Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Khác
    HomeĐời Sống Xã HộiĐời sống quanh taDịch giả Đông Phong: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cho...

    Dịch giả Đông Phong: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cho bản thân và cho mọi loài”

    Chúng ta cần thực tập hạnh phúc chân thực, hạnh phúc đến từ cái thấy đúng đắn dựa trên những điều Bụt dạy. Khi mỗi người có hạnh phúc thực sự như thế, tự bản thân sẽ biết hành xử tôn trọng và thương yêu Trái đất, và những thiên tai, dịch bệnh cũng không còn cơ hội xuất hiện.

    Năm 2013, tập sách “Tâm tình với đất mẹ” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xuất bản tại Việt Nam, mang đến góc nhìn mới mẻ về môi trường sống của con người, giúp con người suy nghĩ thấu đáo, quay về xây dựng lại mối quan hệ bền vững hơn với Trái đất – nơi thiền sư gọi bằng một cái tên trìu mến là: mẹ Đất.

    Sách được dịch từ bản tiếng Anh sang Tiếng Việt với văn phong như một bài kinh văn đầy biết ơn, ngợi ca về mẹ Đất. Ở mỗi phần chương mục, đều được mở đầu bằng câu “Kính lạy Mẹ”, từ đó khơi nguồn cho những tâm tình được giãi bày, người đọc như đang chứng kiến một cuộc trò chuyện, thủ thỉ đầy yêu thương của tác giả cùng mẹ Đất. Tập sách được coi là một hồi trống báo hiệu hiện tượng tiếp cận và hình thành của một tuệ giác mới, có khả năng đem lại sự tổng hợp kỳ diệu giữa Phật học, khoa học, tôn giáo và triết học.

    Bìa sách

    Bìa sách “Tâm tình với đất mẹ” phiên bản 2020. Ảnh: Lương Đình Khoa.

    Tháng 2/2020, công ty Cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books) phối hợp với NXB Văn hóa Văn nghệ cho ra mắt phiên bản mới của tập sách “Tâm tình với đất mẹ” qua phần dịch và biên tập của Đông Phong.

    - Advertisement -

    Đông Phong tên thật là Nguyễn Bảo Ân, sinh năm 1990. Anh tốt nghiệp ngành Tâm lý học tại ĐH Văn Hiến TP.HCM, sau đó tiếp tục theo học cao học tại ĐH Sư phạm TP.HCM, và hiện đang là Thạc sỹ ngành Tâm lý học với nhiều nghiên cứu và hướng dẫn thực hành, đặc biệt mảng ứng dụng chánh niệm (mindfulness) vào Tâm lý học ứng dụng nói chung và trong tham vấn, trị liệu tâm lý nói riêng.

    Vốn là một Phật tử trẻ, có nhân duyên tiếp xúc với pháp tu của Làng Mai từ năm 20 tuổi, nên “Tâm tình với đất mẹ” phiên bản mới năm 2020 được dịch lại từ bản thảo tiếng Anh của thiền sư Thích Nhất Hạnh với lối văn phong đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn đậm “chất” Làng Mai, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung thêm những nội dung mới liên quan đến hướng dẫn thực tập, trị liệu dành cho độc giả.

    Đặc biệt hơn, độc giả không phải “người thứ 3” chứng kiến cuộc trò chuyện giữa tác giả tập sách với đất mẹ như văn phong ở phiên bản cũ, mà được trực tiếp tham dự, lĩnh hội những lời chia sẻ, như đang lắng nghe một bài pháp thoại từ thiền sư, được thiền sư nói với chính mình. Vượt lên trên ý niệm về môi trường, cuốn sách còn đưa đến cho người đọc thông điệp thiêng liêng hơn, đó là trách nhiệm và sự biết ơn đối với cội nguồn.

    Phật tử Lương Đình Khoa đã có buổi trò chuyện cùng dịch giả Nguyễn Bảo Ân để khám phá thêm những thông điệp thú vị về môi trường từ một Phật tử trẻ cũng như phiên bản mới năm 2020 của tập sách “Tâm tình với đất mẹ”.

    Dịch giả Đông Phong.

    Dịch giả Đông Phong.

    PV: Nhân duyên nào khiến bạn quyết định dịch lại cuốn sách “Tâm tình với đất mẹ”?

    – Ban đầu chị Tổng biên tập Saigon Book có liên lạc, nhờ tôi biên tập lại bản sách cũ của cuốn sách này, dựa trên sách mới là bản tiếng Anh. Sau khi đọc, đối chiếu thì tôi nhận thấy nội dung hai bản khác nhau khá nhiều, nên có báo và dịch lại. Và tôi đã dành thời gian và tâm thái thật thong dong, thảnh thơi tại Đà Lạt để dịch và hoàn thiện cuốn sách.

    “Tâm tình với đất mẹ” phiên bản mới năm 2020 chỉ giữ lại một phần trong sách cũ là “Mười lá thư thương yêu dành cho đất mẹ”, còn lại nội dung có thể nói là khác từ 85 -90% so với bản in tiếng Việt trước. Cụ thể ở đây là khác ở ngôn ngữ và các ý chuyển tải trong tập sách.

    Nếu bản cũ là phần giảng kinh điển thì bản mới thiên về những ứng dụng, hướng dẫn trị liệu dành cho độc giả, thực tập tình thương đối với Đất mẹ. Sách được xuất bản theo hợp đồng chuyển giao bản quyền giữa Đại diện tác giả và Saigon Books, có tham chiếu bản tiếng Anh “Love letter to the Earth” do Parallax Press ấn hành năm 2013, và bản in tiếng Việt của Nắng Mới năm 2012 tại Đức.

    PV: Bạn nhận được giá trị gì sau khi đọc và dịch xong cuốn sách này?

    – Khi biên tập tác phẩm này mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm. Một lần tôi đi bộ đến chỗ giữ xe, ở góc ngã tư Trương Định và Nguyễn Du có một cây điệp vàng. Gió thổi làm cho những chiếc lá và những cánh hoa rơi xuống – một cảnh tượng hết sức bình thường nhưng hôm ấy đối với tôi lại là một cảnh tượng rất hùng vĩ. Giờ phút ấy, tôi thấy rằng tôi cũng chính là những chiếc lá và những cánh hoa kia, đều là con của Đất mẹ. Chúng tôi là một, có khác chăng là tôi biểu hiện như một con người còn chiếc lá cánh hoa biểu hiện với hình hài riêng của mình. Khi thấy được như vậy tôi rất hạnh phúc và tự do.

    Giá trị lớn nhất tôi nhận được từ tập sách này chính là cái thấy vượt qua chủ nghĩa nhị nguyên. Chúng ta và Trái đất chính là một, nếu bảo vệ trái đất chính là bảo vệ chúng ta.

    Dịch sách là một công việc không chỉ đòi hỏi người dịch nắm chắc về vốn ngoại ngữ nói chung, mà am hiểu cả kiến thức về lĩnh vực mình đang thực hiện dịch để không chỉ bám sát văn bản mà còn chuyển tải được tối đa tinh thần, phong cách của tác giả. Qua phiên bản mới của “Tâm tình với đất mẹ” năm 2020, không khó để cảm nhận bạn là một Phật tử trẻ đã tiếp xúc với pháp tu của Làng Mai. Vậy nhân duyên biết đến đạo Phật, biết đến Làng Mai của bạn như thế nào?

    Trong gia đình tôi, có bà ngoại tôi là một Phật tử. Dù bà chưa quy y và biết không nhiều chữ, nhưng bà vẫn cố gắng học thuộc 12 đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm và trì tụng, niệm Phật mỗi tối. Có lẽ đó là những hạt giống đầu tiên về Phật giáo để ươm mầm tâm linh cho tâm hồn tôi.

    Tôi biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai cũng phải hơn 10 năm rồi. Tác phẩm đầu tiên của Thiền sư tôi được đọc là “Phép lạ của sự tỉnh thức”. Thông qua tác phẩm này, tôi đã có một cái nhìn mới về hạnh phúc: hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Và từ đó, tôi đã tìm hiểu nhiều hơn về Thiền sư và pháp môn của Làng Mai.

    PV: Cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào khi có sự thực tập và ứng dụng của đạo Phật và các phương pháp tu tập của Làng Mai?

    Dịch giả Đông Phong tại khóa tu tại làng Mai Thái Lan.

    Dịch giả Đông Phong tại khóa tu tại làng Mai Thái Lan.

    Lần đầu tôi được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ở khóa tu “Giờ đây bên nhau” tại Làng Mai Thái Lan năm 2013. Khi biết đến Làng Mai, tôi hiểu Bụt và những lời dạy của Bụt một cách thiết thực hơn. Từ đó tôi thương Bụt nhiều hơn, và cũng thương bản thân, thương những người xung quanh nhiều hơn. Và khi thương rồi, thì tôi học cách ứng xử một cách hài hòa, bớt nóng tính hơn qua mỗi ngày.

    Cũng từ đạo Phật, tôi ứng dụng vào ngành Tâm lý học mình đang theo đuổi. Luận văn tốt nghiệp cao học của tôi tại ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh chọn đề tài “Thích nghi bảng hỏi năm khía cạnh chánh niệm”.

    Tôi có một văn phòng nhỏ sau lưng Chợ Bến Thành làm về hỗ trợ tâm lý. Những lời dạy của thầy Nhất Hạnh đang được tôi thực hành và hỗ trợ cho chính tôi cũng như những người đến với tôi. Hiện tại, hướng thực hành và nghiên cứu của tôi là ứng dụng chánh niệm vào Tâm lý học ứng dụng nói chung và trong tham vấn, trị liệu tâm lý nói riêng. Tôi cũng tập trung vào những người trẻ có nhu cầu đặc biệt, và đang ấp ủ về dự án nghề cho các bạn khuyết tật.

    PV: Theo bạn, người trẻ cần có thái độ nghiêm túc như thế nào, và phải làm gì để chung tay bảo vệ đất Mẹ và môi trường sống của chúng ta?

    – Tôi nghĩ không chỉ là người trẻ mà tất cả chúng ta nên dừng việc rong ruổi tìm cầu để quay về với bản thân, lắng nghe bản thân nhiều hơn. Sự quay về đó giúp thân tâm được lắng dịu, ta sẽ hiểu được tiếng lòng của ta, nhận diện được những điều kiện hạnh phúc sẵn có chung quanh mình mà không cần phải tìm cầu hạnh phúc ở đâu hết.

    Chính cái thấy như vậy giúp chúng ta không làm tổn hại đến địa cầu để đạt được những thứ mà ta nghĩ rằng cần có được nó ta mới thực sự hạnh phúc. Và từ đó, mỗi người sẽ có một cái nhìn khác về Trái đất, thay đổi thái độ và những ứng xử của mình với môi trường. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cho bản thân mình và cho mọi loài.

    Chúng ta cần thực tập hạnh phúc chân thực, hạnh phúc đến từ cái thấy đúng đắn dựa trên những điều Bụt dạy. Khi mỗi người có hạnh phúc thực sự như thế, tự bản thân sẽ biết hành xử tôn trọng và thương yêu Trái đất, và những thiên tai, dịch bệnh cũng không còn cơ hội xuất hiện. Nguyện cho tất cả mọi loài đều có cơ hội được tiếp cận ánh sáng chân lý và tình thương của Bụt.

     

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều