Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Khác
    HomeTuổi Trẻ- Khoá tuKhóa tuHà Nội: Ngày đầu tiên của khóa tu Tịnh Độ tại chùa...

    Hà Nội: Ngày đầu tiên của khóa tu Tịnh Độ tại chùa Bằng

    Ngày 14 tháng 12 năm 2019, nhằm ngày 19 tháng 11 năm Kỷ Hợi, tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) – số 63 phố Bằng Liệt – phường Hoàng Liệt – quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội đã bắt đầu ngày tu tập đầu tiên của khóa tu Tịnh Độ.
    Đúng 7h30′ sáng, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho các hành giả tu tập Bát Quan Trai giới trong ngày tu này.

    - Advertisement -

    Sau đó, toàn thể hội chúng đã trang nghiêm chắp tay búp sen cung đón Hòa thượng Thích Huệ Phước – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, Đặc trách phân ban Hoằng pháp Hải ngoại, Phó trưởng BTS kiêm Chánh Thư ký GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế quang lâm và có thời pháp thoại về pháp môn Tịnh Độ.

    Bắt đầu buổi giảng, Hòa thượng đã nói về phương pháp tu Tịnh Độ và cách quán xét bằng tâm và tuệ giác của mỗi người. Hòa thượng chia sẻ “Đức Phật A Di Đà khi còn là vị vua Kiều Thi Ca phát tâm nghe đức Phật Thế Tự Tại Vương thuyết Pháp, Ngài chứng ngộ và xin được xuất gia làm một vị Tỳ khiêu với pháp danh là Pháp Tạng. Ngài nhìn cuộc đời bằng tấm lòng tình thương, bằng trí tuệ làm thế nào để cho chúng sinh bớt khổ và làm thế nào để có một nơi để cho chúng sinh nương vào đó mà tu tập. Cho nên Ngài đã phát 48 lời nguyện và nỗ lực tinh tấn tu tập theo 48 lời nguyện này rất sâu sắc, rất mạnh mẽ. Chính 48 lời nguyện này kết tinh thành cảnh giới Cực Lạc để cho muôn loài chúng sinh quy hướng về đây. Cho nên chúng ta phải luôn luôn nguyện làm thế nào đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư của Pháp Tạng Tỳ Khiêu, của Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc”.

    Vòng luân hồi sinh – lão – bệnh – tử là lẽ tự nhiên, việc tu tập pháp môn Tịnh Độ giúp mỗi người Phật tử có được sự bình yên, thanh tịnh trong cuộc sống. Theo Hòa thượng, trong mỗi con người có “3 dòng sông” đang chảy đó là: dòng sông thời gian – dòng sông cảm thọ – dòng sông tuệ giác. Mỗi dòng sông đều có một ý nghĩa riêng “Dòng sông thứ nhất là sức mạnh của thời gian, hết xuân đến hạ đến thu rồi đến đông. Con người chúng ta lớn lên rồi già đi và chết, dòng sông này là dòng sông của thời gian làm cho thân mạng con người chúng ta hao mòn. Dòng sông thứ 2 là sự cảm thọ tại nơi con người của chúng ta là cảm giác vui buồn, sướng khổ, khen chê, chán ghét. Ngoài sự vô thường của thân thì còn sự vô thường của tâm nữa, ảnh hưởng và đi theo sự vô thường của vạn vật đó là dòng sông thứ 2. Dòng sông thứ 3 xuất phát từ suối nguồn tuệ giác tức là nhận thức hiểu biết của con người và đặc biệt là của nguồn tuệ giác, nhờ có tu tập chúng ta mới có nguồn tuệ giác này“.

    Hơn nữa, trong mỗi con người luôn tồn tại 2 đời sống là đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Hòa thượng giảng sư nhấn mạnh “Hai đời sống này đáp ứng nhu cầu rất bình thường của con người và ai cũng phải sống như vậy. Riêng đặc biệt đối với Phật giáo, Phật tử chúng ta có một lối sống đẹp hơn, cao hơn, phong phú hơn và sâu sắc hơn, chỉ có Phật giáo mới có đời sống này. Điều ảnh hưởng thiết yếu đến con người chúng ta sâu sắc nhất là đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh không có nghĩa là hướng tâm về một cảnh giới mơ hồ nào đó mà không thể chấp nhận một thể giới siêu hình nào khác. Đời sống tâm linh tức lộ trình hướng nội của con người, để từ đó ta mới cảm nhận tâm thức của chúng ta một cách rõ ràng. Chỉ có đời sống tâm linh mới giải quyết tất cả vấn đề sâu sắc nhất của đời người. Sự thành tựu đời sống tâm linh trong đạo Phật là chúng ta thanh lọc được thân, khẩu, ý thanh tịnh. Từ đó có một đời sống an nhiên và thánh thiện hơn. Mục đích của đời sống tâm linh trong Phật giáo là tìm lại chính mình, là con đường nội tâm hướng vào để chúng ta cảm nhận được thấy rõ được tâm thức của mình và thực hành các pháp môn tu tập để chuyển hóa và thăng hoa tâm thức“.

    Qua đó, Hòa thượng mong rằng “tất cả Phật tử hãy cố gắng phát hiện và làm cho dòng sông thứ 3, cội nguồn tuệ giác của chúng ta ngày càng sáng hơn, ngày càng mạnh hơn. Chúng ta đang sống và chúng ta sẽ chết, chúng ta chắc chắn sẽ chết. Vậy thì phải chuẩn bị cho cái chết đó như thế nào, cụ thể hơn thân chúng ta có chết đi nữa nhưng tâm chúng ta không bao giờ chết, đừng thấy già đi mà bảo mình yếu, bởi chúng ta có một sức mạnh rất lớn đó là niềm tin từ nơi tâm, cho nên các vị không bao giờ chết đối với tâm đạo của các vị và đó là pháp môn Tịnh độ. Việc tu tập đúng pháp môn sẽ giúp chúng ta an lạc hạnh phúc, niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà thường xuyên sẽ giúp Phật lực ngày càng mạnh mẽ, tinh tấn hơn trong con đường tu tập“.

    Hòa thượng đã sách tấn những hành giả đang tu tập Pháp môn Tịnh Độ phải ghi nhớ “bất cứ lúc nào cũng phải luôn luôn niệm Phật, tưởng nhớ tới đức Phật A Di Đà, quán tưởng tới cảnh giới Cực Lạc và làm các việc phước thiện để thành tựu được pháp môn Tịnh Độ của mình. Tu tập theo Pháp môn Tịnh Độ phải lấy tín, hạnh, nguyện làm căn bản. Với những con người luôn nỗ lực tu tập lục độ vạn hạnh lúc đó mới cảm hóa được những điều xấu xa trong xã hội. Ngoài việc thanh tịnh hóa thân tâm của mình, chúng ta còn có trách nhiệm thanh tịnh hóa môi trường xã hội. Muốn tu Tịnh Độ, ta phải có tâm để tu Tịnh Độ, và từ tâm này như viên ngọc và chúng ta nỗ lực tu tập tìm hiểu lời Phật dạy để cho viên ngọc này càng ngày càng sáng ra. Như vậy Tịnh Độ là ý thức cộng đồng, sống phải có tình có nghĩa, sống phải biết chia sẻ đùm bọc nâng đỡ nhau, chứ không phải mạnh ai nấy sống, mình chỉ biết đến mình mà không biết đến người khác. Chúng ta quyết hành trì tu tập theo lời nguyện của đức Phật A Di Đà để sinh về thế giới Cực Lạc phương Tây. Đạo Phật không những là nơi dạy làm người mà còn đưa chúng ta đến con đường giải thoát. Khi ta làm thanh tịnh tâm ý của mình thì khi đó ta sẽ giác ngộ và giải thoát. Khi nào tâm của chúng ta nghĩ đến Đức Phật thì lúc đó chúng ta có sự gia trì hộ niệm của chư Phật. Khi chúng ta tu tập mà có định, có trí tuệ giác ngộ thì đó là Tịnh Độ, Cực Lạc hiện tiền đến với chúng ta. Đối với người tại gia, tôi mong rằng chúng ta cố gắng đạt bằng được như chim khổng tước, nết hạnh tốt đẹp“.

    Kết thúc thời pháp thoại buổi sáng là Khóa lễ Tịnh Độ, tụng kinh do Đại đức Thích Quảng Kiên chủ lễ. Toàn thể hội chúng nhất tâm tụng kinh A Di Đà cầu nguyện sự an lạc, yên vui trong cuộc sống và hòa bình cho tất cả chúng sinh.

    Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức cúng Quá Đường, dùng cơm chay trong chính niệm tỉnh thức.

    Đầu giờ chiều, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tăng bản tự, các hành giả tu tập bát quan trai đã trang nghiêm lắng nghe và lễ lạy 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ Khiêu. Với mỗi lời nguyện, đại chúng đều thành kính niệm 10 câu Nam Mô A Di Đà Phật “nhất tâm bất loạn”.

    Tiếp đến, trong tiếng niệm Phật A Di Đà âm vang, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng chư Tăng bản tự và các Phật tử đã nhiễu Phật xung quanh chùa và kết thúc tại lễ đường.

    Buổi tối, đại chúng tiếp tục vân tập về lễ đường để trì tụng khoá tối, tụng kinh A Di Đà và niệm Phật, khép lại ngày đầu tiên tu tập trong chính niệm của chư tôn đức Tăng và quý Phật tử.

     

    Diệu Tường

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều