Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànDiễn đàn- thảo luậnKhi lời nói không đi đôi với việc làm

    Khi lời nói không đi đôi với việc làm

     Cách đây không lâu, một số trang tin ở Mỹ trích đăng đoạn clip về cuộc họp báo diễn ra tại quận Santa Clara, tiểu bang California, Hoa Kỳ – nhằm khuyến cáo người dân ý thức trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
    Theo đó, Giám đốc Sở Y tế Santa Clara, bà Sara Cody, đã liệt kê một số biện pháp phòng trách dịch, như rửa tay thường xuyên và không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Vừa dứt câu, bà tiến sĩ liền đưa ngón tay lên miệng chấm… nước bọt để lật tài liệu! (ảnh)
    anhtrang3.png
    The Washington Post, trong một clip sau đó, đã tổng hợp không dưới 7 trường hợp các lãnh đạo y tế và các chính trị gia, trong khi vừa khuyến cáo người dân như trên, vừa không ngừng đưa tay sờ miệng, vén tóc hay vuốt mũi.
    Clip nhận được nhiều bình luận của cộng đồng mạng, với không ít lời khôi hài, thậm chí cảm thông. Bởi thói quen chạm tay lên mặt là thói quen hình thành từ khi còn trong bụng mẹ, và diễn ra cho đến hết đời. Một người, trừ khi rất kỹ trong việc chăm sóc da mặt, sẽ rất khó từ bỏ thói quen này trong một sớm một chiều.
    Việc sờ tay lên mặt sẽ vô tình đưa virus vào cơ thể qua đường mắt, mũi, miệng. Chúng ta thường chạm tay lên mặt nhiều hơn chúng ta nghĩ. Theo thống kê, trung bình một người chạm tay lên mặt khoảng 100 lần mỗi ngày. Đối với nhiều người, tránh chạm tay lên mặt là một việc bất khả kháng.
    Tuy nhiên, một người thực hành thiền định sẽ dễ dàng kiểm soát được hành vi và những thói quen của mình, trong đó có việc chạm tay lên mặt. Chánh niệm tỉnh giác chính là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa an toàn cho mình và người.
    Trở lại câu chuyện kể trên, sở dĩ người xem không “ném đá” các quan chức lãnh đạo vì họ thấy chính bản thân họ trong những hành vi tưởng như vô hại đó, cho dù “lời nói không đi đôi với việc làm”.
    Nhưng nếu đặt trong một bối cảnh khác, khi những chính trị gia, những nhà giáo dục, những người lãnh đạo, hay những người rao giảng đạo đức “nói một đằng làm một nẻo” thì vấn đề không còn là chuyện khôi hài nữa, mà nó liên quan đến niềm tin và ảnh hưởng xấu đến quần chúng. Đó không thể gọi là thói quen, mà là bản chất, nếu không muốn nói là sự dối trá.
    Chúng ta biết rằng, sở dĩ Đức Phật được tôn xưng “người mệnh danh là Chân lý” (Saccanàma) vì: “Này các Tỳ-kheo, Như Lai nói như thế nào thì làm như thế ấy, làm như thế nào thì nói như thế ấy. Vì rằng nói như thế nào thì làm như thế ấy, làm như thế nào thì nói như thế ấy, nên được gọi là Tathàgata (Như Lai)” (Kinh Tăng chi bộ, chương IV, phẩm Uruvelà).
    Trong một bài kinh khác, khi giáo giới La-hầu-la về sự chân thật, Đức Phật nhấn mạnh kẻ nói dối chẳng khác nào một cái chậu đựng nước rửa chân đáng bị “lật úp”, “vứt bỏ”, “trống rỗng”. Rằng: “đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm”. Nên: “Ta sẽ quyết không nói láo, dù chỉ để vui đùa” (Kinh Trung bộ, kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala).
    Rõ ràng, Ðức Phật không bao giờ tuyên bố một điều gì ngày hôm nay rồi ngày mai Ngài nói ngược lại.
    Đối với một chúng sanh chưa giác ngộ, tâm vốn vô thường, không đáng tin do còn chất chứa những căn bản phiền não. Tuy vậy, một người thiện lương vẫn là người luôn ý thức nỗ lực gìn giữ sự chân thật, lời nói luôn đi đôi với việc làm, bằng không sẽ là kẻ lừa thầy dối bạn, rất nguy.

    Quảng Kiến

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều