Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomeÝ Kiến- Diễn ĐànDiễn đàn- thảo luậnHệ lụy từ việc tùy tiện cấp phép ấn phẩm tôn giáo

    Hệ lụy từ việc tùy tiện cấp phép ấn phẩm tôn giáo

    Kỳ 1: Khi giấy phép xuất bản trở thành điểm tựa cho sự “thách thức”

     

    GN – Từ khi xuất bản, dẫu liên tục vấp phải những chỉ trích từ công luận, với không ít cứ liệu chứng minh tính sai lệch, xuyên tạc… song cho đến nay, loạt sách của ông Nguyễn Nhân về “Thiền tông” và “Huyền ký của Đức Phật” vẫn nghiễm nhiên được xuất bản, phổ biến tràn lan; tác giả thậm chí phát ngôn đầy thách thức với lý do tác phẩm đã được các cơ quan quản lý về tôn giáo, văn hóa và tư tưởng công nhận. Tại sao thực trạng trớ trêu này vẫn tiếp diễn?
     
    anh cauchuyentrongtuan.jpg
    Khi giấy phép của các nhà xuất bản được sử dụng như một điểm tựa về pháp lý của nhà nước cho những đầu sách về tôn giáo nhưng chính tổ chức tôn giáo liên hệ phản ứng, cho là lệch lạc, mang danh Phật giáo nhưng không đúng với các truyền thống Phật giáo – Ảnh: H.Độ
    Khi nhà xuất bản thiếu năng lực kiểm duyệt
    Từ giữa năm 2018, khi báo Giác Ngộ có loạt bài phản ánh về những bất cập trong cấp phép xuất bản ấn phẩm tôn giáo, liên quan cụ thể đến 10 cuốn sách của ông Nguyễn Nhân do hai Nhà Xuất bản (Nxb) Tôn Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ và Nxb Hồng Đức thuộc Hội Luật gia Việt Nam cấp phép; ông Nguyễn Công Oánh, nguyên Giám đốc Nxb Tôn Giáo đã từng có những phát biểu nhìn nhận năng lực “tương đối” của Nxb trong thẩm định ấn phẩm tôn giáo.
    Theo đó, ông khẳng định trong bài viết “Phản hồi về loạt bài ‘Xuất bản ấn phẩm tôn giáo – Xin đừng tùy tiện’” (GN số 954, ra ngày 27-6-2018): “Chúng tôi biên tập dựa trên nền tảng nội dung đã có của tác giả, và phía Nxb khi thẩm định cũng thấy không vi phạm, đi trái lại với quy định Nhà nước, không bài bác tôn giáo mà ấn phẩm đề cập, như vậy là đủ điều kiện thông qua. Phần nào đi sâu vào triết lý Phật giáo, có đề cập kinh điển của Đức Phật, chúng tôi sẽ đối chiếu lại với kinh điển ấy. Tuy nhiên, sự đối chiếu này cũng chỉ ở mức tương đối thôi”.
    Song, trên thực tế, dù đã qua khâu “đối chiếu”, hàng loạt các sai phạm, đặc biệt là sự xuyên tạc lịch sử Phật giáo đã có từ hơn 2.500 năm nay, vẫn vô tư xuất hiện trong nội dung 10 cuốn sách nói trên và dễ dàng được thông qua để cấp phép xuất bản. Điều này cho thấy một biểu hiện rõ nét của sự thiếu năng lực dẫn đến tùy tiện một cách khó chấp nhận trong khâu kiểm duyệt các ấn phẩm Phật giáo.
    Rõ ràng, việc kiểm chứng các ấn phẩm tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, ít ra cần có sự tham khảo ý kiến của GHPGVN – tổ chức đủ tư cách pháp nhân, pháp lý, với hệ thống các ban ngành viện từ Trung ương đến địa phương, có Viện Nghiên cứu Phật học VN và các phân viện đủ chuyên môn, để có được một ấn phẩm mang tính xác thực là điều vô cùng quan trọng. Song đến nay, công tác kiểm duyệt và cấp giấy phép xuất bản đối với ấn phẩm Phật giáo vẫn còn là việc làm đơn phương từ các Nxb, với một đội ngũ biên tập viên rất thiếu chuyên môn về Phật học.
    Cần nhấn mạnh, bỏ qua vai trò chủ chốt của GHPGVN đối với các ấn phẩm Phật giáo, trong khi năng lực thẩm định về tôn giáo của Nxb rõ ràng còn nhiều hạn chế, chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến thực trạng các ấn phẩm Phật giáo sai lệch xuất hiện tràn lan như hiện nay. Kéo theo đó là nhiều hệ lụy về sự nhiễu loạn thông tin, gây rối loạn thêm cho tình hình tôn giáo, văn hóa ở nước ta.
    Điểm tựa cho những phát ngôn đầy thách thức
    Dựa vào việc các tập sách của mình được hai Nxb “uy tín” là Tôn Giáo và Hồng Đức cấp phép xuất bản, ông Nguyễn Nhân, tác giả của bộ sách gây tranh cãi này, đã hợp thức hóa việc tự xưng mình là “soạn giả”, “người được trao truyền bí mật Thiền tông”… bằng lý giải cho rằng cấp phép xuất bản là một chứng nhận hợp pháp cho tất cả những danh xưng trên của ông, mà không cần thông qua bất cứ sự xác nhận nào từ phía GHPGVN.
    Từ đây, những video tuyên bố về việc gọi là ‘Huyền ký và các bí mật Thiền tông’ mà ông “sưu tầm” và được “trao truyền”, sẽ là cơ sở chỉnh đốn hệ thống Phật giáo hiện nay; hay, các phát ngôn đầy thách thức trước nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng tín đồ Phật giáo… cũng đồng thời được ông này cùng cộng sự liên tục “đăng đàn” trên mạng xã hội. Dễ dàng nhận thấy rằng, ông Nguyễn Nhân đang lấy việc cấp phép của các Nxb để tạo lòng tin, làm điểm tựa cho cả hiện tượng “Thiền tông Tân Diệu”.
    Không chỉ dừng lại đó, nhiều đơn vị truyền thông, các kênh truyền hình thuộc đài truyền hình quốc gia, thông qua bộ sách vốn đã được Nxb Tôn Giáo và các Nxb lớn khác cấp phép, mặc nhiên công nhận các ấn phẩm này như một “công trình tôn giáo”, liên tục quảng bá và cổ xúy, gây nhiễu loạn về thông tin. Hơn thế nữa, mới đây, một trong các tổ chức phi chính phủ về văn hóa, không biết dựa trên tiêu chí nào, cũng bất ngờ trao tặng chứng nhận “không gian văn hóa tâm linh” và kết nạp hội viên đối với chùa Tân Diệu và ông Nguyễn Nhân.
    Nghịch lý ở đây, là dù đã được chỉ rõ nhiều sai phạm từ Viện Nghiên cứu Phật học VN, song 10 cuốn với chủ đề “Thiền tông” và “Huyền ký của Đức Phật” tuy đã được Nxb Tôn Giáo dừng cấp phép tái bản, song hiện vẫn nghiễm nhiên được các Nxb Hồng Đức và hiện tại có thêm Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ TP.HCM cấp phép xuất bản. Rõ ràng, việc ngưng cấp phép tái bản là chưa đủ đối với những hệ lụy từ sự phổ biến của loạt sách này.
    Trước đó, trả lời báo Giác Ngộ, ông Nguyễn Công Oánh từng khẳng định, nếu Giáo hội có công văn chỉ rõ các lỗi sai của loạt ấn phẩm này, Nxb Tôn Giáo sẽ sẵn sàng đề xuất lên Ban Tôn giáo Chính phủ và Vụ Phật giáo, cả Cục Xuất bản, yêu cầu không cấp phép xuất bản và đình chỉ in loạt ấn phẩm này. Đây cũng đồng thời là một trong những nội dung được Ban Tôn Giáo Chính phủ đề cập tại văn bản phản hồi đến GHPGVN về việc chùa Tân Diệu nói chung và loạt sách của ông Nguyễn Nhân nói riêng.

    “Hiện nay, ngoài Nxb Tôn Giáo, không có Nxb nào khác được quyền cấp phép các ấn phẩm tôn giáo (ấn phẩm tôn giáo ở đây là kinh, sách, băng, đĩa thuyết giảng về các giáo lý của tôn giáo đó – PV). Đây chính là vấn đề hết sức bất cập của ngành xuất bản, mà theo tôi là một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng các ấn bản qua mặt, đội lốt tôn giáo.
    Theo Luật Xuất bản, Nxb thuộc cơ quan chủ quản nào, thì chỉ được cấp phép xuất bản cho các ấn phẩm thuộc lĩnh vực mà mình đảm trách thôi. Song, chúng ta đều thấy rõ, một số Nxb khác, không phải Nxb Tôn Giáo, vẫn ngang nhiên cho xuất bản lưu hành sách tôn giáo. Như sự việc loạt sách của ông Nguyễn Nhân vừa rồi. Chúng tôi thực chất không hoàn toàn cấp phép toàn bộ loạt sách ấy, có một số cuốn trong đó chúng tôi từ chối cấp phép, song lại thấy Nxb Hồng Đức duyệt cho lưu hành. Và rõ ràng, chúng phạm phải vô số lỗi rất cơ bản, thậm chí sai về lịch sử Phật giáo.
    Chính vì lẽ đó, nhân đây tôi cũng xin chia sẻ, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị riêng lên ngành xuất bản về tư cách pháp lý của Nxb chuyên trách, để chấn chỉnh hoạt động của các Nxb cũng như tránh tình trạng thiếu hiểu biết gây tổn hại tôn giáo”.
    Ông Nguyễn Công Oánh, nguyên Giám đốc Nxb Tôn Giáo
    “Trong nhiều năm vừa qua, ông Nguyễn Nhân dựa vào những quyển sách do ông biên soạn, được Nxb Tôn Giáo, Hồng Đức cấp phép, để tổ chức tụ tập đông người, tự xưng viện chủ và hoạt động tôn giáo trái phép. Ông có những tuyên bố công kích và xuyên tạc Phật giáo khó chấp nhận. Về việc này, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn phúc đáp cho Hội đồng Trị sự GHPGVN (ngày 3-12-2019) cho biết sẽ có hình thức xử lý đối với những tác phẩm của ông Nguyễn Nhân. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết”.
    BTS GHPGVN tỉnh Long An
    Giao Hảo / Báo Giác Ngộ
    _____________
     
    Xem tiếp kỳ sau: Các nhà nghiên cứu Phật học nhận định gì về bộ sách của ông Nguyễn Nhân được các Nxb Tôn Giáo, Hồng Đức và Văn Hóa – Văn Nghệ TP.HCM cấp phép xuất bản?

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều