Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Khác
    HomeNghiên CứuKhái lược về Phật giáo

    Khái lược về Phật giáo

    (Tri ân những bậc chân tu và đại chúng Phật tử thuần thành. Cảnh báo những kẻ mượn danh).

    Phật giáo (chữ Hán: 佛教) là một tôn giáo bao gồm một loạt các truyền thống, tín ngưỡng và phương pháp tu tập dựa trên lời dạy của một nhân vật lịch sử là Tất-đạt-đa Cồ-đàm (悉達多瞿曇). Tất-đạt-đa Cồ-đàm thường được gọi là Phật hay Bụt. Theo sách vở Phật giáo cũng như các tài liệu khảo cổ đã chứng minh, Tất-đạt-đa Cồ-đàm đã sống và giảng đạo ở vùng đông bắc Ấn Độ xưa (nay thuộc Nepal) từ khoảng thế kỉ thứ 6 TCN đến thế kỉ thứ 4 TCN.

    Sau khi Tất-đạt-đa Cồ-đàm qua đời thì Phật giáo bắt đầu phân hóa ra thành nhiều nhánh và nhiều hệ tư tưởng, với nhiều sự khác biệt:

    * Phật giáo Nguyên thủy, còn gọi là Phật giáo Nam Tông, Phật giáo Thượng tọa, Phật giáo Tiểu thừa, Thanh-văn thừa. Đây là nhánh Phật giáo có hệ thống kinh điển được coi là gần nhất với giáo lý nguyên thủy của đạo Phật.
    * Phật giáo Đại thừa, còn gọi là Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Đại chúng, Phật giáo Phát triển.
    * Phật giáo Chân ngôn, còn gọi là Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Mật tông, Phật giáo Kim cương thừa.

    - Advertisement -

    Phật giáo Nguyên thủy phát triển mạnh ở Sri Lanka và Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar). Đại thừa phát triển ở Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam) và bao gồm nhiều phân nhánh nhỏ hơn như Tịnh độ tông, Thiền tông, Thiên thai tông. Còn Kim cương thừa phát triển ở Tây Tạng, Mông Cổ và Bhutan. Mặc dù phát triển chủ yếu ở châu Á, nhưng hiện nay Đạo Phật được tìm thấy ở khắp thế giới. Ước tính số người theo đạo Phật vào khoảng trên dưới 1 tỷ người.

    Phật giáo là một tôn giáo mang tính duy lý và vô thần. Hệ thống giáo lý của Phật giáo không hướng đến sự sùng bái thần linh mà hướng đến nhận thức chân lý hay còn gọi là giác ngộ. Chính sự nhận thức đúng đắn bản ngã và thế giới xung quanh sẽ giúp con người được giải thoát. Các trường phái Phật giáo khác nhau ở quan điểm về bản chất của con đường đưa đến giác ngộ để được giải thoát, tính chính thống của các bài giảng đạo và kinh điển, đặc biệt là ở phương thức tu tập.

    Vì hướng đến việc nhận thức đúng đắn bản ngã và thế giới khách quan nên hệ thống triết lý Phật giáo chứa đựng nhiều quan điểm bản thể luận và nhận thức luận. Siêu hình học trong triết học Phật giáo đã phát triển đến một trình độ cao.

    Với Phật giáo, triết học Ấn Độ đã đi trước triết học phương Tây trên 1000 năm. Tại phương Tây, đến thời kỳ Khai sáng triết học mới đạt đến trình độ nhận thức của triết học Ấn Độ. Cũng như Nho giáo và triết học phương Tây hiện đại, Phật giáo là một hệ thống triết học mang tính khai sáng nhằm hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

    Cơ sở tư tưởng và cốt lõi của Phật pháp là tứ thánh đế. Bốn chân lý giải thích bản chất của sự khổ trong luân hồi (輪回), nguyên nhân của sự khổ, và làm thế nào để giải trừ đau khổ. Nếu như có một ngọn lửa tự cháy giữa hư không, vô nhân, vô duyên, vậy thì khi muốn dập tắt ngọn lửa ấy là điều không thể nào, thế nhưng ngược lại, trong thực tế ngọn lửa nào cháy lên cũng có nhân, có duyên của: chất đốt, không khí, v.v.. Khi chúng ta loại bỏ các điều kiện đó thì ngọn lửa cũng tắt, tương tự như vậy, Đức Phật dạy Ở đời thực có khổ đau (Khổ đế), khổ đau cũng có nguyên nhân (Tập đế), khổ đau có thể dập tắt (Diệt đế), và Bát chánh đạo – Trung đạo là con đường đưa đến khổ diệt (Đạo đế). Tứ diệu đế là sự nhận thức đúng đắn các loại khổ đau, nguyên nhân dẫn đến khổ đau, trạng thái không có khổ đau và con đường để thoát đau khổ. Con người chỉ thoát khỏi đau khổ nhờ nhận thức đúng về đau khổ. Thoát khỏi vô minh thì hết đau khổ. Đây là quan điểm triết học mang tính duy lý.

    1. Khổ đế (苦諦་), chân lý về sự Khổ: đau trên thân gồm: sinh, lão, bệnh, tử; khổ tâm gồm: sống chung với người mình không ưa, xa lìa người thân yêu, mong muốn mà không được, chấp vào thân ngũ uẩn. Khổ đau là một hiện thực, không nên trốn chạy, không nên phớt lờ, cũng không nên cường điệu hóa. Muốn giải quyết khổ đau trước tiên phải thừa nhận nó, cố gắng phân tích nó để nhận thức nó một cách sâu sắc.

    2. Tập đế (集諦་), chân lý về sự phát sinh của khổ: khổ đau đều có nguyên nhân thường thấy do tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ. Cần truy tìm đúng nguyên nhân sinh ra khổ, nguồn gốc sâu xa sinh ra khổ trong sinh tử luân hồi là do vô minh và ái dục, những mắt xích liên quan nằm trong 12 nhân duyên.

    3. Diệt đế (滅諦), chân lý về diệt khổ: là trạng thái không có đau khổ, là một sự an vui giải thoát chân thật, là một hạnh phúc tuyệt vời khi chấm dứt dục vọng, và chấm dứt vô minh.

    4. Đạo đế (道諦), chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ: Phương pháp để đi đến sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chính đạo. Phương tiện hay pháp môn để thành tựu con đường bát chi thánh đạo là 37 phẩm trợ đạo.

    – Nhóm trí tuệ:

    * Chính kiến (正見): hiểu biết chân chính: hiểu biết về nhân quả, duyên khởi, hiểu biết về sự vật hiện tượng chân thực, như chúng đang là, không kèm theo cảm xúc, cảm tính, hiểu biết 4 chân lý về khổ và cách thoát khổ, từ đó biểu hiện thái độ sống không làm khổ mình, khổ người.
    * Chính tư duy (正思唯): suy nghĩ hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí và giác ngộ.

    – Nhóm đạo đức:

    * Chính ngữ (正語་): lời nói chân chính: lời nói sự thật, lời nói hòa hợp, đoàn kết, mang tính xây dựng, mang lại an vui hạnh phúc cho người khác.

    * Chính nghiệp (正業): hành vi chân chính: không sát sanh, không trộm cắp, không ngoại tình, Các hành vi được khuyến khích: chia sẻ sở hữu hợp pháp với những người kém may mắn hơn, sống chung thủy một vợ một chồng, giữ sức khỏe để chăm sóc bảo vệ người thân.

    * Chính mạng (正命): nghề nghiệp chân chính để nuôi sống thân mạng: không làm nghề đồ tể vì giết động vật hàng loạt.

    * Chính tinh tấn (正精進): nỗ lực kiên trì chân chính: tiếp tục làm những việc thiện đang làm, hiện thực hóa những việc thiện có ý định làm, từ bỏ những việc bất thiện đang làm, loại bỏ ý định về những việc bất thiện sẽ làm.

    – Nhóm thiền định:
    * Chính niệm (正念): sự làm chủ các giác quan trong các tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, thức và ngủ, làm chủ cảm xúc và thái độ sống.

    * Chính định (正定་): 4 tầng thiền: sơ thiền (ly dục ly ác pháp sinh hỷ lạc, có tầm, có tứ), nhị thiền (diệt tầm, diệt tứ, định sinh hỷ lạc, nội tĩnh, nhất tâm), tam thiền (ly hỷ, trú xả), tứ thiền (xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh) cùng với những phương pháp hỗ trợ như tứ niệm xứ, quán niệm hơi thở, định sáng suốt… được đề cập trong kinh tạng Pali. Sau khi đã đạt tứ thiền, hành giả dẫn tâm về Tam minh gồm: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Chứng tam minh xong, hành giả giải thoát hoàn toàn, thành tựu thánh quả A-la-hán, các vị A-la-hán tuyên bố “Tái sinh đã tận, hạnh thánh đã thành, việc nên đã làm, không còn trở lại sinh tử này nữa”.
    Những tư tưởng cơ bản của Phật-đà đều được nhắc lại trong các kinh sách, nhưng có khi chúng được luận giải nhiều cách khác nhau và vì vậy ngày nay có nhiều trường phái khác nhau, hình thành một hệ thống triết lý hết sức phức tạp.

    Giáo pháp đạo Phật được tập hợp trong Tam tạng (三藏), bao gồm:

    1. Kinh tạng (經藏་) bao gồm các bài giảng của chính đức Phật hoặc các đại đệ tử. Kinh tạng tiêu biểu văn hệ Pali được chia làm năm bộ: 1. Trường bộ kinh, 2. Trung bộ kinh, 3. Tương ưng bộ kinh, 4. Tăng chi bộ kinh và 5. Tiểu bộ kinh.

    2. Luật tạng (律藏་), chứa đựng lịch sử phát triển của Tăng-già cũng như các giới luật của người xuất gia, được xem là tạng sách cổ nhất, ra đời chỉ vài mươi năm sau khi Phật nhập Niết-bàn.

    3. Luận tạng (論藏)—cũng được gọi là A-tì-đạt-ma—chứa đựng các quan niệm đạo Phật về triết học và tâm lý học. Luận tạng được hình thành tương đối trễ, có lẽ là sau khi các trường phái đạo Phật tách nhau mà vì vậy, nó không còn giữ tính chất thống nhất.
    Tăng-già (僧伽) của đạo Phật gồm có Tỳ Kheo (比丘), Tỳ Kheo Ni (比丘尼) và giới Cư sĩ.

    Trong đạo Phật có hai khái niệm quan trọng là nhân quả và luân hồi.

    I. Nhân Quả:

    1. Đạo Phật giải thích mọi sự việc đều là sự biểu hiện của luật nhân quả. Nghĩa là mọi sự việc đều là kết quả từ nguyên nhân trước đó. Sự việc đó chính nó lại là một nguyên nhân của kết quả sau này. Nhân có khi còn gọi là nghiệp, và một khi đã gieo nghiệp thì ắt sẽ gặt quả (để phân biệt tích cực với tiêu cực một cách tương đối thì có khái niệm “thuận duyên”, “nghịch duyên” hoặc “Thiện nghiệp”, “Ác nghiệp”). Từ nhân đến quả có yếu tố duyên. Duyên là điều kiện thuận lợi, là cơ hội cho phép quả xảy ra (thuận duyên) hoặc điều kiện cản trở, trì hoãn quả tới chậm hơn, đôi khi triệt tiêu quả (nghịch duyên). Các tương tác nhân quả phức tạp diễn ra song song hoặc nối tiếp nhau gọi là trùng trùng duyên khởi.

    2. Nhân quả tương tác theo luật tương ứng: nhân nào thì quả nấy; hạt táo không thể sinh ra quả bưởi, hạt xoài không thể sinh ra quả đào. Kinh Phật ghi rằng “Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt”. Các nguyên nhân cùng loại nhưng trái chiều sẽ tương tác, bù trừ nhau, cái nào mạnh hơn sẽ tạo ra kết quả sau khi bù trừ xong. Học thuyết nhân quả dựa trên kinh tạng nguyên thủy lý giải rằng nghiệp đã gieo có thể chuyển được do gieo nhân mới đối lập với nhân cũ.

    3. Con người dù không thể thấy được toàn bộ, không thể lý giải được hoàn toàn nhân quả này thì mối quan hệ nhân quả vẫn là một quy luật tự nhiên khách quan. Có những người dù không nhận thức được, thậm chí có thể họ không tin vào nhân quả, nhưng quy luật này vẫn vận hành và chi phối vạn vật, bao gồm chính bản thân họ. Tuy nhiên khác với khoa học hiện đại, khi lý giải về cuộc sống của con người, Phật giáo cho rằng quan hệ nhân quả là xuyên suốt thời gian chứ không chỉ trong một kiếp sống. Việc này dẫn đến khái niệm luân hồi.

    II. Luân hồi:

    1. Luân hồi chỉ cho việc tâm thức trải qua nhiều kiếp sống. Chết là hết một kiếp, tâm thức mang theo nghiệp đi tái sinh kiếp mới. Hình thức của một kiếp sống là khác nhau, có thể chuyển đổi giữa các loài, các thế giới (cõi súc sinh, cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la…). Quan hệ nhân quả quyết định cách thức luân hồi, hay nói cách khác tùy nghiệp đã tạo mà sẽ luân hồi tương ứng để nhận quả.

    2. Chết là hết một kiếp, nhưng lại là khởi đầu của một kiếp khác, nối tiếp vô cùng tận. Dù có hết một kiếp sống thì vẫn sẽ tiếp tục luân hồi sang kiếp khác để nhận quả. Còn luân hồi là còn khổ. Đạo Phật chỉ rằng luân hồi chỉ có thể bị phá vỡ nếu giác ngộ, nghĩa là có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử nếu biết cách “đoạn diệt” các nguyên nhân dẫn dắt luân hồi, nghĩa là không còn quan hệ nhân quả. Đạo Phật gọi đó là giải thoát và toàn bộ Phật pháp đều nhằm chỉ ra con đường giải thoát, như Phật đã nói “Như mặn là vị của nước biển, còn vị của đạo ta là giải thoát”.

    III.Văn hoá Việt Nam và Phật giáo:

    Trong truyện cổ tích Việt Nam thường thấy nhân vật “Bụt” xuất hiện để cứu giúp người lương thiện, trừng trị kẻ ác.”Bụt” là cách nói gần gũi của người Việt-Xuất phát của từ Budha trong tiếng Phạn,chính là Đức Phật.

    Người Việt có lễ”xá tội vong nhân”,Vu Lan báo hiếu”xuất phát từ một điển tích trong Phật giáo, đó là việc tôn giả Mục Kiền Liên (Là 1 trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) đã báo hiếu bằng việc khẩn cầu công đức của chư Tăng các phương để cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ…

    “Chiêm bao thấy Đức Phật Bà
    Là Mẹ ta mãi-mỏi mòn ngóng trông
    Chiêm bao thấy Đức Phật Ông
    Là Cha ta đó-mong con vuông tròn”

    (LgTTH)

    Đó cũng lời kết cho những dòng này vậy./.

    Mùng 8 Tết-Kỷ Hợi,2019
    Luật gia Trần Thúc Hoàng
    (Tổng hợp và bình luận)

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều