Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeSống ĐạoGóc suy ngẫmKhiển trách và bị khiển trách, những điều cần có.

    Khiển trách và bị khiển trách, những điều cần có.

    Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) nói với các Tỳ-kheo như sau:

    – Này, chư hiền giả, một Tỳ-kheo muốn khiển trách người khác thì trước tiên phải nắm vững năm pháp này:

    (1) Vị ấy phải suy xét: Tôi sẽ nói đúng lúc, không nói không đúng lúc;

    (2) Tôi sẽ nói đúng sự thật, không nói lời dối trá;

    (3) Tôi sẽ nói nhẹ nhàng, không nói lời thô bạo;

    - Advertisement -

    (4) Tôi sẽ nói theo cách có lợi ích, không nói theo cách làm tổn hại;

    (5) Tôi sẽ nói với tâm từ, không nói với tâm sân.

    – Này, chư hiền giả, một Tỳ-kheo khi bị khiển trách phải tự mình nắm vững hai pháp này:

    (1) Tôn trọng sự thật

    (2) Không sân hận.

    Vị ấy phải suy nghĩ như sau: “Nếu người khác khiển trách tôi – dù đúng lúc hay không đúng lúc; dù nói đúng sự thật hay sai lầm; dù nói nhẹ nhàng hay nói lời thô bạo; dù nói theo cách có lợi hay theo cách làm tổn hại; dù nói với tâm từ hay với tâm sân – tôi vẫn phải nắm vững hai pháp này: tôn trọng sự thật và không sân hận”.

    Nếu tôi biết: “Trong tôi có tính cách đó”, thì tôi sẽ nói với vị ấy: “Đúng vậy, tôi có tính cách đó.” Nếu tôi biết: “Trong tôi không có tính cách đó” ,thì tôi sẽ nói với người ấy:” Điều ấy không đúng. Trong tôi không có tính cách đó”.

    (Tăng Chi BK II, Ch V, (XVII): 167, tr 627- 628 & 631-632)

    Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

    Trong một tập thể, việc chỉ lỗi hay khiển trách người khác là điều cần thiết để giúp nhau tiến bộ, từ đó xây dựng tập thể ngày một lớn mạnh.

    Tuy nhiên không phải lúc nào thấy lỗi ta cũng đều khiển trách. Có những lỗi phải nhẹ nhàng khuyên bảo, động viên để người vượt qua. Đôi lúc phải dùng thái độ nghiêm khắc để người dừng lại hành động tội lỗi. Trước khi khiển trách, Đức Phật dạy ta phải làm rõ nguyên nhân lỗi lầm đó có thật sự do người đó hay không, do họ cố ý hay vô ý. Nếu đúng, ta phải bằng tình thương yêu, sự thông cảm và chọn thời điểm thích hợp để chỉ lỗi người một cách từ tốn.

    Trong cuộc sống, chắc ai cũng đã đôi lần đón nhận những phản ứng “gay gắt” từ đối phương khi ta góp ý, chỉ lỗi mặc dù ta nói đúng 100%. Điều đó là lẽ đương nhiên, vì trong mỗi người ai cũng còn tiềm ẩn một bản ngã,  hoặc chưa đủ bình tĩnh để nhìn thấy lỗi mình ngay lúc được chỉ lỗi, hoặc vì mặc cảm, vì sĩ diện nên họ không chịu nhận lỗi. Nếu ta không dùng một tấm lòng rộng lượng, thông cảm và duy trì sự bình tĩnh trong suốt quá trình chỉ lỗi thì ta sẽ thất bại trong việc thuyết phục họ đấy. Thậm chí, mối quan hệ sẽ đổ vỡ từ đó về sau. Điều đó thật tệ, đúng không?

    Sống chung an lạc không có nghĩa là ta luôn đồng ý những điều huynh đệ ta làm, không ngại khen ngợi để nhận lại sự ủng hộ từ họ. Có đôi lúc, một lời góp ý chân thành từ huynh đệ, tuy có thể làm tổn thương nhưng lại giúp ta vượt lên chính mình. Nếu người bị khiển trách nào cũng có được 2 chiếc chìa khóa vàng đó là: tôn trọng sự thật và không sân hận, thì người đó sẽ mở được tất cả cánh cửa tâm thức đã chìm sâu dưới “cái ta” từ trước đến nay. Nhờ có thiện tri thức nhắc nhở và khiển trách, ta sẽ tiến từng bước thật dài trên con đường tự thắng mình.

    Nhận lỗi quả thực không dễ tí nào, nó đòi hỏi ta phải thắng được tâm tự ái và mặc cảm nơi mình. Ta phải không kiêu mạn, không cho rằng mình đúng mới có thể bình tĩnh đón nhận những lời khiển trách, chỉ lỗi của người khác.

    Ngay lúc bị khiển trách, ta vẫn lắng nghe người nhưng cũng chia tâm ra, để một phần theo dõi tâm mình, nếu tâm nóng giận nổi lên hẫy hừng, không kiểm soát được, ta có thể tránh đi một lúc, lấy lại sự bình tĩnh và tiếp tục cuộc trò chuyện với người chỉ trích ta.

    Bình tĩnh, khách quan ta sẽ nhận ra được giá trị của sự thật. Chân lý sẽ soi sáng cho ta biết điều gì nên làm. Vượt qua lầm lỗi thì còn gì hạnh phúc hơn cho dù phải trả giá. Che đậy không có nghĩa là vết thương không có mà nó sẽ thối rửa, không bao giờ lành. Bị mổ xẻ rất đau, nhưng ta sẽ sớm chữa trị và khâu lại cho mau lành hơn. Ai cũng từ những bước té ngã mà trưởng thành. Đừng e ngại! Đừng bỏ cuộc.

    GIÁC AN

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều