Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Khác
    HomePhật Tử Ngày NayGiáo sư Vũ Triệu An- Đạo lý y học và đạo lý...

    Giáo sư Vũ Triệu An- Đạo lý y học và đạo lý chính trị tương đồng

    Xét cho cùng, thì ở thời đại nào, đạo đức y học cũng được thể hiện tập trung và cô đọng ở hai điểm: một, sẵn sàng và tận tâm cứu chữa người bệnh và hai, không được phép biến sự đau khổ về thể xác và tinh thần của người bệnh thành cơ hội tạo vinh hoa phú quý cho bản thân mình. Không bao giờ được coi thường sinh mạng của người bệnh và biến họ thành vật thí nghiệm. Vì vậy trong nghiên cứu y học phải coi trọng thực nghiệm trước khi áp dụng cho con người và coi trọng thực chứng khách quan trong chẩn đoán và chữa bệnh, đó là những biểu hiện tôn trọng sinh mạng của người bệnh. Những bài giảng của Giáo sư Vũ Triệu An thường nhấn mạnh những ý này.

    70 năm phục vụ ngành y tế nước nhà

    Giáo sư Vũ Triệu An sinh ngày 16/3/1926 tại Thái Bình; năm nay (2020) ông đã tròn 95 tuổi. Lớn lên trong lúc các phong trào thanh niên học sinh yêu nước ở Thái Bình và Nam Định như phong trào tưởng nhớ Cụ Phan Chu Trinh đang phát triển thành cao trào, ông đã sớm có tinh thần đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột và cai trị của thực dân Pháp và bọn vua quan nhà Nguyễn. Vì vậy khi Đảng Cộng sản Đông Dương phát động các cuộc nổi dậy của nhân dân tại Thái Bình, thông qua các người bạn trong đó có ông Việt Phương (sau này là thư ký cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) hoặc những người hoạt động cách mạng là đàn em lớp dưới được ông kèm cặp học văn hoá phổ thông như ông Hữu Thọ (sau này là Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương của Đảng), ông đã tham gia các hoạt động của thanh niên yêu nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Lê Quý Đôn tại Thái Bình.

    - Advertisement -

    Khi cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông lên chiến khu và theo học tại Đại học Y Hà Nôi sơ tán tại Chiêm Hoá. Sau đó được phân công đi thực tập phục vụ chiến trường tại Đoàn Giải phẫu Lưu động mặt trận phía Nam đường số 5, đóng tại làng Phạm Xá, huyện Thanh Miện, Hải Dương (1947); Trung đoàn 42, đóng tại Thái Bình (1948); Quân y Viện Khu 3, đóng tại làng Khuốc, Thái Ninh, Thái Bình (1949). Từ 1950 – 1954: ông là Bác sĩ điều trị Phân viện Quân y VII và V, đóng tại làng Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, từ 1954 – 1959, ông là Trưởng khoa Nội A3; Khoa Truyền máu Quân y viện Trung ương 108. Năm 1956, ông được biệt phái bán thời gian để xây dựng Khoa Sinh lý – Bệnh lý, Đại học Y Hà Nội (1956 – 1959). Từ 1958 ông được giao là Phụ trách bộ môn Sinh lý bệnh, Đại học Y Hà Nội và năm 1966 là Phó Chủ nhiệm và sau là Chủ nhiệm Bộ môn này, cho đến năm 1999, ông nghỉ quản lý và làm chuyên gia cáo cấp của Đại học Y Hà Nội đến 2004. Tuy nghỉ quản lý hoặc nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài hướng dẫn các cán bộ trẻ trong bộ môn và các nghiên cứu sinh làm các đề tài nghiên cứu khoa học. Ông còn được Bộ Y tế mời tham gia Hội đồng chuyên môn trung ương về ghép tạng.

    95 năm của cuộc đời trong đó có gần 70 năm phục vụ trong ngành y tế nước nhà, Giáo sư Vũ Triệu An dã có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp giáo dục y học và nghiên cứu khoa học. Tập họp những công trình nghiên cứu của ông về sản xuất các chế phẩm miễn dịch học dùng cho chẩn đoán đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì  và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Điều cao quý là ông đã đào tạo nên nhiều học trò ngày nay đang và đã công tác trong các trường Đại học và các Viện nghiên cứu Y học khăp ba miền của đất nước và đã xây dựng nên chuyên ngành Sinh lý bệnh học – Miễn dịch học của y học nước nhà.

    Miệt mài theo đuổi việc xây dựng chuyên ngành Sính lý bệnh học của Việt Nam từ ngày được quân đội Nhân dân Việt Nam biệt phái cho đến những lúc tuổi cao mắt mờ gần đây, ở ông hầu hết những người học trò và đồng nghiệp đều có một cảm nhận mến phục chung: ông là một con người có tư duy khoa học khách quan và tính tình cương trực.

    Nghiên cứu y học bắt đầu từ nhận xét nhưng cần thực nghiệm

    Trong nhiều bài học rút ra từ ông, bài học sâu đậm nhất là tư duy biện chứng về nghiên cứu bệnh học. Ông luôn luôn đề cao tư tưởng y học phải dựa trên trên thực chứng. Ông dạy học trò: nghiên cứu y học bắt đầu từ những nhận xét trong cuộc sống của con người, nhưng các nhận xét và ý tưởng y học nảy sinh từ nhận xét đó cần phải được thông qua thực nghiệm để rút ra những bằng chứng khoa học rồi mới được áp dụng rộng rãi cho người bệnh. Ông thường nhấn mạnh và ca ngợi những tấm gương của các nhà thực nghiệm y học như Claude Barnard, Paplop, Mechnhicop…

    Tư duy trong bài nhập môn bộ môn Sinh lý bệnh học năm nào của ông chẳng những có tính lâu dài và chắc chắn trong chuyên môn y học mà còn có tính cao cả ngay trong đạo lý y học ở chỗ người thầy thuốc phải luôn cẩn trọng trước sinh mạng người bệnh.

    Xét cho cùng, đạo đức y học được thể hiện tập trung và cô đọng ở hai điểm: một là phải sẵn sàng và tận tâm cứu chữa người bệnh và hai là không được phép biến sự đau khổ về thể xác và tinh thần của người bệnh thành cơ hội tạo vinh hoa phú quý cho bản thân mình. Phải coi trọng thực nghiệm trước khi áp dụng cho con người và coi trọng thực chứng khách quan trong chẩn đoán và chữa bệnh là những biểu hiện tôn trọng sinh mạng của người bệnh. Điều này không chỉ có giá trị trong quá khứ mà còn mãi mãi là nguyên lý tối cao của đạo đức y học. Điều này rất có ý nghĩa với các thầy thuốc trẻ hiện nay vì khi y tế được thực hiện bằng các công nghệ cao và trong cơ chế thị trường, với các động cơ khác nhau mà thầy thuốc rất dễ có cơ hội biến người bệnh thành vật thí nghiệm.

    Tư duy biện chứng trong nghiên cứu y học của ông còn được thể hiện trong việc chọn các đề tài nghiên cứu. Theo ông, đã là nghiên cứu phải có cái mới, không có cái mới sao gọi là nghiên cứu. Nhưng nghiên cứu còn phải mang lại hiệu quả trong ứng dụng chẩn đoán và điều trị, có nghĩa là phải gắn với mục đích của y học và mang lại lợi ích cho người bệnh.

    Chính ông là một trong những người đầu tiên ở nước ta đã đề xuất việc sản xuất các chế phẩm sinh học, đặc biệt là các chế phẩm miễn dịch học dùng vào mục đích chẩn đoán bệnh. Trong nhiều thành công ấy có thành công đầu tiên phát hiện ra kháng nguyên Au bằng kỹ thuật miễn dịch đối lưu trong máu người Việt Nam (sau này người ta đổi tên thành kháng nguyên HbsAg là một dấu ấn để phát hiện nhiễm virus viêm gan B) và cảnh báo mức độ nhiễm virus viêm gan B cao ở quần thể người Việt Nam, thành công phát hiện kháng nguyên alpha-fotoprotein ở người ung thư gan nguyên phát – một bệnh rất phổ biến ở Việt Nam… Cụm công trình góp phần sản xuất các chế phẩm sinh học của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

    Cương trực, khách quan khi đối diện các học thuyết y học

    Ngoài tư duy biện chúng trong nghiên cứu khoa học, tính khách quan và cương trực của ông còn được thể hiện trong những dịp thảo luận học thuật y học.

    Thế hệ của Giáo sư Vũ Triệu An và các bạn đồng liêu của ông đã chứng kiến các cuộc đấu tranh cho chân lý của các luận thuyết sinh y học. Có những lúc cam go. Ví dụ như một thời, luận thuyết di truyền của Lư-Sen-Kô được đề cao và trở thành nội dung giảng dạy trong các trường của các nước xã hội chủ nghĩa và trái lại, học thuyết Măng-đen bị liệt vào loại phản động. Tình cảnh này đúng như những câu thơ mà một người bạn của ông đã thổ lộ sự ưu phiền trước kiểu tư duy “sùng bái chính trị” lúc bấy giờ: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sỹ”.

    Thực ra ngay khi học thuyết Măng-đen còn bị cấm truyền bá, ông đã tự nghiên cứu qua các nguồn thông tin hiếm hoi và đến khi học thuyết Măng-đen được cả thế giới công nhận, ngay những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, thế hệ của Giáo sư Vũ Triệu An đã nhanh chóng đưa những quy luật di truyền của Măng-đen vào các bài giảng sớm nhất trong bệnh học tại Đại học Y Hà Nội và dần dần hình thành những khái niệm của chương mục về bệnh lý di truyền hiện đại.

    Tính khách quan và cương trực của ông còn được thể hiện trong các ý kiến sắc sảo về quản lý khoa học. Trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, có lúc người ta xây dựng các phòng thí nghiệm dưới danh nghĩa “hiện đại hoá”, nhưng hoạt động không có hiệu quả và đã có lúc bị dư luận phê phán là trang bị “để làm triển lãm”.

    Trong nhiều hội nghị, chính Giáo sư Vũ Triệu An đã phê phán những biểu hiện hình thức và lãng phí ấy trong khoa học. Ông dạy học trò: phải có chủ đề khoa học mới tìm công nghệ, và từ công nghệ mới đi tìm loại máy móc để mua và trang bị thích hợp. Quan điểm của ông trái với việc làm của một số người lúc đó chỉ nhằm mua máy móc, nhưng không biết mua để làm vào việc gì, để rồi “đắp chiếu” và chỉ nhằm khoe rằng cơ sở “rất hiện đại”. Sự phê phán của ông đã làm phật ý một số người lãnh đạo vì họ đang muốn khoe “tính hiện đại” của trường hay viện nghiên cứu của họ.

    Ngẫm kỹ mà nói, ngày nay chúng ta hay nói tới chống tham nhũng và lãng phí, nhưng lãng phí trong mua sắm trang bị cho khoa học là một loại lãng phí ghê gớm vì nó lại được ngụỵ trang dưới ngôn từ như “thực hiện chủ trương hiện đại hoá cơ sở” mà ít ai biết và dám “sờ mó” đến các sự việc được viện cớ mang “tính chủ trương” ấy, hơn nữa trang bị nghiên cứu khoa học thường lại đắt tiền, không phải ai cũng thạo việc mua sắm để giám sát, ngăn cản được sự lắt léo trong mua sắm. Đến như chống dịch Covid – 19 được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nói là quan trọng và cần thiết như chống giặc, vậy mà có người còn nâng giá, thông đồng với nhà thầu để ăn chặn!!

    Đạo lý y học ( y đức) và đạo lý chính trị đồng hành  

    Khách quan và cương trực không chỉ có trong tư duy khoa học mà ở ông còn thể hiện ngay trong quan hệ hàng ngày với bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Không bệnh vực ai khi chưa rõ chứng cứ, nhưng cũng không trù ghét ai đến mức cay nghiệt ngay cả với người đã thành kiến với mình. Có lẽ một mặt là cương trực và mặt kia là sự tha thứ, khoan dung; hai mặt này trong con người ông là hai đức tính song hành và cộng hưởng với nhau.

    Giáo sư Vũ Triệu An ít khi thể hiện chính kiến của mình bằng các bài viết về chính trị. Đúng thế, ông quan tâm nhiều hơn đến chuyên môn khoa học kỹ thuật, ông luôn kiệm lời, không phát biểu theo kiểu “a dua” khi tranh luận về thời sự – chính trị. Vì lẽ ấy nên cũng có người nghĩ ông không cởi mở về chính kiến thời cuộc. Nhưng xét cho kỹ, ở ông, đạo lý y học và đạo lý chính trị có những nét biểu hiện tương đồng, đó là tính khách quan và cương trực. Ông không phải là Đảng viên. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn Giáo sư Tôn Thất Tùng, một người thầy lỗi lạc của y học Việt Nam, rằng: “Chú ở ngoài Đảng cũng là phục vụ Đảng”. Có lẽ trường hợp của Giáo sư Vũ Triệu An cũng là một trường hợp như vậy. Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và Huân chương Độc lập hạng nhì mà Đảng và Nhà nước ta đã tặng cho ông là một minh chứng cho lập luận này.

    Nói đến mục đích của môn học Sinh lý bệnh học là người ta nghĩ đến việc tìm ra quy luật trong bệnh học. Để được công nhận là quy luật, các lập luận phải có tiêu chí khách quan và trung thực. Có lẽ vì vậy bản tính của Vũ Triệu An đã dẫn dắt ông đến với môn học Sinh lý bệnh học và đã góp phần rất to lớn cho sự hình thành và phát triển môn học này trong y học ở Việt Nam. Ngược lại, say mê cống hiến cho sự phát triển của môn học này lại là cơ hội để bản lĩnh này của Giáo sư Vũ Triệu An thêm kết chín và thể hiện một cách đầy đủ trước tất cả học trò và đồng nghiệp. Ông là một cây đại thụ lớn nhất trong chuyên ngành Sinh lý bệnh học – Miễn dịch của nền y tế nước nhà.

    GSTSKH. Phạm Mạnh Hùng

    (Học trò của Giáo sư Vũ Triệu An)

    Sài Gòn, những ngày Thầy đã trên giường bệnh.

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều