành từ sâu trong lòng đất.

    Ông cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước hay uống nước trong cái bình và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không…

    Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước vào cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần… chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa. Người đàn ông kiên trì bơm lên bơm xuống, lần nữa, lần nữa… nước mát trong lành bắt đầu chảy ra. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.

    Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đường như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm một câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận”.

    Hãy thử nghĩ nếu ông ấy uống hết nước trong bình, hoặc người trước ông ấy uống hết bình nước ấy, liệu rằng ông ta có thể sống sót ra khỏi sa mạc đó không? Ông có thể đã khát hơn khi uống hết bình nước ấy, hoặc ông có thể dùng bình nước ấy để đựng nước trên đường đi nhưng ông đã không làm vậy. Ông đã để lại bình nước cho người sau, đồng thời kèm theo lời dặn dò. Đó là một chút sự sẻ chia. Hành động của ông thật sự đáng trân quý.

    Nơi nào không có tình thương thì đó là một mảnh đất thật đáng sợ hơn cái lạnh của vùng Bắc cực. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần có tình yêu thương, chia sẻ, động viên, giúp đỡ những người xung quanh mình.

    Ca dao có câu:

    “Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

    Hãy cho đi, hãy san sẻ bằng tình yêu thương chân thành. Điều đó sẽ làm cho cuộc sống chúng ta càng thêm ý nghĩa, ấm áp và cao đẹp biết bao.

     Tâm Tú (Bình An)

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều