Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Khác
    HomeSống ĐạoGóc suy ngẫmGiá trị của lời nói

    Giá trị của lời nói

    Lời nói là thông điệp của tình thương và trí tuệ, chúng ta hãy thực hành đúng đắn theo “Chánh ngữ” và “Ái ngữ” mà đức Phật đã chỉ dạy để bồi đắp tâm từ bi, huân tập các thiện pháp để không còn chấp trước vào “cái tôi” tai hại, từ đó thăng tiến trên con đường tu học của mình.

    Nếu “ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn”, thì “lời nói là cửa ngõ của nhân cách con người”. Thật vậy, có thể khẳng định rằng, lời nói có vai trò quan trọng trong đời sống. Bởi lẽ, nó không những là một phương tiện giao tiếp, biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình đối với mọi người xung quanh, mà còn thể hiện nhân cách, đạo đức của một con người trong xã hội.

    Dưới góc nhìn xã hội, lời nói tuy vô hình nhưng lại có tác động to lớn đối với cuộc sống thường nhật. Bằng lời nói, chúng ta có thể giúp người khác cảm nhận được sự hạnh phúc và hỷ lạc, nhưng cũng có thể khiến họ sống trong sự căm ghét và hận thù. Cuộc sống có lẽ luôn chứa đựng biết bao bộn bề, lo toan, vất vả… và làm tâm tư trở nên sầu muộn, ưu phiền và tuyệt vọng. Trước những chướng duyên ấy, một lời động viên đúng lúc có thể khiến họ vơi bớt nỗi buồn đau, từ đó tạo thêm niềm tin và hy vọng để vươn lên, vượt qua hoạn nạn, khó khăn để có đủ nghị lực đương đầu với những giông bão, hướng đến những giá trị đích thực của đời người.

    Nếu “ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn”, thì “lời nói là cửa ngõ của nhân cách con người”.

    Nếu “ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn”, thì “lời nói là cửa ngõ của nhân cách con người”.

    Một câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội như một lời nhắn nhủ, một thông điệp nhẹ nhàng về sức mạnh của lời nói từ Quà Tặng Cuộc Sống. Câu chuyện kể rằng vào buổi sáng đẹp trời nọ, một bầy ếch rủ nhau vào rừng dạo chơi. Nhưng do bất cẩn, hai chú ếch chẳng may trượt chân rơi xuống một cái hố sâu. Trong tình thế hiểm nguy, những chú ếch trong bầy vội đến bên miệng hố để tìm cách ứng cứu. Thế nhưng, sau khi thử mọi cách, chúng thấy cái hố quá sâu để cứu hai chú ếch xấu số. Cả bầy tuyệt vọng nói với hai chú ếch dưới hố rằng, họ chỉ còn biết chờ đợi cái chết mà thôi. Bỏ ngoài tai những lời bình luận đó, hai chú ếch cố sức nhảy lên khỏi hố. Nhưng thay vì động viên, cổ vũ, những con ếch kia lại khuyên hai chú đừng nên phí sức mà hãy sớm chấp nhận số phận của mình.

    - Advertisement -

    Sau những nỗ lực không thu lại được kết quả, một chú ếch nghe theo lời khuyên của bầy ếch trên bờ, bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong tuyệt vọng. Trong khi đó, chú ếch còn lại tiếp tục nỗ lực và cuối cùng, chú cũng nhảy được lên bờ. Lúc này, cả bầy ếch vây quanh chú và hỏi: “Anh không nghe thấy những gì chúng tôi nói à?”. Câu trả lời chính là, thì ra chú ếch này bị lãng tai. Chú tưởng cả bầy ếch đang động viên chú trong suốt thời gian qua. Ấy thế mới thấy được, mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên, khích lệ, có thể trở thành động lực giúp cho người đang trong bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn, nhưng cũng có những lời nói có thể giết chết một người trong tình thế tuyệt vọng.

    Người con Phật chúng ta, phải luôn tâm niệm và thực hành nói lời ái ngữ.

    Người con Phật chúng ta, phải luôn tâm niệm và thực hành nói lời ái ngữ.

    Dưới lăng kính của Phật giáo, giá trị của lời nói đã được đức Phật đã chỉ dạy qua nhiều bài kinh, như kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy bốn điều về khẩu nghiệp là không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt; Chánh ngữ trong Bát chánh đạo hay Ái ngữ trong Tứ nhiếp pháp, là một trong các phương pháp thực hành hạnh từ bi, đưa đến giải thoát khỏi sanh tử, khổ đau… Qua ý nghĩa của các bài kinh ấy, tựu trung lại, Ngài muốn nhắn nhủ người con Phật chúng ta, phải luôn tâm niệm và thực hành nói lời ái ngữ. Lời nói ấy chân thành, nhân ái, dịu dàng, hòa nhã và xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tình yêu thương đối với mọi người xung quanh. Một giọng nói êm ả, lễ độ, ngọt ngào, từ tốn, thành thật, ngay thẳng, rõ ràng, sáng suốt sẽ dễ cảm hóa lòng người, có thể hướng dẫn người vào chánh đạo như lời dạy của đức Từ phụ trong kinh Pháp Cú:

    “Dầu nói ngàn ngàn lời

    Nhưng không gì lợi ích

    Tốt hơn một câu nghĩa

    Nghe xong, được tịnh lạc”.

    (Phẩm Ngàn, kệ 100).

    Trong một tập thể, luôn có những quy định được đặt ra nhằm đạt được sự thống nhất chung trong sinh hoạt, học tập, lao động.

    Trong một tập thể, luôn có những quy định được đặt ra nhằm đạt được sự thống nhất chung trong sinh hoạt, học tập, lao động.

    Khi sống chung trong một tập thể dưới mái già lam thân thương này, tuy mỗi chúng ta, bản thân có sự khác biệt về huyết thống cha mẹ sanh ra, nhưng nay đã xuất gia theo đấng Phật đà, sống đời phạm hạnh, cùng các chư huynh đệ trưởng thành từng ngày trong dòng pháp nhũ của đức Từ phụ, cùng theo Sư phụ tu tập trên con đường giác ngộ, thế nên phải luôn luôn hòa hợp, sống hòa thuận, có những lời nói động viên, sách tấn nhau trên những chặng đường tu học sắp đến… Đó là chưa kể đến trên quãng đường tu tập ấy, không phải lúc nào cũng trải đầy hoa và cỏ thơm, mà đôi lúc cũng có những chướng duyên nghịch cảnh. Khi đó, chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng, yêu thương được tưới tẩm bởi tình pháp lữ, tình đệ huynh, cũng đủ để cùng nhau vượt qua.

    Như ca dao Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tuy khác giống nhưng cùng nương một giàn mà lớn tốt, thì còn phải thương yêu nhau, để khi mưa bão hay phong ba thì còn giúp nhau bám trụ mà duy trì sự sống, vượt qua khó khăn mà vươn cành đón nắng mai buổi sớm. Cũng vậy, huynh đệ chúng ta cùng nhau vượt qua chướng ngại, đón ánh nắng giáo pháp tưới mát tự tâm thức trong hoài bão xuất thế của mình, bằng những lời chia sẻ, động viên nhau trên những bước đường tu hành thì thật hạnh phúc thay! Ấy thế mới thấy giá trị của lời nói tuy vô hình, nhưng sức mạnh thì không thể hạn lượng được.

    Khi đã hiểu được giá trị của lời nói chính là thông điệp của tình thương và trí tuệ, chúng ta hãy thực hành đúng đắn theo “Chánh ngữ” và “Ái ngữ” mà đức Phật đã chỉ dạy để bồi đắp tâm từ bi, huân tập các thiện pháp để không còn chấp trước vào “cái tôi” tai hại, từ đó thăng tiến trên con đường tu học của mình.

    Khi đã hiểu được giá trị của lời nói chính là thông điệp của tình thương và trí tuệ, chúng ta hãy thực hành đúng đắn theo “Chánh ngữ” và “Ái ngữ” mà đức Phật đã chỉ dạy để bồi đắp tâm từ bi, huân tập các thiện pháp để không còn chấp trước vào “cái tôi” tai hại, từ đó thăng tiến trên con đường tu học của mình.

    Thế nhưng, có đôi lúc, chúng ta đã không làm chủ được bản thân mình mà buông ra những lời nói cay nghiệt, làm đau khổ, tổn thương những người bên cạnh ta, những người luôn đồng hành cùng ta mỗi khi ta gặp chướng ngại. Như người xưa đã từng nói: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” (bệnh tật đi vào bằng đường miệng, tai họa từ miệng mà ra). Chính lời nói sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của công việc. Nó có thể gây ra tai họa do những lời nói không đúng đắn theo pháp, không đúng chỗ và không đúng lúc. Trên thực tế, chính những lời nói khó nghe đã dẫn đến sự bất hòa, tạo nên sự ganh ghét lẫn nhau trong các mối quan hệ đời sống xã hội.

    Cũng vậy, trong một tập thể, luôn có những quy định được đặt ra nhằm đạt được sự thống nhất chung trong sinh hoạt, học tập, lao động. Với mục đích cao đẹp ấy, chúng ta không nên vận dụng một cách “cứng nhắc”, hoặc sử dụng những quy định ấy như một công cụ, phương tiện để thể hiện cho quyền uy, thế lực đối với các cá nhân sống trong cùng một tập thể thanh tịnh, hòa hợp. Khi có trường hợp vi phạm quy định, thay vì dùng những lời nói cay nghiệt, đe dọa về những hình phạt mà họ phải gánh chịu, khiến cho họ phải bất an, đau khổ, lụy phiền, thì chúng ta có thể dùng những lời lẽ nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía, từ đó họ có thể được cảnh tỉnh mà thay đổi, hoàn thiện bản thân mình. Khi đó, tinh thần trách nhiệm và ý thức của họ sẽ được nâng cao, bởi niềm tin về tấm lòng từ bi như được thắp sáng bởi tình huynh đệ thuận hòa giữa một tập thể thanh tịnh. Ở đó sẽ không còn sự ganh đua, hơn thua, tật đố, mà chỉ còn những lời nói góp ý, xây dựng trong sự tôn trọng, quý kính và yêu thương.

    Dưới lăng kính của Phật giáo, giá trị của lời nói đã được đức Phật đã chỉ dạy qua nhiều bài kinh, như kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy bốn điều về khẩu nghiệp là không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt.

    Dưới lăng kính của Phật giáo, giá trị của lời nói đã được đức Phật đã chỉ dạy qua nhiều bài kinh, như kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy bốn điều về khẩu nghiệp là không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt.

    Nói tóm lại, khi đã hiểu được giá trị của lời nói chính là thông điệp của tình thương và trí tuệ, chúng ta hãy thực hành đúng đắn theo “Chánh ngữ” và “Ái ngữ” mà đức Phật đã chỉ dạy để bồi đắp tâm từ bi, huân tập các thiện pháp để không còn chấp trước vào “cái tôi” tai hại, từ đó thăng tiến trên con đường tu học của mình.

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều