Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànBạn đọc- Góc nhìnNợ một lời đính chính đến với TT. Obama về lý giải...

    Nợ một lời đính chính đến với TT. Obama về lý giải của Tiến sĩ

    Qua những phát ngôn của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, làm người ta phải giật mình xem lại rằng ông đã nói gì khi tiếp chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016, khi Tổng thống đến thăm chùa Ngọc Hoàng (Quận 1).

    Khi đó TS. Dương Ngọc Dũng – người được giới thiệu là tiến sĩ chuyên nghiên cứu về Phật học trong bài phỏng vấn trên Zing.vn có nhan đề: “Người hướng dẫn ông Obama ở chùa Ngọc Hoàng kể gì? do PV Cảnh Toàn, Hà Hương, Thanh Tuấn thực hiện. Để trả lời cho câu hỏi: – Vậy người hướng dẫn của Tổng thống Obama đã làm việc như thế nào trong khoảng 10 phút ông ấy ghé thăm chùa? [1] Trong đó có đoạn ông trả lời: “Khi đó Tổng thống Obama hỏi tôi ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói: Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày, ông Obama gật đầu, tỏ ý hài lòng với những giải thích đó”.

    Việc ông lý giải 3 cây nhang là tượng trưng cho Tinh – Khí – Thần thì không biết ông đã lấy định nghĩa này từ đâu hay chỉ là quan điểm bồng bột cá nhân, hoặc do bối rối mà lỡ lời, cũng có thể với tư cách của một người có trách nhiệm tri thức thì ông có quyền từ chối trả lời khi chưa nghiên cứu đến. Vì vốn dĩ 3 cây nhang trong Phật giáo là tượng trưng cho Giới – Định – Tuệ để dâng lên cúng dường chư Phật. Đây là kiến thức định nghĩa Phật học rất căn bản mà người học Phật nào cũng thuộc nằm lòng. Nén hương đầu tiên được gọi là “Giới hương” tượng trưng cho lòng quyết tâm gìn giữ phạm hạnh và từ bỏ những thói quen xấu. Nén hương thứ hai là “Định hương” mang ý nghĩa nhờ sự giữ giới mà tâm sanh định. Nén hương cuối cùng là “Tuệ hương” biểu tượng cho tuệ giác của con người nhờ có Giới và Định mà Tuệ được phát sanh. Đó cũng là những giáo lý tinh yếu quan trọng của cốt tuỷ Phật pháp nhằm nhắc nhở chúng ta mỗi ngày khi thắp hương cúng Phật như dâng lên những ước nguyện, thành quả của mình tu tập trên lộ trình Tam vô lậu học. Còn Tinh – Khí – Thần thuộc tư tưởng Đạo gia, đây là một phương pháp trong thuật trường sinh của Đạo gia kèm theo thuật luyện Kim đan [2], nó cũng là thuật ngữ vay mượn từ văn hóa y học cổ truyền Trung Hoa là ba tố chất cơ bản trong cơ thể con người có liên hệ mật thiết với ngũ tạng, năm cơ quan nội tạng trong cơ thể bao gồm: tim, gan, tỳ, phế, thận kết hợp với tinh, khí, thần để vận hành một sinh mệnh.

    TS Dương Ngọc Dũng giải thích cho Tổng thống Obama về ý nghĩa của việc thắp ba cây nhang. Ảnh: Hải An, năm 2016

    TS Dương Ngọc Dũng giải thích cho Tổng thống Obama về ý nghĩa của việc thắp ba cây nhang. Ảnh: Hải An, năm 2016

    Như vậy, theo định nghĩa căn bản thì Tinh – Khí – Thần chẳng mang ý nghĩa gì, liên hệ gì đến hành động dâng hương cúng Phật mà ông đã vô tư trả lời với tư cách của một người đại diện hướng dẫn một chính khách quan trọng khi tìm hiểu về ý nghĩa văn hoá Phương Đông, nhất là trong bối cảnh trước điện Phật ở một ngôi chùa Phật giáo và sau đó nội dung định nghĩa đã được ông trả lời phổ biến trên nhiều bài báo.

    - Advertisement -

    Một định nghĩa sai lầm được phổ biến nếu không được đính chính, cải biên nó sẽ tạo ra những quan điểm, nhìn nhận sai lệch trước những sự vật hiện tượng mà chúng ta vô tình bắt gặp.

    Người ta có quyền nói sai nhưng không có quyền im lặng khi đã nhận ra điều đó.

    Như vậy, chúng tôi chỉ muốn đóng góp một chút nhìn nhận về vấn đề trên với vai trò trách nhiệm của một Tăng sĩ khi đang được Phật giáo đào tạo, nuôi dưỡng, cũng như theo tinh thần của kinh Phạm võng (Brahmajàla sutta):

    “Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: – “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi”. (Trích Trường Bộ Kinh, Digha Nikaya).

    Tuy đây vốn là chuyện “Bình cũ rượu mới” chỉ mang tính xây dựng, đóng góp nhằm mục đích góp phần đánh giá tổng quan và nhìn nhận lại kiến thức, trách nhiệm của ông khi đang là giảng viên đại học hằng ngày rao giảng kiến thức Phật học, Tôn giáo học thì cần lắm sự trung thực tri thức, cẩn trọng, học hỏi và kinh nghiệm hơn khi phát biểu, giới thiệu hay trình bày những kiến thức căn bản của Phật giáo.

    Chú thích:

    [1] https://news.zing.vn/nguoi-huong-dan-ong-obama-o-chua-ngoc-…

    [2] https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Phép_đạo_dẫn

    Sư Giác Minh Luật

    Đại đức Giác Minh Luật sinh năm 1992, Đại đức xuất gia từ nhỏ tại tịnh xá Ngọc Minh (Bình Thuận) thuộc Hệ phái Khất sĩ.

    Năm 18 tuổi, Đại đức đã bắt đầu thành lập tổ chức Câu lạc bộ Nhân Sinh – nơi quy tụ đông đảo những bạn trẻ là sinh viên, học sinh… cùng tham gia tình nguyện dấn thân trong các hoạt động từ thiện và giao lưu kết bạn tìm hiểu về đạo Phật, qua những chương trình thực tập thiền và nghe pháp thoại trong mỗi chương trình do Câu lạc bộ tổ chức, đến nay đã trở thành một tổ chức tình nguyện lớn mạnh dành cho giới trẻ yêu quý đạo Phật tại Sài Gòn với hơn 7 năm kể từ ngày đi vào hoạt động.

    Tác giả: Sư Giác Minh Luật hướng dẫn thiền cho các nghệ sĩ trên truyền hình dành cho giới trẻ Yeah1TV.

    Tác giả: Sư Giác Minh Luật hướng dẫn thiền cho các nghệ sĩ trên truyền hình dành cho giới trẻ Yeah1TV.

    Năm 2013, Đại đức Giác Minh Luật chính thức được công nhận là tài năng trẻ Việt Nam về lĩnh vực văn hoá và hoạt động xã hội. Đại đức cũng đã liên tục nhận được nhiều giải thưởng báo chí, bằng khen và học bổng có giá trị.

    Sau khi tốt nghiệp chương trình Cử nhân (B.A) chuyên nghành Triết học Phật giáo tại Đại học MCU Thái Lan, hiện nay Đại đức Giác Minh Luật đang tiếp tục việc học và hoằng pháp tại Hoa Kỳ.

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều