Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiNhật Bản: Cặp Phiến Đá Cổ Tại Chùa Ioji

    Nhật Bản: Cặp Phiến Đá Cổ Tại Chùa Ioji

    Một cặp phiến đá có những hình khắc Phật giáo với nguồn gốc bí ẩn hóa ra đã được chạm khắc ở Trung Quốc từ hơn 1.400 năm trước.

    Sau khi một nhà sử học địa phương liên hệ, một nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Trung Quốc đã kiểm tra các hiện vật nói trên tại Chùa Ioji, Quận Teramachi, Kurume, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản.

    Nhà nghiên cứu này đã xác nhận các hiện vật tại Chùa Ioji thuộc loại hình nghệ thuật có tên “zozohi” chứa đựng những hình tượng và văn tự được tạo ra trong thời Bắc Tề (550-577) của Trung Quốc.

    “Nhiều năm qua, tôi thấy không thoải mái vì không biết rõ nguồn gốc của chúng, nhưng giờ thì tôi thấy đã dễ chịu hơn rất nhiều rồi”, Masao Inoue, 77 tuổi, trụ trì của Chùa Ioji, chia sẻ.

    - Advertisement -

    Sư Inoue cho biết cặp cột đá trên được một tín đồ tặng cho chùa cách đây 30 năm. Vị tín đồ này phỏng đoán hai hiện vật này được đưa từ Trung Quốc đến Nhật và chúng đã được di chuyển đến nhiều nơi trước khi dừng chân ở Kurume. Tuy nhiên, người quyên tặng này không biết lý do và thời điểm chế tác hai cột đá nói trên.

    Chùa Ioji dựng hai cột đá trong một góc chùa và mời nhiều chuyên gia đến tìm hiểu lai lịch của chúng. Vậy nhưng không một ai tìm ra dấu vết nguồn gốc của cặp phiến đá này.

    Tháng hai năm 2017, một bước ngoặt xảy đến sau khi một nhà sử học địa phương tên Yoshiaki Yokoo, 69 tuổi, tình cờ đến thăm và nhận thấy chúng có những đặc điểm chung với nhiều tác phẩm chạm khắc đá mà ông từng thấy ở Trung Quốc.

    Yoshiaki Yokoo đã liên hệ với một số người để xác minh linh cảm của mình, cuối cùng, ông đã liên lạc với Chisui Sato, giáo sư thỉnh giảng về lịch sử Phật giáo Trung Quốc tại Đại học Ryukoku.

    Trong chuyến thăm đến Chùa Ioji vào ngày 2-3/9/2019, giáo sư Sato đã nhận ra các phiến đá chứa các bản khắc tên có thể là năm 563 và 572 cũng như nhiều ký tự đặc trưng của thời Bắc Tề.

    “Phong cách chạm khắc cũng như cách thức thể hiện văn tự đặc trưng cho triều Bắc Tề”, giáo sư Sato đề cập đến các ký tự trên cột đá.

    Theo giáo sư Sato, “zozohi” được chế tác trong các thời Nam Bắc Triều (439-589), được thống nhất ngắn ngủi trong đời Tùy vào năm 589,  đời Đường (618-907).

    Hầu hết “zozohi” đã bị phá hủy trong thời Bắc Tề, một trong năm triều đại thuộc Bắc Triều đã nổi lên và sụp đổ nhanh chóng, có địa bàn thuộc Hà Bắc, Sơn Đông và Sơn Tây (Trung Quốc) ngày nay. Những bất đồng chính kiến đã khiến triều Bắc Tề nhanh chóng tàn lụi.

    Giáo sư Sato – người đã nghiên cứu hơn 100 “zozohi”, hang động và nhiều di tích liên quan đến Phật giáo – đã gọi cột đá tại Chùa Ioji là những hiện vật quan trọng đối với giới nghiên cứu “vì tên một gia tộc đặc biệt được khắc trên các phiến đá này”.

    Suy đoán về cách thức du nhập vào Nhật Bản của các hiện vật này, Ryuichi Saito – người phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Osaka – nói rằng có thể chúng được đưa đến Nhật Bản sau khi nhà Thanh (1616-1912) sụp đổ.

    “Rất nhiều tài sản văn hóa cổ đã được mua lại trong khoảng thời gian đó”, giáo sư Ryuichi Saito cho biết.

    Hiện nay, Chùa Ioji đã rõ lai lịch của cặp cột đá mình sở hữu và họ đã lắp đặt mái che để bảo vệ các hiện vật. Ngôi chùa này cũng đang cân nhắc các biện pháp khác để bảo vệ chúng.

    Dân Nguyễn

    (Dịch từ The Asahi Shimbun)

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều