Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác

    Hai viên gạch xấu

    Sau khi mua một miếng đất để xây tu viện, thì chúng tôi mang nợ khá lớn. Miếng đất trống trơn, không có một chút mái che nắng. Trong những tuần đầu, đầu chúng tôi phải ngủ trên những tấm cửa cũ mua lại trong xóm. Chúng tôi lấy bốn miếng gạch để bốn góc và đặt tấm cửa lên trên làm giường ( đương nhiên là không có nệm, vì chúng tôi là sơn tăng).
    Mua đất xong chúng tôi cần phải xây cất chánh điện và phòng ở, là những tu sĩ nghèo, lấy đâu ra đủ tiền mà thuê các nhà thầu? Nội việc mua vật liệu và dụng cụ cũng đã quá đắt rồi. Thế là chúng tôi phải tự gia công xây lấy và tôi trở thành thợ nề bất đắc dĩ, phải học cách xây nhà như đổ móng, trẻt xi măng, lót gạch, sửa mái, gắn ống nước, v.v…
    Trước khi đi tu, tôi là giáo sư vật lý dạy tại một trường trung học, chưa bao giờ đụng tay tới những việc nặng nhọc như vậy. Nhưng sau vài năm nhờ bị xây chùa như thế mà tôi trở thành thợ nhà nghề.
    Việc xây một bức tường mới nhìn qua tưởng dễ: chỉ cần lấy cái bay xúc một ít xi măng trét xuống rồi gắn một viên gạch lên trên, gõ nhẹ đầu này một chút, gõ nhẹ đầu kia một chút là xong. Nhưng khi bắt tay vào việc thì không dễ chút nào, vì khi tôi gõ đầu này, thì đầu kia của viên gạch lại nhổng lên, và khi tôi gõ đầu kia thì cả viên gạch sệ xuống, không còn nằm đúng hàng nữa. Thế là phải nhấc viên gạch ra, trét thêm xi măng và làm lại.
    Là một tu sĩ từng học hạnh kiên nhẫn nên tôi không ngại làm đi làm lại, miễn sao tất cả viên gạch phải được sắp ngay thẳng dù tốn bao nhiêu thì giờ cũng được. Thế rồi cuối cùng tôi cũng xây xong một bức tường gạch và lùi ra xa để chiêm ngưỡng nó.
    Đúng lúc đó tôi mới nhìn thấy, hỡi ôi, có hai viên gạch bị méo!
    Tất cả viên gạch khác đều nằm ngay hàng nhưng hai viên này lú ra và hơi xệ xuống dưới. Nó làm xấu cả bức tường, thật là uổng phí, khi đó xi măng đã khô cứng, không thể lấy hai viên gạch này ra được nữa. Tôi bèn hỏi vị thầy trụ trì là tôi có phải phá bức tường này ra làm lại hay không ? Vì tôi đã vụng về làm hư bức tường. Nhưng thầy trụ trì bảo để nguyên như vậy.
    Trong lúc tu viện đang xây, lâu lâu có vài người khách viếng thăm và tôi phải hướng dẫn họ đi vòng quanh xem công trình xây cất. Mỗi lần như thế, tôi luôn khéo léo tìm cách không cho họ đi ngang qua bức tường có hai viên gạch xấu.
    Nhưng một ngày kia, tôi vừa đi vừa nói chuyện với một người khách, thì vô tình ông ta ngó thấy bức tường của tôi.
    – Bức tường này đẹp đấy chứ! – ông khách nói như vậy.
    – Xin lỗi ông, ông có để quên mất kính ngoài xe không? Mắt ông có bị vấn đề gì không? Ông không nhìn thấy hai viên gạch méo kia làm xấu cả bức tường sao? – tôi ngạc nhiên hỏi ông.
    Câu trả lời của ông đã thay đổi toàn diện cái nhìn của tôi về bức tường, về chính cá nhân tôi và về nhiều khía cạnh khác của cuộc đời, ông nói:
    – Có chứ! Tôi có nhìn thấy hai viên gạch méo kia, nhưng tôi cũng nhìn thấy được 998 viên gạch thẳng còn lại.
    Tôi nghe bàng hoàng cả người. Lần đầu tiên sau 3 tháng, tôi mới có thể nhìn thấy những viên gạch khác ngoài hai viên gạch méo kia. Bên trên, bên dưới, bên phải, bên trái của hai viên gạch này, tất cả những viên gạch khác đều ngay hàng thẳng lối. Hơn nữa, những viên gạch tốt này, chúng nhiều hơn gấp trăm lần hai viên gạch xấu.
    Trước kia, mắt tôi chỉ nhìn thấy có hai viên gạch xấu này và tôi giống như kẻ mù đối với những viên gạch khác. Đó là lý do vì sao tôi không thể chịu nổi khi nhìn bức tường và cũng không muốn ai khác nhìn thấy nó. Vì vậy mà tôi đã muốn đập phá nó đi cho khuất mắt.
    Giờ đây tôi đã thấy được những viên gạch tốt kia và nhìn chung bức tường cũng đẹp đấy chứ, giống như lời ông khách nói. Mãi đến bây giờ, sau hơn 20 năm, tôi đã quên bẵng không còn biết hai viên gạch xấu kia nằm ở chỗ nào nữa.
    Không biết bao nhiêu cặp vợ chồng đã tan vỡ hoặc li dị vì họ chỉ nhìn thấy “ hai viên gạch xấu” nơi người kia?
    Đã có bao nhiêu người trong chúng ta trở nên chán đời và tự tử vì không còn nhìn thấy gì khác ngoài “ hai viên gạch xấu”, chỉ nhìn thấy lỗi lầm, nên muốn đập phá để không còn thấy nó nữa.
    Và tiếp theo, nhiều khi chúng ta đập nát luôn cả “bức tường đẹp” kia.
    Trong người chúng ta, ai nấy đều có “hai viên gạch xấu”, nhưng cùng lúc cũng có rất nhiều viên gạch tốt. Một khi thấy được điều này thì sự vật không còn tệ như ta tưởng. Không những chúng ta sống bình an hơn với chính mình, mà còn chấp nhận được những khuyết điểm của mình và của người khác.
    Thiền sư Ajahn Brahm

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều