Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếNhật ký hành trình những ngày làm việc của Phái đoàn GHPGVN...

    Nhật ký hành trình những ngày làm việc của Phái đoàn GHPGVN tại Trung Quốc

    Phái đoàn của GHPGVN do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu làm trưởng đoàn sẽ thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 1-6/12. Trong thời gian thăm và làm việc tại Trung Quốc, phái đoàn GHPGVN đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm củng cố quan hệ Phật giáo giữa hai nước.

    Chùa Khai Nguyên, chùa Thê Hạ và Ung Hoà Cung là 3 điểm đến tâm linh cuối cùng trong hành trình sang thăm và làm việc tại Trung Quốc của Phái đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), từ ngày 1-6/12.

    Tại mỗi điểm đến khác nhau, phái đoàn của GHPGVN luôn được tiếp đón vừa trọng thể, vừa thân tình, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng các vị sư trụ trì kiêm vai trò lãnh đạo của Hiệp hội Phật giáo và tín đồ Phật tử địa phương.

    Phái đoàn GHPGVN đến thăm chùa Khai Nguyên vào chiều 4/12. Pháp sư Viên Từ, Trưởng ban Giáo dục – Bồi dưỡng Phật giáo Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Cố vấn Hiệp hội Phật giáo Liễu Châu, trụ trì chùa Khai Nguyên cùng chư tôn đức lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo Tp. Liễu Châu long trọng tiếp đoàn.

    - Advertisement -

    Ấn tượng trước phong cảnh thiền môn và sự đón tiếp trọng thể của Pháp sư trụ trì cùng Phật tử Tp. Liễu Châu, TT.Thích Minh Quang đã dành thời gian và tâm huyết viết tặng chùa Khai Nguyên bức thư pháp khổ lớn bằng tiếng Trung với nội dung: “Phật Nhật Tăng Huy, Pháp Luân Thường Chuyển”. Pháp sư Viên Từ bày tỏ niềm hoan hỷ đón nhận món quà lưu niệm ý nghĩa này, và mong được hội ngộ phái đoàn trong một duyên lành sắp tới tại Việt Nam.

    TT.Thích Minh Quang viết thư pháp tặng chùa Khai Nguyên.

    Trước đó ngày 3/12, phái đoàn đã có cuộc gặp gỡ với ông Tưởng Văn Minh, Phó Ban Dân vận, Trưởng Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố Quế Lâm và lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo tỉnh Quảng Tây cùng lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo thành phố Quế Lâm, đồng thời đi thăm chùa Thê Hạ.

    Sáng ngày 3/12/2019, đoàn công tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tới thăm và lễ Phật tại chùa Thê Hạ thuộc khu phong cảnh Thất Tinh, Tp. Quế Lâm. Pháp sư Thích Càn Trạch, Phó Hội trưởng kiêm Chánh Thư ký Hiệp hội Phật giáo Tp. Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, trụ trì chùa Thê Hạ cùng các Phật tử long trọng đón tiếp đoàn.

    Tại đây pháp sư Thích Càn Trạch – Phó Hội trưởng kiêm Chánh Thư ký Hiệp hội Phật giáo Tp. Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây – trụ trì chùa đã đón tiếp phái đoàn. Pháp sư trụ trì bày tỏ những tình cảm tốt đẹp dành cho đất nước, con người, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam, đang ngày càng thể hiện tốt vai trò thúc đẩy sự hoà hợp và phát triển cùng Phật giáo trong khu vực và trên thế giới.

    Sau 3 ngày thăm và làm việc tại thủ đô Bắc Kinh, chiều ngày 3/12/2019, đoàn công tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tới thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây để tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc. Ông Tưởng Văn Minh, Phó Ban Dân vận, Trưởng Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố Quế Lâm và lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo tỉnh Quảng Tây cùng lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo thành phố Quế Lâm đã long trọng đón tiếp đoàn.

    Theo chia sẻ của TT. Thích Minh Quang, một điểm đến tâm linh đặc biệt để lại nhiều ấn tượng với phái đoàn – đó chính là khi tới thăm và lễ Phật tại Ung Hoà Cung – ngôi chùa Mật Tông duy nhất ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh.

    Ngài Lạt Ma Hồ Tuyết Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Bắc Kinh, Phương trượng Ung Hoà Cung thân mật tiếp đoàn.

    Theo giới thiệu của ngài Lạt Ma, Ung Hòa Cung không chỉ là hành cung của vua Ung Chính mà còn là nơi sinh của vua Càn Long. Vì thế nơi đây được mệnh danh là “đất lành rồng ẩn”. Đến năm 1744, cung Ung Hòa được đổi thành Chùa Phật giáo Hoàng gia.

    Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Thường trực trị sự GHPGVN, trưởng phái đoàn chia sẻ thêm: Ung Hoà Cung lưu giữ rất nhiều văn vật vô giá như tranh Thangka, tượng Phật, pháp khí, sách kinh, bích họa… Nổi tiếng nhất phải kể đến “mộc điêu tam tuyệt” (tượng điêu khắc 500 vị La Hán, tượng Phật gỗ bạch đàn hương, và khám Phật bằng gỗ lim).

    Chiều ngày 2/12/2019, đoàn công tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tới thăm và lễ Phật tại Ung Hoà Cung – ngôi chùa Mật Tông duy nhất tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh.

    Nổi bật và đứng đầu “mộc điêu tam tuyệt” là tượng Phật Di Lặc trong Vạn Phúc các, cao 18m, đường kính 3m, được coi là tượng Phật gỗ khổng lồ độc nhất thế giới.

    Phần đầu Phật Di Lặc có đội vương miện hình 5 cánh kiểu Phật giáo Tây Tạng, nét mặt khoan thai mà lộng lẫy, toàn thân thếp vàng, có đính những chuỗi ngọc và châu báu, ánh mắt có thần, miệng khép lại, toàn khuôn mặt gợi cảm giác hiền từ mà uy nghiêm. Tay Phật kết ấn biểu thị trong tương lai Phật Di Lặc sẽ giáng sinh xuống nhân gian, phổ độ chúng sinh.

    “Ung Hòa cung không chỉ là thánh địa tôn giáo mà còn là một kho tàng về nghệ thuật”. – Hoà Thượng Thanh Nhiễu nhận định.

    Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế TƯGH cho biết phái đoàn sẽ đáp chuyến bay mang số hiệu GX8955 về lại Hà Nội trong sáng 6/12. Buổi làm việc cuối cùng của đoàn tại Trung Quốc sẽ diễn ra vào chiều 5/12 với Hiệp hội Phật giáo tỉnh Quảng Tây, sau khi đi thăm chùa ở Nam Ninh.

    TT. Đức Thiện cũng đánh giá chuyến công tác của phái đoàn GHPGVN lần này đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, mang nhiều ý nghĩa trong việc phát triển mối quan hệ văn hóa Phật giáo lâu đời giữa hai quốc gia láng giềng là Việt Nam và Trung Quốc.

    Thượng tọa cho biết trong năm 2020, Phật giáo hai nước sẽ có những hoạt động tổ chức để chào mừng 70 năm thiết lập thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. GHPGVN sẽ triển khai những chương trình giao lưu, học hỏi với Phật giáo các nước láng giềng và trong khu vực nhiều hơn nữa, đặc biệt là vấn đề giáo dục, nhằm nâng cao mối quan hệ trong tinh thần hòa hợp và phát triển vững mạnh.

    Ảnh: TT. Thích Minh Quang cung cấp

    Lương Đình Khoa

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều