Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuNhục thân bất hoại của Hòa thượng Phổ Sái trên đất Thái...

    Nhục thân bất hoại của Hòa thượng Phổ Sái trên đất Thái Lan

    Sau khi viên tịch Ngài đã để lại Nhục thân còn nguyên vẹn trong tư thế kiết già tĩnh toạ. Đây là điều vô cùng đặc biệt mà xưa nay người dân Thái lan ít ai biết đến.

    Tọa lạc tại khu Yaowarat ở Bangkok, ngôi chùa mang tên rất Việt Nam là Khánh Vân có một lịch sử lâu đời do các Hòa thượng người Việt thành lập. Đây là một trong những ngôi chùa Việt thuộc hệ Annamnikaya hay còn gọi là An Nam Tông ở Bangkok. Chính tại chùa Khánh Vân này, nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái (pháp danh Giác Lượng), một nhà tu hành gốc Việt, được lưu giữ và thờ cúng.

    Điện thờ tôn trí nhục thân HT.Thích Phổ Sái.

    Điện thờ tôn trí nhục thân HT.Thích Phổ Sái.

    Thiểu sử Hòa thượng Phổ Sái

    Hoà Thượng Thích Phổ Sái, Pháp danh Giác Lượng, thế danh Krung Maturotsakung. Ngài sinh vào giờ Tý, ngày mồng 9 tháng 8 năm 2443 B.E (1900) tại Bangkok, Thái Lan. Trong sử sách không thấy ghi rõ về gia đình cũng như những thông tin về gia phả của Ngài. Chỉ thấy ghi lại tên Cha va Mẹ rất đơn giản mà không thấy đề cập đến Cha và Mẹ của Ngài họ gì? Sách chỉ ghi lại Cha tên Cuôi và Mẹ tên Năng Thẹp.

    - Advertisement -

    Sỡ dĩ thông tin gia phả trong gia đình của Ngài không được ghi chép chi tiết cụ thể, do có thể trước đây người viết lại sử liệu này là người gốc Thái. Vì vậy khi gặp những thông tin về họ tên của người Việt nam, ít nhiều sẽ gặp khó khăn và lung túng. Một khi phát âm không rõ ràng, từ đó dẫn đến việc chú âm họ tên (Việt – Thái) cũng không được chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào những thông tin như tên của cha và mẹ, bức chân dung của Ngài lúc còn trẻ, cũng như qua việc Ngài đến xuất gia ở ngôi chùa Việt… chúng ta có thể khẳng định được Ngài là người gốc Việt.

    Mặt tiền chùa Khánh Vân - Thái Lan.

    Mặt tiền chùa Khánh Vân – Thái Lan.

    Chính bởi xuất thân trong gia đình có truyền thống Phật Giáo Việt Nam, cũng như trong tâm trạng của những người con sống xa quê hương, nên việc gia đình cho phép Ngài đến xuất gia ở ngôi chùa Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Vì qua đó ít nhiều họ sẽ cảm nhận được sự ấp ám va an ủi phần nào trên đất khách quê người..

    Với truyền thống hiếu đạo của Đất nước Phật Giáo Thái Lan, người con trai phải trãi qua một giai đoạn xuất gia ở chùa. Thời gian lâu hay ngắn tuỳ theo phát nguyện của mỗi gia đình cũng như bản thân của người con khi phát nguyện xuất gia. Đây được xem là một hình thức trả hiếu đối với cha mẹ. Cùng trong truyền thống đó, năm 2456 B.E (1913) Ngài phát nguyện đến xin xuất gia ở chùa Hội Khánh (Wat Mongkornsamakom) do Hoà thượng Thích Mật Ngôn làm Thầy Bổn Sư thế phát. Lúc đó Ngài vừa tròn 12 tuổi.

    Điện Phật chùa Khánh Vân.

    Điện Phật chùa Khánh Vân.

    Sau 1 năm xuất gia trả hiếu xong, Ngài đã xin Thầy được hoàn tục. Tuy hoàn tục, nhưng Ngài vẫn tiếp tục sống trong chùa với hình thức là một cư sĩ phật tử thuần thành. Hằng ngày phụ giúp những công việc chấp tác trong chùa, cũng như chăm sóc hầu cận Thầy. Trong suốt gần 7 ở chùa, lời kinh tiếng kệ sớm tối đã dần thấm nhuần và Ngài đã thật sự hiểu rõ về lý tưởng và tâm nguyện của một người xuất gia. Nên đến năm 20 tuổi, Ngài đã xin Thầy được xuất gia trở lại và được thọ Đại giới vào ngày 20 tháng 5 năm 2464 B.E (1921) dưới sự chứng minh và truyền giới của tam sư là Hoà Thượng Thích Mật Ngôn, Hoà Thượng Thích Diệu Lý và Hoà Thượng Thích Thục Trí.

    Năm 2469 B.E (1926) Ngài chính thức được bổ nhiệm đến làm trụ trì chùa Khánh Vân, ngôi chùa đã gắn liền với Ngài suốt một cuộc đời hành đạo. Chùa Khánh Vân (Wat Upai Ratchabumrung), một trong 17 ngôi chùa Việt Nam tại Thái lan thuộc hệ phái Phật Giáo Annam Nikaya, mà người Thái vẫn quen gọi là Annam Nikai (nghĩa là Annam Tông), toạ lạc tại số 864 Charoenkrung, Taladnoi, Sampantawong, Bangkok, 10100 Thailand. Theo sử liệu ghi lại cho đến ngày hôm nay, Chùa đã trãi qua 6 đời trụ trì. Hoà thượng Thích Phổ Sái là vị trụ trì đời thứ 4 từ năm 2469 – 2501 B.E (1926 – 1958), thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông đời thứ 42. Trong một khoảng thời gian dài làm trụ trì Ngài đã tiếp nối sứ mạng của các Bậc Thầy đi trước, ra sức xiển dương Phật Pháp, cũng như trùng tu và xây dựng chùa chiền.

    Nhục thân bất hoại Hòa thượng Phổ Sái.

    Nhục thân bất hoại Hòa thượng Phổ Sái.

    Vốn tư chất rất thông minh, hiền từ và độ lượng nên Ngài đã cảm hoá được rất nhiều tín đồ Phật tử cả người Việt cũng như người Thái. Do vậy mà được rất nhiều người biết đến. Không những thế, trong Sơn Môn, Ngài được chư Tăng trong Annam Tông cảm kích, tín nhiệm và suy tôn Ngài đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Giáo hội Phật Giáo Annam Nikaya trong suốt nhiều nhiệm kỳ. Với cương vị là những người lãnh đạo Giáo hội phật Giáo Annam Tông, Ngài hết mình tận tụy trong mọi công việc phật sự, với tâm nguyện làm tốt vai trò kế thừa và phát triển tông phái. Trong tinh thần tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên của Đạo Phật, Ngài đã khéo vận dụng những phương tiện hoá đạo khác nhau để có thể phát triển tông phái một cách hài hoà trên mảnh đất Thái Lan, một đất nước vốn có truyền thống Phật Giáo Nam truyền mấy nghìn năm. Chính bởi yếu tố kết hợp hài hoà giữa Phật Giáo Đại thừa và Phật Giáo Theravada, mà hệ phái Phật Giáo Annam Tông đã dần chiếm được sự ưu ái của nhiều người dân Thái lan.

    Nhận thấy thế duyên đã mãn, sau khi sắp xếp mọi công việc Phật sự trong Giáo hội, cũng như di huấn lại những gì cần thiết cho các vị đệ tử của mình, Ngài đã viên tịch vào lúc 21h15 ngày 21 tháng 4 năm 2501 B.E (1958), trụ thế 58 đời và 37 hạ lạp. Sau khi viên tịch Ngài đã để lại Nhục thân còn nguyên vẹn trong tư thế kiết già tĩnh toạ. Đây là điều vô cùng đặc biệt mà xưa nay người dân Thái lan ít ai biết đến. Vì vậy, sự để lại nhục thân của Hoà thượng Phổ Sái có thể nói đã để lại trong lòng người dân Thái Lan một sự kính ngưỡng vô hạn. Đến ngày nay Nhục thân của Ngài vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn và được tôn thờ tại Tổ đường chùa Khánh Vân.

     

    Nhục thân bất hoại Hòa thượng Phổ Sái.

    Nhục thân bất hoại Hòa thượng Phổ Sái.

    Nhục thân bất hoại của Hòa thượng Phổ Sái

    Thầy Thích Nhuận An (Tăng sinh Việt Nam học tại Thái Lan) cho hay: “Năm 1926, Hòa thượng Phổ Sái được bổ nhiệm đến trụ trì tại chùa Khánh Vân (Wat Upai Ratchabumrung). Đây cũng là nơi Hòa thượng trụ trì cho đến khi viên tịch. Sau khi Hòa thượng Phổ Sái viên tịch được 100 ngày (năm 1958), đệ tử của ngài nằm mơ thấy ngài về báo mộng, nói thử mở quan tài ra xem.

    Đệ tử đem chuyện kể với chư Tăng trong chùa. Sau một hồi bàn luận, chư Tăng nhất trí nếu ngài đã báo mộng vậy thì cứ mở ra xem. Khi mở ra thì thấy thi thể của ngài còn nguyên vẹn, chưa bị phân hủy nên quyết định không hỏa táng nữa. Nhà chùa dùng rượu để xoa bóp thi thể cho mềm ra rồi dựng thi thể của ngài ngồi dậy rồi đưa lên gian thờ. Đến nay nhục thân của ngài vẫn được bảo quản nguyên vẹn tại đây”.

    Nhục thân bất hoại Hòa thượng Phổ Sái.

    Nhục thân bất hoại Hòa thượng Phổ Sái.

    Theo đó, những Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước khi đã đến Thái Lan mà nghe kể về nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái thì không thể không đến bái lễ. Nhục thân của ngài cũng là một trong những minh chứng lịch sử về sự hiện diện của An Nam Tông trên đất Thái.

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều