Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Khác
    HomeVăn HóaTruyền thống- Lễ hộiNguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Vu Lan báo hiếu...

    Nguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Vu Lan báo hiếu .

    Lễ Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp.

    Nguồn gốc sự ra đời của lễ Vu Lan Báo Hiếu

    Không phải tự dưng cứ đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm, Phật giáo long trọng tổ chức “Đại lễ Vu Lan – Báo Hiếu” thật trang nghiêm, từ hình thức cho đến nội dung nhằm mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh và văn hoá của con người. Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.

    Mục kiền liên cứu mẹ là câu chuyện xúc động thời đức Phật

     

    Vu Lan: Danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn “, tiếng Phạn là “Ullambana”. Ullam: dịch là “treo ngược” (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana” tạm dịch là “cứu giúp”. Như vậy chúng ta có thể hiểu từ “Vu Lan Bồn” có nghĩa là giải cứu người bị tội treo ngược.

    - Advertisement -

    Báo hiếu: Nghĩa là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

    Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

    Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày Lễ Vu Lan ( ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.

    Tháng bảy tiết Vu lan , rơi lệ nghĩ về ” Thập ân Phụ mẫu “

    Ý nghĩa của lễ Vu Lan

    Ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là đối với bố mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả các chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh” ,”cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.

    Một mùa Vu Lan nữa lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn giữa dòng đời đang hối hả, xô bồ. Là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính về cha mẹ, những người đã có công sinh thành và dưỡng dục. Có khi nào bạn tự hỏi rằng: Đã bao lâu rồi mình không nói những lời yêu thương, dành thời gian bên gia đình hay tặng cha mẹ một món quà ý nghĩa nào đó? Vậy đừng bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này, hãy hành động thiết thực để bày tỏ lòng tri ân tới đấng sinh thành nhé!

    Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.

    Vũ Dũng TH

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều