Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoTiểu phẩm- Truyện ngắnNhờ học Phật, con trai tôi giúp học trò nhận lỗi

    Nhờ học Phật, con trai tôi giúp học trò nhận lỗi

    Ngày ấy, cứ đến mùa Phật đản nhìn quanh xóm Dốc Ma chỉ có mỗi nhà tôi treo cờ và đèn lồng. Thật là buồn vì tôi đã chọn nơi ở xa chùa, xa trường học, xóm không có người láng giềng Phật tử nào cả, lại ở bên cạnh lò mổ heo nữa mới nguy to chứ.

    Tôi nhớ câu chuyện mẹ Ngài Mạnh Tử thấy con mình lấy đất sét nặn thành con heo rồi bắt chước người ta thọc huyết heo. Bà mẹ hoảng quá bèn dời nhà đến gần trường học. Vậy là cậu bé ấy sau này trở thành ngài Mạnh Tử danh tiếng nhờ vào bà mẹ sáng suốt.

    Tôi cũng muốn dời nhà đến gần trường học hay chùa, nhưng ở thành phố này tấc đất tấc vàng, hoàn cảnh của tôi khó có thể thực hiện như bà mẹ của ngài Mạnh Tử. Đây là một thử thách lớn cho vợ chồng tôi trong việc dạy dỗ con cái thành người tốt. Trong xóm số trẻ em hư hỏng khá nhiều, may sao các con tôi không đứa nào hư hỏng, có lẽ một phần nhờ vào phúc nhà, một phần nhờ vào sự quan tâm của  vợ chồng tôi dành cho các con. Chúng tôi đưa các con đến chùa lễ Phật nghe kinh, nghe pháp vào những dịp lễ Tết, Phật đản, Vu lan… và những thời kinh sám hối đêm ba mươi, cầu an đêm mồng một, rồi mười bốn rằm không bỏ sót một đêm nào…

    Tôi quan niệm sách cũng là những người thầy, khi các con biết đọc thì đã có sẵn một tử sách gia đình gần nghìn cuốn trong đó có rất nhiều sách học Phật. Cả nhà chúng tôi tập được thói quen đọc sách mỗi khi rảnh rỗi. Sau này có mạng internet, có bài pháp thoại nào hay chúng tôi cùng chia sẻ cho nhau nghe. Vợ chồng tôi và các con được tưới tẩm đạo từ bi mỗi ngày một ít theo một cách tự nhiên như vậy không bắt buộc hay áp đặt gì cả. Người lớn làm gương, con cái thấy hay thì làm theo.

    - Advertisement -

    Cả nhà chúng tôi Tam quy – Ngũ giới. Từ bao nhiêu năm này, ngoại trừ tôi trường trai, còn lại cả nhà tứ trai. Chúng tôi sống thuân hòa trên kính dưới nhường, trong ấm ngoài êm để không hổ thẹn mình là con nhà Phật.

    Con trai cả của chúng tôi tên là T, cháu là một giáo viên dạy cấp 2 ở một ngôi trường nội trú miền núi cách nhà gần trăm cây số, với đồng lương ít ỏi hàng tháng nhưng T đã có cái tâm thương, chi tiêu tiện tặn, trích ra chút ít tiền mua mì tôm, áo quần giúp cho các em học sinh nội trú nghèo.

    Có lần T tâm sự với tôi về một em học sinh cá biệt trong lớp T chủ nhiệm. Em học sinh này ngồi sát cửa sổ đã nghĩ ra một trò đùa nghịch quá trớn bằng cách lấy một miếng gương nhỏ bỏ lọt trong lòng bàn tay chiếu ánh nắng lấp lóa lên những dòng chữ của cô thầy viết trên bảng đen. Cô thầy quay xuống hỏi thì không học sinh nào nhận. Cô thầy các bộ môn biết học sinh phá phách này, nhưng vì cậu ta hành động rất nhanh khó có thể bắt được quả tang kết tội. Các cô thầy bộ môn đành bó tay nhờ đến T là thầy giáo chủ nhiệm lớp 9 này.

    Tôi góp ý với T, mình là con Phật nên dùng tình thương để khuyên bảo cậu học sinh này cho cậu ta một cơ hội hoàn thiện, khoan vội dùng biện pháp kỷ luật cứng rắn đuổi học cậu ta mà tội.

    Cậu học sinh ấy là một học sinh cứng đầu, gian thì ngoan, miệng thản nhiên nói lời chối tội như là vu oan cho cậu.

    T chợt nhớ đã đọc câu chuyện một chú tiểu ham chơi, đêm khuya khi mọi người trong chùa đi ngủ, chú lặng lẽ trèo tường ra ngoài đi chơi. Chuyện đã đến tai Hòa thượng trụ trì, nhưng ngài vẫn bình thản, chưa có phản ứng gì. Chú tiểu này thuộc loại cứng đầu chối tội khi chưa có chứng cớ.

    Một đêm nọ, sau khi đi chơi về, chú trèo tường nhảy vào như mọi khi, tầm chân chú nhảy xuống một tảng đá quen thuộc trước khi tiếp đất, nhưng sao lần này khi đặt chân lên bậc đá chú thấy mềm mềm có gì đó khác lạ. Chú bước đi chừng dăm bước ngoái đầu nhìn lại qua ánh trăng thượng tuần mờ mờ chú hết hồn vì phát hiện ra Hòa thượng ngồi khom lưng thay vị trí tảng đá và chú đã bước lên trên lưng của sư phụ… Thầy đã thấy trò, trò đã nhận ra thầy trong đêm tối. Thầy chỉ cần như vậy thôi, việc làm của Hòa thượng hoàn toàn bí mật không cho ai biết. Chuyển hóa một chú tiểu cá biệt mà không tốn một roi nào cả. Hòa thường quả là một bậc chân sư  kỳ tài!

    Từ câu chuyện này đã giúp T tìm ra cách đối trị với cậu học trò ngỗ nghịch kia. Cậu này không chiếu gương vào tiết dạy Lý của T vì cậu sợ giáo viên chủ nhiệm. Đến một tiết học của cô giáo dạy Văn, T giao điện thoại iPhone cho cô bé lớp trưởng ngồi bàn sau, làm nhiệm vụ bí mật quay phim khi cậu học sinh ấy chiếu gương lên bảng để làm bằng chứng.

    Khi chứng cớ đã có trong iPhone, T gặp riêng cậu học sinh ấy đưa ra 2 điều kiện:

    1. Em chấm dứt trò chơi đó thầy sẽ bỏ qua tất cả.

    2. Nếu em còn tái phạm, thầy sẽ báo lên Ban Giám hiệu chắc chắn em sẽ bị đuổi học.

    T lập một tờ cam kết do cậu học sinh ấy viết có chữ ký của cô bé lớp trưởng (người quay phim) và một em lớp phó học tập ký tên làm chứng.

    Thầy T đã thành công bằng chút trí tuệ và tình thương của mình khiến cho cậu học trò hư hỏng tâm phục khẩu phục. Cậu đã tỉnh ngộ và hứa sẽ chăm ngoan, sau này cậu rất tiến bộ.

    Thầy T, con trai của tôi nhờ có học Phật mà cháu đã trở thành người thầy tốt, có trí tuệ và tình thương; nhưng vô thường gọi T đi về cõi Phật khi mới 32 tuổi, T bị tai nạn giao thông trên đường về. Cả nhà chúng tôi vô cùng đau buồn thương tiếc vì mất đứa con trai ngoan hiền! T để lại người vợ hiền và đứa con trai 2 tuổi.

    Tôi viết bài này để tưởng nhớ đến cháu, một người con Phật hiền hòa, một đứa con hiếu thảo, một người thầy kính yêu của học sinh trường nội trú.

    Xóm Dốc Ma hôm nay đã có thêm một số nhà treo cờ và đèn lồng trong mùa Phật đản mấy năm gần đây. Tôi mừng quá vì họ đã có duyên lành học Phật trong số đó có nhà lò mổ heo, họ đã “gác dao giải nghệ” công việc sát sinh hàng ngày ấy, họ đã thức tỉnh và sớm chuyển đổi nghề nghiệp sang làm một trường mầm non tư thục.

    Thế mới biết tiếng kinh kệ, tiếng mõ chuông từ nhà tôi vang vọng đã có ảnh hưởng phần nào đến tâm thức của người hàng xóm.

    Lê Đàn

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều