Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Khác
    HomeLịch Sử- Tư LiệuNhị Tổ Pháp Loa trong sự nghiệp đóng góp cho Đạo pháp...

    Nhị Tổ Pháp Loa trong sự nghiệp đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc

    Nhị Tổ Pháp Loa là người kế thừa, khai mở và phát triển đường lối cho Giáo hội Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam từng bước đi vào tổ chức quy củ một cách khoa học, sáng tạo, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã khắc ghi công lao to lớn của Nhị Tổ Pháp Loa.

    Dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp tu hành của Nhị Tổ Pháp Loa

    Lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã ghi nhận công lao to lớn đối với dân tộc và đạo pháp của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua minh quân, một nhà văn hoá lỗi lạc, một bậc tu hành thâm chứng Phật pháp và là nhà chính trị tài ba kiệt xuất đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại quân Nguyên – Mông, xây dựng nền tự chủ cho quốc gia, dân tộc Đại Việt, thống nhất các tổ chức Thiền phái Phật giáo, xây dựng và phát triển một tổ chức Phật giáo của Việt Nam được thống nhất lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà.

    Giác hoàng Điều ngự đã phát triển và xương minh Phật pháp trên đất nước Đại Việt, đào tạo giáo dưỡng những bậc hiền đức uyên bác Phật học, kế thừa tinh hoa Phật pháp để xây dựng và củng cố nền tảng đạo đức cho dân tộc và triều đại nhà Trần, trong đó nổi bật là Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) – người có công lao to lớn trong sự nghiệp kế thừa và phát triển Phật pháp của Sơ Tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông, xây dựng và trùng hưng nhiều Phật sự trọng đại trong suốt thời gian Ngài thừa đương Phật pháp.

    Khi gặp cậu bé Đồng Kiên Cương đến đảnh lễ xin xuất gia tu học, với tuệ nhãn của Sơ Tổ Trúc Lâm, Phật hoàng Trần Nhân Tông liền bảo: “Đứa bé này có đạo nhãn, ắt hẳn sau sẽ là pháp khí”, liền ban hiệu cho Kiên Cương là Thiện Lai, ngay sau đó Thiện Lai xuất gia và thọ giới Sa di với Tổ Trúc Lâm, sau khi xuất gia đầu Phật, Sa di Thiện Lai nỗ lực tinh tấn hành trì ngày đêm công phu thiền định. Đến năm 1305, Sơ Tổ Trúc Lâm đăng đàn truyền giới Thanh văn, Bồ tát cho Ngài và ban pháp hiệu là Pháp Loa. Ngày 1 tháng 1 năm 1308, Điều ngự Giác hoàng đã chính thức trao cho Pháp Loa làm trụ trì chùa Siêu Loại và chứng nhận Ngài là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Với sứ mệnh cao cả này, Nhị Tổ Pháp Loa đứng ra nhận trọng trách về việc lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm mà Điều ngự Giác hoàng giao phó.

    - Advertisement -

    Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, năm 1308 đích thân vua Trần Anh Tông sai trung thư Thị lang Dương Công Trứ cấp độ điệp cho Pháp Loa chính thức nhận Ngài là chánh thống nối dòng Thiền phái Trúc Lâm và ban cho Ngài một đặc ân không bị ràng buộc bởi luật pháp thế tục.

    Nhị Tổ Pháp Loa là người kế thừa, khai mở và phát triển đường lối cho Giáo hội Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam từng bước đi vào tổ chức quy củ một cách khoa học.

    Nhị Tổ Pháp Loa là người kế thừa, khai mở và phát triển đường lối cho Giáo hội Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam từng bước đi vào tổ chức quy củ một cách khoa học.

    Tư tưởng Phật học của đệ Nhị Tổ Pháp Loa

    Nét đặc sắc trong tư tưởng thiền học của Thiền sư Pháp Loa là sự dung hòa Thiền – Tịnh – Mật; tạo nên sự uyển chuyển, diệu dụng, trở thành yếu tố tiên quyết cho sự phát triển ổn định Phật giáo Trúc Lâm, giữa bối cảnh Phật giáo Đại Việt đang chịu ảnh hưởng từ quá trình du nhập Mật Tông, nhất là sau khi Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông viên tịch.

    Dưới sự lãnh đạo của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Phật giáo Trúc Lâm đã phát huy một cách toàn diện tư tưởng “Hòa Quang Đồng Trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và tôn chỉ “Phật tại tâm�� của Phật hoàng Trần Nhân Tông, không những thế Ngài còn phát huy tất cả tinh hoa của thiền đốn ngộ từ các bậc Thiền sư lỗi lạc đương thời. Mặt khác, phương pháp tu hành cũng được giản lược, không câu nệ vào hình thức hay chấp trước vào văn tự, phát huy nội lực và định hướng cho người học Phật quay về tánh giác vốn sẵn có (Phật tánh) nơi mỗi con người, như lời Ngài khuyên dạy trước khi viên tịch:

    “Muôn duyên cắt đứt, tấm thân nhàn

    Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn

    Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa

    Bên kia trăng gió mặc thênh thang”1.

    Qua đó, chúng ta có thể nhận định giá trị tư tưởng thiền học của Thiền sư Pháp Loa chính là triết lý sống đạo chân thường, một niệm bất sanh, muôn duyên thôi nghỉ, nhìn thẳng vào thực tại để phản quang soi rọi quán chiếu tự tâm là Phật, ngoài tâm quyết không cầu Phật khác. Đồng thời, trên tinh thần tùy duyên vô ngại, dung hòa vạn pháp trong phương pháp khai hóa của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa là không phân biệt pháp môn Thiền, Tịnh hay Mật, mà Ngài tự tại tùy duyên giúp người học Phật nhận diện bổn tâm, liễu ngộ Phật tánh, tin nhân quả, sống chơn thường.

    Vì vậy mà sau khi đắc pháp, Ngài tận tâm thuyết giảng các bộ kinh điển Phật giáo Đại thừa như kinh Duy Ma Cật, kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác… Qua nội dung các thời thuyết giảng kinh điển đại thừa đã cho thấy tư tưởng thiền học của Đệ nhị Tổ chính là tư tưởng phát huy tinh thần đại thừa phổ hóa chúng sanh, có thể nói đây là tư tưởng thiền học phổ quát rất uyển chuyển của Thiền sư Pháp Loa trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.

    Từ những lược khảo trên, điều mà chúng ta cần lưu tâm trong tư tưởng thiền học của ngài Pháp Loa, nếu như tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và tư tưởng “Phật tại tâm” của Điều ngự Giác hoàng đã đặt nền móng căn bản về ý chí phát huy nội lực, định hướng tư duy và phương pháp tu hành cho người học Phật, thì tư tưởng “Vạn pháp quy tâm” trên tinh thần dung hòa muôn pháp của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, đã giúp cho Phật giáo Trúc Lâm thời bấy giờ thật sự ổn định và trở nên phát triển mạnh mẽ.

    Thiền sư Nhị Tổ Pháp Loa đã đóng góp cho Phật giáo Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, mà điểm nổi bật đó là công lao to lớn trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền tông, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm nói riêng.

    Thiền sư Nhị Tổ Pháp Loa đã đóng góp cho Phật giáo Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, mà điểm nổi bật đó là công lao to lớn trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền tông, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm nói riêng.

    Những đóng góp to lớn của Nhị Tổ Pháp Loa cho Đạo pháp và Dân tộc

    Thiền sư Pháp Loa là người kế thừa, khai mở và phát triển đường lối cho Giáo hội Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam từng bước đi vào tổ chức quy củ một cách khoa học, sáng tạo. Nhìn lại sự nghiệp kế thừa và phát huy những thành quả mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã khắc ghi công lao to lớn của Nhị Tổ Pháp Loa. Đó là những công trình trước tác, biên dịch kinh điển quy mô đồ sộ, nhất là việc đề ra những quy định chức vụ trong Giáo hội, thực hiện sổ Tăng tịch chứng nhận sự hiện diện của Tăng sĩ trong Giáo hội, để từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tăng sĩ có hồ sơ tại Trung ương Giáo hội và nhờ đó Giáo hội có thể thống kê số lượng và giám sát sự tu học của chư Tăng. Ngoài ra, Ngài còn đóng góp công sức to lớn trong các công trình tôn tạo trùng tu các ngôi tòng lâm tự viện, đúc chuông tạc tượng và nhiều công trình văn hóa, học thuật rất có giá trị cho Phật giáo nước nhà…

    Trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Thiền sư Pháp Loa, sách sử ghi nhận lại một số sự kiện nổi bật, tiêu biểu như: Thuyết giảng Truyền Đăng Lục, Đại Huệ Ngữ Lục. Đặc biệt năm 1313, tại Viện Na Già, Thiền sư Pháp Loa thuyết giảng cho thính chúng, có cả vua Trần Anh Tông nghe pháp. Tại đây, Thiền sư Pháp Loa đã giảng giải thâm nghĩa của Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục và Kinh Duy Ma Cật 2.

    Vào năm 1318, sau khi nghe Nhị Tổ Pháp Loa thuyết giảng Tuyết Đậu Ngữ Lục, Thượng hoàng Trần Anh Tông đề bốn chữ “Phổ Tuệ Tôn Giả” nhằm vinh danh và tuyên dương công đức Đệ nhị Tổ. Có thể nói Thiền sư Pháp Loa đã có công lớn trong việc thuyết giảng, truyền giới Bồ tát tại gia cho Hoàng thân và các đại thần trong triều quy hướng Phật pháp và thâm ngộ giáo điển Phật Đà, tiêu biểu như: Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chuẩn, công chúa Hoa Dương… Cũng xuất phát từ đại nguyện truyền bá chánh pháp tối thượng thừa.

    Mùa xuân năm 1325, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa đã thuyết kinh Kim Cương Niệm Tụng cho Quốc mẫu Bảo Huệ tại cung Dưỡng Phúc, giảng Tuyết Đậu Ngữ Lục và giảng Tu Đa La Liễu Nghĩa Viên Giác Kinh, tại chùa Tư Phúc…Trong thời gian từ năm 1322 đến năm 1330 (năm viên tịch), Đệ nhị Tổ đã thuyết giảng cả thảy chín hội Hoa Nghiêm ở nhiều chùa khác nhau, mỗi lần giảng có hơn hàng ngàn thính chúng.

    Đối với sự nghiệp trước tác, thỉnh kinh và phiên dịch kinh tạng, Thiền sư Pháp Loa phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại Tạng Kinh 7.182 quyển do vua Trần Anh Tông thỉnh từ chùa Hoằng Pháp tại Bắc Kinh (Trung Hoa). Đáng nói là trong thời kỳ Đệ nhị Tổ hoằng đạo thì Mật tông vốn được du nhập vào Đại Việt từ thời nhà Lý đang bắt đầu thịnh hành, chính vì muốn định hướng cho những hành giả tu theo Mật Tông không sai lệch quỹ đạo Phật pháp, nên Ngài đã cất công phiên dịch chú giải các tác phẩm chuyên về Mật Tông như nghi thức Quán đảnh (Abhiseka) đang được phổ biến ở Đại Việt trong giai đoạn này.

    Nhìn lại sự nghiệp kế thừa và phát huy những thành quả mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã khắc ghi công lao to lớn của Nhị Tổ Pháp Loa.

    Nhìn lại sự nghiệp kế thừa và phát huy những thành quả mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã khắc ghi công lao to lớn của Nhị Tổ Pháp Loa.

    Nhị Tổ Pháp Loa chú giải kinh Kim Cương Đạo Tràng Đà La Ni Kinh Khoa Chú, Kim cương đạo trường đà-la-ni (Vajramanda dharani), cũng do ảnh hưởng từ tinh thần Mật tông, nên trong sách Thiền Đạo Yếu Học nói về Thiền đạo, Ngài cũng nhắc đến Đức Phật Đại Nhật Như Lai (Vairocana), một vị Phật quan trọng đặc trưng của Mật giáo3. Một sự kiện lịch sử nổi bật trong sự nghiệp ấn tống Đại Tạng Kinh đáng ghi nhận, đó là vào tháng 12 âm lịch năm 1319, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ trích máu để thực hiện bộ Đại Tạng Kinh trên 5000 quyển, lưu hành tại viện Quỳnh Lâm, đặc biệt trong dịp này Thượng hoàng Trần Anh Tông cũng tự trích máu của mình viết một bộ Đại Tạng Kinh cỡ nhỏ, tổng cộng 20 hộp4.

    Năm 1322, vua Trần Minh Tông cử Thiền sư Pháp Loa biên chép sách Tham Thiền Chỉ Yếu (bộ sách này còn có tên Thiền Đạo Yếu Học), tác phẩm này ghi lại các bài giảng của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng thuyết giảng tại viện Kỳ Lân vào năm 1306, đồng thời sách cũng trích dẫn một số bài giảng của Tuệ Trung Thượng Sĩ mang đậm chất khai thị tri kiến Phật của dòng thiền Lâm Tế 5.

    Thiền sư Pháp Loa đã biên soạn chú giải nhiều tác phẩm về thiền học và các kinh Lăng Già, Diệu Pháp Liên Hoa, Bát Nhã Ba La Mật Đa, làm sách Nhân Vương Hộ Quốc Nghi. Đây là phương tiện để nhà vua trị quốc an dân theo tinh thần nhà Phật… tuy nhiên do nhiều biến động bởi thời gian nên hiện nay chỉ còn sót lại bộ sách Tam Tổ Thực Lục… Nhìn chung trong sự nghiệp biên soạn, trước tác và phiên dịch, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa đã hoàn thành ấn tống rất nhiều kinh sách, thư tịch, điển tịch thuộc Đại Tạng Kinh, trong đó có nhiều kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa, các kinh sách của thiền tông và điển tịch Phật giáo Việt Nam. Hoạt động in ấn kinh tịch của Đệ nhị Tổ đã có đóng góp to lớn trong việc phổ biến kinh điển Phật giáo và tạng pháp ngữ của các Thiền sư lỗi lạc Phật giáo Việt Nam.

    Đối với hoạt động sắp xếp lại tổ chức Giáo hội và ổn định nhân sự trong hệ thống Tăng già, vào tháng 9 âm lịch năm 1313, Thiền sư Pháp Loa đến chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, phủ Lạng Giang (nay là Bắc Giang) sắp đặt chức vụ và lập sổ bộ cho Tăng Ni trong nước, như vậy kể từ đây, chư Tăng đều có sổ bộ và được đặt dưới sự quản lý của Giáo hội Trúc Lâm do Nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo. Song song với hoạt động này, Thiền sư Pháp Loa đã tiến hành việc xác lập chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm lãnh đạo điều hành mọi công tác Phật sự và tu hành của Thiền phái Trúc Lâm6. Cũng trong dịp này, Thiền sư Pháp Loa tổ chức lễ xuất gia tế độ cho khoảng 1.000 người và tổ chức Đại giới đàn truyền giới Sa di, Tỳ kheo và Bồ tát giới rất quy mô long trọng, có thể nói đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu việc thực hiện quy định cứ ba năm tiến hành một đại giới đàn tế độ Tăng chúng; từ đó trở về sau, các đại giới đàn khi tổ chức đều có không dưới 1000 người đến xuất gia, thọ giới.

    Trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa đã kiến lập rất nhiều chùa, viện, bảo tháp, trùng tu Tam bảo, đúc tạo rất nhiều bảo tượng Phật và Bồ tát trên khắp đất nước Đại Việt, kiến lập viện Quỳnh Lâm (nay là Đông Triều – Quảng Ninh) và khánh thành chùa Bảo Sơn Vương ở Cổ Thành, am Hồ Thiên, Chân Lạc, An Mã, Thị Khê và Hạc Lai, xây dựng và mở rộng chùa Báo Ân cùng chùa Quỳnh Lâm

    Nhị Tổ Pháp Loa có hơn 3000 đệ tử xuất gia, trong đó nổi bật là các Thiền sư đắc pháp như Huyền Quang, Cảnh Ngung, Cảnh Huy, Kim Sơn, Tuệ Chúc, Tuệ Nhiên, Hải Ấn, Tuệ Quán, Hoàng Tuế, Huyền Giác, Cảnh Trưng, Vô Sơn Ông (nguyên là Tư đồ Văn Huệ vương), đặc biệt trong số cư sĩ đắc pháp có vua Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức thuyết giảng kinh tịch, kiến lập, tôn tạo, trùng tu Tam Bảo, dựng tháp, xây tượng Phật, Bồ tát, Đệ nhị Tổ cũng rất chú trọng đến các nghi lễ nhằm đáp ứng nhu cầu học Phật và tín ngưỡng cho mọi thành phần trong xã hội.

    Thiền sư Nhị Tổ Pháp Loa đã đóng góp cho Phật giáo Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, mà điểm nổi bật đó là công lao to lớn trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền tông, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Tất cả đều chung một sự nghiệp, đó là sự nghiệp xương minh Phật pháp.

    Dưới sự lãnh đạo của Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Phật giáo Trúc Lâm đã phát huy một cách toàn diện tư tưởng “Hòa Quang Đồng Trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và tôn chỉ “Phật tại tâm” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, không những thế Ngài còn phát huy tất cả tinh hoa của thiền đốn ngộ từ các bậc Thiền sư lỗi lạc đương thời.

    Dưới sự lãnh đạo của Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Phật giáo Trúc Lâm đã phát huy một cách toàn diện tư tưởng “Hòa Quang Đồng Trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và tôn chỉ “Phật tại tâm” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, không những thế Ngài còn phát huy tất cả tinh hoa của thiền đốn ngộ từ các bậc Thiền sư lỗi lạc đương thời.

    Ảnh hưởng của Nhị Tổ Pháp Loa trong Phật giáo Việt Nam đương đại

    Thực hiện sứ mạng của người kế thừa thiền phái Trúc Lâm, Thiền sư Pháp Loa đã từng bước thực hiện các chương trình hành động cụ thể, tập trung vào khâu ổn định, kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại guồng máy Giáo hội một cách quy củ, đồng thời nỗ lực xây dựng và hoàn thành nhiều công trình có giá trị với mục đích làm nền tảng để Giáo hội Trúc Lâm thật sự lan tỏa trên khắp đất nước Đại Việt, vượt ra khỏi sự đóng khung trong chính bản thân của Giáo hội Trúc Lâm. Nhận thức điều này, chúng ta mới thấy hết những cống hiến của Thiền sư Pháp Loa không đơn thuần là những đóng góp cho thiền phái Trúc Lâm hay Giáo hội Trúc Lâm mà đây là một chiến lược có tính định hướng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam mãi lan tỏa trong lòng dân tộc.

    Nói đến những ảnh hưởng tích cực từ những công trình văn hoá, lịch sử của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa đóng góp cho Phật giáo Việt Nam và dân tộc trong quá khứ cũng như cho đời sống Tăng Ni đương đại, việc Thiền sư Pháp Loa sắp đặt chức vụ và lập sổ bộ cho Tăng Ni trong nước, từ đây khởi đầu cho một thời kỳ mới của Phật giáo Việt Nam, đó là giúp cho chư Tăng đều có sổ bộ dưới sự quản lý của Giáo hội. Sự kiện mang ý nghĩa lịch sử này vẫn còn mang tính thời đại và được Giáo hội Phật giáo qua các thời kỳ áp dụng triệt để nhằm quản lý Tăng Ni và ổn định Giáo hội, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời đại ngày nay, đặc biệt là trong việc quản lý Tăng Ni tự viện, giữ gìn giới luật, góp phần quan trọng trong sự ổn định, hội nhập và phát triển.

    Các công trình trước tác, biên soạn và phiên dịch kinh sách, thư tịch, pháp ngữ của Nhị Tổ Pháp Loa, dù cho phần lớn đã bị hư hoại bởi biến động thời gian và thời cuộc, đến nay chỉ còn một số tác phẩm như Đoạn Sách Lục, Tham Thiền Yếu Chỉ, Kim Cương Đạo Tràng Đà La Ni Kinh, Tán Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ, Bát Nhã Tâm Kinh Khoa,… nhưng đối với nhà nghiên cứu, người học Phật thời nay, thì đây là nguồn tài liệu nghiên cứu, tham khảo rất có giá trị về tư tưởng Phật học, văn học mang đậm bản sắc dân tộc.

    Chú thích:

    1. Thơ văn Lý Trần, tập II – quyển thượng, các tác giả Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ, Trần Tú Châu; Nxb Khoa Học Xã Hội – Hà Nội, năm 1988, tr.807-808.

    2. Nguyễn Hiền Đức 1973, chương 1-C-1: “Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử-Hành trạng tam tổ Trúc Lâm – Hành trạng Tôn giả Pháp Loa (1284-1330)”.

    3. Theo sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Nxb Khoa Học Xã Hội, 1991.

    4. Theo Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử – Hành trạng Tam tổ Trúc Lâm – Hành trạng Tôn giả Pháp Loa (1284 – 1330), tác giả Nguyễn Hiền Đức, năm 1973.

    5. Theo sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Nxb Khoa Học Xã Hội, 1991.

    6. Theo tác giả Nguyễn Tài Thư, 1988, tr.153.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều