Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác

    Mưu sinh từ cội bồ-đề

    Nói tới cây bồ-đề, bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh cổ thụ trước sân chùa, gắn với truyền thuyết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền 49 ngày dưới gốc cây thiêng, sau đó trở thành bậc Giác ngộ vĩ đại.
    Bồ-đề còn được gọi với nhiều tên khác như: cây đề, cây giác ngộ, cây lâm vồ…  tượng trưng cho sự vĩnh cửu, từ bi, thanh cao. Từ khoảng dăm năm trở lại đây, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình của người dân phát triển sinh kế, làm giàu từ cây bồ-đề.
    Khởi nghiệp từ cây bồ-đề
    Biểu tượng lá bồ-đề hình trái tim đảo ngược đã gắn kết với kiến trúc cổ đình chùa, cung điện ở Việt Nam hàng nghìn năm nay. Từ những viên ngói trang trí trên nóc thượng điện chùa tháp, đến những viên ngói tìm thấy dưới lòng đất khi khai quật Hoàng thành dấu tích của những mảnh trang trí nóc điện Càn Nguyên thuở xa xưa; từ những tòa sen bệ tượng Phật cổ có tuổi hàng trăm năm đến những tảng đá kê chân cột, từ những mảnh cốn trên bộ vì gỗ của chùa đến những bộ cánh cửa gỗ chánh điện… chúng ta đều dễ dàng chiêm ngưỡng những biểu tượng chiếc lá bồ-đề. Từ lá bồ-đề đến cây bồ-đề đều luôn thiêng liêng trong tâm thức người Việt.
    Cây bồ-đề tại Việt Nam có 2 loại. Bồ-đề bản địa sinh trưởng ở Việt Nam đã hàng triệu năm, thường mọc ở trong rừng, hoặc trồng làm cây che bóng mát trên các đường làng hoặc trước sân chùa. Một loại bồ-đề khác có nguồn gốc từ Ấn Độ, được đưa về trồng ở nước ta trong thế kỷ XX theo chương trình ngoại giao giữa các nguyên thủ quốc gia và Phật giáo. Giống bồ-đề này ban đầu được trồng tại các danh lam cổ tự như: chùa Từ Đàm (Huế), chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)… sau đó nhân cành trồng đến nhiều ngôi chùa khác.
    duc Phat tren la.jpg
    Phật Tổ – tác phẩm diệp ảnh của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ
    Trước kia, bồ-đề chủ yếu được trồng ở sân chùa, các danh lam thắng cảnh, mà ít trồng ở nhà dân. Thế nhưng từ khoảng chục năm trở lại đây, loài cây này được phát triển trồng rộng rãi ở nhiều đường phố và ngay cả sân vườn của các gia đình. Đến những nhà làm nghề trồng cây cảnh ở tỉnh Nam Định, chúng tôi ngạc nhiên khi gặp những cây bồ-đề bé nhỏ nhưng dáng hình giống hệt cổ thụ, được trồng trong những chậu kiểng. Ngạc nhiên là bởi trong môi trường tự nhiên, đây vốn là loài cao lớn đến 20 – 30 mét, gốc nhiều người ôm mới xuể, thế nhưng lại được thu nhỏ để trồng trong chậu thành những cây bon-sai.
    Một nghệ nhân làm bon-sai bồ-đề cho biết, để cây “thu nhỏ lại”, không lớn vượt cỡ, mà thân vẫn xù xì theo đúng dáng cây cổ thụ, đòi hỏi nhiều “bí quyết” kỹ thuật. Trước hết, hàng năm phải cắt bớt rễ, đánh chuyển sang chậu khác, làm giảm chất dinh dưỡng trong đất trước với việc trộn đất với cát và than bùn để cây lớn chậm. Phải định kỳ cắt cụt ngọn và các cành, chỉ chừa lại hai lá trên các chồi non, rồi nén ép vỏ cây bằng cách giằng uốn dây kẽm xung quanh thân. Một cây thiết kế đẹp cần có sự cân bằng toàn diện, từ sự tạo hình, uốn nắn cấu trúc của cây đến sự kết hợp giữa cây và chậu.
    Tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, từ hơn chục năm nay, gia đình ông Phùng Văn Kiên đã làm giàu với việc trồng cây bồ-đề. Nhận thấy tiềm năng kinh tế của cây bồ-đề mang lại, đầu năm 2004, ông Kiên mạnh dạn thuê lại 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cây này. Ông kể: “Ban đầu hàng xóm ai cũng bảo tôi bị dở hơi. Ai đời bỏ đống tiền ra thuê cả mấy chục mẫu ruộng chỉ để trồng loài cây chẳng biết để sử dụng vào việc gì, lá không thể làm rau ăn, quả cũng không ăn được, thân không thể làm gỗ đóng tủ giường được”.
    Thế nhưng rồi, nhiều khách hàng từ xa tìm đến nhà ông Kiên hỏi mua giống cây bồ-đề. Những năm gần đây, người ta ưa chuộng trồng bồ-đề làm cây xanh đường phố, trồng làm cây bóng mát trong vườn nhà, và trồng cả để làm cây kiểng, cây bon-sai. Hiện tại, vườn nhà ông Kiên đang có gần 4.000 cây bồ-đề, độ tuổi từ 1 năm đến 4 năm tuổi. Trung bình mỗi năm ông xuất bán ra thị trường từ 1.500-2.000 cây, giá mỗi cây bồ-đề dao động từ khoảng 200.000 đến 1,2 triệu đồng (tùy theo độ tuổi, cây to hay nhỏ). Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Kiên thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng mỗi năm từ việc bán giống cây bồ-đề.
    Trèo cây hái nhựa bồ-đề
    Đến huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chúng tôi được theo chân những người dân tộc Dao lên rừng khai thác nhựa cây bồ-đề. Từ 2 năm trở lại đây, gần 100 người dân tộc Dao tại hai xã Nậm Tha và Chiềng Ken của huyện Văn Bàn có nguồn thu nhập mới từ “lộc rừng”. Ông Triệu Tài Lâm (51 tuổi) đeo loại guốc chuyên dụng vào chân, có 2 khoeo kim loại ngoắc vào thân cây để trèo lên cây. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 6, người dân địa phương đã trèo lên từng cây bồ-đề, dùng dao cắt vỏ thành hình bao diêm trên thân, mỗi điểm cách nhau khoảng 90cm. Sau vài tháng, nhựa bồ-đề chảy ra tích lại ở vị trị bị cắt thành những cục nhựa khô. Đến kỳ thu hoạch, họ trèo lên thân cây, cẩn thận gỡ từng cục nhựa khô, cho vào chiếc giỏ đeo bên hông.
    lay nhua bo-de.jpg
    Lấy nhựa bồ-đề
    Ông Triệu Tài Lâm cho biết: Ngày trước không ai biết đến giá trị của nhựa cây bồ-đề. Nhưng nay, chúng tôi bắt đầu chuyển qua lấy nhựa, vừa không phá rừng lại vừa có nguồn thu nhập. Mỗi cây bồ-đề tuổi 10 năm trở lên, cho khoảng 0,7kg nhựa, được một doanh nghiệp thu mua với giá 350.000 đồng/kg. Mỗi năm, chỉ khai thác trong thời gian một tháng, ông Lâm có 70-80 triệu đồng, là khoản thu nhập khá cao đối với gia đình.
    Bà Nguyễn Diệu Chi, Tổ chức Helvetas Thụy Sĩ cho hay, Helvetas đang thực hiện Dự án Thương mại Đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á (Biotrade SECO) và Dự án Nhân rộng các sáng kiến thương mại gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và giá trị đạo đức trong lĩnh vực thảo dược ở Việt Nam (Biotrade EU). Trong quá trình thực hiện các dự án này, các chuyên gia quốc tế khảo sát đa dạng sinh học tại nhiều nơi ở Việt Nam và phát hiện thấy nhiều khu rừng cây bồ-đề, nhưng người dân ở đó lại chưa bao giờ khai thác nhựa. Trong khi trên thế giới, nhựa cây bồ-đề để khô gọi là an tức hương, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh và sản xuất nước hoa. Trước đây, những người hành nghề bốc thuốc Đông y tại Việt Nam cũng sử dụng nhựa bồ-đề làm vị thuốc chữa ho, long đờm, chữa trúng hàn…  Vì vậy, các chuyên gia của Dự án Biotrade SECO và Biotrade EU đã thuyết phục chính quyền một số địa phương thiết lập chuỗi giá trị sản phẩm nhựa bồ-đề, kết nối doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu sản phẩm này sang Pháp.
    Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết, toàn tỉnh Lào Cai có gần 4.000ha rừng cây bồ-đề. Bồ-đề rừng ở Lào Cai cũng có lá hình trái tim và đặc trưng sinh học giống với cây bồ-đề ở Ấn Độ. Nhưng do mọc thành rừng ken dày từ xưa, nên để có đủ ánh sáng sinh trưởng, chúng phải vươn lên cao. Vì vậy, bồ-đề rừng ở Lào Cai có thân thẳng và rất cao, chứ không xù xì gốc to như bồ-đề Ấn Độ. “Khi Helvetas đến đặt vấn đề cho người dân được khai thác nhựa cây bồ-đề, chúng tôi ngạc nhiên, vì trước đó chưa từng biết rằng loài cây này cho thứ sản phẩm có giá trị như vậy. Nhận thấy đây là sinh kế đem lại thu nhập cho người dân, muốn ngăn chặn được việc người dân vào rừng tự nhiên lấy gỗ thì phải tìm sinh kế cho họ, nên Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai rất đồng tình”, ông Minh nói. Được biết, năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt Quyết định số 626/QĐ-UBND về thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng, cải tạo rừng bồ-đề lấy nhựa, tăng thu nhập từ rừng trồng”.
    Duyên lành với lá bồ-đề
    Nghe danh kỳ nhân Lê Nguyên Vỹ từ lâu, nhưng mãi tới năm vừa rồi đến thành phố Đà Nẵng, tôi mới có dịp được gặp ông. Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ từng được mệnh danh “Người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam” vào năm 2007. Trên thế gian, đá tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu, người đời sử dụng cụm từ “nồi đồng, cối đá” để ngợi khen những vật dụng có độ bền cao. Trong khi lá cây, đóa hoa là biểu trưng của sự phù sinh, nhanh tàn tạ héo úa. Ấy vậy mà, từ 5 năm trở lại đây, ông Lê Nguyên Vỹ bỗng nổi như cồn với việc khai sinh ra loại hình nghệ thuật rất lạ, trước đó chưa từng xuất hiện trên thế giới, đó là nhiếp ảnh trên lá. Tôi thắc mắc: in ảnh trên lá, khi lá mục, thì ảnh cũng không còn. Làm sao giúp khách hàng giữ được kỷ vật lâu bền? Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ khẳng định: “Nhìn đơn giản nhưng những bức diệp ảnh này có thể giữ màu sắc nguyên gốc trong thời gian hơn 100 năm. Tôi làm cho khách và có thể bảo hành vĩnh viễn nghĩa là cả đời không phai màu ảnh”.
    la binh ngo dai cao tieng Viet.jpgNguyễn Trãi và Bình Ngô đại cáo – tác phẩm diệp ảnh của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ
    Cơ duyên nào đã đưa người nghệ nhân đến với diệp ảnh? Ông Lê Nguyên Vỹ kể: Tôi nhiều lần đến vãn cảnh những ngôi chùa, thấy người ta ép plastic những chiếc lá bồ-đề rồi bán cho khách. Lá bồ-đề khô đó được người đi lễ chùa mua rất nhiều, họ coi là kỷ vật linh thiêng. Vậy là, tôi nảy sinh ý tưởng in ảnh của khách hàng, hoặc ảnh tượng Phật vào chiếc lá bồ-đề, tin rằng sẽ khiến khách hàng thích thú.
    Nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện vô cùng trầy trật. Ông đến chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà, xin những chiếc lá bồ-đề đem về phơi khô, sau đó truyền ảnh lên. Nhưng in ảnh lên lá khô, ảnh rất mờ, hình ảnh nhòe nhoẹt. Là người am tường nhiều kiến thức khoa học, ông đem áp dụng vào phát kiến mới của mình nhưng ban đầu không cho ra kết quả như mong đợi. Có lúc, ông đã định từ bỏ việc làm này. Nhưng bỗng một đêm trước khi ngủ, vắt tay lên trán suy nghĩ miên man về những điều được biết, được học từ nhà chùa, về giáo lý nhà Phật, ông nghĩ về sắc giới, về vô sắc giới, và hoại sắc. Với nghề nhiếp ảnh, điều lưu tâm chú trọng nhất chính là màu sắc. Điều này, dường như đối nghịch các nhà tu hành trong chùa, họ coi vô sắc giới, hay “hoại sắc” mới là những màu sắc cao quý nhất và trường tồn nhất. Vì vậy, các nhà sư thường mặc trang phục được may bằng những loại vải nhuộm màu hoại sắc. Lá cây luôn màu xanh là do có diệp lục, tức là có gam màu mạnh, vì vậy in hình ảnh lên lá sẽ khó bắt hình. Ngay cả lá bồ-đề khi đã phơi khô, nhưng vẫn còn thịt lá màu vàng, rất khó dính bắt những sắc màu thế tục. Bỗng dưng trong đầu nảy ra ý nghĩ, phải làm cho lá bồ-đề trở nên hoại sắc hoàn toàn trước khi truyền ảnh. Và, hình ảnh Đức Phật lung linh hiện lên trên chiếc lá trong suốt đưa ông vào giấc ngủ.
    “Hôm sau thức dậy, tôi thử ngâm lá bồ-đề vào các chất khác nhau như axit, kiềm… nhưng đều không như ý. Bất chợt nhớ đến những chiếc lá trong ao làng thuở nhỏ. Lá rụng xuống ao, sau thời gian mục rữa ra. Vậy là chỉ đơn giản thôi, ngâm vào nước và chờ đợi. Chờ đến một tháng sau, chiếc lá bồ-đề đã vô màu, chỉ còn những phiến trong suốt, với những chiếc gân lá rất mảnh. Với những chiếc lá đã xử lý triệt để phần “thịt lá” này, sau đó dùng công nghệ kỹ thuật số để đưa ảnh lên lại cho kết quả như kỳ vọng, ảnh có vẻ đẹp khác lạ so với in ảnh lên mọi vật liệu khác. Công đoạn phóng ảnh lên lá mất từ 4 đến 6 ngày nữa mới cho ra một tác phẩm”, ông Vỹ chia sẻ.
    Năm 2013, ông Vỹ cho ra đời những tác phẩm diệp ảnh đầu tiên, được nhiều người thích thú đón nhận. Ông xin một cành từ cây bồ-đề ở chùa Linh Ứng Sơn Trà đem về giâm trồng, đến nay đã có cây bồ-đề xanh tốt trước cửa nhà để làm nguyên liệu cho công việc sáng tác diệp ảnh.
    Năm 2017, thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi “Thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ APEC 2017”, nhằm tìm ra những sản phẩm độc đáo để làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia và các quan khách đến dự Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Tác phẩm ảnh voọc chà vá trên gân lá bồ-đề của ông Lê Nguyên Vỹ đã đoạt giải 3 tại cuộc thi này, và được lựa chọn vào những sản phẩm để tặng các nguyên thủ quốc gia tại APEC 2017.
    Đến nay, cơ sở của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ đã thực hiện hàng chục nghìn tác phẩm diệp ảnh trên lá bồ-đề. Cùng với những ảnh chân dung được thực hiện theo nhu cầu của khách hàng, ông còn sáng tác vô vàn những tác phẩm diệp ảnh đa dạng từ phong cảnh, cuộc sống đời thường đến sự kiện, nhân vật lịch sử… Như ảnh Bác Hồ, chân dung văn nghệ sĩ, những doanh nhân Việt Nam, 12 con giáp. Đặc biệt có hàng trăm tác phẩm in hình Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ-tát Quán Thế Âm, Di Lặc, cảnh chùa… đã được ông thực hiện rất độc đáo, mang tính mỹ thuật cao.
    Tháng 11-2018, khi Tổng thống Ram Nath Kovind của Ấn Độ đến thăm Đà Nẵng, ông Lê Nguyên Vỹ đã được đặt hàng làm tác phẩm diệp ảnh gia đình Tổng thống Ấn Độ in trên vân lá bồ-đề để làm quà tặng cho yếu nhân này. Tác phẩm được tạo nên từ 30 chiếc lá bồ-đề, nhiếp truyền từ tấm hình chụp gia đình Tổng thống Ấn Độ được gửi về từ Văn phòng Tổng thống. Những chiếc lá được ghép lại với nhau, tạo nên bức ảnh gần như trong suốt, nhìn được 2 mặt và ép giữa lớp kính trang trọng. Món quà này độc đáo không chỉ ở loại sản phẩm chưa từng được sản xuất ở các nước khác trên thế giới, mà còn bởi lá bồ-đề có ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện sự bền vững, thông tuệ, hoan hỷ và an lạc. Ông Vỹ cũng từng thực hiện diệp ảnh Quốc vương Norodom Sihamoni (Campuchia) và Phó Thủ tướng Lào để làm quà tặng cho những chính khách này. Ông Vỹ cũng thực hiện diệp ảnh vợ chồng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với hình ảnh in trên lá toát lên khí chất của vị nguyên thủ song không kém phần mộc mạc, chân phương. Tác phẩm này được Thủ tướng rất thích thú.
    Không ngừng tìm tòi, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo, thời gian gần đây, ông Vỹ còn thử nghiệm phóng ảnh trên các loại lá khác, từ lá sa kê, lá bàng, lá de đỏ hay lá phong có ở Đà Lạt. Tuy nhiên, dường như chỉ có lá bồ-đề là vật liệu tốt nhất để thực hiện diệp ảnh. “Lá bồ-đề Ấn Độ khác so với các lá loại lá khác ở chỗ hệ số phân hủy giữa xương và cơm lá khác nhau nên có thể tách cơm lá khỏi vân để tạo ra chất liệu đặc biệt. Tôi đang tìm những loại lá có diện tích lớn hơn để thực hiện ước mơ in chân dung những bậc tiền nhân của dân tộc, những bài thơ tuyệt tác của nhân loại vào lá. Thế nhưng, vẫn chưa tìm được loại lá nào tốt như lá bồ-đề”, ông Vỹ cho hay.
    phu nu Dao.jpg
    Tác giả (áo trắng) với những phụ nữ Dao ở huyện Văn Bàn dưới tán cây bồ-đề

    Bài, ảnh Chu Minh Khôi
    (Giác Ngộ xuân Canh Tý)

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều