Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomeĐời Sống Xã HộiKhổ về biếng nhác và ham ngủ nghỉ

    Khổ về biếng nhác và ham ngủ nghỉ

    Đức Phật dạy rằng: Nếu con người không biết hổ thẹn thì trên thế gian này không còn biết phân biệt cha mẹ, anh em, lớn nhỏ, cùng với loài cầm thú không khác. Người biết hổ thẹn là người cao thượng, liêm khiết.

    kho ve bieng nhac va ham ngu nghi

    Mục đích chính của người học Phật là mong cầu thoát ly sanh tử. Đó là việc trọng đại và cấp thiết, thân người giả tạm, mạng sống chỉ trong hơi thở, như mây trôi, như bóng nước. Vì vậy, mà chúng ta không thể chần chừ, biếng nhác.

    Con người vì không biết thật tướng của vạn pháp là vô thường, giả tạm, duyên hợp mà có nên si mê chấp thân làm ngã, rồi dẫn đến chiếm hữu, lười biếng, ăn không ngồi rồi. Cuộc sống an nhàn là điều ai cũng ưa thích và ham muốn, khi được tịnh dưỡng, nghỉ ngơi sẽ giúp ta phục hồi sức khỏe sau thời gian làm việc mệt nhọc. Nhưng nếu để cho an nhàn quá độ sẽ cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi dẫn đến nhàn quá sinh tật xấu.

    Người xưa hay nói: “nhàn cư vi bất thiện” là vậy. Ai trong chúng ta đều có căn bệnh biếng nhác (lười biếng) và ham ngủ nghỉ, không nhiều thì ít. Đó là căn bệnh mà ai cũng vướng phải, cũng chính vì nó mà tâm trí chúng ta luôn mê mờ, ngu tối. Nếu không có Bậc giác ngộ xuất hiện thì tất cả chúng sinh luôn chìm trong bóng tối vô minh, không thể nào thoát khỏi ngũ dục lục trần.

    - Advertisement -

    Để đối trị căn bệnh biếng nhác và ham ngủ nghỉ, Đức Phật dạy ba phương pháp đó là: quán vô thường, quán phiền não và phải biết hổ thẹn. Chúng ta đang sống trong biển lửa vô thường thiêu đốt thế gian, phải cố gắng đừng ham ngủ nghỉ mà đánh mất thời gian quý báu, phải tu tập pháp lành để sớm cầu tự độ. Chúng ta phải ý thức, thân người là giả tạm, chỉ từ bốn yếu tố mà thành (đất, nước, gió, lửa), mạng người chỉ trong hơi thở, thở ra mà không thở vào coi như xong một đời. Mỗi ngày trôi qua, không quay lại được, trong kinh có câu:

    “Thời gian lặng trôi qua
    Đêm ngày luôn di động
    Tuổi tác buổi thanh xuân
    Tiếp tục bỏ chúng ta”.

    Phải biết phiền não chẳng khác nào bọn giặc giết người đang rình rập chực chờ giết hại chúng ta, chẳng khác nào rắn độc đang nằm ngủ trong nhà mình có thể giết chúng ta bất cứ lúc nào. Vì vậy mà chúng ta không nên biếng nhác, ham mê ngủ nghỉ cho nhiều, phải tinh tấn dùng móc sắt của giới luật để đuổi trừ nó ra. Chừng nào nó ra rồi, thì chúng ta có thể yên giấc được. Trong kinh Bồ Tát Hạnh có câu chuyện: Khi Đức Phật ở tinh xá Kỳ Viên, có đệ tử tên là Nhị Thập Ức, ông ta rất tinh tấn dũng mãnh ngày cũng như đêm. Thời gian sau, ông khởi lên suy nghĩ, giới luật ta đứng đầu, mà sao lậu tâm ta chưa giải thoát. Vì một suy nghĩ ông đã thoái chí Bồ đề, nghĩ đến cha mẹ giàu có nhất vùng, muốn về nhà tu bố thí để được sanh thiên. Đức Phật quán xét biết được suy nghĩ của ông và cho mời đến hỏi. Khi Nhị Thập Ức tới, đức Phật không hỏi trực tiếp, bằng trí tuệ của Bậc giác ngộ, Ngài hỏi:

    – Thầy đánh đàn rất hay phải không?

    – Bạch Thế Tôn! Con biết đánh đàn. Vị Tỳ-kheo trả lời.

    – Vậy khi dây đàn căng quá thì sao?

    – Bạch Thế Tôn! Nếu dây đàn căng quá sẽ dễ đứt.

    – Còn nếu lỏng (chùng) quá thì sao?

    – Bạch Thế Tôn! Nếu lỏng quá sẽ phát ra tiếng không hay.

    Nhân cơ hội đó đức Phật dạy, tinh tấn quá mức thì tâm sẽ loạn, giải đãi biếng nhác thì tâm sẽ phóng túng, buông lung, vì thế mà vừa phải theo con đường trung đạo thì quyết đến được giải thoát.

    Thêm nữa, chúng ta phải luôn biết hổ thẹn. Có hổ thẹn, khi phạm những điều dở, không tốt, chúng ta biết xấu hổ mà không dám làm, không dám tái phạm. Cổ đức dạy: “Hổ thẹn là mẹ sinh ra muôn công đức lành”. Con người nếu không biết hổ thẹn thì còn gì nhục nhã bằng. Vì chính họ không biết xấu hổ với những hành vi bất chính, kẻ ấy việc xấu nào không dám làm. Nếu xã hội mà có nhiều người như thế, quả thật bi đát vô cùng.

    Đức Phật dạy rằng: Nếu con người không biết hổ thẹn thì trên thế gian này không còn biết phân biệt cha mẹ, anh em, lớn nhỏ, cùng với loài cầm thú không khác. Người biết hổ thẹn là người cao thượng, liêm khiết. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, trật tự mà phủ nhận tính hổ thẹn, thật là muốn có quả cam mà gieo hạt ớt. Bởi nhằm mục đích xây dựng xã hội, nên Phật giáo rất chú trọng tính hổ thẹn. Người xuất gia tu hành biết hổ thẹn tránh nơi phồn hoa, chấp nhận đời sống đạm bạc giản dị.

    Người thế tục, không biết Phật pháp, không chế phục được biếng nhác và ham ngủ nghỉ, vì thế mà họ không thành công và u mê trong tối, đó cũng là thường tình có thể tha thứ được. Còn người học Phật như chúng ta đã nguyện từ bỏ mọi ham muốn, phải y theo lời Phật dạy để chế ngự con ma biếng nhác và ham ngủ nghỉ, không thì thật đáng hổ thẹn. Nếu tinh tấn siêng tu trí tuệ, thì trí tuệ không sao không sáng tỏ, còn chán nản biếng lười ngủ nghỉ thì một việc nhỏ cũng không thành.

    Tâm Toại

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều