Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiNỗ lực bảo tồn và phát triển Phật giáo tại Pakistan

    Nỗ lực bảo tồn và phát triển Phật giáo tại Pakistan

    Một trong những nhà lãnh đạo của cộng đồng Phật giáo Thái Lan, HT. Arayawangso, dự kiến sẽ có chuyến thăm Pakistan vào tháng 4-2019, đồng thời tham dự chương trình kết nối và đối thoại liên tôn.


    Dự kiến, trong suốt thời gian lưu lại Pakistan, vị lãnh đạo Phật giáo uy tín khắp thế giới này sẽ đến chiêm bái các thánh tích Phật giáo của nước sở tại, đặc biệt là các di chỉ tại Swat và Taxila cũng như giao lưu, tiếp xúc với người dân địa phương.

    parkistan2.jpg
    HT. Arayawangso – người đang giữ sứ mệnh kết nối Phật giáo Pakistan và Phật giáo thế giới

    Ông Imran Shaukat, nhà chức trách địa phương phụ trách về phát triển các cơ sở Phật giáo Pakistan cho hay, sự hiện diện của HT.Arayawangso sẽ góp phần tạo nên cầu nối gắn kết tín đồ Phật giáo trong nước và các quốc gia trong khu vực.

    “HT.Arayawangso là một trong số ít những vị tôn túc Phật giáo có kinh nghiệm và thời gian dài tiếp xúc với người Hồi giáo tại biên giới phía Nam Thái Lan. Nhờ vậy sư có sự thông cảm và thấu hiểu về sinh hoạt của người Hồi giáo”, ông Shaukat phát biểu thêm.

    Trước HT.Arayawangso, Sri Lanka trong quan hệ ngoại giao với Pakistan cũng tổ chức cho phái đoàn chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo đến chiêm bái các thánh tích tại Pakistan. Riêng Phật giáo Hàn Quốc đã nhiều lần được quốc gia Nam Á này mời đến cử hành các khóa lễ tâm linh nhân các lễ lớn của Phật giáo.

    Hiện tại, Chính phủ Pakistan đang nỗ lực trùng tu các thánh tích Phật giáo cũng như kết nối Phật tử các nước nhằm giới thiệu về một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc và đa niềm tin tâm linh. Động thái này nhằm mục đích thu hút nhiều người đến với Pakistan, đồng thời khẳng định nơi đây cũng là vùng đất bảo tồn nhiều công trình Phật giáo có giá trị.

    - Advertisement -

    Cách đây vài ngày, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmoud Quraishi đã tổ chức phiên đối thoại với đại sứ và các đại biểu cao cấp từ các đất nước Phật giáo trong khu vực để thông tin về tiềm năng đặc biệt trong việc phát triển Phật giáo cũng như các giá trị văn hóa bản địa.

    Nhân phiên họp này, Ngoại trưởng Quraishi đã dành thời gian giới thiệu các địa danh được liệt vào thánh tích Phật giáo nằm rải khắp tại các vùng miền của đất nước Pakistan, trong đó nổi bật là vùng Khyber Pakhtunkhwa (KP), Balochistan và Punjab.

    Cũng theo Imran Shaukat, Pakistan là nơi hội tụ nhiều địa danh Phật giáo với tổng thể từ 1.200 đến 1.400 cơ sở lớn nhỏ khác nhau. Trong đó có nhiều thánh tích được tạo dựng từ thời Đức Phật và gắn liền với con đường phát triển của đạo Phật trong quá khứ.

    “Nhưng không may rằng, chúng tôi đã không bảo tồn và phát triển các thánh tích này để đến nay các giá trị Phật giáo không được khám phá và tìm hiểu một cách trọn vẹn”, Shaukat chia sẻ.

    “Tại khu vực như Swat, trước kia là một trong 8 địa điểm nhận được xá-lợi của Đức Phật sau khi hỏa thiêu và dấu tích còn lại đến ngày nay là một quả đồi được tạo dựng trong quá khứ để phụng thờ pháp bảo này”, Shaukat nói và cho biết nơi này hiện có một tượng Phật cao 30m được đưa về từ vùng Haripur.

    Không những thế, thông tin từ Imran Shaukat còn khẳng định, Phật giáo phát triển mạnh tại Pakistan cách nay 2.300 năm. Lúc đó, vùng đất này là trung tâm sinh hoạt Phật giáo dưới thời Đại đế Phật tử Ashoka. Tâm nguyện và những đóng góp của vua Ashoka đã để lại cho nơi này các công trình kiến trúc, điêu khắc Phật giáo tráng lệ.

    parkistan.jpg
    Đoàn chư Tăng Sri Lanka chiêm bái thánh tích Phật giáo Pakistan

    Bên cạnh đó, nền văn minh Gandhara, kéo dài từ thế kỷ thứ VI trước Tây lịch đến thế kỷ thứ V sau Tây lịch, được khẳng định là đã tạo ra những bức chạm khắc đầu tiên về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá, bằng vữa, đất nung và đồng, hầu hết các tác phẩm này hiện được lưu giữ tại các tu viện Phật giáo và bảo tháp tại Pakistan.

    Sáng kiến của văn phòng ngoại giao và Chính phủ Pakistan là một bước đi tuyệt vời. Shaukat nói rằng, để chuẩn bị cho các dự án về Phật giáo, bản thân ông và các cộng sự đã phải làm việc cật lực trong suốt một thập kỷ qua.

    Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo tồn Văn hóa Pakistan đánh giá cao các ý tưởng về bảo tồn và phát triển các di tích liên quan đến Phật giáo nhằm tạo sự hài hòa và đa dạng trong sinh hoạt tôn giáo.

    “Đất nước Pakistan ở một nghĩa nào đó có cái duyên rất lạ với Phật giáo và chứng kiến những thăng trầm của tôn giáo này qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Nói thế để thấy, Phật giáo xứng đáng có một vị trí trang trọng trong tổng thể nền văn hóa tâm linh Pakistan”, nhà chức trách lãnh đạo Hiệp hội Bảo tồn Văn hóa Pakistan cho biết. 

    Bảo Thiên
    (theo GNC)

     

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều