Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomeVăn Học Phật GiáoTiểu phẩm- Truyện ngắnNgười sửa đồng hồ và cây phượng

    Người sửa đồng hồ và cây phượng

    Tôi đi làm. Những lúc rảnh rỗi tôi vẫn hay nhìn xuyên qua cánh cửa kính trước mặt. Ở một bên góc cửa ấy, có một ông thợ sửa đồng hồ ngày đêm vẫn miệt mài theo đuổi định luật của thời gian. Ban đầu thì tôi không chú ý tới ông lắm, đống giấy tờ và sấp hồ sơ trước mặt làm tôi mệt nhoài, tôi cũng không muốn giành thời gian cho một người mà mình không quen biết. Thế nhưng không hiểu sao hôm nay tôi lại chú ý đến ông. Có lẽ bởi cái điệu cười khanh khách làm tôi giật này mình. Tôi và ông chỉ cách nhau lớp kính cũng là cái cửa chính. Bàn làm việc của tôi nhìn ra cửa, ở nơi đó có ông. Ông rất lạ, chẳng phải tôi có ý gì về cái nghề ông đang làm nhưng một ông thợ sửa nhưng lúc nào quần áo cũng rất bảnh bao, sơ mi đóng thùng đủ kiểu, đôi giày thậm chí còn bóng lộn. Nếu không phải chẳng bao lâu sau ông kéo vội cái tủ nhỏ đụng trên đó bao nhiêu là đồng hồ hư ra ngồi sửa ở góc trái của cửa công ty, tôi đã không biết về nghề ông đang làm. Ông có cái điệu cười rất nhộn mà đôi khi làm tôi phát bực bởi nó làm tôi phân tâm.

    Hình minh họa

               Đối diện bên kia đường có một cây phượng. Toàn cây rực một màu đỏ tươi cứ như dẫu tiết trời có qua đi thì cây phượng vẫn phủ lên mình cả sắc thắm không bao giờ phai tàn vậy. Người thợ sửa đồng hồ vẫn hay nhìn qua cây phượng rồi miệng lẩm bẩm điều gì đó không rõ. Thi thoảng ông nheo mắt hay háy cười rỗi vỗ đùi đánh đét một cái rõ to. Người dễ chịu thì thấy ông như thế cũng không thể không nói rằng ông gàn. Ông dường như không quan tâm tới tất cả xung quanh. Ngày ngày cứ đúng 6 giờ ông lại đủng đỉnh ăn mặc chỉnh tề tới ngắm nhìn xuyên qua đường, nơi cây phượng đang đứng, sau đó ông kéo cái tủ nhỏ ra, tỉ mẩn đeo kính ngồi sửa từng cái thật chậm rãi. Tôi không biết cái nghề đó có làm ra tiền không khi tôi thấy dường như rất thưa vắng người tới nhờ ông sửa. Xã hội bây giờ, dường như cái việc chỉnh sửa lại thời gian không nhanh bằng việc mua thời gian khác. Nhưng ông vẫn cần mẫn ngày đêm làm, cứ vừa nói vừa cười, giống như đó là cái thú tiêu khiển khiến ông rõ vui.

               Có bận trời mưa gió rất to, hôm ấy tôi cũng đi làm trễ. Tôi thấy ông, vẫn sovin gọn gàng, hì hục kéo cái tủ đứng cứ như chực ngã nhào theo cái tủ. Tôi chạy ra giúp ông kéo cái tủ ra nhưng không quên nhắc vội:

    - Advertisement -

               – Ông à, mưa to lắm, cái mái hiên này không che đủ cho ông đâu. Hôm khác ông lại đi làm thôi.

               Nhưng ông chỉ cười và tiếp tục công việc của mình. Có chăng là ông hơi thu mình lại cố nép người sao cho trông thật nhỏ vào mái hiên của công ty tôi. Nhưng gió quật thể nào ông cũng ướt. Lúc làm việc tôi vẫn hay nhìn ra ông, tự nhiên ông làm tôi lo lắng. Mưa đã ướt nhòe đôi kính của ông, chiếc áo mưa có giăng vội lên cũng không đủ che những cơn mưa đang hắt vô người ông một cách vô tội vạ. Chí có ông, dường như không quan tâm những điều xung quanh, thi thoảng vẫn nhìn qua bên kia đường, móm mém cười. Cứ như ông làm được điều gì mãn nguyện lắm. Từng chiếc đồng hồ cứ qua tay người thợ sửa rồi rơi xuống bàn, sau đó được ông cẩn thận nhặt lên, treo trên một cọng sắt nhỏ bắc ngang qua tủ, giống như ông đang treo những “chiến lợi phẩm” của mình lên vậy. Và sau khi tự cho phép mình một ít thời gian gục gặc đầu tự thưởng ông vội bắt tay vào chiếc đồng hồ mới, chiếc kính nhỏ xíu được ông đeo lên, trông ông cứ như một nhà khoa học đang nghiên cứu những vấn đề vi mô lắm. Bàn tay ông đen dần bởi dầu nhớt tha vào chiếc đồng hồ, nhưng ông cố sao không cho nó dính vào quần áo. Nếu người ta nhìn vào quần áo, hẳn không biết ông làm cộng việc nào nhưng cứ nhìn vào đôi bàn tay người ta sẽ đoán ra không phải thợ sửa thì cũng là công nhân liên quan tới bảo trì hay dùng dầu nhớt.

               Hôm sau, trời nắng ấm, tôi đi làm sớm cốt để được gặp ông. Và dường như tìm được sự đồng cảm nơi tôi, ông kể tôi nghe chuyện về cây phượng. Ông kể rằng đó là những kỉ niệm ông có với bà. Từ khi ông còn là chàng chiến sĩ trẻ bôn ba chiến đấu, bà là cô du kích địa phương, hai người gặp nhau bên gốc phượng đó, trước đó chỗ công ty tôi là cái ao, hai ông bà hay ra đây đi dạo, thế rồi hiện đại hóa, ao người ta cũng lấp đi, nhà nối nhà, rồi chẳng bao lâu thành phố, ông bà cũng nên vợ nên chồng. Suốt mấy chục năm yêu nhau, vì nhiều lẽ, hai người không có con nhưng vẫn thương nhau lắm. Ông làm thợ, bà buôn bán nhỏ, cứ tới tối hai người lại rủ nhau đi dạo tới bên gốc phượng nơi có kỉ niệm cũ. Thế rồi cách đây gần một năm, bà mất. Ông không thể nào nguôi thương nhớ. Hôm nào cũng phải đi ra gốc phượng hồi tưởng kỉ niệm lúc bên bà. Rồi ông già yếu dần, ông chuyển sang làm thợ sửa đồng hồ, theo như ông nói: “ Ông sửa lại thời gian, níu kéo lại khoảng thời gian đánh mất”. Rồi ông chuyển hẳn tới ở gần bên cây phượng, ông cứ hay lẩm bẩm với cây phượng đủ chuyện cứ như nói với bà. Ông còn tếu táo: “ Ban đầu ông làm bên kia đường cơ, mà người ta đuổi dữ quá, chắc thấy ông với cái tủ cũ mất mỹ quan”. Ông cười nhưng tôi biết cả niềm đau trong đó. Lại có khi tôi hỏi ông, sao ông cứ ăn mặc như thế mà sửa, không mặc những bộ quần áo tự nhiên hơn. Ông cười móm mém: “ Gìa rồi cũng không phải muốn đẹp với ai, nhưng bà dặn mãi, ra đường thì lúc nào cũng phải tươm tất, thế là giữ lịch sự cho cả mình, cả người.”.

               Thế rồi như có sự thương cảm, hôm nào tôi cũng cố đi sớm hơn một chút rồi tán chuyện với ông. Trong ông chưa bao giờ nguôi thương nhớ bà, khi nhắc về bà ông ngập tràn hạnh phúc. Nhưng bẵng đi ít lâu, tôi nghỉ làm vì bị ốm. Mấy ngày sau đi làm lại, tôi không thấy ông nữa. Tưởng ông đau ốm gì tôi cũng đâm lo. Đột nhiên tôi nhìn bên kia đường, cây phượng không còn nữa, đồng nghiệp nói nó đã bị đốn đi để chuẩn bị xây cao ốc gì đó. Tôi sững người. Tôi cố chờ đợi một thời gian nữa nhưng tôi đã không bao giờ có thể gặp ông. Đôi khi trong những dịp rảnh rỗi tôi vẫn hay cùng chồng đi tản bộ, lúc đó tôi vẫn hay đưa mắt tới chỗ từng là góc phượng, tôi đi dọc con đường đó hòng tìm ông nhưng không thấy. Rồi thời gian cũng dần qua đi, nhưng chưa khi nào tôi thôi nhìn về hướng cây phượng ấy và góc cửa công ty tôi, ở đó như luôn có một bóng hình thều thào và nói điều gi đó với cây phượng. Rồi bật cười khanh khách.

    Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân

    Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

     

     

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều