Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoGiới thiệu tác phẩmNhư gió an lành, thổi dọc kiếp nhân sinh

    Như gió an lành, thổi dọc kiếp nhân sinh

    Đọc “Như gió an lành” của Lưu Đình Long, chúng ta có cảm giác như cụm mây trắng thảnh thơi trôi, thấy được những dòng nước mát trong, ngọn gió an lành hiện hữu.

    Thu về rồi, gió lồng lộng xôn xao. Mỗi khi thức giấc, tôi đều gặp gió đầu ngày hân hoan. Gió theo chân tôi chạy bộ lúc 5 giờ sáng, lay lay những ngọn liễu xõa tóc bên hồ. Gió rung tiếng chuông leng keng, đinh đoong, bổng trầm ngân vang trên vòm nhãn già xòa xuống ban công từ một ngôi nhà mái đỏ ven đường, trong một sân vườn đầy lá xanh như ý nghĩ về một ngày mới thiện lành thênh thang.

    Gió gieo vào lòng tôi cảm giác thảnh thơi. Nhắm mắt. Thở sâu, chậm. Mỉm cười. Và tôi ngỡ mình đang là cụm mây trắng bay trong lòng gió.

    Và tôi cũng tin rằng có thể không phải là một buổi sớm mùa thu, không chạy bộ bên bờ hồ như tôi – thì bạn cũng sẽ tìm thấy được những cảm giác tươi mới, thấy mình là cụm mây trắng thảnh thơi trôi, thấy được những dòng nước mát trong, những ngọn gió an lành đang hiện hữu trong lòng khi đọc “Như gió an lành” – sách mới ra mắt của tác giả Lưu Đình Long.

    Lưu Đình Long hiện đang công tác tại báo Giác Ngộ, nên có duyên tiếp xúc với cuộc sống qua những góc nhìn của Hiểu và Thương bằng trái tim của một Phật tử trẻ giàu nhiệt huyết. Những cảm xúc này được anh ghi chép, lưu giữ, và tập hợp thành những sản phẩm tinh thần gửi tặng đến với cộng đồng.

    Lưu Đình Long hiện đang công tác tại báo Giác Ngộ, nên có duyên tiếp xúc với cuộc sống qua những góc nhìn của Hiểu và Thương bằng trái tim của một Phật tử trẻ giàu nhiệt huyết. Những cảm xúc này được anh ghi chép, lưu giữ, và tập hợp thành những sản phẩm tinh thần gửi tặng đến với cộng đồng.

    - Advertisement -

    Hạnh phúc nằm trong hiện tại

    Lưu Đình Long tâm sự: “Tập sách này được tôi ấp ủ trong gần 2 năm qua, với ước mong tôi và bạn đọc sẽ cùng nhau tưới tắm những ý niệm lành, những hạt giống yêu thương trong nhau bằng sự lắng nghe sâu từ chính mình và những người xung quanh. Tôi tin khi đó tất cả chúng ta sẽ cùng mát mẻ như được gió xuân thổi vào lòng, rồi cùng thở nhẹ, mỉm cười, an yên!”.

    “Như gió an lành” là đứa con tinh thần thứ 4 của chàng trai 8x quê Quảng Nam, sau các tác phẩm: Lắng nghe hơi thở (2012), Tâm kinh mình thuyết cho mình (2014), Như mây thong dong (2018). Sách dày 250 trang, gồm những bài viết tản mạn ngắn về cuộc sống qua góc nhìn của một người sớm có duyên biết đến đạo Phật, đặc biệt là tinh thần Phật giáo nhập thế và những lời dạy từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

    “Như gió an lành” – tập sách mới ra mắt của Lưu Đình Long, do NXB Văn hóa Văn nghệ phối hớp với Saigon Books ấn hành.

    Cách viết nhẩn nha, văn phong dung dị nhưng lại đúc kết nên những triết lý không kém phần sâu sắc về nhân tình thế thái khiến người đọc đôi khi phải giật mình. Không cần phải là những vấn đề thời sự nóng hổi, hay những tình tiết, chủ đề màu mè, hút khách.

    Lưu Đình Long viết như cách ngồi bên một hiên vắng, có tiếng chim véo von hót trên những nhành cây bồ đề còn vương nắng sớm trong veo, bên ly trà thơm buổi sáng và những ngọn gió ban mai thổi về, lay lay lọn tóc mà nhắc nhớ thật giản đơn một điều: Hạnh phúc nằm trong hiện tại.

    Chỉ có hiện tại bạn đang sống, từng khoảnh khắc bạn đang thở nhịp thở an vui, từng bước chân bạn bước thật thong dong, lắng nghe được thiên nhiên quanh mình đang muốn trò chuyện và gửi tặng bạn năng lượng an vui mới đích thực là bạn đang sống. Và khi ấy, trái tim bạn có sự yên lắng và thương yêu, tâm hồn bạn an lành như một ngọn gió.

    Những điều này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh quan niệm đó là một sự nhiệm màu, và Lưu Đình Long muốn dành tặng sự nhiệm màu này cho những người dành thời gian có thể buông chiếc smartphone xuống để có thể có mặt cho nhau qua từng trang sách, cùng tưới tẩm những hạt giống của Hiểu và Thương.

    Tác giả Lưu Đình Long. Ảnh: Nguyễn Thị Danh Danh.

    Tác giả Lưu Đình Long. Ảnh: Nguyễn Thị Danh Danh.

     

    Trong lời mở đầu sách với tựa đề “Thư gửi người thương”, tác giả cho rằng thong dong, thảnh thơi, nhẹ nhàng, tĩnh lặng…là những điều con người hiện đại thường thiếu, chứ không phải vấn đề tiện nghi vật chất. Vì vậy tìm về với những giá trị căn bản, tự thân chế tác – là cách sống giúp mình bình ổn.

    Học cách yêu thương

    Lưu Đình Long bày tỏ: “Tôi nghĩ, yêu thương chính mình là chiếc chìa khóa để mở cửa quay về. Đầu tiên là thương mình, là nương tựa tự thân, rồi đến thương người. Thương ai cũng được, và thương trong mối quan hệ nào cũng thế, ta đều cần có sự lắng nghe, thực tập làm mới mỗi ngày để có thể hiểu những đổi thay trong ta và trong người, từ đó có cách thương cho sâu sắc”.

    Đó cũng là lời lý giải cho tựa đề của tập sách “Như gió an lành”: chỉ cần học cách thương yêu, thương yêu cho sâu sắc, thì tự nhiên mình sẽ biết buông bỏ những hoài nghi, những tham muốn chiếm hữu, cũng như sẽ biết tùy duyên, tùy thuận, chứ không cưỡng cầu, trói buộc…Tự do, an lành như là gió!

    Đọc “Như gió an lành”, cũng sẽ nhận ra: Trong mỗi chúng ta đều có một phần của gió hợp thành, nên mỗi chúng ta cũng đã - đang là một ngọn gió an lành thổi dọc kiếp nhân sinh. Trong ảnh là Lưu Đình Long ở khóa tu xuất gia gieo duyên lần thứ 10 tại chùa Huyền Không (Huế)

    Đọc “Như gió an lành”, cũng sẽ nhận ra: Trong mỗi chúng ta đều có một phần của gió hợp thành, nên mỗi chúng ta cũng đã – đang là một ngọn gió an lành thổi dọc kiếp nhân sinh. Trong ảnh là Lưu Đình Long ở khóa tu xuất gia gieo duyên lần thứ 10 tại chùa Huyền Không (Huế)

    Tập sách được chia làm 4 phần với các chủ đề: Gieo yêu thương, Yêu thương như đã…Ngồi đón gió xuân, Hoa trái của tình thương. Chỉ cần lướt qua mục lục của từng phần với những tiêu đề nhẹ nhàng, dung dị, người đọc đã thấy sự bình an, thong dong chảy vào trong lòng, như: Cho mình một góc An, Mỉm cười cho qua, Khi ăn một món ngon bạn nghĩ tới ai?, Niềm an vui vẫn luôn có thiệt, Mây trắng có thong dong, Diệt sâu bọ trong mình, Thương người đã có người thương, Hẹn hò với chính mình, Chỉ cần lòng mình xanh lại….

    Đặc biệt sau mỗi bài viết ngắn, những thông điệp hay nhất trong bài (có độ dài từ 2-3 câu) được trích dẫn lại, trình bày riêng biệt và nhã nhặn trên một trang giấy, như khoảng lặng tĩnh tâm, như vừa nhấp xong một ngụm nước mát được dừng lại để nhâm nhi, cảm nhận về dư vị vừa thưởng thức, vừa có những phút giây soi mình để đâu đó thức dậy những hạt mầm mang hình hài của Hiểu và Thương đã ngủ quên giữa nhịp đời hối hả, nhịp ngày vội vã.

    “Chỉ cần học cách thương yêu, thương yêu cho sâu sắc, thì tự nhiên mình sẽ biết buông bỏ những hoài nghi, những tham muốn chiếm hữu, cũng như sẽ biết tùy duyên, tùy thuận, chứ không cưỡng cầu, trói buộc… Tự do, an lành như là gió!” là thông điệp được Lưu Đình Long gửi gắm qua đứa con tinh thần thứ 4 của mình.

    Nhà Phật quan niệm rằng: Cơ thể mỗi người là do tứ đại (gồm Đất, nước, gió, lửa) hợp thành. Khi mất đi, thịt xương trả về với đất, máu và nước mắt trả về cho nước, nhiệt độ trả về với lửa và hơi thở cùng mùi trả về theo gió.

    Vậy nên đọc “Như gió an lành”, cũng sẽ nhận ra: Trong mỗi chúng ta đều có một phần của gió hợp thành, nên mỗi chúng ta cũng đã – đang là một ngọn gió an lành thổi dọc kiếp nhân sinh.

    Gió chỉ được gọi là gió khi nó còn thổi. Không còn thổi, gió sẽ biến mất giữa hư không. Và bởi trong chúng ta có một phần của gió, nên chúng ta cần là một cơn gió – luôn thổi để được là chính mình, tìm thấy mình: Thổi bước chân bền bỉ, nhẫn nại, không mỏi mệt, không bỏ cuộc giữa chừng để tìm thấy niềm vui nơi đích đến. Thổi sự tu sửa không ngừng trong mỗi ý niệm, lời nói, hành vi để ngày thêm tinh tấn, an khi thở, lạc khi đi. Thổi sự từ bi, trí tuệ, thổi nhịp hiểu và thương. Thổi mát lòng mình, mát lòng người, để thảnh thơi, tươi mới được tưới tẩm mỗi ngày, gọi chồi hạnh phúc lên xanh.

    Và bạn, đã sẵn sàng làm một ngọn gió an lành bắt đầu từ hôm nay?

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều