Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
Khác
    HomeĐời Sống Xã HộiĐạo Phật là linh hồn của dân tộc

    Đạo Phật là linh hồn của dân tộc

    Mãi mãi Phật giáo Việt Nam luôn tồn tại cùng bản hoài của dân tộc và bản nguyện của chư Phật. Thầy chỉ mong các con trân trọng, hiểu rõ và giữ gìn truyền thống. Đừng để đạo Phật trên quê hương mình bị mai một đi.

    Con thương!

    Bản chất của đạo Phật không có ta hay tàu. Nghĩa là bặt cả năng sở. Điều ấy, được Lục Tổ Huệ Năng nói với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, ngay từ khi mới bước chân vào học đạo, hỏi thiền. Ngài nói : “Người tuy có nam bắc, nhưng Phật tánh vốn không có bắc nam”.

    Chính tư tưởng được dân tộc Trung Quốc xem là tư tưởng thượng thừa của thiền tông, đáng sánh ngang cùng các bậc thánh nhân như Khổng Tử, Lão Trang lại xuất phát từ một gã tiều phu bị xem là mọi rợ của Lĩnh Nam (Việt Nam). Có thể nói nếu không có Lục Tổ Huệ Năng, sẽ không có sự phát triển rực rỡ của Thiền Tông Trung Quốc đến nay.

    - Advertisement -

    Thậm chí, ngược về dòng lịch sử nếu không có sự truyền giáo của các nhà sư Việt Nam, sẽ không có nền móng cho sự phát triển của Phật giáo Đại Thừa của Trung Quốc. Thiền Uyển Tập Anh ghi nhận cuộc đàm luận giữa thiền sư Thông Biện và Thái Hậu Phù Thánh Linh Nhân (Ỷ Lan) (khi bà hỏi về nguồn gốc Đạo Phật Việt Nam vào dịp các cao tăng trong nước tập hợp tại chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc – Hà Nội) vào ngày rằm tháng 2 năm 1096) Thông Biện dẫn chứng lời pháp sư Đàm Thiên (542-607 TL) đối thoại với Tùy Cao Đế (541-604): “Một phương Giao Châu, đường sang Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông (Trung Hoa) chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn 20 ngôi, độ tăng hơn 40 người, dịch kinh được 15 quyển, vì nó có trước vậy, vào lúc ấy thì đã có Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó”. Nhưng theo dòng thời gian, chiến tranh nguy biến, những dấu tích ấy đã bị xóa nhòa đi. Trung Quốc mãi xem Việt Nam là cái gai trong mắt của họ.

    Dù gán cho đất nước Việt Nam là tiểu nhược, những mãi mãi họ không thể xóa nhòa đi hai chữ “Lĩnh Nam” trong các văn bản Pháp Bảo Đàn Kinh, khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn hỏi Huệ Năng: “Ông là người Lĩnh Nam mọi rợ man di, làm sao có thể cầu thành Phật?”. Tất nhiên, trong tâm thức của bậc giác ngộ, rốt ráo không còn sự phân biệt. Chính vì vậy mới gọi là dĩ tâm truyền tâm. Dù đất nước Trung Quốc có thừa nhận hay không, dòn thiền Bát nhã mãi là một triết học sống động của người dân Việt Nam, chính Phật giáo Trung Quốc đã kế thừa tư tưởng đó, để tồn tại đến bây giờ.

    Khác với Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam luôn tôn trọng và thừa nhận sự tiếp biến văn hóa từ có dòng truyền của Phật giáo Trung Hoa. Đấy là đặc tính cao đẹp của dân mình. Dù vậy, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc, càng không vì sự ảnh hưởng đó mà đánh mất đi dân tộc tính trong sức sống của mình. Cho nên, Phật giáo đã trở thành cái nôi của Văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính cái nôi ấy, đã từng ươm mầm và nuôi lớn Phật giáo Trung Quốc trong những bước đầu và thời đại hoàng kim trong lịch sử thiền tông Trung Hoa vào thời lục tổ Huệ Năng.

    Sự ứng dụng thiền học khéo léo và mạnh mẽ đã là nên lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam vào thời đại Lý – Trần. Đã đưa dân tộc tai thoát thai từ bóng đêm bắc thuộc đến nền độc lập vững vàng. Từ vua Lí Bí, cho đến các bậc vua hiền, tướng giỏi về sau, đều đón nhận lấy sức mạnh tự chủ quật cường của các bậc thiền sư lỗi lạc. Cũng nhờ “Phật giáo còn văn hóa còn, văn hóa còn đất nước còn”. Vì Phật giáo không khoan nhượng cho cường quyền áp bức, thúc đầy mọi người vươn lên để cứu khổ sinh. Phật giáo đến đâu, đã trở thành trái tim của linh hồn dân tộc đó.

    Tuy có thể đồng cảm, nhưng không thể đồng quê hương xứ sở. Tuy có thể san sẻ cho nhau tất cả, nhưng không thể bỏ qua quyền lợi của dân tộc. Vì phụng sự quốc gia theo thuyết tứ ân là bản hoài người con Phật. Nhà sư có thể liều mình tự thiêu với tinh thần đấu tranh bất bạo động để lên tiếng cứu nguy cho dân tộc. Nhưng họ cũng thể từ giã Tăng bào, để khoác lên mình manh chiến bào. Tất cả quần chúng Phật tử sẽ cam lòng chịu khổ cùng nỗi quặn đau của dân tộc. Vì lý tưởng Bồ tát là hạnh nguyện xả thân. Chẳng phải xả thân để giết người nơi đầu chiến tuyến, mà họ đang xả thân để ngăn chặn cái ác. Họ sẵn sàng gánh mọi nghiệp báo về mình để gìn từng tấc đất non sông. Đó là tiếng gọi thiêng liêng của đạo pháp và dân tộc.

    Đó là lý do tại sao có hội nghị Diên Hồng để tất cả mọi người cùng hô vang là: “Đánh!”. Chính sự đoàn kết toàn dân, bởi tinh thần Phật giáo, đã làm nên sức mạnh ấy. Chúng ta chưa hề tự khi mình là quốc gia tiểu nhược. Thiền sư Quảng Nghiêm, thời Lý đã nói: “Làm trai có chí xông trời thẳm, chớ giẫm Như Lai bước đã qua”( Nam nhi tự hữu sung thiên chí, Hưu hướng Như Lai hành xứ hành). Sau ba lần đánh thắng quân Mông- Nguyên, đức vua Trần Nhân Tông vẫn tự tại khoát áo nâu sòng. Nhìn lại các quốc gia Phật giáo khác, như thời vua Lương Võ Đế, vẫn kiên cường tự thủ, nhưng tại sao lại mất thành? Đây là nét đặc thù trong tư tưởng thiền học Việt Nam, trôi chảy thị vị nhẹ nhàng, trầm hùng mà sâu lắng.

    Nên xét về mặt bản thể, chúng ta vẫn thấy rõ sức giải thoát tự tại của Phật giáo Việt Nam. Chẳng có gì để chúng ta chối bỏ, hay mang mặc cảm tự ti để chạy theo những hình thức Phật giáo ngoại lai nào. Dù Phật giáo thuần túy vốn không phụ thuộc vào màu da hay sắc áo. Nhưng thầy luôn nhấn mạnh với các con rằng, các là người Việt Nam cần phải hiểu rõ các giá trị truyền thống trong dòng văn hóa Việt Nam.

    Có thể các con sẽ học hỏi rất nhiều từ Phật giáo nước bạn, nhưng không vì thế các con có quyền xem nhẹ truyền thống đạo Phật Việt Nam. Bởi những gì các con đang học, có đôi khi đó là những gì nhẫm lẫn giữa văn hóa nước bạn và cốt lõi đạo Phật. Còn đứng về mặt cõi lõi của đạo Phật, ở bất cứ truyền thống nào cũng vậy, phải nhận chân ra được thói quen chấp ngã của mình, mạnh dạn buông bỏ nó xuống, mới có được trí tuệ chân thật. Hay nói cách là tự tại tuyệt đối. Đó là trí tuệ Bát nhã.

    Sở dĩ, thầy khuyên các con niệm Quán Âm, vì giáo pháp căn bản của ngài là lòng từ bi đặt trên nền tảng tánh không. Nơi ấy, có đủ Trí Tuệ, Từ Bi và Phương Tiện. Đây là đường lối thực hành căn bản của đạo Phật. Không những vậy, tinh thần cứu khổ của Bồ tát Quán Âm, đã ăn sâu vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam. Sự ứng thân của Ngài là ở động Hương Tích Việt Nam. Tức hình tượng của ngài là biểu trưng cho cả tư tưởng của đạo Phật Việt Nam. Bởi không có trí tuệ bát nhã, thì không thể phát xuất ra dòng thiền đốn ngộ của Lục tổ Huệ Năng được. Niệm Quán Âm, tức là ứng dụng tình thương và sự hiểu biết của mình để làm lợi lạc cho tha nhân. Học Phật là để thành Phật, bằng cách đem từ bi và trí tuệ vào đời.

    Mãi mãi Phật giáo Việt Nam luôn tồn tại cùng bản hoài của dân tộc và bản nguyện của chư Phật. Thầy chỉ mong các con trân trọng, hiểu rõ và giữ gìn truyền thống. Đừng để đạo Phật trên quê hương mình bị mai một đi. Không cần phải vay mượn bất kì một hình thức nào từ truyền thống khác. Bởi chỉ có một con đường đi thẳng vào đất vô sanh. Đó là cái lõi của Phật giáo Việt Nam. Dù ở đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào, các con cũng phải tự nhớ mình là người Phật tử, đầy đủ tinh thàn tự tôn của dân tộc. Đó là “từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh”.

    Cứ đi, rồi sẽ đến. Thầy đợi các con từng ngày!

    Chí Ngu Lữ Khách

     

     

    - Advertisement -
    Tin tức khác
    - Advertisment -

    Xem nhiều