Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Khác
    HomeTin TứcBlog chùaNHỮNG BÓNG MA BÓI TOÁN HUYỀN BÍ

    NHỮNG BÓNG MA BÓI TOÁN HUYỀN BÍ

    Vật chất và sự chạy đua vật chất đã khiến con người rơi vào trạng thái hơn thua, đấu tranh kịch liệt để giành sự sống còn, mà vốn dĩ giá trị tồn tại của nó quả thật rất mong manh. Có người đánh đổi uy tín, sự nghiệp cả đời chỉ vì vật chất. Có người đánh mất sự tự do, thậm chí mạng sống chỉ vì đồng tiền. Có người bán rẻ lương tâm, đánh mất tư cách cũng chỉ vì dục vọng….

    Để đạt được tham vọng, ngoài mưu ma chước quỷ, gian trá thâm độc, còn có không ít người đặt cược mạng sống, đức tin của mình vào những hiện tượng tâm linh huyền bí. Lấy đó là kế sách, toan tính để hơn thua và nhất là nô lệ cho sự tha hóa đạo đức, xói mòn niềm tin vào bản thân và cộng đồng.

    Thói thường, những gì mà trí óc, khoa học không hoặc chưa chứng minh được thì con người lại tìm đến “Thần linh”, phó thác sự sống còn của mình dưới mỹ từ “Mặc khải Thượng Đế hay Huyền ký của Đấng Sáng Tạo chủ”. Để đi đến cảnh giới siêu hình đó, con người vẽ ra “Chiếc cầu huyền bí”; và người thông ngôn dẫn dắt con người giao tiếp với cõi siêu thực đó không ai khác hơn “Những bóng ma Bói toán”.

    THẾ NÀO LÀ BÓI TOÁN

    1.Sự ra đời của Bói toán

    - Advertisement -

    Theo phương pháp luận, những hiện tượng tâm lý kỳ lạ, huyền bí đó được xếp vào trong một “chiếc túi bí mật”, mà người bật mí phải dùng chìa khóa “Bói toán”.

    Theo sách “Bắc Kỳ Tạp Lục” của tác giả Henri-Emmanuel Souvignet, việt dịch Phạm Văn Tuân, NXB Hội Nhà Văn Ấn Hành, Chương X, Phần 3, Những trò mê tín, trang 216 có viết: “Quỷ sứ sống được chẳng qua cũng chính là nhờ sự ngu dốt của con người mà thôi”.

    Vậy “Sự ngu dốt” ở đây có phải người kém học thức, thiếu trình độ văn hóa không? Hay chỉ chung cho những ai thiếu nhận thức về vai trò tâm linh trong đời sống phức tạp này? Có lẽ, cần nên hiểu cả hai. Vì rằng, người thiếu trình độ văn hóa dễ là nạn nhân của những kẻ núp bóng thần quyền, chiêu dụ, mê hoặc khiến “con Quỷ sứ u mê” trong họ thức dậy. Còn với không ít người trình độ học vị cao đã “nhận định mê lầm” giữa mê tín và chánh tín; khi “quỷ sứ kiêu ngạo” bảo họ đánh đồng những gì đi ngược lại với khoa học biện chứng, chủ nghĩa hiện thực là mê tín dị đoan. Hoặc bằng cảm tính chủ quan, “Quỷ sứ dục vọng” sai sử họ tự biến mình thành kẻ nô lệ cho bóng ma thần quyền dưới nhiều hình thức, trong đó có “Bói toán”.

    2.Hiểu về Bói toán

    a) Các hình thức Bói toán

    Theo nghĩa tích cực cũng cần hiểu rằng, “Bói toán” là một trong số rất nhiều hình thức tín ngưỡng cổ xưa, không chỉ của phương Đông mà còn có cả trong những pho sách cổ của phương Tây. Nó ra đời cùng với hàng loạt người anh em song sinh như: pháp thuật, phù thuỷ, thôi miên, chiêm tinh, bói chim, phong thuỷ…

    Ở đây, phạm vi đề cập đến “Bói toán” theo nghĩa tổng quát, nhưng đồng thời cũng chỉ chung cho tất cả hình thức còn lại trên phương diện tương đối.

    Khó tìm được định nghĩa cho cụm từ này, bởi định vị ban đầu của nó đã là bí mật, nghĩa là sâu kín ẩn tàng tận bên trong cái gọi là hiện tượng tâm lý kỳ lạ. Do vậy, để hiểu được nó, cần phải đi vào phương diện cụ thể thông qua các hình thức Bói toán.

    Bói có nhiều loại hình:

    • Bói thẻ hay bói quẻ
    • Bói dịch hay bói phệ (xem bói bằng bát quái)
    • Bói chân gà
    • Xem tử vi, xem số, xem tướng
    • Bói tay, bói sao

    Vậy, Bói có thể hiểu là một hình thức phán đoán, thăm dò dựa trên những số liệu như ngày tháng năm sinh, khí sắc, vóc dáng, ngoại hình… Toán là đối chiếu với kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm truyền miệng, văn hóa vùng miền, phong thổ quốc gia, hoàn cảnh gia đình đối tượng hoặc dựa vào Kinh Dịch, thuyết số Âm Dương, tương khắc, tương hợp Ngũ Hành… để cho ra kết quả. Đây tạm hiểu là “Bói toán”.

    b) Bói toán là khoa học hay phản khoa học

    Phương diện khoa học, tức là phải chứng minh được nguồn gốc, cơ sở lý luận thực tiễn. Theo nghĩa này, Bói toán, nếu dựa trên cơ sở Kinh Dịch hay Luận thuyết mang tính kế thừa tư duy, có xác tín từ quá trình nghiên cứu tổng hòa các giá trị cốt lõi của vũ trụ quan và nhân sinh quan trải qua thực tiễn nghiên cứu chứng minh sự tồn tại của những giá trị nêu trên một cách chính xác, thì được xem là một môn khoa học. Tạm hiểu là khoa học huyền bí hay gọi là Huyền học.

    Còn xét theo khía cạnh chủ quan dựa trên kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm truyền miệng, hình tượng như đồng tiền âm dương, chân gà, vỏ rùa, bốc quẻ … đưa đến nhận xét thiếu căn cứ, đó gọi là phản khoa học, bị xếp vào dạng mê tín dị đoan.

    Ví dụ:

    Theo sách “Bắc Kỳ Tạp Lục” của tác giả Henri-Emmanuel Souvignet, việt dịch Phạm Văn Tuân, NXB Hội Nhà Văn Ấn Hành, Chương X, Phần 3, Những trò mê tín, trang 218 có đoạn “… Thầy bói bỏ ba đồng tiền xu vào trong một vái chén rồi xóc mạnh và hất xuống đất. Nếu hai đồng xu đều ngửa thì đó là điềm lành”.

    c) Kết quả của Bói toán

    • Mang tính tương đối

    Thật vậy, nếu xem Bói toán là môn khoa học huyền bí dựa trên những luận thuyết mang tính kế thừa thì kết quả chỉ là tương đối, chỉ để tham khảo.

    Vì sao? Vì học thuyết của Kinh Dịch dựa trên quy luật vận hành biến đổi của vũ trụ vạn vật. Đã có sự vận hành biến đổi, tức không thể lấy đó làm hệ quy chiếu vĩnh cửu để đoán định những hiện tượng còn lại. Cái này sinh dẫn đến cái kia sinh. Cái này diệt tức cái kia cũng diệt. Đó là nội dung căn bản của lý “Duyên khởi” trong giáo lý Phật đà. Thế nên, quy luật của vũ trụ không vượt ra ngoài “thành, trụ, hoại, không” và quy luật của con người cùng vạn vật cũng không ngoài “sinh, trụ, dị, diệt”. Vậy tìm đâu cái gọi là tồn tại thường hằng, không bị chi phối bởi “vô thường biến đổi”.

    Dự báo thời tiết là minh chứng cho quá trình căn cứ dựa trên nhiều chỉ số khoa học, quy luật vận hành của vũ trụ và sự biến đổi của hệ sinh thái… Nhưng tất cả cũng chỉ là “dự báo”, nghĩa là một kết quả mang tính tương đối.

    Xem bói dựa trên chỉ tay đưa đến kết quả bi đát hơn. Vì đã ai dám khẳng định, chỉ tay chi phối hoàn toàn đời sống và suy nghĩ của con người. Lại nữa, lòng bàn tay cũng như cấu trúc cơ thể vật lý, tâm lý thay đổi theo từng sát na. Ngay cả trong thời điểm đang xem bói thì chỉ tay cũng đã có biến đổi rất nhiều. Vì lẽ, nếu không có sự biến đổi đó, sự sống ắt không còn. Do vậy, phụ thuộc vào cái biến đổi để đưa ra kết quả chính xác, dù chỉ là trong một thời điểm, cũng không có cơ sở nào khẳng định đúng hoàn toàn.

    • Chỉ là liều thuốc an tâm

    Bế tắc không giải quyết rốt ráo; công việc không thuận lợi; tình duyên lận đận; gia đạo bất hòa…. là rất nhiều những lý do để tìm đến Bói toán. Song, mẫu số chung cho tất cả là bất an. Vì sao bất an? Vì thiếu bình tĩnh sáng suốt, thiếu sự chân thành thông cảm, thiếu cầu thị lắng nghe, thiếu yêu thương hiểu biết, thiếu san sẻ tha thứ, thiếu niềm tin vào bản thân…; nhưng ngược lại, nhiều tham vọng, nghi ngờ, nhiều oán hờn đố kỵ. Đây là nhân của bất an. Để an tâm mà không phải dụng công chuyển hóa tự thân, để đạt ước vọng bằng cách biết trước tương lai vận hạn của mình và đối phương mà không nhọc công mất sức… Tìm đến Bói toán là cách an tâm tạm thời trước những mưu tính chưa có hồi kết thúc.

    QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠO PHẬT VỀ BÓI TOÁN

    1.Gốc rễ đạo Phật vượt ngoài Bói toán

    Nếu dùng cụm từ huyền bí tâm linh hay bí ẩn tâm linh để chỉ chung cho những gì mà khoa học chưa chứng minh được, thì có lẽ đạo Phật sẽ rất dễ bị đánh đồng và chịu nhiều oan ức. Bởi lẽ, những điều đức Phật nhìn thấy, thực hành và đưa ra lời khuyên cho nhân loại từ hơn 2000 năm về trước, đến bây giờ khoa học vẫn còn loay hoay chưa thể chạy theo để giải mã kịp.

    Ví dụ: Đức Phật với tâm từ bi đã nhìn thấy trong một bát nước có vô số vi trùng, nên dạy đệ tử trong Tỳ-Ni Tạng Luật, kệ tụng thứ 13: “Phật thấy trong bát nước. Tám vạn tứ vi trùng. Nếu không trì chú này. Như ăn thịt chúng sinh”. Thế nhưng mãi đến năm 1590, kính hiển vi mới được phát minh tại Hà Lan và chứng minh điều đức Phật nói là chính xác.

    Vậy, có thể nào xem đạo Phật là một tôn giáo thuần tuý hay tâm linh huyền bí không? Câu trả lời là hoàn toàn không thể. Vì biện chứng của đạo Phật là “con đường thực hành”, hạnh phúc chính là con đường. Điều này chứng minh đạo Phật vượt ngoài hình thức Bói toán cũng như những hiện tượng tương tự.

    2.Đạo Phật xây dựng niềm tin ở đâu?

    a) Pháp của Phật là thực tiễn, lấy con người làm trung tâm

    Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phương Tiện thứ 2, chép: “Như Lai ra đời vì một đại sự nhân duyên lớn, đó là Khai Thị Ngộ Nhập Phật Tri Kiến cho chúng sinh”. Điều này minh chứng, đức Phật chủ trương lấy con người làm đối tượng chính để triển khai con đường Giác ngộ mà Ngài đã tự thân chứng nghiệm.

    Thật vậy, xuyên suốt lời dạy của Ngài vẫn không ngoài mục đích chỉ rõ lối thoát sinh tử, ưu bi khổ não, vốn sinh khởi từ tham ái. Kinh Tăng Chi Bộ I, chép: “Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy không như thật rõ biết lợi ích của mình, không như thật rõ biết lợi ích của người, không như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Tham ái được đoạn trừ, vị ấy như thật rõ biết lợi ích của mình, như thật rõ biết lợi ích của người, như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Như vậy, này Bà-la-môn, Pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”.

    Minh chứng sống động, hùng hồn về chủ trương giảng dạy của đức Phật là không giấu diếm, không bí mật và không bí truyền. Bởi giáo lý của Ngài là chân lý vượt ngoài thời gian, không gian; là thực tiễn có giá trị ngay hiện tại nếu biết ứng dụng thực hành; có khả năng đưa con người ra khỏi bể khổ tham ái, nếu biết đoạn trừ và hướng đến con đường cao thượng. Nhưng do bị tham ái chi phối, con người đánh mất giá trị chân thật bản thân, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của tập thể, dẫn đến khổ đau phiền lụy. Ngay lúc đó, nếu biết quay về nương tựa nơi Tam bảo, tìm lại chính mình thì sẽ không rơi vào tà thuyết, Bói toán mê hoặc.

    b) Duyên khởi là nền tảng của đạo Phật

    Kinh Tạp A Hàm, chép: “Pháp duyên khởi chẳng do Ta làm ra, chẳng do người khác làm ra. Dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện ở thế gian, pháp này vẫn tồn tại. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng Chánh Giác…”.

    Có thể hiểu rằng Duyên khởi là quy luật cốt lõi vận hành toàn bộ con người và vũ trụ. Trên tinh thần này, đức Phật đã hoàn toàn phủ nhận sự có mặt của linh hồn, đấng Sáng Tạo chủ hay đấng quyền năng nào chi phối đời sống con người.

    Cũng vậy, Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, chép: “… Này thiện nam tử! Chúng tôi chứng được Bồ tát tên là Huyễn Trụ. Vì dùng trí tư tịnh, thấy các thế giới đều là huyễn trụ, do nhân duyên mà sinh khởi. Tất cả chúng sinh đều là huyễn trụ, do nghiệp phiền não mà khởi. Tất cả pháp đều huyễn trụ, do những vô minh, hữu, ái, xoay vần làm duyên sinh khởi….”.

    Thật vậy, tin vào duyên khởi là tin vào khả năng làm chủ bản thân, làm chủ vận mệnh, vì rằng không có pháp nào tồn tại độc lập đứng ngoài duyên khởi. Do nhân ác duyên ác, quả báo ác sẽ trổ, đó là tất yếu. Chính đây là vũ khí đánh tan mọi nghi ngờ, vén bức màn vô minh đưa con người dần ra ánh sáng để nhìn rõ mặt mũi xưa nay của chính mình. Nô lệ cho tà thuyết, khởi sinh nhiều vọng tưởng là con đường ngắn nhất đưa con người đi vào cảnh giới bất an, thống khổ.

     

    ĐÃ CÓ CON ĐƯỜNG, MẠNH DẠN BƯỚC ĐI

    Từ thưở hồng hoang, Tổ tiên loài người vẫn luôn chung sống hài hòa với tự nhiên vạn vật. Điều này hẳn sẽ khó thực hiện trong bối cảnh đương thời khi con người tự cho mình có quyền chiến thắng, cải tạo, chinh phục, làm chủ thiên nhiên. Do đó, hòa bình chỉ mãi là mơ ước khi tư tưởng bá quyền, kiêu ngạo của những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, gây ra sát hại và chiến tranh vẫn còn manh nha biểu hiện trên đấu trường quốc tế.

    Kinh Lăng Già Tâm Ấn, chép: “… Các ông nên biết người ăn thịt, dù tâm khai mở giống như chánh định, đều là Quỷ đại la sát. Đến khi mãn kiếp, quyết định phải chìm trong biển khổ sinh tử. Chẳng phải đệ tử của Phật. Người như thế giết hại ăn thịt lẫn nhau không dứt, làm sao người đó ra khỏi được ba cõi”.

    Hệ lụy của khổ đau là do lòng tham dục; và tâm sát hại bởi con người chưa bao giờ biết buông xuống cái tôi tham vọng, tự ngã cao ngạo và sự chiếm hữu ích kỷ cá nhân.

    Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, thiếu tỉnh thức, thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức cộng đồng chính là cơ hội để virus xâm nhập, trú ngụ và ăn tươi nuốt sống chúng ta. Lúc này, thần quyền cũng vô năng, Bói toán thành vô dụng. Tất cả vẫn chỉ là trông chờ và dự đoán.

    Chính lúc này, giá trị nhân sinh tích cực của đạo Phật là điểm sáng để đoàn kết, chia sẻ yêu thương và chung sức với cộng đồng. Không chỉ giúp về nhu yếu phẩm, đạo Phật còn giúp tĩnh tâm, có liệu pháp an trú, quay về nương tựa, chuyển hóa tự thân, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để củng cố năng lượng bình an. Nhờ vậy, ta có cơ hội nhìn thấy rõ được kẻ thù vô hình, mà mối nguy hiểm không thể nào lường trước.

    Do đó, dừng gieo nhân ác, quả ác sẽ không sinh. Lời dạy của chư Tổ thật rõ: “Muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả đời này. Muốn biết quả ngày mai, hãy xem nhân hiện tại”. Nhân hiện tại là sát sinh, trộm cướp, ngoại tình, bất hiếu, bất trung thì chẳng cần đi xem bói cũng biết rõ hậu quả sẽ ra sao.

    Phúc lành cho những ai biết nương tựa Tam bảo, đặt niềm tin trọn vẹn nơi Giáo pháp vi diệu. Kinh Tương Ưng Bộ, tập III, chép: “Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.”

    Đó chính là con đường mưu cầu và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, bằng chính sự nỗ lực tự thân. Hãy bước tới vì chúng ta là người tạo ra vận mệnh cho chính mình.

        Vô Trí         

                 

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều