Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiNhật Bản: Chùa Kinh Doanh Lưu Trú Để Tồn Tại

    Nhật Bản: Chùa Kinh Doanh Lưu Trú Để Tồn Tại

    Lưu trú qua đêm tại nhiều ngôi chùa Nhật Bản đã trở thành một hoạt động phổ biến trong cộng đồng du khách nước ngoài khi các cơ sở tôn giáo tìm kiếm những phương cách sáng tạo nhằm tồn tại trong bối cảnh suy giảm dân số và Phật tử ở đất nước này.

    Chùa Kim Các Tự.

    Ở nhiều ngôi chùa, du khách có thể thiền và chép tay kinh Phật bằng thư pháp Nhật Bản.

    “Khung cảnh rất đẹp với tiếng mưa rơi” là chia sẻ của Viral Shah – một công dân Na Uy 31 tuổi tham gia thiền định tại một ngôi chùa trên núi Koya – Di sản Thế giới UNESCO ở tỉnh Wakayama, phía tây Nhật Bản.

    - Advertisement -

    Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, 80% những người lưu trú ở các đền, chùa trên núi Koya đều đến từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 300 ngôi chùa có khả năng đáp ứng dịch vụ này ở Nhật Bản.

    Với nỗ lực giúp du khách nước ngoài làm quen với văn hóa Nhật Bản, tổ chức phi lợi nhuận Nippon Foundation có trụ sở ở Tokyo và một số ngôi chùa ở Kyoto đã hợp tác thành lập dự án “Iroha Nihon” nhắm vào du khách ngoại quốc giàu có.

    Dự án này nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về Nhật Bản và trân trọng các tài sản văn hóa thông qua nhiều hoạt động như tụng kinh, tiệc trà dành cho du khách tại những ngôi chùa thường không mở cửa cho công chúng.

    Từ tháng 9 năm 2016, các ngôi chùa Shinnyoji, Kaihoji, Eimei-in, Daijiin và Kounji ở Kyoto đã cung cấp chỗ lưu trú cho du khách với giá khoảng 150.000 yên (khoảng 32 triệu VNĐ) mỗi đêm. Cho đến nay, có 148 nhóm khách với tổng cộng 476 người đã lưu trú tại các ngôi chùa ở Kyoto.

    “Nhiều khách tham vấn sư trụ trì về thiền và những chủ đề khác với một niềm quan tâm thích thú”, Hiệp hội Văn hóa Kyoto – đơn vị điều hành dự án “Iroha Nihon” – cho biết.

    Từ tháng 5 năm 2018, một Di sản Thế giới khác là Ninnaji – ngôi chùa được thành lập từ năm 888 ở Kyoto bởi thiên hoàng Uda – cũng đã cho khách du lịch lưu trú tại khu nhà gỗ Shorin mới được nâng cấp trong khuôn viên chùa với giá 1 triệu yên (khoảng 218 triệu VNĐ) mỗi đêm.

    Du khách có thể thuê một phòng theo phong cách hoàng gia cho mình trong ba giờ đồng hồ và thưởng thức gagaku – một loại nhạc cung đình Nhật Bản – cũng như tụng kinh Phật shomyo. Họ cũng có thể tìm hiểu các bức tranh trên cửa trượt fusuma.

    Mặc dù giá không hề rẻ nhưng lưu trú chùa vẫn được du khách ưa chuộng với 9 nhóm khách, tổng cộng 48 người đã qua đêm tại Chùa Ninnaji cho đến hiện tại.

    “Để có được sự tĩnh lặng tuyệt đối dành cho chính mình thì đó là một cái giá xa xỉ”, một du khách bình luận. Một du khách khác lại chia sẻ: “Được ở lại trong một ngôi chùa có 1000 năm lịch sử là điều vô cùng xúc động”.

    Là nơi lưu giữ khoảng 30.000 hiện vật văn hóa và báu vật quốc gia, “ngôi chùa này mất một khoản kinh phí không hề nhỏ để bảo tồn và duy trì chúng”, một nhà sư của Chùa Ninnaji cho biết. “Tiền công đức không bao giờ là đủ vì vậy chương trình của chúng tôi cũng nhằm mục đích đảm bảo kinh phí” thông qua các dịch vụ lưu trú.

    Ngoài ra, Chùa Ninnaji và năm ngôi chùa khác ở Kyoto có kế hoạch phân bổ một phần phí lưu trú cho việc khôi phục các tài sản văn hóa bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

    “Chúng tôi muốn tạo ra mô hình ở Kyoto và Nara, sau đó mở rộng ra 100 địa điểm khác khắp Nhật Bản”, Nippon Foundation chia sẻ về tương lai của dự án “Iroha Nihon”.

    “Terahaku”, một trang web phục vụ cho dịch vụ lưu trú chùa, cũng đã được khai trương vào mùa hè năm ngoái. Trang web này cung cấp danh sách khoảng 30 ngôi chùa trên cả nước.

    Một trong số những nơi được giới thiệu là Chùa Tsushima Seizanji ở tỉnh Nagasaki. Ngôi chùa này tọa lạc trên một hòn đảo thuộc Biển Nhật Bản, cách bán đảo Triều Tiên khoảng 50 km.

    “Khoảng 3.000 người đến viếng chùa mỗi năm, chiếm khoảng một nửa trong đó là các nhóm phụ nữ Hàn Quốc”, theo thông tin từ một nhà sư của Chùa Tsushima Seizanji.

    Một địa điểm khác nằm trong danh sách của Terahaku là Fugen-in ở tỉnh Aomori (đông bắc Nhật Bản) nơi mà “phục vụ hải sản, gồm cả cá ngừ được đánh bắt bởi những Phật tử của chùa, và chúng tôi có khoảng hai nhóm du khách ngoại quốc mỗi tháng”, một nhà sư của Chùa Fugen-in chia sẻ.

    “Khi số lượng Phật tử giảm sút, nhiều ngôi chùa đã cung cấp dịch vụ lưu trú chùa trong khi nhiều ngôi chùa khác muốn tạo cơ hội để nhiều người hơn đến chùa”, Waqoo Co – người điều hành trang web Terahaku – cho biết. “Chúng tôi muốn tăng lựa chọn lưu trú chùa lên con số 100 vào cuối năm nay”.

    Dân Nguyễn (Dịch từ Japan Today)

     

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều