Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác
    HomeTin TứcTin tứcKhởi công tu bổ, tôn tạo chùa Ngoạ Vân - Nơi đức...

    Khởi công tu bổ, tôn tạo chùa Ngoạ Vân – Nơi đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật

    Ngày 13/12, UBND TX Đông Triều và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức nghi lễ tưởng niệm 712 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2020) và khởi công tu bổ, tôn tạo am – chùa Ngoạ Vân.

    Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Hành trình về miền Di sản – Thánh địa  Phật giáo Trúc Lâm” tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở thị xã Đông Triều.

    Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện các nghi lễ dâng hương, cầu nguyện quốc thái dân an; đồng thời cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua anh hùng của một triều đại anh hùng, người đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ non sông bờ cõi Đại Việt. Ở trên đỉnh cao danh vọng, Ngài đã nhường ngôi cho con, chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp tu hành và đã hợp nhất các dòng thiền, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt, có tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời.

    Am Ngọa Vân.

    Am Ngọa Vân.

    Vào những năm cuối đời, Ngài đã về tu hành và lựa chọn Ngoạ Vân làm nơi hoá Phật vào ngày 1/11 Âm lịch năm 1308. Vì vậy, Ngoạ Vân được tôn vinh là “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm. Lễ giỗ của Ngài giờ đây đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem là giỗ chung của các cơ sở phật giáo trong cả nước.

    - Advertisement -

    Sau các nghi lễ tưởng niệm, các đại biểu đã tiến hành lễ khởi công tu bổ, tôn tạo am – chùa Ngoạ Vân, di tích nằm trong quần thể di tích Ngoạ Vân, tương truyền là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hoá phật.

    Theo đó, việc tu bổ, tôn tạo sẽ tiến hành theo hướng quy hoạch lại toàn bộ không gian cảnh quan khu am với 3 phân khu: Bàn Cờ tiên, am tháp và khu phụ trợ. Việc tu bổ dựa trên điều kiện thực tế, với nguồn quỹ đất hiện có, tôn trọng hiện trạng địa hình và cảnh quan của khu di tích.

    Cụ thể, bảo tồn, tôn tạo mặt bằng, cải tạo và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bàn Cờ tiên với khu am tháp. Bảo tồn, tôn tạo am Ngoạ Vân, đền Thiên Sơn, hai tháp Phật Hoàng và Đoan Nghiêm, tôn tạo nhà Tổ; cải tạo không gian hành lễ và hệ thống giao thông theo hướng phân tuyến và cải tạo cảnh quan khu vực. Công trình có dự toán tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa.

    Chùa Ngọa Vân là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

    Chùa Ngọa Vân là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

    Chùa am Ngọa Vân là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, chùa – am Ngọa Vân có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

    600 năm trước, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ kinh thành, tìm về chốn non thiêng Yên Tử, tạo dựng nên Thiền phái Trúc Lâm với sức sống vượt qua các vương triều, có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần người Việt cho đến hôm nay.

    Ngọa Vân am nghĩa là “chùa nằm trên mây”. Điều đó đã mô tả đúng vị trí ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển.

    Địa thế tựa vào núi, với mây trắng bao phủ quanh năm, phía dưới chân là dòng sông Cầm nên thơ uốn lượn, khách phương xa đến Ngọa Vân như lạc vào cõi thần tiên, đều cảm thấy tâm hồn thanh tịnh.

    Tháp Phật hoàng- Nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông

    Tháp Phật hoàng- Nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông

    Di tích Ngọa Vân ngày nay là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp trên núi Bảo Đài. Lớp thấp nhất là 15 di tích dưới chân núi như: khu rừng già Tàn Lọng, Phủ Am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn, Đá Chồng, Ba Bậc… Những di tích này được kết nối với nhau bằng một con đường uốn lượn chạy dần lên đỉnh núi.

    Lớp thứ 2 của khu di tích là chùa Ngọa Vân Trung nằm ở sườn phía Nam của núi Bảo Đài. Sau khi được trùng tu xây dựng trên nền chùa cũ vào năm 2014, Ngọa Vân Trung ngày nay là một ngôi chùa khang trang với lối kiến trúc kiểu chữ Nhị (mô phỏng kiến trúc của chùa Ngọa Vân được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng) và được tạo thành bởi hai tòa chính: Tiền đường và Hậu đường. Chùa Ngọa Vân Trung cũng được xem là khu vực trung tâm của lễ hội xuân Ngọa Vân (diễn ra từ mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm). Những nghi lễ quan trọng của lễ hội như lễ hội khai xuân, lễ cầu quốc thái dân an… đều được tổ chức tại chùa Ngọa Vân Trung.

    Lớp thứ 3, cũng là lớp cao nhất của di tích Ngọa Vân, là nơi được người xưa ca tụng: “Vạn cổ anh linh tự/ Tứ thời cảnh sắc tân” (Dịch thơ: “Muôn thuở chùa linh ứng/Bốn mùa cảnh sắc tươi”). Đỉnh núi huyền ảo, quanh năm mây phủ này chính là nơi còn lưu giữ được nhiều dấu tích thiêng liêng liên quan đến những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, như chùa Ngọa Vân Thượng, Am Ngọa Vân – nơi mà theo truyền thuyết, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập cõi niết bàn trên một tảng đá lớn trong dáng nằm sư tử, Phật hoàng Tháp – nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng và Bàn Cờ tiên nằm trên đỉnh cao nhất, nhìn ra xung quanh là một vùng núi nơn sơn thủy hữu tình.

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều