Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024
Khác
    HomePhật HọcKinh- luật- luậnKinh Vu Lan Bồn có phải là kinh ngụy tạo?

    Kinh Vu Lan Bồn có phải là kinh ngụy tạo?

    Hiện trạng, rất nhiều nhà nghiên cứu Phật học đã và đang chủ trương các kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo, chỉ nên tin Kinh Nikaya của Phật Giáo Nguyên Thủy là tài liệu gốc. Đây là vấn đề quan trọng trong đạo Phật, dễ làm chia rẽ, hoang mang trong giới Phật tử, cũng như sụp đổ những truyền thống quý báu lâu đời, mà chúng ta cần nhìn nhận lại.
    Sở học chúng tôi rất tồi, thậm chí là quá dốt nát thiển cận để bàn đến vấn đề sâu rộng, có liên quan đến sự tồn vong của chánh pháp. Tuy nhiên, với trách nhiệm là người con Phật, không thể nhắm làm ngơ. Chỉ mong trình bày chút tâm tư của mình, rất mong chư vị cao minh lượng thứ.
    Tuy đây, không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng nếu không đủ chánh kiến, dễ làm hàng Phật tử sơ cơ đứng ở ngã ba đường. Điều thúc giục, chúng tôi đặt bút viết bài này, là do đọc được lập luận của một số vị thức giả dựa vào lời của Hòa Thượng Tuyên Hóa cho rằng: “Kinh Vu Lan Bồn là Ngụy Kinh”. Thử nghĩ, điều ấy có nên chăng?
    Trước hết, chúng ta cần xác định một quan điểm rõ ràng Kinh Phật là con đường đưa đến sự giải thoát khỏi khổ đau do phiền não mang lại. Đức Phật là bậc thầy chỉ đường, vì chúng sanh có nhiều căn cơ khác nhau nên, đức Phật nói ra nhiều phương tiện để dẫn dắt. Dù kinh điển thuộc bất kỳ truyền thống Phật giáo nào, cũng chỉ là con đường đưa đến sự giác ngộ, mục đích của đức Phật thuyết giáo là để chúng ta ứng dụng sao cho có an lạc, chứ không phải để luận bàn. Bởi, “bánh vẽ không thể no bụng đói” hay dễ lầm “ngón tay chỉ trăng” mà cho là cứu cánh.
    Không lo từ bỏ tham, sân, si mà ngồi đó luận bàn, kinh này đúng, kinh kia sai, cũng chỉ làm mất thời gian, lỡ duyên học Phật và làm kẻ chăn bò thuê mà thôi, rốt không có lợi ích chân thật. Đó là cái bệnh: “ngoài mồm nói suốt trăm phần diệu, dưới đất không ly một điểm trần”. Cho nên, Kinh Phật chỉ là Phương tiện.
    Dù trách nhiệm của nhà nghiên cứu là biện biệt thị phi, nhưng một khi chưa thực chứng làm sao đủ trí tuệ mà dám bảo các kinh đại thừa như Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Viên Giác, Di Đà… cho đến Bát Kỉnh Pháp không phải là lời Phật dạy, do người sau bịa ra, không đáng tin cậy?
    Nhưng thử hỏi kinh điển Nam Truyền có hoàn toàn do Phật thuyết, trong Kinh A Hàm, vẫn có những bản kinh đức Phật dạy, ngài Xá Lợi Phất, hay các vị Thánh Tăng thuyết pháp thay ngài. Đến như nguồn gốc của các bộ A Tỳ Đàm vẫn bị gán cho là do đức Phật giảng cho thân mẫu của ngài trên trời Đao Lợi, nhưng thực chất là do các luận sư dựa vào kinh điển biên soạn.
    Đó là lý do tại sao có Tam Pháp Ấn: “Khổ, Vô Thường, Vô Ngã”. Nghĩa là Kinh điển không nhất định do Phật thuyết mà là chư Bồ Tát, Thánh Tăng, Chư Thiên … nói ra không sai với ý Phật thì vẫn là chân lý. Thí như thuở quá khứ, đức Phật khi hành Bồ Tát Đạo còn phải xả thân để nghe nửa bài kệ: “Các hành vô thường, là pháp sanh diệt” do quỷ La Sát thuyết. Nên chẳng thể cố chấp, cho rằng không phải Kinh Nikaya là Ngụy Kinh là vô lý.
    Phật giáo Đại Thừa thuyết minh nghĩa không, tức là vô ngã, vô ngã sở. Còn truyền thống của Kim Cang Thừa, được tin rằng, truyền trực tiếp từ Phật Pháp Thân Kim Cương Tát Đỏa cho Bồ Tát Long Thọ. Tuy nhiên mọi giáo nghĩa đều không ngoài mục đích giải thoát sanh tử luân hồi, được thoát thai từ Phật Giáo Nguyên Thủy, vậy chẳng lẽ cho là hư ngụy ư?
    Cho nên, tất cả truyền thống Phật giáo, chỉ gặp nhau trên mặt giải thoát tham, sân, si là cốt yếu. Như đức Phật nói, giáo pháp của Như Lai thí như biển lớn cũng chung một vị mặn giải thoát. Như vậy, chúng ta có thể nói lời nào đúng với ý của Chư Phật, mang lại lợi ích cho chúng sanh, cho chư thiên cho loài người thì chắc chắn không phải là hư ngụy.
    Ở đây, chúng có thể bàn chi tiết thực trạng bài bác một số bộ kinh đại thừa. Trước hết, phải kể đến Kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm chỉ rõ Phật Tánh, bốn giới pháp căn bản và năm mươi ấm ma. Điều ấy, chẳng khác nào gương chiếu yêu đang lẫn lộn trong tín chúng Phật tử và ngoại đạo, tà giáo. Làm nhiều người cảm thấy không chịu được vì mọi lầm lỗi của họ bị phô bày.
    Cư Sĩ Âu Dương Cách Vô viết Lăng Nghiêm Bách Ngụy để phản bác. Họ cho rằng, kinh này hỗn hợp tư tưởng Tam Giáo Đồng Nguyên.
    Đâu hay, nghĩa không của Lão Tử chỉ làm chạm đến cái Không Phi Diệu Hữu, còn Nho Giáo chỉ bàn đến lẽ Diệu Hữu bỏ chơn không, rất cạn cợt, so với lý Chơn Không Diệu Hữu của Phật giáo. Sao có thể nói tư tưởng Thiền Tông, Không Tánh, Phật Tánh của Đại Thừa là bị pha trộn kia chứ? Có chăng do áo nghĩa thâm sâu nên dễ dàng gom chứa, giảng trạch, bổ sung cho các học phái khác.
    Đối với bốn giới trọng, tất nhiên thiên ma ngoại đạo không thể giữ, lại bị thần chú Lăng Nghiêm khắc trừ nên chúng muốn phá hoại đã đành, tuy nhiên đối với các hành giả đại thừa kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ về quả báo ăn thịt và hành tỏi ( Ngũ Vị Tân) nên chẳng thể đắc chánh đạo.
    Việc này liên quan đến giới luật các truyền thống, khiến cho nhiều vị không đồng tình. Bởi giới cấm ăn thịt và ngũ vị tân chỉ có trong Giới Bổn Bồ Tát ( Kinh Phạm Võng) của Đại Thừa, trong luật Thanh Văn ( Sa Di, Sa Di Ni, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni) và Bồ Tát Giới của Mật Tông Tây Tạng hoàn toàn không có. Nghĩa là họ vẫn ăn mặn bình thường. Nên đa số cho đây là bịa đặt. Nhưng tất cả kinh đại thừa đều có liên quan mật thiết với nhau. Nên bác một kinh đại thừa là bác tất cả kinh khác, vì tư tưởng dung thông vậy.
    Về hiện tượng ăn thịt, trong kinh Lăng Già, đức Phật dạy, do căn cơ chúng sanh chưa thuần thục, nên lúc đầu, thịt mà các thầy Tỳ Kheo khất thực được là do đức Phật biến hóa ra, chứ không phải thịt thiệt. Nên quý thầy y theo Tam Tịnh Nhục, Ngũ Tịnh Nhục thì không phạm, còn đến thời Phương Đẳng đức Phật cấm ăn thịt hoàn toàn.
    Thiết nghĩ, tùy theo chúng ta tu tập theo truyền thống Phật giáo nào, thì giữ trọn vẹn theo truyền thống đó. Riêng hành giả đại thừa, hành Bồ Tát Đạo, lấy từ bi làm đầu thì chẳng thể ăn thịt chúng sanh. Còn ăn thịt chúng sanh mà đòi làm Phật thì vô lý.
    Việc không ăn hành tỏi là ngừa tâm lý tham dục và sân hận cho hành giả, hoàn toàn phù hợp với y học. Nên tất cả những gì Phật chế đều có lý do vậy, chúng ta chưa thành Phật, thì đừng vội bác. Vì nhân quả phỉ báng Tam Bảo rất khó lường.
    Đến kinh A Di Đà, nhiều vị theo truyền thống Nguyên Thủy và Thiền Tông không tin có Phật A Di Đà, cho rằng đây là sản phẩm của Phật Giáo Trung Quốc bịa ra. Chúng ta khoan nói đến vấn đề tu chứng, riêng nguồn gốc của kinh này có truyền bản tiếng phạn trước khi đến Trung Hoa hẳn hoi.
    Chỉ vì pháp Niệm Phật Tam Muội ở Ấn Độ không được thịnh hành như sự xiển dương của tổ Huệ Viễn bên Trung Quốc, nên Tịnh Độ Tông chỉ là đặc trưng của Phật Giáo Đại Thừa Trung Quốc, chứ không phải là do chư Tổ bịa ra, vì đức Phật A Di Đà được nhắc đến trong các bộ luận của ngài Long Thọ và Mã Minh.
    Tất cả kinh điển đại thừa như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, đều đề cập đến cõi tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Nên chẳng thể nào bác một kinh Đại thừa để tin các kinh còn lại. Cảnh giới của chư vị A La Hán, không thể sánh ngang đức Phật Thích Ca, nên không thấy được các cõi Phật khác, như cõi Phật A Di Đà, vì vậy không tin Tịnh Độ là đúng theo trình độ thần thông và trí tuệ của quý ngài.
    Nên kinh này, không ai hỏi mà đức Phật tự thuyết, hơn nữa là thuyết cho Tôn Giả Xá Lợi Phất là vị A La Hán Trí Tuệ Đệ Nhất. Còn chư vị Thiền sư xiển dương lý “Duy Tâm Tịnh Độ” mà không tin cõi Phật Di Đà là vô lý. Bởi chẳng có gì ngoài tâm mình.
    Phủ nhận hiện tượng mà phát minh bản chất là rơi vào chấp không, chư vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, tổ sư Long Thọ, Mã Minh … đều phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ, chưa kể từ xưa đến nay, người niệm Phật vãng sanh rất nhiều, ta là ai mà dám bài xích?
    Kinh Pháp Diệt Tận nói: “Vào thời mạt pháp, kinh Lăng Nghiêm diệt trước, cuối cùng đến kinh A Di Đà”. Diệt ở đây là không còn người tu chứng. Nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng, dù tu pháp môn nào, cũng là bỏ ác, làm lành, tịnh tâm; tức bỏ tham, sân, si, tu giới, định, tuệ, đạt đến Vô Ngã Niết Bàn. Vậy hơn thua, cãi vã xem kinh nào đúng sai được ích gì, có chăng là thị phi điên đảo?
    Nhiều năm trước, có vị cho rằng Bát Kỉnh Pháp là ngụy tạo. Ni giới một số nơi dấy lên phong trào đòi quyền bình đẳng, bỏ Bát Kỉnh Pháp. Họ quên mất Bát Kỉnh Pháp là sự thành tựu giới thể của một Tỳ Kheo Ni, bỏ Bát Kỉnh Pháp, thì không còn là vị Tỳ Kheo Ni như pháp.
    Bên cạnh đó, có lẽ họ đang ngộ nhận về lý bình đẳng. Bình đẳng không có nghĩa là san bằng ai cũng như ai, mà là có làm có hưởng, làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng nhiều, không làm không hưởng. Trong bình đẳng luôn luôn có sự phân biệt, chúng ta cần hoàn thành tốt vai trò mà xã hội phân công, chứ chẳng thể đòi ai cũng giống như ai.
    Do đó, bình đẳng là chiếu theo nhân quả. Huống chi Bát Kỉnh Pháp đức Phật chế ra vì bảo vệ và giúp đỡ Ni chúng thuận lợi tu tập, nhằm đối trị tâm lý kiêu ngạo của nữ giới, cũng như bảo vệ phạm hạnh của họ, chứ không vì hoàn cảnh xã hội, hay đối xử phân biệt.
    Nhiều vị căn cứ theo việc Thiền Sư Ni Liễu Nhiên ở Mạt Sơn khai ngộ cho vị Hòa Thượng Quán Khuê Nhàn, bèn sanh tâm ỷ lại. Đâu hay Long Nữ trong Kinh Pháp Hoa bay qua cõi nước Vô Cấu chuyển thành thân nam mới đặng thành Phật? Người tu càng cao, càng thấy mình nhỏ bé, một mực khiêm cung, chứ đâu thể bỏ tất cả sự tướng mà thành Phật.
    Tất cả chư vị Tổ sư phiên dịch, truyền bá kinh điển đại thừa đều là Bồ Tát, Thánh Tăng. Như Pháp Sư Cưu Ma La Thập phát nguyện: “Nếu những gì con dịch, không sai với ý Phật, nguyện lúc mất để lại xá lợi lưỡi”. Sau này đúng như vậy. Nên những ai chủ trương bài bác kinh luật đại thừa là con đường thẳng tắt nhất xuống địa ngục.
    Bàn về Kinh Vu Lan, nếu chỉ căn cứ vào lời Hòa Thượng Tuyên Hóa mà cho là kinh Ngụy Tạo thì không hẳn như vậy. Hòa Thượng là một bậc thánh tăng, rất đáng tôn kính, ngài nói theo cái lý của ngài, như Hòa Thượng Hư Vân, cũng đề cập đến Ngô Thừa Ân sáng tác Tây Du Ký là để bài xích Phật giáo.
    Nhưng đến nay, ai cũng thấy được cái giá trị thâm thúy của Tây Du Ký mà bỏ qua mục đích ban đầu của nó. Công chúng mặc nhiên thừa nhận là tác phẩm văn học trong Phật giáo. Do đó, nhìn ở góc độ khác, độc lập hơn chúng ta có quyền tin Kinh Vu Lan là lời Phật dạy. Vì Sao?
    – Dù có thể Bồ Tát Mục Kiền Liên không xuống địa ngục cứu mẹ, mà đó là sản phẩm của sự tiếp biến văn hóa như nhiều người đề cập, nhưng đạo Phật là đạo hiếu. Trong Phạm Võng Bồ Tát Giới nói; “Hiếu là giới”. Cho nên, kinh Vu Lan, chủ trương hiếu đạo, thì chắc chắn là kinh Phật.
    – Kinh Vu Lan thiết lập truyền thống dân tộc là mùa Vu Lan Báo Hiếu vào rằm tháng 7 hàng năm ở Việt Nam cũng như các nước Phật Giáo Đại Thừa, giữa lúc đạo đức đang bị xối mòn, không ai có quyền bài bác một cơ sở của truyền thống văn hóa lớn như vậy. Đó là nguy cơ xóa bỏ văn hóa Phật giáo.
    – Sự đọa địa ngục của bà Thanh Đề là do nghiệp báo. Mục Liên cứu mẹ thoát nạn không trái với lý: “Nhất nhân thành đạo cửu huyền thăng”.
    – Thỉnh năm trăm vị A La Hán tức là nhấn mạnh sự hợp lực của Tăng Chúng. Đây là căn nguyên noi theo cúng dường Trai Tăng để báo hiếu ân nghĩa sanh thành. Không thể phá nát niềm tin cúng dường Tăng Bảo của Phật tử.
    Kiến thức chúng ta tiếp thu từ rất nhiều nguồn khác nhau, nên chẳng thể đứng ở một góc độ mà phán xét. Thí như việc Kinh Tứ Thập Nhị Chương được dịch tại đâu là một vấn đề. Với tinh thần tự hào dân tộc, chúng ta có quyền nói, Kinh Tứ Thập Nhị Chương được dịch tại Trung Tâm Văn Hóa Luy Lâu Giao Chỉ, tức Bắc Ninh, Việt Nam. Tuy nhiên, do lúc ấy, nước ta đang bị nội thuộc Trung Quốc, nên Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng kinh này được dịch sớm nhất ở Trung Hoa. Nên giữa việc tu chứng và kiến thức bên ngoài vẫn là hai vấn đề có thể bổ sung, tương trợ cho nhau, nhưng cũng có thể không dính gì đến nhau.
    Như Hòa Thượng Tuyên Hóa từng bác ngài Milarepa của Phật giáo Tây Tạng, tuy nhiên chúng ta không có quyền nói ngài phỉ báng Tổ sư Milarepa hay bất kính với ngài, mà phải hiểu cảnh giới của chư Bồ Tát có rất nhiều tầng bậc. Nên việc quý ngài là Bồ Tát không biết được cảnh giới của nhau là bình thường. Các ngài luôn chân thật ngữ, nói đúng như cái thấy của mình. Còn việc của chúng ta là học hỏi, tư duy và chắt lọc. Vì vậy, không thể vịn vào lời dạy Hòa Thượng Tuyên Hóa rồi nói Kinh Vu Lan là ngụy tạo.
    Tất cả lời ngài dạy, đều vì để khai thị trong một hoàn cảnh, đối cơ nào đó. Với chúng tôi luôn giữ lòng tôn kính với ngài. Tuy nhiên những giá trị nào tốt đẹp trong Phật giáo đã được thừa nhận vì lợi ích của chúng sanh thì không nên bác bỏ.
    Như vậy, với cái nhìn riêng của chúng tôi, kinh Vu Lan không phải là ngụy tạo. Tất cả kinh điển Đại Thừa khác cũng vậy. Dù có chết đi nữa, chúng tôi cũng tin như vậy. Chỉ hổ thẹn cho mình không hiểu thấu và thực hành trọn vẹn. Vì chẳng ai có trí tuệ hơn Phật, để nói ra các kinh điển tuyệt tác ấy. Cũng chưa ai thật sự thành Phật, trong giai đoạn này để hiểu hết những gì Phật dạy.
    Chỉ một chữ nhẫn thôi đức Phật dạy, chúng ta làm chưa rồi, thì có thời gian đâu để luận bàn? Mục đích học Phật của chúng ta là giải thoát phiền não. Ngay khi, chúng ta biện bác kinh này ngụy tạo, kinh kia chân thật, cũng đã rơi vào phiền não mất. Chỉ cần giữ mình trong sạch, dẹp bỏ tham, sân, si thì tâm kinh hiển lộ, đó mới là bản kinh chân thật nhất. Là nơi xuất phất tất cả kinh điển Phật giáo.
    Cuối cùng chúng tôi rất mong, mỗi truyền thống Phật giáo nên tự giữ lấy truyền thống của mình, cùng vun đắp và gìn giữ cho nhau vì lợi ích chúng sanh.
    Thích Như Dũng

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều