Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Khác
    HomeĐời Sống Xã HộiHải Phòng: Lễ Hằng thuận tại chùa Rải Quan Âm

    Hải Phòng: Lễ Hằng thuận tại chùa Rải Quan Âm

    Sáng ngày 17/10/2018 (mùng 9/9/ Mậu Tuất), tại chùa Rải Quan Âm, thôn Thượng Trung, xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng đã trang nghiêm diễn ra lễ Hằng thuận của đôi tân lang là Hoàng Thái và tân nương là Hương Giang.  

    Đôi tân lang là Hoàng Thái và tân nương là Hương Giang

    Như chúng ta đã biết, lễ hằng thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể tại chùa. Ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ, thì nghi thức hằng thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan, tươi sáng trên tinh thần giác ngộ giải thoát.

    Khởi sự hôn nhân, lễ hằng thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể được đảnh lễ chư Phật, được quy y Tam bảo, được chư Tôn đức Tăng Ni đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng ngay nơi chánh điện, quả thật là một diễm phúc. Đồng thời, được chư Tôn đức tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt…

    Trên tinh thần nhập thế, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống, việc hướng dẫn gia đình Phật tử tổ chức lễ hằng thuận tại các chùa chiền, tự viện nhằm mang lại hạnh phúc chắc thật và và bền vững cho gia đình của người Phật tử và định hướng cho người Phật tử một cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” cũng như thuận lợi hơn trong việc tiến tu trên con đường Phật pháp.

    - Advertisement -

    Quang lâm và chứng minh buổi lễ có: Đại đức Thích Huệ Lương – Trụ trì chùa Rải Quan Âm, Trưởng Ban tổ chức buổi lễ; TT. Thích Trúc Thạnh Trí – Phó trụ trì Thiền viện Trúc Lâm, Phượng Hoàng, tỉnh Bắc Giang; Đại đức Thích Huệ Tịnh – Phó trụ trì Thiền viện Trúc lâm tỉnh Thái Nguyên cùng chư Tôn đức Tăng Ni đang tu học tại một số chùa trên địa bàn Thành phố Hải Phòng, đại diện hai bên gia đình tân lang từ huyện Vĩnh Bảo và gia đình tân nương đến từ huyện Kiến Thụy, các vị quan khách và quý Phật tử tại địa phương đồng tham dự.

    Chư Tôn đức chứng minh lễ hằng thuận

    Gia đình hai họ 

    Tại buổi lễ, tân lang và tân nương đã được nghe Đại đức Thích Huệ Lương giảng về đạo lý vợ chồng trong kinh Thiện Sanh, kinh Phúc Đức mà đức Phật đã dạy. Đại đức chứng minh đã căn dặn đôi bạn trẻ phải sống sao cho thật tốt, đúng với bổn phận của người làm vợ và người làm chồng, bổn phận của người con trong gia đình, bên nội cũng như bên ngoại. Người chồng phải hết mực yêu thương vợ và người vợ cũng phải rất mực yêu thương chồng, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

    Trước sự gia hộ của mười phương chư Phật và sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng Ni, tân lang, tân nương làm lễ tạ ơn Tam bảo, lễ dâng trà tri ân công sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành. Đồng thời, để thể hiện sự kính trọng, sự bình đẳng và sự tôn kính lẫn nhau khi đã nên vợ thành chồng, đôi bạn trẻ đã lễ lạy nhau thông qua nghi thức “Lễ bình đẳng”.

    Đôi bạn trẻ làm lễ dâng trà tri ân công sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành

    Trước khi đôi bạn trẻ trao nhẫn cưới cho nhau, Đại đức Thích Huệ Lương cùng chư Tôn đức chứng minh đã làm lễ chú nguyện vào đôi nhẫn cưới và giảng cho hai bạn trẻ hiểu về ý nghĩa của chiếc nhẫn cũng như ý nghĩa của chữ “Nhẫn” đối với hạnh phúc trong mỗi gia đình. “Nhẫn” ở đây là sự nhẫn nhịn, vợ chồng phải biết nhường nhịn, nhẫn nhịn nhau, tôn trọng nhau; là sự tu dưỡng đạo đức và tu dưỡng phẩm hạnh. Một gia đình có êm ấm, hòa thuận được hay không, phần lớn là do sự nhẫn nhịn quyết định.

    Đại đức Thích Huệ Lương cùng chư Tôn đức chứng minh đã làm lễ chú nguyện vào đôi nhẫn cưới

    Đôi tân lang và tân nương trao nhẫn cưới cho nhau

    Người chồng phải có năm bổn phận đối với người vợ:

    1. Phải biết tôn trọng vợ
    2. Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ
    3. Phải chung thủy, trung thành với vợ
    4. Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý
    5. Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện

    Đồng thời đức Phật cũng đã dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với người chồng:

    1. Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà
    2. Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng
    3. Phải luôn chung thủy với chồng.
    4. Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà.
    5. Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.

    Mục đích chính của lễ Hằng thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết, đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau và luôn luôn hòa thuận với nhau, cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng thuận đã toát lên.

    Trước khi buổi lễ hằng thuận kết thúc, đôi bạn trẻ đã đối trước Tam bảo, đối trước chư Tăng dâng lên lời phát nguyện sẽ luôn yêu thương nhau, luôn tôn trọng nhau, luôn bảo vệ cho hạnh phúc của gia đình để hạnh phúc đó được trường tồn mãi mãi và đón nhận giấy chứng nhận lễ Hằng thuận từ Đại đức Thích Huệ Lương.

    Sau đó, đôi bạn trẻ nhận quà chúc phúc từ chư Tôn đức chứng minh và hai bên gia đình. Một không khí hoan hỷ trong lòng mọi người đến tham dự buổi lễ.

    Đôi bạn trẻ nhận quà chúc phúc từ chư Tôn đức chứng minh và hai bên gia đình

      Tronghaitb

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều