Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Khác
    HomeTin TứcĐêm nhạc “Chiếc Lá Thu Phai” do BVH GHPGVN TP.HCM tổ chức...

    Đêm nhạc “Chiếc Lá Thu Phai” do BVH GHPGVN TP.HCM tổ chức tại TV. Khánh An

    Đêm 18/08/2018, trước thềm Vu Lan PL. 2562, trong khuôn khổ Khóa tu “Có Mặt Cho Nhau Lần Thứ 24”, Ban Văn Hoá GHPGVN. TP.HCM đã tổ chức đêm nhạc “Chiếc lá thu phai” tại Tu viện Khánh An.

    Tham dự có TT. Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Văn hoá Trung ương, Trưởng ban Văn hoá GHPGVN. TP.HCM, ĐĐ. Thích Chí Giác Thông, Phó ban K. Chánh Thư ký, ĐĐ. Thích Tâm Hoa, Phó ban, ĐĐ. Thích Lệ Minh, Phó ban, ĐĐ. Thích An Nhiên, Ủy viên TT, NS. Chơn Tịnh, Ủy viên TT, ĐĐ. Thích Trung Hiếu, Chánh Văn phòng Ban Văn hoá GHPGVN. TP.HCM,  Đạo diễn – Diễn viên Việt Trinh cùng một số văn nghệ sĩ tại TP. HCM, với hơn 300 Thiền sinh khoá tu tham dự.

    Trong đêm nhạc này, những ca khúc vượt thời gian của cố nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn sẽ được vang lên với âm thanh du dương và trầm lắng. Mỗi ca khúc của ông là cả sự chiêm nghiệm trong cuộc sống, là các triết lý sâu sắc đi vào lòng người, sống mãi với thời gian với những ca từ ngân vang mãi trong tâm thức những người yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật.

    - Advertisement -

    Trong lời khai mạc, Thầy Trí Chơn phát biểu về “Chiếc lá thu phai” trong nhạc Trịnh. Thầy nói hãy nhìn Chiếc Lá thu phai để thấy “Đoá Hoa Vô Thường” đi qua cuộc đời người. Thầy nói chúng ta luôn đi tìm kiếm cái hạnh phúc bên ngoài, chẳng những nơi “đường dài hun hút cho mắt em sâu” mà còn “Đi lên non cao, đi về biển rộng” …  để đến một lúc “Cát bụi mệt nhoài”, để đến một lúc “Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời”.

    “Chiếc lá thu phai” là một bài pháp sinh động để ta chiêm nghiệm lại chính mình, chiêm nghiệm về kiếp người “trăm năm vào chết một ngày”. Đêm nhạc có sự góp mặt của các ca sĩ Đài Trang, Duy Hưng, Nhật Thanh, Quỳnh Như, Phương Thảo, Thế Vinh,  Trí Đức, Xuân Thuỵ, Kim Lệ, Trương Hân, Kim Chi, Ngọc Hoà, Miên Trường . . . Cùng với điệu đàn của Ban nhạc Đình Phước, Nguyễn Luật.

    Đặc biệt tiếng kèn harmonica và đàn … một tay của nghệ sĩ Thế Vinh. Chỉ có một tay nhưng những ngón tay của anh đã lướt trên phím đàn với những âm thanh tuyệt diệu.

    “Chiếc Lá Thu Phai. nói gì? Nói rằng: “Mùa xuân quá vội/Mười năm tắm gội/Giật mình ôi chiếc lá thu phai/Người đâu mất người/Đời tôi ngốc dại/Tự làm khô héo tôi đây”. Cuộc đời vốn vô thường và kiếp sống của con người chỉ là chuỗi ngày ngắn ngủi mà thôi. Cho nên kiếp người cũng mong manh như một “chiếc lá thu phai” vào một chiều nào đó rụng cành trong cảm giác hư hao, nhỏ bé. Cái lẽ hợp tan, được mất, đi hay về, hạnh phúc hay đau khổ là tất yếu.

    Sau 16 khúc hát, qua lời dẫn, lời bình của Nữ sĩ Đăng Lan, Thầy Thích Lệ Minh đã thay mặt BTC kết thúc đêm nhạc với những chia sẻ quý báu.

    Thầy ví cuộc đời của mỗi người cũng như một chiếc lá: mùa xuân đâm chồi nảy lộc, mùa hạ lá xanh biêng biếc và mùa thu lá đã vàng phai. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã từng khắc khoải hoài niệm trong Tiếng thu “Em không nghe mùa thu/Lá thu kêu xào xạc/Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô” hay Chiều Xuân của Chế Lan Viên “Ai đâu trở lại mùa thu trước/Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?”.

    Ai nhìn chiếc lá cũng có những suy ngẫm, và đối với chúng ta khi nhìn lại chiếc lá ta thấy cuộc đời cũng rất vô thường nhưng may mắn thay với những nhạc khúc tự tình của Trịnh Công Sơn chúng ta luôn sống trọn niềm vui, dâng lên những tặng phẩm từ bi, trí tuệ làm đẹp cho đời để ngày hôm nay với chiếc lá thu phai, khi nhìn lại tiến trình sinh, già, bệnh, chết chúng ta không còn gì phải nuối tiếc.

    Đức Phật đã dạy trong một ngày nếu ta sống tỉnh thức thì không sợ gì thời gian làm phai úa, sống 100 năm không hiểu Phật pháp không bằng sống 1 ngày biết được giá trị của chân lý nhiệm màu.

    “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/Sẽ lấy được những gì/Về bên kia thế giới”. Vậy ngay trong lúc này ta hãy chắt chiu, gieo những hạt từ tâm, khai mầm tuệ giác, thăng hoa cuộc sống tâm linh và đây là hành trang màu nhiệm nhất để rồi sau này khi thành những chiếc lá vàng phai theo năm tháng và tiếp tục cho tiến trình tái sinh thì đời sau của chúng ta sẽ màu nhiệm hơn, hạnh phúc hơn.

    Và chiếc lá thu phai trong mùa Vu lan thắng hội là cơ hội để ta nhìn lại công đức sinh thành, công ơn dưỡng dục của các bậc phụ mẫu để ta tinh tấn hơn sao cho “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn trên mắt mẹ nghe con”, hãy cố gắng bồi đắp những tháng ngày còn lại cho những chiếc lá thu kia được trọn tình chữ hiếu.

    Đêm nhạc đã tinh tế gửi đến những Thiền sinh những suy tư, trăn trở của Trịnh Công Sơn về cả một kiếp người trong cuộc sống. Kết thúc đêm nhạc là ca khúc “Hãy yêu nhau đi”. Bài hát đã khép lại vẹn nguyên những niềm tin, hy vọng vào cuộc đời này dẫu có thế nào thì cũng “Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối” và “Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau” chúng ta sẽ “Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều”.

    Đó là cái mà người yêu nhạc Trịnh đã cảm trong âm nhạc của cố nhạc sĩ. Chúng ta trôi mênh mông và tan ra với đời này thành cái vô hạn vô bờ, vì đời người không ngắn ngủi, phận người không tàn phai đâu, tôi sẽ là em của ngày mai và em là tôi trong những ngày nối tiếp…

    Tin, ảnh: Trung Pháp – Ngọc Ánh

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều