Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác
    HomePhật Giáo Quốc TếPhật giáo nước ngoàiLời khuyên của nhà sư Thái Lan về ứng phó dịch bệnh

    Lời khuyên của nhà sư Thái Lan về ứng phó dịch bệnh

    Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành nhiều nơi trên toàn thế giới, mỗi ngày đều có thêm người nhiễm mới và tử vong. Ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia có sự bùng phát mạnh của dịch bệnh Covid-19 là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines,…
    Tại Thái Lan, Chính phủ đã thông báo tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia đối với dịch bệnh Covid-19 vào ngày 26-3 qua và bắt đầu triển khai phong tỏa rộng rãi nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh chết người này.
    hh 1.png
    Các nhà sư Thái Lan mang thiết bị phòng hộ tự chế khi đi khất thực – Ảnh: AFP
    “Thái Lan đang ở giai đoạn bước ngoặt của sự bùng phát và diễn biến của dịch bệnh có thể sẽ tồi tệ hơn. Thực thi các giải pháp mạnh mẽ và cứng rắn để giảm lây nhiễm là điều quan trọng cần làm”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha phát ngôn vào ngày 25-3, theo Bloomberg.
    Hiện Thái Lan đã đóng cửa các biên giới, không tiếp nhận du khách nước ngoài, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các loại hình kinh doanh không thiết yếu cho đến hết tháng 4. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu tất cả cửa hàng tại thủ đô Bangkok ngừng hoạt động kể từ ngày 2-4 và toàn bộ công viên trong thành phố sẽ đóng cửa đến cuối tháng 4.
    Chư Tăng cùng phòng chống dịch và lời khuyên từ một nhà sư
    Trước sự đe dọa của dịch bệnh tại xứ sở Chùa Vàng, từ cuối tháng 3, chư Tăng chùa Chak Daeng (gần thủ đô Bangkok) đã tiến hành may khẩu trang phòng dịch từ rác thải nhựa tái chế. Những chiếc khẩu trang đặc biệt của nhà chùa tặng người dân trong mùa dịch mang theo những thông điệp khuyến khích thực hành lời dạy của Đức Phật mỗi ngày để giữ cho thân tâm được bình an trước dịch bệnh.
    Cách đây vài ngày, chùa Matchantikaram (tỉnh Nonthaburi, phía Bắc Bangkok) cũng thu hút sự chú ý của truyền thông sau khi chư Tăng chùa này học cách tự chế các thiết bị bảo hộ, hạn chế lây truyền dịch bệnh từ kênh xã hội YouTube. Đó là những chiếc khẩu trang có màu vàng sậm, các tấm nhựa che mặt trong suốt – được các nhà sư sử dụng khi đi khất thực, một sinh hoạt truyền thống thường nhật của chư Tăng tại Thái Lan.
    Và cũng trên tinh thần nhập thế của Phật giáo, sư Phra Paisal Visalo, trụ trì chùa Pasukat (tỉnh Chaiyaphum) với 37 năm thực hành theo truyền thống tu học trong rừng cũng có những lời khuyên sâu sắc dành cho người dân Thái Lan trước dịch bệnh.
    Theo sư Phra Paisal, trên nền tảng của sự thực hành giáo lý Phật-đà trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người giữ cho mình sự bình tâm, tái nạp năng lượng; từ đó có thể nhìn thấy những cơ hội rèn luyện, tu tập quý báu ngay trong cơn khủng hoảng này.
    hh.jpg
    Sư Phra Paisal có 37 năm thực hành theo truyền thống tu học trong rừng, chia sẻ về dịch bệnh
    “Hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm lời dạy của Đức Phật và sự thực hành Phật pháp mang lại cho cộng đồng những giá trị thiết thực. Thực hành chánh niệm, lòng từ bi và tùy thuận nhân duyên – cụ thể là không phản kháng và có thái độ tiêu cực với thực tế bất như ý, là những gì người Phật tử cần làm trong lúc này.
    Từ sự thực hành đó, nỗi lo sợ về dịch bệnh sẽ dần lắng dịu và mỗi người có thể tái tập trung, ‘hiệu chuẩn’ lại bản thân mình bởi nỗi bất an về dịch bệnh dường như đang chiếm ngự toàn bộ giác quan và cảm xúc của tất cả mọi người hiện nay”, sư Phra Paisal chia sẻ.
    Hiểu về bệnh tật và hành động có ý thức hơn
    Trong quá khứ, nhân loại từng cho rằng mình đã chiến thắng các loại virus vì con người tiến bộ khám phá thành công thuốc kháng sinh và điều chế được vắc-xin ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 gây kinh hoàng cho toàn nhân loại, kể cả các cường quốc hàng đầu thế giới, chúng ta cần hiểu rằng con người sẽ phải tiếp tục chung sống với các loại bệnh truyền nhiễm dưới nhiều dạng thức khác nhau.
    Trước đây, khi dịch bệnh chưa xuất hiện và ảnh hưởng đến đời sống, mỗi người có thể tự do sử dụng đôi bàn tay theo ý thích riêng của mình mà không cần để tâm gì cả. Trái lại, giờ đây chúng ta không thể tùy tiện chạm tay lên các bộ phận trên vùng mặt của mình – để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân. Ngoài ra, mỗi người phải đảm bảo đôi tay mình luôn sạch sẽ. Rửa tay trong chánh niệm giúp chúng ta có ý thức cẩn trọng hơn, cũng là cơ hội rèn luyện để tỉnh thức trong cuộc sống hàng ngày.
    Chánh niệm để nhận thức đúng và hành động đúng
    Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần tìm ra sự cân bằng giữa “thái độ không quan tâm và sự bất an”. Mỗi người đều biết rằng virus Corona chủng mới này không chỉ nguy hiểm cho cá nhân mà còn đang lây lan trong cộng đồng và gây hại cho tất cả mọi người; đặc biệt là người cao tuổi và người có sức đề kháng yếu. Nỗi sợ hãi tràn lan khắp nơi đôi khi khiến chúng ta trở nên ích kỷ và có thái độ không đúng mực hay kỳ thị đối với người không may nhiễm bệnh.
    Do vậy, đồng thời với việc nhận thức đầy đủ về bệnh dịch, mỗi người cũng cần hành động tích cực để đối phó bệnh dịch này – không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ thể và ngăn chặn nỗi sợ hãi xâm chiếm tinh thần chúng ta.
    Cơ hội để mở rộng tấm lòng, tương trợ nhau
    Mỗi người chúng ta hãy biết ơn vì có rất nhiều cá nhân, đoàn thể đang là tình nguyện viên tại các bệnh viện. Nhiều câu chuyện thiện nguyện xúc động đã được lan tỏa khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Trong số đó, nhiều tài xế tình nguyện đưa đón nhân viên y tế tại các bệnh viện để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp tục quay lại làm việc.
    Những thiện nghiệp này bắt đầu từ một vài cá nhân và nhanh chóng nhân lên khi được sự tiếp sức của cộng đồng. Từ một cá nhân, tinh thần chia sẻ có thể phát triển và lớn mạnh – điều vô cùng cần thiết trong thời gian khủng hoảng hiện nay.
    Đối diện với dịch bệnh, mọi người có cơ hội giúp đỡ nhau giảm thiểu các hành vi vị kỷ và tư lợi, làm tăng trưởng ý thức tương trợ trong mỗi người. Đặc biệt, chúng ta cần giữ kết nối tinh thần với nhau, khuyến khích nhau biểu hiện sự tốt đẹp bên trong mình và cũng để giúp đỡ người khác.
    Sư Phra Paisal Visalo sinh năm 1957, luôn tích cực tham gia các hoạt động sinh viên, bảo vệ nhân quyền trước khi trở thành tu sĩ vào năm 1983. Ngoài việc gắn bó với nhiều hoạt động Phật giáo nhập thế, sư còn chấp bút và biên tập nhiều quyển sách về chủ đề môi trường – Phật giáo cũng như tổ chức các khóa tu thiền, các khóa học về phi bạo lực.
    Đồng thời, sư là người đồng sáng lập Tổ chức Sekiyadhamma – Mạng lưới Các nhà sư Nhập thế tại Thái Lan, kiêm cố vấn của Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) có trụ sở tại Bangkok. Gần đây, sư được Quỹ Nippon (Nhật Bản) trao tặng Giải thưởng Trí tuệ Cộng đồng châu Á vì những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
    Đăng Minh
    (theo The Buddhist Door)

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều